Thứ Năm, 19/09/2024 23:47 CH
Hòa Xuân thực hiện Nghị quyết 15
Thứ Sáu, 23/11/2018 09:58 SA

Đồng chí Nguyễn Thị Hương, đảng viên trung kiên của Chi bộ Hòa Xuân trong kháng chiến chống Mỹ và đồng chí Đỗ Thơm (Thu), Bí thư Chi bộ Hòa Xuân đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên được tiến hành lần đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng và thảo luận nâng cao nhận thức về bạo lực cách mạng, chiến lược tiến công và khởi nghĩa vũ trang trên cơ sở liên hệ thực tiễn rút kinh nghiệm các vụ diệt ác, rút thanh niên ra căn cứ và xây dựng cơ sở trong toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã vạch ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai Nghị quyết 15, trong đó có việc rút thanh niên ra căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, diệt ác phá kèm, xây dựng vùng căn cứ và mở rộng công tác xây dựng cơ sở ở đồng bằng.

 

Tháng 10/1960, Hội nghị đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ nhất được triệu tập ở thôn Mỹ Điền, xã Hòa Thịnh nhằm quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng được cụ thể hóa trong Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Phú Yên lần thứ nhất. Trên cơ sở tình hình thực tế của ta, của địch và căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, hội nghị đại biểu đã đề ra những nhiệm vụ chính: Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát triển các đội công tác và cơ sở cách mạng; xây dựng căn cứ miền núi để làm bàn đạp tiến về giải phóng đồng bằng, chuẩn bị mọi mặt để phát động đồng khởi từng vùng và tiến tới đồng khởi toàn huyện.

 

Tại Hòa Xuân, nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của Huyện ủy từ căn cứ miền Đông nằm trên địa bàn Hòa Xuân, phong trào xã Hòa Xuân đi lên rất mạnh. Hòa Xuân đã thành lập Ban cán sự do đồng chí Đỗ Thơm làm Bí thư.

 

Thực hiện chủ trương diệt ác phá kèm của tỉnh và huyện nhằm đưa khí thế quần chúng lên cao chuẩn bị tiến tới đồng khởi, xã Hòa Xuân phối hợp cùng tổ diệt ác mật của huyện do đồng chí Năm Đẹt chỉ huy quyết định diệt tên Ân - ấp trưởng ác ôn thôn Lạc Long. Nhà tên Ân ở gần Bãi Xép, hắn là cái gai nhọn đối với căn cứ miền Đông và phong trào cách mạng trong xã. Lo sợ bị cách mạng trừng trị, tên Ân đã bỏ ra 3.000 đồng thuê thầy về nhà dạy võ và càng ra sức chống phá phong trào cách mạng tại địa phương. Sau nhiều lần bố trí diệt tên Ân không thành vì hắn rất ranh ma quỷ quyệt; ngày 15/12/1960, tổ diệt ác đã phục kích bắt sống tên Ân và trừng trị nghiêm khắc.

 

Tiếng đồn về cái chết của tên Ân vang dội cả xã Hòa Xuân, tác động đến ngụy quyền cấp tỉnh. Cơ sở của ta ở Bàn Thạch, Bàn Nham tung nhiều tin hù dọa bọn ác ôn gian ác: “Ông Ân giỏi võ như thế mà cách mạng cắp một tay nhảy qua rào”.

 

Sau cái chết của tên Ân, bọn ngụy quyền tay sai không dám ngủ tại xã. Cuối năm 1961, tại chợ Bàn Nham, ta diệt tên Võ Thào. Địch càng thêm hoang mang dao động. Quần chúng cách mạng thì hả lòng hả dạ tin tưởng cách mạng. Các vụ diệt ác đã có tác dụng rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của cơ sở. Cuối năm 1960, nhiều thanh niên thoát ly lên căn cứ. Tổ chức Đảng cử đồng chí Đặng Văn Hà, Trần Mẫn đưa đoàn cán bộ đi xây dựng căn cứ ở Tây Nguyên gồm các đồng chí Nguyễn Thức, Lê Mậu Lâm, Đào Tần (Hòa Hiệp), Nguyễn Liễm, Trần Nghe, Lê Độ, Nguyễn Nhiều, Huỳnh Mài, Nguyễn Thù, Lê Hái, Nguyễn Cứu, Nguyễn Chứa, Nguyễn Thương. Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp nhận và bổ sung cho Đại đội 65, đồng chí Trần Mẫn về Ban Tuyên huấn, đồng chí Đặng Văn Hà về Ban Kinh tài tỉnh.

 

Sau Đồng khởi Hòa Thịnh, Huyện ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào ở các xã vùng sâu để chào mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vừa được thành lập ngày 20/12/1960. Đồng chí Lê Xuân Mai (Sáu Lục), Bí thư Huyện ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho tổ chức Đảng ở Hòa Xuân chịu trách nhiệm treo cờ Mặt trận tại cầu Bàn Thạch tháng 1/1961. Sau đó, tổ chức Đảng đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Tấn Lương và đồng chí Trần Minh Long, Bí thư Thanh niên, bí mật, táo bạo, bất ngờ cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng phía đông cầu Bàn Thạch. Lá cờ cách mạng hào hùng tung bay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu (1961) vài ngày đã đem lại sự tin tưởng và lòng tự hào cho quân dân toàn xã vào thế tất thắng của cách mạng. Lá cờ đã cổ vũ phong trào và hiệu triệu nhiều thanh niên thoát ly lên căn cứ. Bọn địch lồng lộn cản ngăn nhân dân đến xem. Song bọn chúng cũng không dám đến gần. Dưới sự thúc ép của quan thầy, mãi đến 7 giờ 30 sáng hôm sau, bọn dân vệ mới liều mạng đến lấy cờ.

 

Thực hiện Nghị quyết hội nghị Đảng bộ huyện lần thứ nhất (tháng 10/1960) về việc ra sức xây dựng căn cứ và lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, Ban cán sự Đảng Hòa Xuân bố trí rút nhiều cán bộ và thanh niên thoát ly ra căn cứ để bổ sung lực lượng và xây dựng các đội vũ trang của huyện và xã. Một số thanh niên Hòa Xuân được bổ sung cho mặt trận B3 và Tỉnh đội Phú Yên như các đồng chí Nguyễn Thành Út, Phạm Tấn Phát và nhiều đồng chí khác. Đồng thời đội du kích của xã Hòa Xuân được thành lập. Năm 1961, ta giải phóng hoàn toàn thôn Phước Giang. Giải phóng nhưng vẫn giữ thế hợp pháp. Ban đêm ta làm chủ, ban ngày địch mò đến cũng không có cớ khủng bố dân. Tổ chức Đảng xã Hòa Xuân đã tiến hành chia ruộng đất cho dân, sắp xếp việc làm ăn trên sông, trường cho các cháu học. Ta xây dựng được một trung đội du kích tổ chức bố phòng bảo vệ xóm làng. Bà con lên chợ Bàn Thạch bán cá, mua gạo tiếp tế cho căn cứ miền Đông.

 

Sự kiện giải phóng thôn Phước Giang đã có tác dụng đối với phong trào ở Nam Bình, Thạch Chẩm, Bàn Nham. Tháng 3/1961, ta giải phóng thôn Mỹ Khê, đồng thời làm chủ thôn Nam Bình.

 

Sau Đồng khởi Hòa Thịnh, huyện cử một tiểu đội vũ trang của Đại đội 377 về Nam Bình vũ trang tuyên truyền. Đồng thời cử đồng chí Bùi Tân (Bảy Ốm) thay mặt Huyện ủy về chỉ đạo và phát động phong trào ở Hòa Xuân.

 

Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang huyện, tổ chức Đảng và quân dân Hòa Xuân tiếp tục diệt ác phá kèm, trong một đêm diệt 7 tên ác ôn từ Phước Giang lên Nam Bình. Trong đó tổ chức bắt sống tên Châu Ân (đảng viên Đại Việt) đưa về căn cứ trừng trị. Tổ chức bắt sống tên Trợt là ác ôn khát máu của đảng Đại Việt xử tử trước nhân dân. Tại nhà tên Trợt, lực lượng vũ trang cách mạng thu được danh sách chúng thống kê cán bộ đảng viên của ta từ tổ phó tổ Đảng trở lên và đó là đối tượng tiêu diệt của chúng. Sau trận đánh Bầu Sét (Hòa Thịnh), lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa thu được nhiều súng tại đồn cầu Bàn Thạch kêu gọi bà con nổi dậy. Nhân dân Hòa Xuân nổi dậy đánh thùng mõ vang trời. Hai xe Jeep của ngụy từ hướng nam ra nghe súng nổ, quay lại vừa bắn đại liên vừa chạy vào hướng nam. Tổng đoàn dân vệ của địch đóng ở Bàn Thạch nghe súng đại liên tưởng là súng của cách mạng hốt hoảng bỏ chạy. Cả trung đội chạy tháo thân liều mình bơi qua sông Bàn Thạch, riêng tên tổng đoàn phó dân vệ bị chết đuối.

 

Trước khí thế cách mạng bừng bừng, ta thừa thắng xông lên. Các đội công tác tiếp cận nhân dân tuyên truyền xây dựng cơ sở. Ban cán sự phát động phong trào làm súng giả nghi binh. Lúc này lực lượng vũ trang của xã chỉ có 1 cây súng. Thôn Phước Giang có một trung đội du kích, thôn Mỹ Khê có một tiểu đội, chủ yếu là bố phòng bằng chông sắt. Du kích thôn Nam Bình không có súng, chỉ được trang bị dây trói, gậy gộc.

 

Tuy khí thế quần chúng lên cao nhưng do ta không có vũ khí nên không tiêu diệt được sinh lực địch, chủ yếu là đánh nghi binh, dùng bạo lực chính trị của quần chúng để đuổi địch chạy, gây cho chúng tâm lý hoang mang hoảng hốt, tối không dám ngủ lại ở Hòa Xuân.

 

Lúc này ở Phước Giang có Ban cán sự do Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Trần Minh Long và Đặng Văn Hải chỉ huy Xã đội. Phước Giang có trung đội nữ du kích do đồng chí Nguyễn Thị Thỏ chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Hưởng phụ trách Mặt trận. Đồng chí Đặng Miết, Nguyễn Huy Hững phụ trách thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phước Giang đấu tranh đòi địch trả lại trâu bò, không bắn pháo vào làng, không rào ấp chiến lược để dân đi lại làm ăn.

 

Bài học rút ra từ cuộc đồng khởi toàn xã là phát động phong trào quần chúng, phát triển lực lượng sâu rộng vững chắc nhưng vẫn giữ được thế hợp pháp để tránh địch khủng bố trắng, gây tổn thất cho lực lượng cách mạng vừa được xây dựng.

 

Lồng lộn trước phong trào cách mạng miền Nam tăng lên như nước vỡ bờ, đế quốc Mỹ vạch ra kế hoạch “Xta-lây-Tay-lơ” bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 7/1961-12/1962). Thực hiện kế hoạch này, địch dùng biện pháp quân sự là chủ yếu, kết hợp với biện pháp chính trị mở các cuộc hành quân càn quét liên tiếp, đánh phá dai dẳng vùng tranh chấp, dùng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” nhằm đàn áp, gom dân, lập ấp chiến lược, tiêu diệt lực lượng cách mạng.

 

Thực hiện kế hoạch “Xta-lây-Tay-lơ”, bọn ngụy quân ngụy quyền đầu sỏ ở Phú Yên ráo riết bắt lính, tăng quân. Năm 1962, địch điều Trung đoàn 47 biệt lập đến Phú Yên, thành lập tiểu khu ở tỉnh, chi khu ở huyện (quận), thành lập đại đội bảo an, phát triển dân vệ, tăng thêm cảnh sát và biệt kích. Đến cuối năm 1962, ngoài Trung đoàn 47, lực lượng địa phương của địch gồm Tiểu đoàn 20 bảo an, 5 đại đội bảo an độc lập, 4 đại đội biệt động quân, 38 tổng đoàn dân vệ và 18 trung đội bảo vệ nhà thờ. Lực lượng hải thuyền có 30 chiếc, mỗi chiếc chở một tiểu đội và một tàu chở một đại đội. Từ tháng 7/1961 đến cuối năm 1962, địch đã lập được 157 ấp chiến lược, mỗi ấp chúng tổ chức một trung đội “Thanh niên bảo vệ hương thôn”. Địch xây dựng nhiều cứ điểm bên trong ấp chiến lược cỡ trung đội, tăng cường công sự dây thép gai, mìn và hỏa lực, đại liên, súng cối.

 

Hòa Xuân là cửa ngõ phía nam tỉnh Phú Yên. Địch mất Bàn Nham, Bàn Thạch là mất hai đường thiết lộ, quốc lộ trọng yếu nên chúng cố sống chết giữ cho bằng được.

 

Tại Hòa Xuân, địch bố trí thường xuyên một tổng đoàn dân vệ và một đại đội bảo an cộng với lực lượng địch bảo vệ cầu Bàn Thạch hà hơi tiếp sức. Bộ máy ngụy quyền phản động gồm các tên đại diện xã cùng một hệ thống ấp trưởng, liên gia, chỉ điểm, ngày đêm điên cuồng chống phá cách mạng.

 

Sau đồng khởi, toàn xã vùng sâu bị kìm kẹp nặng, ta đã mở rộng vùng giải phóng liên hoàn từ phía đông lên phía tây xã. Xây dựng hoàn chỉnh đội ngũ cán bộ xã, thôn. Với vị trí cực kỳ trọng yếu, địch không thể bỏ Hòa Xuân. Tổ chức Đảng động viên nhau hạ quyết tâm bám trụ, diệt ác phá kèm, mở rộng vùng giải phóng, khẩn trương phát triển các tổ chức cách mạng, xây dựng lực lượng đặc biệt nằm lại các thôn đã giải phóng nhằm phục vụ hoạt động lâu dài.

 

Phong trào phát triển lớn mạnh, xã Hòa Xuân đủ điều kiện thành lập chi bộ. Ngày 20/4/1961, đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), Phó Bí thư Huyện ủy về Hóc Môn (Nam Bình) công bố quyết định của Huyện ủy Tuy Hòa về việc thành lập Chi bộ Hòa Xuân và cử cấp ủy chính thức đầu tiên gồm các đồng chí Đỗ Thơm, Châu Thượng (Nam Bình), Nguyễn Thị Hương (Thạch Chẩm), Trần Khe (Phước Giang), Trần Tạo (Mỹ Khê) do đồng chí Đỗ Thơm làm Bí thư; đồng chí Lưu Bình được cử làm Xã đội trưởng.

 

Chi bộ xã nhận định: Tuy địch lỏng kèm trước khí thế tấn công của ta, nhất là ta diệt ác trúng đích, nhưng chúng không thể bỏ Bàn Nham, Bàn Thạch, vì như vậy chúng sẽ mất quận, mất tỉnh. Sự phản kích ác liệt của địch là điều tất yếu. Ta tranh thủ thời cơ xây dựng lực lượng hoạt động, trước mắt và lâu dài.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek