Gần 33 năm trong quân ngũ, đến khi trở về với đời thường, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tuấn Dũng ở khu phố Phú Hòa, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ.
Ông là một trong những người đã tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cách đây gần 50 năm.
Nhiệm vụ đặc biệt
Ông Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước; cha mẹ tham gia Việt Minh kháng chiến và các anh chị đều tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Mới 14 tuổi, tiếp bước cha anh, Nguyễn Tuấn Dũng tham gia công tác binh địch vận ở xã Hòa Hiệp. Ông được tổ chức phân công nhiệm vụ liên lạc, rải truyền đơn, dán pano… Hiệp định Geneve chia cắt hai miền Nam - Bắc, đến năm 1956 cơ sở bị lộ, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Ngọc Lãng rồi chuyển sang nhà lao Khu chiến khoảng 9 tháng. Vì không khai thác được gì nên địch thả ông về. Tiếp tục hoạt động cách mạng, nhiều lần ông bị địch bắt rồi lại thả. Đến tháng 11/1959, ông thoát ly ra căn cứ vào Đội vũ trang tuyên truyền Tỉnh đội, hoạt động ở Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An...
Năm 1961, Khu ủy Khu 5 chủ trương giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị giam giữ ở Phú Yên và giao cho Đảng bộ, quân và dân Phú Yên nhiệm vụ đặc biệt này. Ông Dũng nhớ lại: Tối 28/10/1961, tỉnh điều động Đại đội 220, một trung đội tập trung của Tuy Hòa 2 và trinh sát tỉnh tập kết ở suối Dứa (phía đông Kim Sơn), An Thọ, Tuy An. 17 giờ ngày 29/10/1961, tổ đặc công và trinh sát ở núi Chóp Chài đến điểm hẹn “mả bà Dũ Ký” (phía bắc núi Chóp Chài) lót sẵn. Đúng hẹn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đi xe đạp từ TX Tuy Hòa ra, anh em nhanh chóng ra đón. “Lúc này, trời có mưa phùn nhưng còn sáng, sợ địch phát hiện nên anh em nhanh chóng đưa Luật sư qua phía tây sườn núi giấu xe đạp, thay quần áo đen rồi chờ trời tối để vượt qua đồng Màng Màng”, ông Dũng kể.
18 giờ tổ trinh sát do ông Dũng phụ trách cùng đồng chí Hải - Đại đội trưởng đưa 2 trung đội của Đại đội 220 vượt đồng Cẩm Tú xuống bìa tây đồng Màng Màng đón lực lượng đưa Luật sư lên. Đúng 20 giờ hai bên gặp nhau. Đến 7 giờ 20 ngày 30/10/1961, Luật sư về đến dốc Tranh thì dừng lại nghỉ 15 phút rồi tiếp tục vượt suối Dứa đến Hòn Lúp. 16 giờ, cả đoàn tiếp tục di chuyển về căn cứ Hòa Thuận (Sơn Hòa) an toàn. Sáng 1/11/1961, trinh sát, đặc công và một bộ phận của Đại đội 375 đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về căn cứ Phước Tân an toàn. Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy đến đón và đưa Luật sư về cơ quan Tỉnh ủy. Sau đó 3 ngày, đồng chí Nguyễn Lầu (Tỉnh đội trưởng) về và chuẩn bị tổ chức đưa Luật sư về Trung ương theo điện mật của Bộ Chính trị.
Tiểu đoàn trưởng đặc công
Sau khi cùng với đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra vùng căn cứ an toàn, ông Dũng về lại đơn vị tiếp tục công tác cho đến năm 1963, được điều về cơ quan Tỉnh đội Phú Yên làm đồ bản. Giữ chức Trung đội trưởng Trinh sát (Tiểu đoàn BB85) một năm, ông được cử đi học Trường Đặc công trinh sát quân báo Quân khu 5 (Quảng Ngãi). Sau khi tốt nghiệp, ông về làm trợ lý quân báo Tỉnh đội một thời gian và tiếp tục được cử đi học khóa cán bộ tiểu đoàn ở Quân khu 5 (Quảng Nam). Trải qua nhiều cương vị công tác, từ trợ lý quân báo phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968; Tham mưu trưởng, Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 14 đặc công, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tuy Hòa 1, nhiệm vụ nào ông Dũng cũng hoàn thành tốt. Đặc biệt, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 đặc công, ông Dũng đã chỉ huy nhiều trận đánh địch lớn, nhỏ. Trong đó, ông nhớ nhất là trận tập kích địch tại cầu Lưới Gõ (nay thuộc xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa). “Đại đội 7 của Tiểu đoàn 14 nhận lệnh cấp trên tiêu diệt chốt cầu Lưới Gõ. Vào 17 giờ ngày 28/4/1971, đơn vị xuất phát từ căn cứ Hòn Bà, đến 1 giờ ngày 29/4 cả hai mũi bí mật mở rào và ém sát các mục tiêu quy định. 1 giờ 30, cả bốn tổ dùng thủ pháo, lựu đạn bất ngờ tiến công đồng loạt các mục tiêu. Địch không đối phó kịp, bị tiêu diệt ngay trong lô cốt công sự. Cả hai mũi phát triển chiến đấu nhanh gọn. Chưa đầy 10 phút nổ súng, quân ta đánh chiếm các mục tiêu, làm chủ trận địa. Trong trận này, quân ta tiêu diệt 40 tên và 7 tên bị thương, thu 4 súng, 2 máy PRC-25, vũ khí còn lại ta tổ chức phá hủy”, ông Dũng kể.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, địch sử dụng nhiều lực lượng tiến công quyết liệt để chiếm các xã Hòa Tân, Hòa Bình (Tuy Hòa 1). Chúng đưa Đại đội Bảo an lên chốt ở núi Một để thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm cắm cờ giành giật lại thế chiến trường. Do vậy, cấp trên chỉ thị đánh tập kích chốt núi Một (nay thuộc xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa). Vào lúc 19 giờ ngày 24/9/1973, Tiểu đoàn 14 đặc công hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng (núi Chai). 23 giờ 30, cả ba mũi tiếp cận sát rào, cắt lớp rào thứ nhất. Giờ nổ súng là 9 giờ ngày 25/9. Mũi chủ yếu (C1) cắt rào thứ hai. Địch báo động trước giờ quy định nổ súng 3 phút. Toàn bộ địch trên 2 khu vực đều dùng các loại súng bắn ra chung quanh rào và bắn pháo sáng. Quân ta nằm im hơn 5 phút thì địch chấm dứt báo động, do vậy giờ nổ súng lùi lại 20 phút.
“Đúng 0 giờ 20, mũi chủ yếu dùng B40 bắn sập 2 lô cốt (có đại liên) toàn bộ lực lượng vượt qua một lớp rào đơn trong cùng nhanh chóng thọc sâu chia cắt đánh chiếm các mục tiêu. Ta tiêu diệt 1 đại đội bảo an và 1 trung đội dân vệ, làm chết và bị thương 75 tên (có trung úy Thuần - Đại đội trưởng) và thu được 15 súng (có 2 đại liên), 1 máy PRC-25”, ông Dũng nhớ lại.
Tham gia giải phóng Campuchia
Đầu năm 1974, Tiểu đoàn 14 đặc công hoàn thành nhiệm vụ và giải thể theo lệnh Quân khu 5, chỉ để lại Đại đội 7 trực thuộc Tỉnh đội ở chiến trường Tuy Hòa 1. Ông Dũng được điều về làm Trợ lý đặc công Quân khu 5 cho đến khi giải phóng miền Nam, ông chuyển qua làm Trợ lý quân báo - tác chiến, sau đó làm trợ lý thư ký cho thiếu tướng Lư Giang (Phó Tư lệnh Quân khu 5), rồi làm thư ký cho trung tướng Hoàng Minh Thảo (Phó Tư lệnh Quân khu 5) - người trực tiếp chỉ huy giải phóng mặt trận tuyến phòng thủ Phan Rang.
Sau ngày giải phóng, ông Dũng làm Trưởng Ban Quân báo Tỉnh đội Đắk Lắk, rồi đi học Viện Quân sự Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, viện giữ lại làm giáo viên chiến thuật nhưng vì lý do sức khỏe nên sau đó ông được điều về Quân khu 5, rồi làm Phó Tham mưu trưởng, Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Đắk Lắk. Đến năm 1979, tham gia giải phóng Campuchia, ông là Chủ nhiệm Trinh sát mặt trận Đông Bắc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn, ông về công tác ở Tỉnh đội Đắk Lắk, tham gia truy quét tổ chức phản động Fulro. Năm 1987, ông nghỉ hưu về sinh sống cùng gia đình hiện nay.
Về quê, ông được bà con địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung cho đến năm 1992. Năm 2004, ông được bầu làm Chủ tịch Hội tù Chính trị yêu nước phường Hòa Hiệp Trung cho đến nay.
Ông Phan Văn Quan, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Phú Hòa cho biết: “Ông Nguyễn Tuấn Dũng là bậc cao niên, có thời gian dài đóng góp trong quân ngũ. Ở khu phố có những sự kiện lịch sử hoặc cuộc họp gì có liên quan đều mời ông dự họp. Mỗi lần đoàn thanh niên sinh hoạt trong những ngày sự kiện của đất nước đều mời ông dự, nghe ông kể chuyện truyền thống. Những đóng góp ý kiến xây dựng của ông rất thiết thực trong sự phát triển ở địa phương”.
Gần nửa cuộc đời trong binh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Dũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng nhì; 2 Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang 1, 2, 3; Huân chương Chiến sĩ giải phóng 1, 2, 3; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Quyết thắng, Cơ giới. |
KHÔI NGUYÊN