Chủ Nhật, 24/11/2024 22:07 CH
Ký ức của nữ cựu binh kiên trung
Thứ Sáu, 14/08/2020 10:34 SA

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng câu chuyện mang thi thể đồng đội tại đồi Cây Da ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (nay là khu phố Đa Ngư, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) trong vùng địch tạm chiếm vẫn không phai mờ trong ký ức của nữ cựu chiến binh (CCB) Lê Thị Chuyện, nguyên Chính trị viên Huyện đội Tuy Hòa.

 

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng bà Chuyện vẫn còn minh mẫn với giọng nói hào sảng, cởi mở, quyết đoán. Trong suốt câu chuyện vào sinh ra tử thời kháng chiến chống Mỹ, đôi lúc bà trầm ngâm, ánh mắt bỗng sáng rực lên khi nhớ lại những lần thoát khỏi vòng vây của địch.

 

 

Bà Chuyện năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp

Quyết mang thi thể đồng đội trở về

 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở làng cát Hòa Hiệp, là người con thứ bảy trong gia đình có 9 anh chị em nên mọi người thường gọi bà là Bảy Chuyện.

 

Năm 1960, lúc vừa tròn 18 tuổi, Bảy Chuyện tham gia hoạt động cách mạng ở cơ sở, được tổ chức phân công nhiệm vụ liên lạc, chuyển những bức thư mật của cấp trên đến cán bộ ở các xã Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh... Mỗi lần nhận được thư, bà luồn vào lai áo để địch không phát hiện và chuyển an toàn. Đến năm 1961, xã thành lập lực lượng vũ trang, bà được bổ sung vào đội du kích mật. Nhiệm vụ của bà nặng nề hơn, vừa chuyển thư từ vừa canh gác, bám địch nắm tình hình để báo cáo lại cho cán bộ về địa phương làm nhiệm vụ. Ngoài ra, bà còn tuyên truyền, vận động người dân tham gia ủng hộ cách mạng, đấu tranh với địch.

 

Câu chuyện mang thi thể đồng đội trong vùng địch tạm chiếm của bà thời ấy cơ sở đều biết. Bà Chuyện nhớ lại: Năm 1963, địch càn đến thôn Phú Lạc, phát hiện trong hang núi Quéo có người của ta trú ẩn, chúng liền dùng lựu đạn cay thả xuống. Chúng bắt 3 cán bộ là đồng chí Thấy (Xã đội phó) và hai đồng chí Ban, Thế (đều quê Hòa Hiệp). Sau đó, chúng dẫn các đồng chí này lên đồi Cây Da (thôn Đa Ngư) bắn chết rồi vùi dưới cát, chỉ để ló chân. Chúng cho người canh, chờ người của ta đến lấy thi thể là bắn chết hoặc bắt sống.

 

Tổ chức của ta họp và bàn kế hoạch, phân công người đi lấy thi thể đồng đội về. Bảy Chuyện và Nguyễn Thị Hoa xung phong đảm nhiệm việc này. “Hôm ấy, tôi đi kiểm tra địa hình và nắm tình hình của địch, vận động bà con hỗ trợ. 9 giờ tối, tôi và đồng chí Hoa bò lên đồi. Sau khi quan sát cẩn thận, phát hiện không có địch theo dõi, chúng tôi mang từng thi thể đồng đội xuống dưới chân đồi, bên dưới có lực lượng hỗ trợ, sau đó đưa về an táng tại quê nhà an toàn. Lúc đó, tâm niệm duy nhất của tôi là phải bằng mọi cách đưa được các anh trở về dù phải hy sinh, chứ để các anh nằm như vậy thì thương lắm”, bà Chuyện xúc động nói.

 

Bắt quỳ lên lưỡi dao vẫn không hé nửa lời

 

Thời gian trôi qua, ký ức cứ xếp thành từng lớp. Niềm vui có thể quên đi, nhưng sự tổn thất, mất mát của đồng đội thì không bao giờ bà Chuyện thôi ám ảnh. Bởi có nhiều đồng đội đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, nhiều người may mắn được đưa về chôn cất tại quê nhà nhưng cũng không ít người bị địch bắt, bắn chết rồi vứt xuống sông, suối, bìa rừng hoặc thủ tiêu mất xác.

 

Sau khi được bầu làm Xã đội phó xã Hòa Hiệp, năm 1964, bà Chuyện được cấp trên đưa đi học lớp cán bộ xã đội do Tỉnh đội tổ chức và lớp chi ủy viên tại Sơn Hòa. Tháng 7 năm ấy, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Bà Chuyện nhớ lại: “Một lần khi đang làm nhiệm vụ thì tôi gặp địch đi càn. Tôi bị chúng bắt cùng với 5 đồng chí khác và giam vào xà lim ở quận Hiếu Xương (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa ngày nay). Vài ngày sau, chúng lôi tôi ra tra tấn, bắt quỳ lên lưỡi dao nhưng tôi vẫn không hé môi dù chỉ nửa lời. Một thời gian sau, vì không khai thác được gì, bọn chúng buộc phải thả tôi về”.

 

Vinh dự lớn nhất của bà Chuyện trong thời gian hoạt động cách mạng là bà được cử đi dự đại hội chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh, Quân khu 5 và toàn miền Nam. “Đoàn đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 5 lần ấy có 9 người ở các huyện trong tỉnh và các đơn vị Đại đội Đặc công 202, Tiểu đoàn BB85. Khi ra đến nơi tổ chức đại hội, được các đồng chí Quân khu 5 hỏi về chuyện lấy thi thể đồng đội, tôi thiệt thà kể lại đầu đuôi. Điều tôi bất ngờ và vinh dự là được đại diện đoàn Phú Yên ngồi trên hàng ghế Đoàn Chủ tịch đại hội. Cũng tại đại hội này, tôi được tặng 1 súng ngắn K54 và đồng hồ đeo tay của Liên Xô. Đây cũng là vật bất ly thân mà tôi luôn mang bên mình”, bà Chuyện nhớ lại. Sau đó, bà được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, nhưng vì bị bệnh nên không thể tham gia.

 

Bà Chuyện (thứ tư từ trái qua) cùng các chị em trong đơn vị nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 1965, bà Chuyện được tỉnh điều về làm Chính trị viên Huyện đội Tuy Hòa, đến năm 1966 làm Trợ lý dân quân của Tỉnh đội. Nhiệm vụ lúc này của bà nặng nề hơn. Bà liên tục đi công tác ở cơ sở, có khi nằm vùng để nắm tình hình địch rồi báo cáo, tham mưu lên cấp trên. Ngoài ra, bà còn tổ chức họp tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ cấp trên cho các huyện, xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến quần chúng…

 

Năm 1970, trên đường đi công tác từ Tuy Hòa 2 đến xã Hòa Thắng, bà bị địch phục kích bắn và bị thương ở chân. Máu ra nhiều, bà ngất lịm, nằm lại giữa cánh đồng Hòa Quang. Khi tỉnh dậy, bà tự băng bó vết thương rồi bò lên bờ ruộng thì gặp 3 đồng chí trinh sát ở Tỉnh đội đưa về Bệnh xá Quân y 12 điều trị. Vì vết thương bị nhiễm trùng nên bà được chuyển lên Bệnh xá Hồ Tây của Tỉnh đội phẫu thuật 6 lần mới giữ lại được gót chân.

 

Bà Bùi Thị Món (phường 5, TP Tuy Hòa), công tác cùng với bà Chuyện tại Tỉnh đội Phú Yên cho biết: “Thời ấy, chị Chuyện là lớp đàn chị, mỗi người một nhiệm vụ nhưng chị em sống với nhau rất vui vẻ, hòa thuận. Tôi thường đi cơ sở có khi cả tuần, nửa tháng chị em mới gặp nhau. Hồi chị Chuyện đi công tác bị địch bắn bị thương, tôi cùng một số đồng chí khác đã đưa chị ấy vào Bệnh xá Hồ Tây điều trị”.

 

Thanh thản niềm vui tuổi già

 

Sau khi điều trị lành vết thương, là thương binh hạng 3, không thể tiếp tục chiến đấu nên bà Chuyện được đưa về trại C thương binh an dưỡng. Và tại nơi này, bà đã gặp, nảy sinh tình cảm rồi kết duyên với thương binh Hà Phi Hùng (quê phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa), Trưởng trại C thương binh. Chồng của bà là bộ đội tập kết ra miền Bắc đến năm 1960 trở lại chiến trường Phú Yên làm Huyện đội phó Tuy Hòa 1. Năm 1964, trong lúc đi làm nhiệm vụ, ông Hùng bị địch bắn bị thương.

 

Năm 1974, hai vợ chồng bà cùng được ra miền Bắc an dưỡng ở Đoàn 583 (tỉnh Ninh Bình). Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 11/1975, bà cùng gia đình về quê, an dưỡng tại trại thương binh của tỉnh cho đến năm 1984 nghỉ hưu. Bây giờ, bà có cuộc sống an nhàn tuổi già cùng với con cháu tại phường 8, TP Tuy Hòa.

 

“Hồi ấy, ban ngày chúng tôi nằm hầm bí mật, ban đêm mới ra bên ngoài. Mỗi hầm bí mật thường chỉ có 2-3 người, nhưng hôm đó hầm của tôi có tới những 5 người. Trời thì nắng gắt, trong hầm không đủ không khí để thở, tôi bị ngất xỉu. May mà đồng chí Nguyện, Phó Bí thư xã Hòa Thắng nhanh trí dùng lưỡi lê chọt một lỗ trên nắp hầm để không khí vào. Nhờ vậy mà tôi không chết ngạt, sống đến bây giờ”, bà Chuyện nhớ lại.

 

Với những thành tích trong những năm tham gia kháng chiến, bà Lê Thị Chuyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba. 

 

Ở địa phương, cựu chiến binh Lê Thị Chuyện luôn hoàn thành nghĩa vụ của một công dân, sinh hoạt hội đều đặn. Còn ở gia đình, bà là người mẹ, người bà mẫu mực.

 

Ông Lê Cao Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 8

 

KHÔI NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek