Chủ Nhật, 24/11/2024 22:59 CH
Ngôi nhà Tình nghĩa tỉnh Phú Yên trên đất Hậu Giang
Thứ Tư, 29/07/2020 09:50 SA

Tác giả (bìa trái) cùng các cựu chiến binh đến chúc mừng vợ chồng ông Nguyễn Xuân Ngọc ngày về nhà mới. Ảnh: CTV

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, có những người con đã anh dũng chiến đấu lập nên những chiến công xuất sắc; bởi duyên nợ, họ gắn bó với chính mảnh đất nơi mình vào sinh ra tử. Cuộc sống ở miền quê mới gặp khó khăn vẫn nhận được những sẻ chia nghĩa tình từ nơi chôn nhau cắt rốn. Ông Nguyễn Xuân Ngọc ở ấp 1, xã Xã Phiên, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là một trong số người như thế.

 

Người con Phú Yên lập nhiều chiến công xuất sắc

 

Ông Nguyễn Xuân Ngọc sinh năm 1946, tại xã An Ninh, huyện Tuy An. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Phú Yên là vùng Mỹ ngụy gây chiến tranh ác liệt. Chứng kiến nhiều tội ác dã man của quân thù, Nguyễn Xuân Ngọc sớm hình thành lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 1965, ông xung phong vào quân đội và được biên chế vào Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), trung đoàn chủ lực giải phóng quân vào Nam sớm nhất, chiến đấu trên chiến trường Phú Yên.

 

Từ năm 1965-1968, Nguyễn Xuân Ngọc đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu mấy chục trận, trực tiếp đối đầu với hầu hết lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ và Nam Triều Tiên trên chiến trường Phú Yên. Chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và mưu trí, Nguyễn Xuân Ngọc đã góp công cùng đồng đội đánh bại nhiều trận càn quét, tiêu diệt nhiều tên địch, góp phần xây dựng, củng cố phong trào cách mạng ở Phú Yên.

 

Cuối năm 1965, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 phối hợp với bộ đội Tuy Hòa 1 tiêu diệt Tiểu đoàn 3, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 47 ngụy. Trận này ông Ngọc được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, bị thương nặng nhưng ông vẫn xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Tháng 1/1966 ở Hóc Xoài, Trung đoàn 10 của ta đụng độ Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên), ta tiêu diệt 137 tên địch và trận đánh Lữ đoàn dù 173 (Mỹ) tại thôn Mỹ Cảnh, xã Hòa Mỹ, ta bẻ gãy nhiều đợt tấn công, tiêu diệt nhiều tên địch.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Nguyễn Xuân Ngọc trong đội hình Đại đội 2, Tiểu đoàn 11; có mặt chiến đấu trong cả ba đợt tiến công vào TX Tuy Hòa tiêu diệt nhiều tên địch. Ngày 4-5/4/1968, ông Ngọc có mặt trong đội hình Tiểu đoàn 11 quần nhau với địch trong trận đánh vô cùng ác liệt tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Địch điều quân tăng viện gấp 20 lần, Tiểu đoàn 11 anh dũng chiến đấu hy sinh, bị thương gần hết, ông Ngọc cùng đồng đội mở đường máu thoát vòng vây về căn cứ Sơn Hòa tiếp tục chiến đấu.

 

Cuối năm 1968, ông cùng đơn vị được điều động tham gia chiến đấu khắp chiến trường từ Tây Nguyên đến miền Đông, Tây Nam Bộ.

 

Tháng 12/1968, trên cương vị Đại đội phó Đại đội 2, trong đội hình Tiểu đoàn 11 tiến công Lữ đoàn dù 173 ở đồi Không Tên, căn cứ Đức Lập, ông Ngọc cùng đơn vị tiêu diệt nhiều tên địch. Trận này Đại đội 2 được tặng thưởng Huân chương Chiến công và cá nhân ông được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Ngày 19/6/1969, Tiểu đoàn 7 (đổi tên từ Tiểu đoàn 11) đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn “Trâu Điên” đặc nhiệm ngụy, tiếp tục đánh vào Khe Giao, làm thiệt hại nặng hai tiểu đoàn của Sư đoàn 18 ngụy, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

 

Đầu năm 1970, ông Nguyễn Xuân Ngọc được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 đặc công. Ngày 20/5/1970, đơn vị ông tập kích vào Chi khu Giá Ngựa, Đầm Dơi. Chỉ sau 30 phút, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt 85 tên địch, thu nhiều vũ khí, quân dụng. Ông Ngọc được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Trận đêm 10/6/1970, ông là Đại đội trưởng cùng Chính trị viên Phạm Trung Mạo chỉ huy 24 chiến sĩ bí mật tập kích căn cứ Vân Đình, xã Phú Thuận, huyện Trần Văn Thời. Chỉ sau 10 phút nổ súng ta đã làm chủ trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu 64 tên địch, bắt 2 tù binh, thu nhiều vũ khí. Trận tập kích vào Chi khu Thới Bình ngày 9/6/1972, với cương vị Tiểu đoàn phó, ông trực tiếp chỉ huy Đại đội 2 đánh vào trung tâm chỉ huy địch. Trận này ông lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

 

Đại tá Bùi Lưu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn nhận xét: “Từ người chiến sĩ đến chỉ huy cấp tiểu đoàn, suốt hơn 10 năm chiến đấu, Nguyễn Xuân Ngọc đã tham gia hàng trăm trận chiến đấu ác liệt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý mến. Ông có đến 19 lần bị thương, với một bề dày thành tích hết sức đáng khâm phục: 8 huân chương Chiến công giải phóng, 3 huân chương Chiến sĩ giải phóng, 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 6 bằng khen, 3 huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Đồng đội cựu chiến binh Trung đoàn 10 luôn coi Nguyễn Xuân Ngọc là một người anh quý mến, rất đáng nể phục”.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Ngọc trong ngôi nhà mới. Ảnh: BÁ THUYẾT

 

Ngôi nhà Tình nghĩa từ Phú Yên đến với Hậu Giang

 

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 7/1975, Nguyễn Xuân Ngọc kết hôn với Dương Thị Mong ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Lúc này, ông Ngọc là thương binh nặng, mất 75% sức khỏe. Đơn vị cho ông nghỉ dưỡng điều trị. Trung đoàn 10 được bổ sung cho Sư đoàn 4, Quân khu 9, tham gia quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia. Đến năm 1984, ông được xuất ngũ, là thương binh mang nhiều vết thương trong mình. Ông có 4 người con, một người bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng, phải gửi vào trại tâm thần tỉnh Hậu Giang. Mặc dù đã cố gắng lao động nhưng kinh tế gia đình ông vẫn khó khăn, được chính quyền đoàn thể ở Hậu Giang quan tâm nhưng cuộc sống vẫn vất vả, thiếu thốn, nhà cửa lụp xụp.

 

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương (9/1/1960-9/1/2020), đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 10 Ngô Quyền quê ở Hải Dương có chia sẻ về tình hình chung của các cựu chiến binh Trung đoàn 10 với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Đặc biệt là hoàn cảnh của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngọc, một người con Phú Yên trong chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc, hiện nay có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Ngay lập tức, lãnh đạo tỉnh đã có lời kêu gọi, vận động những tấm lòng hảo tâm đóng góp 50 triệu đồng, hỗ trợ sửa nhà cho vợ chồng ông. Đến nay, ngôi nhà đã hoàn thành. Ngôi nhà tuy không lớn nhưng thể hiện tình cảm sâu nặng của chính quyền và nhân dân Phú Yên đến với những người con lên đường đi chiến đấu phải sống xa quê hương.

 

Gặp đồng đội cựu chiến binh cùng đơn vị trong ngôi nhà Tình nghĩa mới đây, ông Ngọc nói trong nghẹn ngào xúc động: “Cảm ơn quê hương đã nhớ đến một người con!”. Tình nghĩa của con người Việt Nam dẫu trong thời chiến hay thời bình luôn được nâng niu chăm sóc bằng những tấm lòng nhân nghĩa. 

 

Hơn 10 năm chiến đấu, Nguyễn Xuân Ngọc đã tham gia hàng trăm trận chiến đấu ác liệt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý mến. Ông có đến 19 lần bị thương, với một bề dày thành tích hết sức đáng khâm phục: 8 huân chương Chiến công giải phóng, 3 huân chương Chiến sĩ giải phóng, 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 6 bằng khen, 3 huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

 

Đại tá Bùi Lưu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10,

Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek