Thứ Năm, 19/09/2024 08:36 SA
Lực lượng vũ trang Phú Yên trong kháng chiến
Thứ Ba, 18/08/2020 09:41 SA

Đội nữ pháo binh Tỉnh đội Phú Yên trên chiến trường trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (chụp lại ảnh tư liệu)

75 năm trước, ngày 12/6/1945 lực lượng vũ trang (LLVT) Phú Yên thành lập. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với những năm tháng gian lao mà anh dũng, LLVT tỉnh nhà đã từng bước trưởng thành và lập nên những chiến công to lớn.

 

Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày được thành lập với các đội tự vệ, các đội dân quân LLVT Phú Yên đã cùng nhân dân tỉnh nhà vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8/1945. 9 năm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân Phú Yên đã làm nên chiến thắng chiến dịch Át-lăng, góp phần đánh đuổi thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Từng bước trưởng thành, lập công xuất sắc

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình được lập lại, Hiệp định Genève được ký kết, chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đế quốc Mỹ lại hất chân Pháp can thiệp vào miền Nam xây dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm; dựng nên một chế độ độc tài, máy chém, nhà tù khắp miền Nam, buộc nhân dân miền Nam phải đứng lên đấu tranh.

 

Tháng 11/1959, tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở đó đề ra nghị quyết của tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng LLVT tỉnh nhà (chuyển từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn và bảo tồn lực lượng, sang thế cách mạng tiến công).

 

Tháng 10/1959, đoàn cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về đến Phú Yên gồm 32 đồng chí là cán bộ quân đội và dân chính đảng. Mỗi đồng chí mang về một khẩu súng tiểu liên, một súng ngắn, 2kg thuốc nổ TNT. Đây là lực lượng nòng cốt để phát triển LLVT và xây dựng phong trào cách mạng cho tỉnh.

 

Tháng 12/1959 tại buôn Ma Đao (Miền Tây), Trung đội vũ trang của tỉnh được thành lập đặt tên B95. Quân số 33 đồng chí, trang bị 1 súng tiểu liên, 1 súng trường, 1 súng ngắn còn lại là cung, ná... Sau khi thành lập trung đội, tổ chức đánh đồn Trà Kê (Sơn Hòa) giành thắng lợi trận đầu. Trận đánh Trà Kê giành thắng lợi chỉ ra sự đúng đắn của Nghị quyết Tỉnh ủy là phải xây dựng LLVT, phải đánh tiêu diệt để làm đòn bẩy cho việc đấu tranh chính trị.

 

Đầu năm 1960, trên cơ sở đội vũ trang B95 làm nòng cốt và vận động thanh niên địa phương bổ sung thành 3 đội vũ trang (3 trung đội). Lúc này thanh niên thoát ly nhiều, nên tỉnh thành lập Trường Quân sự lấy phiên hiệu 200 (buôn Ma Đao, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) để thế hệ trẻ biết và hình dung huấn luyện tân binh bổ sung cho các đơn vị của tỉnh.

 

Nhưng khó khăn của tỉnh lúc này là thiếu lương thực và vũ khí trang bị nên chủ trương của ta đưa các đội công tác xuống hoạt động vùng giáp ranh để vận động lương thực và đánh địch để lấy vũ khí trang bị. Đồng thời vận động cơ sở mua vũ khí của địch để trang bị cho các đội vũ trang tổ chức chiến đấu ngày càng có hiệu suất cao.

 

Ngày 14/8/1960, Quân khu 5 quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Phạm Phải làm Trưởng ban dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là tiền thân của Tỉnh đội Phú Yên trong chống Mỹ.

 

Trong năm 1960, LLVT đã diệt tên ác ôn Thống Cường ở Xuân Quang, huyện Đồng Xuân; sau đó Tuy Hòa 1 hoạt động mạnh, diệt tên Nguyễn Y Chi mật vụ, quận Hiếu Xương, tên Nguyễn Ân ác ôn ở thôn Phước Giang xã Hòa Xuân, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phong trào quần chúng nổi dậy cướp chính quyền ở các thôn, buôn rầm rộ. Điển hình, ngày 22/12/1960, xã Hòa Thịnh đã được LLVT hỗ trợ quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Sau Đồng khởi Hòa Thịnh có hàng trăm thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, được đưa về Trường Quân sự tỉnh huấn luyện bổ sung cho các đơn vị LLVT của tỉnh, thành lập các đại đội tập trung. Đại đội 375 tổ chức chiến đấu ở Phước Lãnh, Cây Du, Đá Chét... giành thắng lợi giòn giã, tạo khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân. Các huyện thành lập trung đội vũ trang, diệt ác hỗ trợ phong trào.

 

Tháng 8/1961, Quân khu 5 quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên do đồng chí Nguyễn Lầu (Dũng) làm Tỉnh đội trưởng; thành lập 3 cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần để phục vụ cho chỉ huy. Tỉnh đội Phú Yên ra đời đánh dấu bước trưởng thành và phát triển mới của LLVT tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị. Tỉnh đội được giao nhiệm vụ tập kích quận lỵ Củng Sơn để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhưng Luật sư về Tuy Hòa. Đây là trận tập kích quận lỵ đầu tiên ở miền Nam.

 

Tháng 8/1961, Quân khu 5 tăng cường cho tỉnh Tiểu đoàn 30 do đồng chí Trần Chiến Lược làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Ri làm Chính trị viên. Tiểu đoàn phối hợp tác chiến, giải phóng một vùng rộng lớn từ Xuân Lãnh đến Xuân Quang (Đồng Xuân); An Xuân, An Lĩnh (Tuy An); Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (Sơn Hòa).

 

Ngày 20/2/1963, tỉnh thành lập Đại đội Đặc công 202 (GI4), quân số 85 đồng chí và thành lập Trung đội Trinh sát (GI8). Đến tháng 6/1962, Ban chỉ huy các huyện đội được thành lập, hệ thống chỉ huy từ tỉnh xuống huyện được hình thành. Cũng trong thời gian này tỉnh thành lập Đại đội Trợ chiến lấy phiên hiệu 167, quân số 116 đồng chí. Tiếp đó, thành lập Tiểu đoàn Bộ binh lấy phiên hiệu 85, quân số 499 đồng chí…

 

LLVT tỉnh đã hình thành nhiều đơn vị, nhưng vũ khí thiếu thốn, tỉnh đề nghị và được Trung ương chi viện vũ khí theo đường biển. Đầu năm 1964, Tỉnh đội tổ chức một đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô gọi là K66, quân số 45 đồng chí.

 

Nhờ có vũ khí được chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên biển nên chiến trường Phú Yên hoạt động mạnh, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng, mỗi huyện đều thành lập 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công có các tiểu đội trinh sát, thông tin, công binh và các khẩu đội cối để đánh địch.

 

Chuẩn bị giải phóng tỉnh nhà

 

Tháng 9/1965, Phân khu Nam điều động Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) về hoạt động ở chiến trường Phú Yên, chuẩn bị giải phóng tỉnh Phú Yên.

 

Do yêu cầu đảm bảo phục vụ tác chiến, quy mô hoạt động rộng, khẩn trương, tỉnh quyết định thành lập mỗi huyện một bệnh xá và thành lập Bệnh viện Trúc Bạch của tỉnh. Tỉnh đội thành lập một bệnh viện lấy tên “Hồ Tây”, một đội phẫu thuật để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ LLVT.

 

Đểcó vũ khí cho các đơn vị chiến đấu, Tỉnh đội thành lập Xưởng quân giới lấy phiên hiệu 200, chuyên sản xuất lựu đạn chày và mìn các loại để phục vụ cho bộ đội chiến đấu, chông sắt để phục vụ du kích bố phòng đánh địch.

 

Cuối năm 1965, Quân khu 5 điều Tiểu đoàn 30 từ Khánh Hòa ra phối hợp với Trung đoàn 10 phục kích tiêu diệt Chiến đoàn 47 của ngụy trên trục quốc lộ 1A từ An Chấn ra An Hiệp (huyện Tuy An). Đây là trận đánh cơ giới quy mô lớn, giành thắng lợi giòn giã, ta làm chủ trên trục quốc lộ 1A ở chiến trường Phú Yên.

 

Đầu năm 1966, Quân khu 5 tăng cường cho Phú Yên Trung đoàn 20 (Hưng Đạo) trực thuộc Phân khu Nam để đánh quân Mỹ đổ bộ vào Phú Yên. Tại Phú Yên ngoài 12 tiểu đoàn Mỹ, còn có 6 tiểu đoàn Nam Triều Tiên. Hai trung đoàn chủ lực và bộ đội địa phương Phú Yên chiến đấu kiên cường với Mỹ - chư hầu làm thất bại cái gọi là chiến dịch “5 mũi tên” của Mỹ ở chiến trường Phú Yên và ở miền Nam nói chung.

 

Năm 1968 là đỉnh cao của chiến tranh cục bộ, Phú Yên còn lại một Trung đoàn 10 chủ lực (Ngô Quyền). Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1968, LLVT tỉnh và Trung đoàn Ngô Quyền đã đánh thẳng vào sào huyệt của địch ở tỉnh lỵ Tuy Hòa, gây cho chúng nhiều thiệt hại, góp phần buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.

 

Liên tiếp giành chiến thắng trong nhiều trận đánh, tháng 3/1975, LLVT tỉnh tấn công lần lượt tiêu diệt các cứ điểm Núi Tranh (Tuy Hòa 2), Cầu Cháy, Hòn Sặc (Tuy Hòa 1)…; đặc biệt là làm nên Chiến thắng Đường 5, chặn đánh cánh quân tháo chạy từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Tuy Hòa, diệt và bắt sống hầu hết quân địch, tạo thuận lợi cho giải phóng Phú Yên ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

LLVT và nhân dân Phú Yên vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 

Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI

Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek