Dưới cái nắng vàng dịu của mùa thu, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Thiều Giữ, Nguyễn Thị Tảng ở thôn Bình Chính, xã An Dân (huyện Tuy An). Năm nay, ông Giữ đã bước sang tuổi 87. Bà Tảng nhỏ hơn ông đúng một giáp. Ở tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ ân cần và chu đáo với ánh mắt sáng ngời yêu thương…
Khi nhắc đến mối duyên vợ chồng, bà Tảng bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình yêu giữa hai người, khởi nguồn từ chiến trường, nơi cả hai hiến dâng cả thời thanh xuân sôi nổi.
Tuổi trẻ xông pha cứu nước
Bà Tảng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (nay là khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa). Thân sinh của bà là cán bộ cách mạng chủ chốt ở làng cát Hòa Hiệp năm xưa; em trai tham gia đội vũ trang ở xã Hòa Hiệp đã hy sinh; mẹ thì bị giết trong vụ thảm sát của lính Nam Triều Tiên năm 1966.
Mới 16 tuổi, Nguyễn Thị Tảng xin tham gia hoạt động cách mạng và được phân công nắm tình hình của địch để cung cấp cho cơ sở. Với vóc dáng nhỏ nhắn, lanh lợi, cô bé Tảng len lỏi vào các ngõ ngách, từ làng trên đến xóm dưới - những nơi có mật thám nằm vùng để nghe ngóng tình hình địch rồi báo lại cho cán bộ cơ sở của ta.
Ngoài ra, cô còn tham gia vận động người dân đấu tranh chính trị. Đặc biệt, cô đã gửi nắm đất của Phú Yên ra miền Bắc cho Thuyền trưởng Tàu Không số 41 Hồ Đắc Thạnh trong sự kiện Tàu Không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào bến Vũng Rô hơn 55 năm trước.
Khi nhắc đến câu chuyện này, bà Tảng cười kể lại: “Cuối năm 1964, tôi và nhiều đoàn viên thanh niên trong xã được chọn vào đội dân công làm nhiệm vụ vận chuyển hàng ở bến Vũng Rô. Sau 2 tháng chờ đợi, tối 30 Tết Ất Tỵ, chúng tôi nghe thông báo chuẩn bị vận chuyển hàng từ dưới tàu lên, ai cũng vui mừng, háo hức xen lẫn hồi hộp. Sau khi vận chuyển xong hàng, chúng tôi cùng ăn Tết và giao lưu với thủy thủ tàu.
Lúc chia tay có anh cán bộ hỏi: Các em có gì gửi gắm ra miền Bắc không? Tôi được đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, người trực tiếp chỉ đạo ở bến Vũng Rô, bảo đứng lên phát biểu. Tôi xin thay mặt đoàn dân công, nhân dân Phú Yên chúc các anh thủy thủ thuận buồm xuôi gió, mạnh khỏe; chúc các anh tập kết ra miền Bắc mau hoàn thành nhiệm vụ trở lại quê nhà. Sau khi các thủy thủ lên tàu, tôi bốc nắm đất tại đó rồi gói vào chiếc khăn chạy theo gửi lên tàu và được thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tiếp nhận.
Tôi nói với các anh rằng, bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên trung, bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”. Sau khi tàu rời bến, đồng chí Trần Suyền khen: “Con nhỏ này ít tuổi mà nói được điều lớn lao!”. Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh cho biết nắm đất thiêng ấy đã được các thủy thủ nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển và hiện nay được đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân.
Sau chuyến vận chuyển hàng tại bến Vũng Rô, bà Tảng tích cực hoạt động cách mạng tại địa phương và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1967, bà được bầu làm Đội trưởng Đội đấu tranh chính trị xã Hòa Hiệp. Năm 1968, cơ sở bị lộ, bà bị địch bắt giam, tra tấn nhưng không khai thác được gì nên chúng thả bà. Sau đó, bà tham gia công tác ở huyện và được bầu vào Huyện ủy Tuy Hòa 1, giữ chức Phó Ban Địch vận. Ở cương vị nào, bà Tảng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn ông Thiều Giữ sinh năm 1933, quê xã An Dân, huyện Tuy An. Mới 13 tuổi ông đã tham gia vào đội du kích xã, tích cực hoạt động cách mạng. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, công tác tại đơn vị bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đến năm 1968, ông là lính Sư đoàn 23, trở lại chiến đấu trên chiến trường miền đông Phú Yên. Sau đó, ông được phân về làm chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 14. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 cho biết: “Ông Thiều Giữ là cán bộ có đạo đức tốt, hiền lành, gần gũi với anh em. Ông có trách nhiệm trong công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng của đơn vị, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Mặc dù có lúc hoạt động trên cùng địa bàn nhưng mãi đến nhiều năm sau, bà Tảng và ông Giữ mới tình cờ gặp nhau trong một cuộc họp của Đảng ủy xã Hòa Hiệp. Tuy ông Giữ có ý với bà Tảng nhưng không dám tỏ tình. Rồi mỗi người mỗi nhiệm vụ cho đến khi ông Giữ nhận nhiệm vụ về nằm vùng hoạt động trên địa bàn xã Hòa Hiệp và gặp cha của bà Tảng. “Hôm đó, ông Giữ xin phép được ở chung hầm bí mật với cha tôi.
Trong lúc tâm sự, ông Giữ nói là có tình cảm với tôi nhưng cha tôi không đồng ý. Vì vậy, ông Giữ đành giữ kín trong lòng. Một thời gian sau, ông ấy nhờ đồng đội dò ý nhưng tôi từ chối vì trong chiến tranh, hôm nay còn sống, ngày mai có thể hy sinh. Tôi muốn dồn hết tâm sức, tuổi trẻ cho nhiệm vụ, chờ khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì mới nghĩ đến chuyện riêng tư. Nhưng ông Giữ đeo bám dữ quá, đồng đội của tôi cũng thuyết phục nên tôi… gật đầu”, bà Tảng chia sẻ.
Những lúc rảnh rỗi, ông Giữ cùng bà Tảng ngồi đọc báo. Ảnh: KHÔI NGUYÊN |
Đám cưới trên rừng
Năm 1969, cơ quan đơn vị hai bên đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Không có người thân bên cạnh, ông Giữ nhờ ban chỉ huy của đơn vị đứng ra đại diện bên nhà trai. Còn bà Tảng có cha và đơn vị đứng ra đại diện cho họ nhà gái. “Đám cưới chiến trường giản dị, nhờ cơ sở họ mua được một ít bánh kẹo, rồi hái hoa rừng trang trí… Các đồng chí, đồng đội cùng nhau chúc phúc, vỗ tay reo hò. Đám cưới rất giản đơn nhưng chan chứa tình cảm thiêng liêng”, bà Tảng bồi hồi nhớ lại.
Sau đám cưới, mỗi người tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, có khi cả tháng trời ông bà mới được gặp nhau. Có khi đến 2 tháng, ông Giữ cùng đơn vị đi công tác ngang nhà thì ghé thăm bà. “Năm 1973, ông Giữ chỉ huy phục kích đánh địch đi càn từ nhà thờ Đông Mỹ (Hòa Vinh) lên thôn Phú Lương (Hòa Tân). Ông Giữ bị thương trong trận này phải đưa về bệnh xá điều trị. Khi tôi đi lên Huyện ủy họp mới biết tin, ghé thăm ở lại đó một ngày rồi lại lên đường đi làm nhiệm vụ.
Có lần ông ấy bị thương nhưng tôi đang học lớp tập huấn ở cơ sở nên một tháng sau mới đến thăm. Có lần tôi xuống cơ sở hoạt động thì cơ sở bị lộ, gặp địch càn lên đánh nhau. Tôi mang hàng rút về đơn vị nhưng bị lạc vào rừng. Lúc này, ông Giữ nghe tin, rất lo lắng nhưng đang làm nhiệm vụ nên ông chỉ biết nhờ đồng đội đi tìm. Sau ba ngày, tôi men theo bìa rừng tìm đường trở ra thì gặp được đồng đội đưa về”, bà Tảng nhớ lại.
Sau ngày giải phóng, bà Tảng theo về quê chồng, công tác ở ngành Thương nghiệp huyện cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu và được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Dân một nhiệm kỳ. Còn ông Giữ về làm chính trị viên ở Huyện đội Tuy An và có thời gian làm Quyền Bí thư huyện Tuy An cho đến khi nghỉ hưu.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, tay chân không còn nhanh nhẹn, tai đã nặng, nhiều thứ bị lãng quên nhưng khi nhắc đến chuyện tình giữa hai người trong thời kháng chiến, ông Giữ bảo: “Trong chiến tranh, yêu nhau là trao trọn niềm tin. Vợ chồng tôi may mắn hơn các đồng đội đã nằm xuống là được đoàn tụ trong ngày vui đại thắng cho đến hôm nay. Còn đồng đội, người còn, người mất, không có ngày trở về hoặc không lành lặn trở về với gia đình”.
Gia đình CCB Thiều Giữ là gia đình mẫu mực, luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Không chỉ tiên phong, vận động người dân thực hiện các chủ trương chính sách nông thôn mới, ông bà còn có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.
Ông Cao Việt Sĩ, Chủ tịch Hội CCB huyện Tuy An |
KHÔI NGUYÊN