Ngày 13/1/1947, từ vùng tạm chiếm Khánh Hòa, thực dân Pháp tập trung hai trung đoàn chủ lực tinh nhuệ ồ ạt tấn công ra mặt trận đèo Cả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Tuy Hòa phối hợp với Trung đoàn 80 Quân khu 5 tổ chức phản kích quyết liệt, chiếm lại một số vị trí ở nam đèo Cả. Cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra từ ngày 13-15/1/1947, 400 tên giặc bỏ xác tại trận địa.
Sáng 16/1/1947, giặc Pháp đổ bộ một trung đoàn vào Vũng Rô và Bãi Xép kết hợp một cánh quân theo đường quốc lộ 1 và truông Gia Long có máy bay và pháo binh yểm trợ tấn công ra Tuy Hòa vừa chặn đánh vừa rút lui về tuyến sau. Chọc thủng mặt trận đèo Cả, giặc Pháp hí hửng tiến quân dọc quốc lộ 1. Quân dân Tuy Hòa phối hợp với các đơn vị Trung đoàn 80 hình thành nhiều trận tuyến chặn đánh địch khắp nơi, giáng cho địch nhiều tổn thất nặng nề, buộc địch phải dừng lại ở Phú Lâm và sau đó tháo chạy về co cụm ở núi Hiềm, xã Hòa Xuân.
Bình Kiến không bị địch trực tiếp uy hiếp nhưng địch luôn tăng cường đánh phá ác liệt bằng không quân và hải quân. Địch dội bom bừa bãi, từ tàu ngoài khơi bắn vào đất liền và thỉnh thoảng chúng liều lĩnh đổ quân càn quét trên bờ.
Những ngày đầu kháng chiến, nhiều cơ quan quân dân chính Đảng về đóng trên địa bàn xã: Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam, Khu bộ khu 6, Ban cán sự cực Nam Trung Bộ, Ủy ban Kháng chiến hành chính Phú Yên, Phòng dân quân khu 6, Công ty Việt Thắng Phú Yên và các trung đoàn bộ Trung đoàn 80 -83; một số đơn vị quân đội thuộc Trung đoàn 79, 80, Tiểu đoàn Trần Tạo, Đại đội Cảm tử quân, trại an dưỡng Trung đoàn 80-83, Phân viện Quân y 5…
Mùa xuân kháng chiến 1947, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, nòng cốt là Hội Phụ nữ, tổ chức cuộc vận động quy mô lớn ủy lạo bộ đội đóng quân trên địa bàn và gửi ra chiến trường phía trước ở đèo Cả, dốc Mõ, đến các quân y viện cho bộ đội ăn Tết. Những gánh quà sâu nặng tình dân chất đầy rim mứt, bánh tét, bánh chưng của nhân dân Bình Kiến đã làm ấm lòng các chiến sĩ vệ quốc trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở chiến trường Tuy Hòa.
Để đối phó với dã tâm của thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra vùng tự do Liên khu 5, tỉnh Phú Yên thành lập 6 chiến khu. Các xã phía bắc sông Đà Rằng (tả ngạn) đến giáp Tuy An thuộc chiến khu 2. Đồng chí Lê Trọng Khoan, Bí thư chiến khu ủy chiến khu 2 hết sức coi trọng địa bàn Bình Kiến, thường xuyên về xã chỉ đạo việc bố phòng phá hoại đường sá, xây dựng làng chiến đấu, động viên thanh niên tòng quân… huy động sức người sức của phục vụ chiến trường.
Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Bình Kiến coi đó là lời thề và mệnh lệnh hành động trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.
Với vị trí xung yếu và là cửa ngõ của TX Tuy Hòa, quân dân Bình Kiến đã tiến hành tiêu thổ kháng chiến, sẵn sàng giáng trả cuộc tiến công của giặc Pháp đánh phá vùng tự do đầu năm 1947.
Đêm đêm, Bình Kiến cử hàng trăm người mang xẻng, cuốc, xà beng, búa tạ phá quốc lộ 1, phá các cầu giao thông trong xã, đào hào sâu, hào chữ Z, chữ L dọc ngang, băm nát mặt đường, đổ các ụ đất, làm chướng ngại vật. Đường sắt đi ngang qua địa bàn xã cũng được tổ chức phá dỡ để triệt giao thông đường sắt, vừa có thêm nguyên liệu làm công sự chiến đấu, rèn đúc chế tạo vũ khí.
Hàng trăm thanh niên cùng hội viên các đoàn thể cứu quốc tham gia đập phá các nhà kiên cố ở TX Tuy Hòa như Bungalô, nhà ga xe lửa, sở liên nông, đồn Ông Một, nhà thương, sở dây thép, xưởng rượu Ni-ca và cả các nhà lầu kiên cố của dân như phòng ngủ Hòa Hưng, phòng ngủ Tân Hiệp, nhà Sáu Cò, nhà Nguyễn Tài Sý,… phụ giúp bà con người Hoa đập phá các ngôi nhà lầu của chính họ như nhà Dũ Khương, Dũ Ký, Ngũ Nghĩa.
Đảng bộ và nhân dân Bình Kiến tiếp nhận hàng trăm bà con ở TX Tuy Hòa tản cư ra ngoại thị, chăm lo nơi ăn chốn ở chu đáo cho bà con trong hoàn cảnh rất khó khăn của buổi đầu kháng chiến.
Thực hiện chỉ thị của Đảng và chính quyền kháng chiến, toàn xã đào giao thông hào bao quanh sâu 1,2-1,5m để phục vụ chiến đấu và làm chỗ ẩn nấp cho cán bộ, bộ đội nhân dân khi có kẻng báo động để tránh phi pháo địch. Mỗi gia đình đều xây dựng hầm chìm cất giấu tài sản, hầm tránh phi pháo và cả hầm bí mật để bảo đảm bám trụ giữ làng khi địch càn.
Để chống địch nhảy dù, quân dân toàn xã huy động hàng vạn cây tre, vót nhọn đầu làm cọc dài từ 1,5-2m cắm tua tủa trên khắp các đồi trọc, các cánh đồng khô, đất vườn ở Thượng Phú, Phú Vang, rừng cát Ninh Tịnh, mỏm núi Chóp Chài, sân bay Chóp Chài…
Toàn xã bố trí 22 điểm gác, trong đó có 7 điểm gác dọc bờ biển. Các điểm gác đều bố trí ở các điểm cao, cồn cao, ven biển có bồ tín hiệu, ngày đêm canh gác phát hiện tàu địch lởn vởn ngoài khơi đổ quân càn quét hoặc bắn pháo từ biển vào đất liền. Kịp thời phát hiện máy bay địch và báo động bằng kẻng, mõ theo quy định. Những điểm gác ở dọc bờ biển có một đội dân quân tuần tra canh gác trực 24/24 giờ. Lực lượng bạch đầu quân cũng tham gia canh gác ở mỏm núi Cổ Rùa, Eo Gió, Gò Đá.
Ông Nguyễn Muốn (Phước Hậu) - chiến sĩ thi đua nông nghiệp Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp |
Bà con đã sáng tác ca dao động viên dân quân du kích canh gác bố phòng:
Nhắn anh đứng gác đồi cao
Ngày đêm thôn xóm đồng bào tin anh
Lũ giặc chúng rất gian manh
Kịp thời phát hiện kiểng anh cho dòn.
Dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ huy Xã đội do đồng chí Nguyễn Lầu và Phan Văn Niệm phụ trách, thanh niên toàn xã hăng hái gia nhập lực lượng dân quân du kích. Thôn Phước Hậu có hai trung đội. Các thôn Liên Trì, Ninh Tịnh, Phú Vang, có một trung đội. Thôn Thượng Phú có một tiểu đội. Các trung đội dân quân đều có một tiểu đội nữ. Riêng thôn đội Phước Hậu có một trung đội nữ độc lập gồm 36 chị do chị Huỳnh Thị Nhợt làm trung đội trưởng, chị Đặng Thị Liễu làm chính trị viên. Các thôn đều hình thành các tiểu đội du kích thiếu niên.
Trong những năm 1947-1948, toàn xã chỉ có 7.000 dân, lực lượng du kích toàn xã có 375 người loại một, 738 người loại hai. Các cụ phụ lão phát huy truyền thống trẻ xông pha, già mẫu mực, xung phong tình nguyện vào Bạch đầu quân. Toàn xã có một đại đội do cụ Đặng Bá Trác (thôn Ninh Tịnh) làm đại đội trưởng. Mỗi thôn hình thành các trung đội, tiểu đội. Năm 1948, Bình Kiến thành lập đơn vị dân quân du kích tập trung do đồng chí Công Câu làm trung đội trưởng. Mọi sinh hoạt của trung đội dựa từ nguồn hoa lợi công điền do xã cấp cho đơn vị sản xuất tự túc và nhân dân đóng góp chi viện.
Lực lượng dân quân du kích tự trang bị vũ khí như dao, mác, ná, gậy, chỉa ba. Khi có huấn luyện, cấp trên cho mượn súng, lựu đạn. Xã đội cử hai cán bộ cấp trung đội là đồng chí Nguyễn Bông và Võ Xuân Liệu ra Trường Lục quân Quảng Ngãi học tập quân sự về huấn luyện cho lực lượng dân quân du kích toàn xã.
Mặc dù là xã hậu phương, nhưng với vị trí quan trọng là bàn đạp phía bắc TX Tuy Hòa, địch thường xuyên dùng không quân, hải quân thả bom bắn phá, thỉnh thoảng cho bộ binh đổ bộ từ biển càn quét sâu vào nội địa. Năm 1947, máy bay địch thường xuyên lượn quanh núi Chóp Chài bắn phá. Mục tiêu của chúng là các phiên chợ đông người ở Màng Màng, Cây Sanh. Chùa Khánh Sơn liên tục bị địch thả bom vì chúng nghi có lực lượng của ta đóng ở đó.
Những xóm làng trù phú đều bị dội bom, nhiều nhà bị trúng bom như nhà ông Tô Chợ, nhà ông Huỳnh Bổ (Phước Hậu), ông Đoàn Khanh (Thanh Đức), ông Năm (Liên Trì). Xóm Thanh Đức, xóm Lẫm (Thượng Phú), Long Đức (Liên Trì) đều có trên 30 nóc nhà bị bom địch thiêu hủy. Bom đã sát hại 10 dân thường và 9 con trâu cày của các ông Nguyễn Rỗi, Nguyễn Muốn, Nguyễn Thúng (Ấp Thanh)…
Địch dội bom bắn phá bà con đang lao động sản xuất trên đồng, bắn chết bà Cấm đang vun rơm và con anh Khuế (Phước Hậu) đang chăn trâu. Địch thả bom vào trường học ở Ninh Tịnh ngay trong giờ học, làm chết thầy giáo và nhiều học sinh. Đêm 12/4/1947 (ngày 21/3 âm lịch năm Đinh Hợi), địch đổ bộ lên rừng dương An Chấn thọc sâu vào Phú Vang, tập kích cơ quan Việt Thắng của tỉnh đóng ở Liên Trì. Chúng bắn chết 3 người, làm bị thương 4 người và ba con bò cày rồi vội vã rút xuống tàu.
Đêm 14/8/1949, địch đổ quân một tiểu đoàn lên rừng dương An Chấn, chia làm hai cánh tiến vào chợ Màng Màng lên Bầu Cả, qua đèo Ngọc Phong, xuống Minh Đức, Thanh Đức. Một cánh khai thác lùng sục dọc quốc lộ 1 từ gò Minh Chính (Phú Vang) vào Cổ Rùa đến Xóm Lẫm (Phước Hậu).
Sau một ngày đêm càn quét đốt phá, địch gây tội ác man rợ: đốt trên 300 nóc nhà, thiêu hủy sạch ba xóm: Thanh Đức, Xóm Hóc, Xóm Quán (Phước Hậu), bắn chết 32 người, hầu hết là người già và trẻ em không lẩn tránh kịp. Chúng đập phá tài sản, tàn sát gia súc, gia cầm. Gia đình chị Tô Thị Mau (Xóm Hóc) bị địch xả súng giết hại cả mẹ và chồng chị. Vợ chồng cụ Cao Cương (xóm Đường - tiếp giáp Phước Hậu) mắt mờ tưởng giặc đã đi xa, nghe tiếng động nhầm là du kích, khuyên hãy lánh đi liền bị địch xả súng sát hại. Trận càn này gây tổn thất nặng nề cho nhân dân toàn xã.
Lực lượng dân quân tuy vũ khí thô sơ nhưng đã thể hiện rất cao tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng chặn đánh địch càn quét gây cho địch nhiều tổn thất. Có những trận tiêu diệt trên 20 tên địch. Nhiều tấm gương du kích hy sinh oanh liệt để bảo vệ từng tấc đất quê hương như: Trần Thủ, Đỗ Mưa, Nguyễn Đúng, Nguyễn Dệt, Nguyễn Xen, Lương Sưởng.
Ngoài lực lượng du kích, có 9 bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa hy sinh trong những trận chống càn ở Bình Kiến, trong đó có trung đội trưởng Nguyễn Dựng hy sinh trên mỏm Cổ Rùa. Anh Nguyễn Xí (Phước Hậu) chẳng may rơi vào tay giặc, chúng tra tấn dã man và buộc anh dẫn đường vào gặp du kích, anh đã hiên ngang quát vào mặt chúng: “Tao không biết đường, không biết du kích, bọn bay muốn làm gì thì làm…”. Địch hèn hạ xả súng giết anh. Bà con trong xã vô cùng thương tiếc và khâm phục một người con trung kiên của quê hương đã hy sinh vì nghĩa lớn.
THÀNH NAM