Tình người trong kháng chiến, kiến quốc qua ca dao Phú Yên là tình yêu thương giống nòi; tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia ngọt bùi, lòng nhân nghĩa thủy chung. Cao nhất là tấm gương dũng cảm, hy sinh quyền lợi, hạnh phúc riêng vì lợi ích dân tộc và sự ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Hậu phương thương tiền tuyến
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rất nhiều đoàn quân Nam Tiến và lực lượng bộ đội chủ lực từ các địa phương miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ. Vùng núi và nông thôn Phú Yên là nơi tiếp nhận, trung chuyển, đồng thời cũng là căn cứ, là hậu phương trực tiếp bảo vệ lực lượng cách mạng, cung cấp hậu cần thiết yếu cho các lực lượng vũ trang, nhất là với các chiến sĩ nơi căn cứ:
Ai lên dốc Mõ nhắn chừng,
Hỡi người Vệ quốc xin đừng quên em.
Lạy trời chân cứng đá mềm,
Em xin gánh gạo gởi thêm cho chàng…
Mỗi khi trời chuyển mùa, mưa gió, tiết trời lạnh giá, những người ở hậu phương luôn thương nhớ các chiến sĩ ngày đêm nơi chiến trường chịu đựng gian nan vất vả, vững tay súng đánh đuổi giặc ngoại xâm:
Đêm khuya gió lạnh mùa đông,
Quân ta nghèo áo giàu lòng hy sinh.
Hậu phương êm ấm gia đình,
Gởi cho chiếc áo đắp tình máu xưa.
Cô gái Phú Yên còn dành tình thương gửi đến những người Vệ quốc đoàn, nỗi niềm thương mến ấy thật xúc động:
Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em em chịu, ướt Vệ quốc đoàn em thương…
Mưa to sấm chớp sáng trời,
Thương người vệ quốc không tơi, không nhà.
Hình ảnh người chiến sĩ trên đường hành quân ra mặt trận, tình cờ gặp cô gái Phú Yên đang đào hầm cắm chông giết giặc, dù chỉ lướt qua, nhưng hành động của người chiến sĩ dành cho cô gái qua lời hỏi thăm đã nói lên sự gần gũi, gắn bó tình cảm quân dân:
Thấy em cuốc cuốc, cào cào,
Dừng chân anh hỏi: Được bao nhiêu hầm?
Mồ hôi vai áo ướt đầm,
Thương em sức yếu đào hầm, cắm chông.
Ca dao còn là nơi để gửi tâm trạng của những người phụ nữ Phú Yên có chồng đi đánh giặc, dù phải lo toan, gánh vác mọi công việc gia đình nhưng họ không hề kêu ca, phàn nàn, không thở than, khóc lóc, không bi lụy mà biến nỗi nhớ, tình thương ấy thành những hành động, việc làm thiết thực vì nước, vì dân:
Chặt tre cài bẫy vót chông,
Tre bao nhiêu lá thương chồng bấy nhiêu.
Bởi trong trái tim họ đã nguyện thề, một lòng chung thủy, đợi chờ trước sau, và điều sâu xa nhất trong tình cảm đó là họ hiểu chỉ thật sự hạnh phúc khi trong tim luôn có bóng hình người mình thương yêu:
Cá sông kho với lá gừng
Hậu phương tiền tuyến, xin đừng quên nhau
Các nghệ sĩ trình bày khúc dân ca thể hiện tình người trong kháng chiến. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc, chồng nơi chiến tuyến, vợ ở lại hậu phương. Thương chồng, người vợ gác mọi thú vui riêng, tranh thủ thời gian và dành toàn tâm toàn lực làm những việc có ích cho chồng:
Ai kêu, ai hú bên sông,
Em đang dệt vải cho chồng em đây.
Tình cảm yêu thương dành cho chồng còn được người vợ gửi vào lời ru con ngủ. Qua lời ru ấy, người mẹ như muốn truyền thêm cho con hơi ấm của tình cha đang làm nhiệm vụ vì nước, vì dân. Bồi đắp tình cảm gia đình là khởi đầu cho những tình cảm rộng lớn hơn, đó là tình thương yêu con người, yêu quê hương, đất nước:
Ru con con ngủ cho lâu,
Cha còn diệt thù ở chốn phương xa.
Bao giờ yên nước yên nhà,
Sau ngày độc lập thì cha sẽ về.
Tình người trong kháng chiến qua ca dao Phú Yên không chỉ dành riêng người thân trong gia đình hay lực lượng bộ đội chính quy mà còn có cả những người dân quân, du kích đang ngày đêm canh giữ sự bình yên xóm làng:
Trời mưa ướt ngọn mía mưng
Ướt em em chịu, ướt dân quân em buồn.
Tình người trong kháng chiến không chỉ bó gọn ở phạm vi hẹp gia đình hay trong huyện, trong tỉnh mà luôn rộng mở, nhất là với những người con ưu tú từ quê hương Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và các tỉnh khác có mặt trong đoàn quân Nam tiến, trong lực lượng bộ đội chủ lực đã chiến đấu anh dũng, nhiều người đã hy sinh trên chiến trường Phú Yên:
Ai về Nam Định, Ninh Bình,
Gửi theo nắm gạo nghĩa tình miền Trung.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền mới ra đời đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Ca dao Phú Yên đã góp phần tuyên truyền nhiệm vụ kiến thiết đất nước.
Sân khấu hóa sinh hoạt thường ngày của người dân trong kháng chiến. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Khích lệ người dân chống giặc đói, diệt giặc dốt
Ca dao Phú Yên về tình người trong kiến quốc thường ngắn gọn, dễ nhớ dễ thuộc, động viên, khích lệ tinh thần người dân tham gia phong trào chống giặc đói, diệt giặc dốt do Chính phủ phát động. Trong phong trào chống giặc đói, người con đã có lời ngỏ với mẹ già:
Mẹ ơi bỏ quách ăn trầu,
Để con phá hết vườn cau con trồng,
Con trồng thêm bắp thêm bông,
Bông bắp no lòng ấm cật hơn cơm.
Trong phong trào xóa nạn mù chữ từ đồng bằng đến trung du miền núi, các lớp học bình dân được tổ chức rộng khắp ở thôn, xóm. Trên các con đường vào làng, vào chợ đều có cổng đố chữ, ai biết chữ mới được vào. Hình thức đố chữ khi vào chợ làm cho ai cũng tự thẹn khi chưa biết chữ, từ đó khích lệ tinh thần nỗ lực học tập của các tầng lớp nhân dân. Khí thế sôi nổi trong phong trào bình dân học vụ ở Phú Yên được ca dao phản ánh sinh động:
Bình dân học vụ,
Rủ hết các nơi.
Lớp học giữa trời,
Có người đứng hỏi.
Người nào học giỏi,
Thì mới được đi.
Nếu chưa biết gì,
Thì về học lại.
Ngày ấy, việc học chữ, biết chữ cũng là một tiêu chuẩn để người phụ nữ Phú Yên khi đó lựa chọn bạn đời trăm năm:
Không ham nhan sắc anh đâu,
Ham người biết chữ để bầu người thay.
Không ham bồ lúa anh đầy,
Ham anh biết chữ làm thầy bình dân.
Biết chữ không chỉ là tiêu chuẩn để phụ nữ chọn chồng mà cũng là tiêu chuẩn để người phụ nữ gìn giữ hạnh phúc, mái ấm gia đình:
Cô kia má đỏ hồng hồng,
Cô không biết chữ nên chồng bỏ đi…
Ca dao Phú Yên về tình người trong kiến quốc còn thể hiện việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân dùng hàng nội hóa, bài trừ việc sính dùng hàng ngoại hóa của thực dân, đế quốc. Việc dùng hàng nội là khuyến khích sản xuất phát triển, thể hiện tinh thần xây dựng quê hương, đất nước:
Vải mình, mình dệt, mình may,
Dẫu còn thô thiển, cũng tay mình làm,
Mua chi ba tít, trang đầm,
Là nuôi lũ giặc, là lầm mưu gian.
Trên 100 năm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc và ảnh hưởng nặng nề các lễ giáo phong kiến, biết bao tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại trong đời sống xã hội. Để kiến thiết nước nhà, ca dao Phú Yên thời kỳ này góp phần hướng dẫn, động viên nhân dân xây dựng nếp sống mới, thực hiện bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan:
Dừa cao thì có thang trèo,
Ốm đau có thuốc, đừng theo bóng đồng…
Làm nông thì có cuốc cày,
Ốm đau có thuốc, đừng bày bói pha.
Trong hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập, trước muôn vàn khó khăn, việc những người kinh doanh trốn thuế, gian lận thuế không chấp hành nộp thuế cho Nhà nước là sai trái. Thơ ca bày tỏ sự không đồng tình nhưng lời lẽ nhẹ nhàng thể hiện vừa khôn khéo vừa tế nhị:
Đèn mờ còn có ánh trăng,
Chị khai gian dối còn anh thật thà.
Hay gì thu bảy nói ba,
Mưu toan trốn thuế ai mà tin cho.
Tình người trong kiến quốc qua ca dao Phú Yên thể hiện rất sâu sắc sự sẻ chia những khó khăn giữa đồng bào ở vùng tự do với đồng bào vùng địch chiếm đóng:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Giúp vùng bị chiếm là thương giống nòi.
Khó có thể diễn tả hết được nội dung hàm ý về tình người trong kháng chiến, kiến quốc mà ca dao Phú Yên đã thể hiện, xin mượn câu ca dao sau để nói lên phần nào tình cảm sâu nặng, trọn đầy:
Phú Yên tình nghĩa nặng dày,
Khánh Hòa nhớ mãi biết ngày nào quên.
Tình người trong kháng chiến, kiến quốc qua ca dao Phú Yên là di sản văn hóa quý báu của vùng đất có lịch sử trên 400 năm hình thành và phát triển. Di sản ấy tiếp tục được kế thừa, phát triển trong thời kỳ mới để động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng Phú Yên ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
NGUYỄN HOÀI SƠN