Thứ Ba, 03/12/2024 13:23 CH
Ký ức tháng 3 lịch sử
Thứ Sáu, 18/03/2022 08:53 SA

Ông Trần Văn Thu bên bàn thờ Bác của gia đình. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hình ảnh của những ngày tháng 3 rực lửa, bừng bừng khí thế của chiến trường Phú Yên năm ấy vẫn còn in sâu trong ký ức của các chứng nhân lịch sử: Nguyễn Văn Trúc, Trần Văn Thu, Nguyễn Văn Nhâm…

 

Bây giờ, có người cũng đã ngót nghét ở tuổi 90, nhưng khi kể về những ngày tháng 3/1975 lịch sử, ở họ vẫn còn nguyên sự minh mẫn cũng như bầu nhiệt huyết của thời trai trẻ.

 

Tháng ba rực lửa tiến công

 

Ông Nguyễn Văn Trúc, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 thời điểm tháng 3/1975, nhớ lại: “Khi có chủ trương sẽ giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976), chúng tôi được triệu tập quán triệt nghị quyết và thể hiện quyết tâm giải phóng quê hương đất nước trong thời gian sớm nhất có thể. Khi quân ta đánh vào giải phóng các tỉnh Tây Nguyên thì cục diện xoay chuyển nhanh chóng. Lúc ấy, Khu ủy 5 ra lệnh Phú Yên đánh hỗ trợ Tây Nguyên. Ngày 17/3/1975, Tuy Hòa 2 phối hợp với Đại đội 202 xóa sổ Đại đội Bảo an nổi tiếng đóng ở núi Tranh (xã Hòa Quang); phối hợp với 1 đại đội của Tiểu đoàn 96 đánh từ Bầu Dục (Thọ Bình) xuống cầu số 10 (xã Hòa Định Đông)”.

 

Cũng trong thời gian này, Phú Yên nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, chuẩn bị “đón” tàn quân địch từ Tây Nguyên rút xuống. Theo đó, quân ta vừa chống càn vừa củng cố lực lượng. Bên địch quyết định đổ quân giải phóng đường 7 (nay là quốc lộ 25) để đưa quân tiếp viện Tây Nguyên, chúng cho một Đại đội Bảo an càn lên phía xã Hòa Phong thì bị Tiểu đoàn 96 chặn đánh tiêu diệt. Ngày 23-24/3/1975, khi tàn quân của địch đổ xuống đường 7, Tiểu đoàn 96 hành quân phối hợp Sư đoàn 320 tấn công đánh vào giải phóng Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Sau đó, huyện Tuy Hòa 2 chuẩn bị đón tiếp bộ phận hậu cần của Sư đoàn 320.

 

Ông Trúc nhớ lại: “Đại đội Công binh tiến hành tháo gỡ bom, mìn giải tỏa đường 7 cho xe đưa hàng xuống Phú Sen. Ngày 28/3, Tuy Hòa 2 đón tiếp Trung đoàn 2 đánh mũi chính diện; Tuy Hòa 1 tiếp Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 do đồng chí Hòa phụ trách đánh bộc xương ra phía ngoài TX Phú Vang, An Chấn. Ngày 30/3 hợp đồng tác chiến đến chiều 31/3 tập kết lực lượng. Lúc ấy mỗi người một nhiệm vụ, đồng chí Dương Điểm, Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách công an đi cùng Sở chỉ huy Trung đoàn 2; số cán bộ cấp ủy, sở, ban ngành đi cùng với các đại đội, tiểu đoàn bộ binh. Tôi với đồng chí Tấn Đạt đi cùng với Sở chỉ huy Sư đoàn 320. Sau khi đi khảo sát, bố trí địa hình xong vào lúc 5 giờ 30 ngày 31/3, bộ binh hành quân chủ yếu từ đường 7 dọc bờ sông Ba xuống, chờ đến giờ G tấn công giải phóng TX Tuy Hòa”.

 

Còn ông Trần Văn Thu, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, luôn khắc sâu những ngày cuối tháng 3/1975 ở chiến trường Phú Yên: Theo chỉ đạo của Khu ủy Khu 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt các ban ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã phổ biến kế hoạch nhiệm vụ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cho cuộc giải phóng miền Nam năm 1975. Ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, thị trấn Củng Sơn và toàn bộ huyện Sơn Hòa cũng được giải phóng, tôi cùng một số đồng chí nhận lệnh lên đường đến tiếp quản huyện Sơn Hòa. Khi đến nơi, chúng tôi phối hợp cùng lực lượng địa phương truy kích tàn quân địch, đồng thời xây dựng thành lập Ủy ban quân quản và vận động chuẩn bị lực lượng địa phương sẵn sàng cho cuộc chiến cuối cùng.

 

Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Tuy Hòa 1 Nguyễn Văn Nhâm cũng nhớ như in về thời khắc lịch sử ấy: Tháng 3/1975, chiến trường Tuy Hòa vô cùng ác liệt. Để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng huyện, xã, Tiểu đoàn 203, Tiểu đoàn 14 đánh vào các chốt điểm địch ở Tuy Hòa 1 và mở rộng liên hoàn từ 3-5 xã giành đất cắm cờ. Quân ta lần lượt nổ súng tấn công đánh từ chốt Núi Một (nay thuộc xã Hòa Tân Tây) đánh ra ga Gò Mầm xuống tới Hòa Thành, giáp với Phú Lâm. Địch co cụm dã ngoại trên bãi cát sông Ba. “Lúc này, tôi được phân công phụ trách phối hợp với Tiểu đoàn 14, đánh các chốt điểm ở Xuân Phường (Hòa Thành) qua Phú Lâm và mũi ở Phú Đa (Hòa Tân). Quân ta đánh chiếm tới đâu là cắm cờ đến đó, nhưng chỉ trong vòng hơn tuần thì địch đổ quân từ Khánh Hòa ra hỗ trợ đánh quyết liệt nên quân ta tạm thời rút lui vào căn cứ”, ông Nhâm kể.

 

Ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, quân địch từ Tây Nguyên tháo chạy xuống Củng Sơn, đến Thạnh Hội qua sông Ba xuống đường 5 về đồng bằng Tuy Hòa. Các đơn vị bộ đội tỉnh tổ chức phục kích đánh tiêu diệt, chặn đường “rút lui chiến lược” của chúng. Sau đó, Tỉnh ủy tổ chức lực lượng, phối hợp giữa bộ đội chủ lực với địa phương tiếp tục tấn công giải phóng TX Tuy Hòa. Ông Nhâm nhớ lại: “Khi đó, tôi được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản, mỗi người một nhiệm vụ vừa cùng lực lượng tiến công giải phóng TX Tuy Hòa vừa làm nhiệm vụ tiếp quản. Khi quân ta đánh đến Phú Lâm, tôi được đưa lên mũi xe tăng sang đường 7 tiến vào TX Tuy Hòa. Lúc giải phóng thị xã, các cơ quan của tỉnh chưa xuống nên chúng tôi tạm thời tiếp quản và ở tại trụ sở của ngụy tới ba tuần, được bà con đón tiếp nồng hậu và nấu cơm cho ăn”.

 

Ông Nguyễn Văn Trúc kể lại những ngày tháng 3/1975 lịch sử. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Tự hào tuổi thanh xuân

 

Ông Nguyễn Văn Trúc - sau này là Quyền Bí thư Tỉnh ủy, trải lòng: “10 năm trên chiến trường ác liệt, nhiều lần bị thương suýt chết, tôi vẫn luôn thấy mình may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tự hào về tuổi thanh xuân, tôi cũng luôn dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của bao đồng chí, đồng bào”.

 

Còn ông Nguyễn Văn Nhâm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, ông tiếp tục làm nhiệm vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Tuy Hòa 2. Từ đó đến nay, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, cao nhất là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho đến nghỉ hưu, ông Nhâm vẫn luôn tự hào về những năm tháng tuổi trẻ mình đã cống hiến cho quê hương, nhất là những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975.

 

Là cán bộ tập kết ra miền Bắc tháng 2/1955, trở lại miền Nam năm 1961… sau ngày giải phóng tháng 4/1975, ông Trần Văn Thu lần lượt kinh qua nhiều vị trí công tác: Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Đồng Xuân; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân An (hợp nhất 2 huyện Tuy An và Đồng Xuân); Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Phú Khánh; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Khánh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đến năm 1995 nghỉ hưu.

 

Với vai trò là Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên từ khi nghỉ hưu đến nay, ông Thu đã góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh. Hiện tại 100% xã trong tỉnh đều có hội làm vườn với trên 40.000 người tham gia. Nhiều mô hình làm vườn, trồng cây ăn quả ở huyện Phú Hòa, TX Đông Hòa…, chăn nuôi bò ở huyện Sông Hinh đạt hiệu quả kinh tế cao. 

 

Hồi ấy, sức trẻ, lý tưởng, tình yêu quê hương đất nước nên ai ai cũng hăng hái, sẵn sàng ra trận. Có lẽ điều ấy đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ…, bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy bâng khuâng, rạo rực.

 

Ông Trần Văn Thu, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek