Thứ Năm, 19/09/2024 23:15 CH
Hoạt động dân vận trong cao trào dân chủ 1936-1939 tại Phú Yên
Thứ Sáu, 28/09/2018 09:54 SA

Đồng chí Huỳnh Nựu (thứ ba từ phải sang), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1938-1939) người tổ chức và trực tiếp diễn thuyết ngày 14/7/1939 tại phủ lỵ Tuy Hòa - Ảnh: ĐÔNG PHONG

Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Trà Kê (Sơn Hội - Sơn Hòa) để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản, đồng thời tổ chức đàn áp các cuộc nổi dậy của đồng bào miền Tây Phú Yên. Tại nhà tù Trà Kê, đồng chí Bùi San đã móc nối được Huỳnh Liễu, lúc này là cai quản ngục tù, xây dựng thành đảng viên để đưa thư từ về cho các đồng chí ở La Hai và phong trào nước Xu do Săm Brăm (Ma Chăm) khởi xướng.

 

Nhà lao Sông Cầu là nơi địch tập trung giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Ở đây nhiều quần chúng cách mạng, đảng viên cộng sản đã nêu cao tinh thần, ý chí cách mạng, đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù, tìm mọi cách giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ sở Đảng còn ở bên ngoài.

 

Nhiều quần chúng được giác ngộ cộng sản, chưa bị địch bắt vẫn tiếp tục hăng hái hoạt động củng cố cơ sở Đảng, ổn định tư tưởng nhân dân, nhất là đối với những gia đình có người bị địch bắt, mở những cuộc quyên góp bí mật để giúp đỡ gia đình các đảng viên và cốt cán cách mạng nghèo túng, neo đơn đang bị địch bắt giam trong các nhà lao, tuyên truyền phát triển Đảng vào phía nam tỉnh, kết nạp thêm một số đảng viên thành lập chi bộ Đảng ở Tuy Hòa. Tiêu biểu cho hoạt động trong thời kỳ này là sự tích cực của đảng viên Phan Ngọc Bích và một số đảng viên, quần chúng cốt cán khác.

 

Đứng trước tình hình đó, tháng 7/1935, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp để xác định phương hướng và đề ra những biện pháp đấu tranh mới. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1936) đã chỉ rõ đối tượng cụ thể của cách mạng Việt Nam lúc này là bọn thực dân phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng.

 

Những chủ trương đúng đắn đó góp phần quan trọng tập hợp, tổ chức quần chúng đấu tranh làm dấy lên cao trào cách mạng trong cả nước nói chung, ở Phú Yên nói riêng. Ở Phú Yên từ 1932-1936, thực dân Pháp ra sức hoàn thành con đường sắt xuyên Việt, đập Đồng Cam, nhà máy đường Đồng Bò. Một số nông dân Phú Yên bị thu hút vào công trường làm đường xe lửa. Ở đây, họ bị cúp tiền công, phạt vạ, đánh đập, bị bọn thầu khoán, cai ký dùng mưu gian xảo ăn bớt, có khi bọn chúng vỡ nợ chuồn mất mang theo những đồng lương ít ỏi của họ.

 

Nhưng cũng do việc triển khai làm các công trình trên, một số nông dân Phú Yên đã gia nhập vào đội ngũ những người công nhân làm đường, xây đập, lái ô tô, đánh xe ngựa… Sự biến động về mặt xã hội ấy làm cho môi trường hoạt động xã hội của Phú Yên trở nên sôi động hơn. Ở các bến xe, trục giao thông chính, thường xảy ra những sự cạnh tranh gay gắt giữa ngành đường sắt và ngành ô tô; giữa ngành ô tô và các giới đánh xe ngựa.

 

Ở miền Tây Phú Yên, từ năm 1935 nổi lên phong trào Săm Brăm. Săm Brăm - (tiếng Ba Na là ông già có bộ râu đẹp) tên thật là Lơ, dân làng gọi là Ma Chăm (cha của Chăm), ở buôn Suối Ché (nay thuộc xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) gần nhà tù Trà Kê - nơi giam giữ những người cộng sản. Săm Brăm tiếp xúc và được các chiến sĩ cộng sản bị giam ở Trà Kê tuyên truyền, vận động.

 

Ông vận động đồng bào dân tộc thiểu số không nộp thuế, không đi xâu. Phong trào Săm Brăm lan rộng khắp Tây Nguyên và phía tây các tỉnh duyên hải Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Cuối năm 1936, thực dân Pháp bắt Săm Brăm giam ở Trà Kê, Sông Cầu, Thanh Hóa cho đến khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945), ông mới được thả về. Sau Cách mạng Tháng tám, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh tỉnh Phú Yên.

 

Trong tình hình đó, hoạt động dân vận của Đảng bộ Phú Yên thời kỳ này là vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Hoạt động đó của Đảng bộ rất phù hợp với nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân trong tỉnh. Thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục bước vào chặng đường mới với các hình thức đấu tranh khác hơn các giai đoạn trước.

 

Trong thời kỳ đấu tranh vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương đẩy mạnh công tác dân vận, sử dụng rộng rãi các hình thức tổ chức công khai để tập hợp quần chúng. Về phương pháp đấu tranh thì sử dụng triệt để các hình thức hợp pháp; nửa hợp pháp, kết hợp với bất hợp pháp.

 

Những chủ trương thích hợp này đã có tác dụng mạnh mẽ trong công tác dân vận tỉnh nhà. Tỉnh ủy Phú Yên đã giới thiệu hai nhân sĩ yêu nước, tiến bộ là ông Trần Chương (hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1929-1930) và ông Phạm Đàm (tri huyện) ứng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ để bênh vực quyền lợi cho nhân dân lao động. Tỉnh ủy vận động nhân dân dồn phiếu cho người của Đảng giới thiệu trúng cử, góp phần tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong Viện dân biểu Trung Kỳ.

 

Cuối năm 1936, để tập hợp lực lượng cách mạng, công tác dân vận của Đảng bộ lúc này là vận động thành lập các hội, đoàn như: Hội Đá bóng, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Đại lý bán sách báo, Hội Tương tế ái hữu, Hội Đọc sách báo, Hội Chống nạn mù chữ… Số quần chúng trong các tổ chức trên, có đến hàng ngàn người.

 

Thông qua các hình thức tổ chức trên đây, Đảng bộ đã tập hợp được hàng ngàn quần chúng tuyên truyền giác ngộ, nâng cao trình độ chính trị, đấu tranh chống bất công, đòi cải thiện dân sinh, đòi tự do dân chủ. Các báo của Đảng và của Mặt trận dân chủ như: Bạn dân, Tin tức, Thời Thế, Nhành lúa, Dân chúng… được các hội, đoàn hưởng ứng, phổ biến đến các cơ sở trong tỉnh.

 

Ngoài các sách báo công khai, các hội, đoàn trong tỉnh còn khuyến khích đoàn viên, hội viên của mình đọc sách chính trị phổ thông, nói về đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, về Liên Xô, sách “Vấn đề dân cày” của đồng chí Trường Chinh - Võ Nguyên Giáp, thơ Tố Hữu.

 

Công tác dân vận ở tỉnh Phú Yên trong thời kỳ này diễn ra rất phong phú, sôi động. Các tổ chức hội, đoàn trong tỉnh tích cực tham gia vận động kinh phí, ủng hộ các tờ báo cách mạng; như làm biểu ngữ vận động bán vé tổ chức cho đoàn hát Trúc Viên đến Tuy Hòa biểu diễn lấy tiền ủng hộ báo Thời Thế; gánh hát Tân Hứu Hiệp từ Sài Gòn ra biểu diễn lấy tiền giúp báo Tin tức; tổ chức một số cuộc mít tinh tại Tuy Hòa, Hòa Đa, Chí Thạnh… Không khí đấu tranh đòi tự do dân chủ, dân sinh của quần chúng nhân dân ở Phú Yên còn diễn ra sôi nổi ở các công trường làm đường xe lửa, đường bộ…

 

Trong thời kỳ này, bọn chủ tư sản trả lương cho công nhân bằng tiền Đông Dương, nhưng khi tiêu dùng trên thị trường, chính quyền địa phương buộc phải đổi ra tiền đồng (tiền đúc của chính quyền Nam triều phát hành). Cân đối giữa hai loại tiền này, công nhân ăn lương phải chịu thiệt hơn 40%.

 

Trong khi đó giá cả trong tỉnh đắt đỏ; lương thực, thực phẩm tăng cao. Riêng giá gạo tăng 70% so với năm 1935 - lúc cao nhất vào tháng 8/1937 lên tới 12 đồng/tạ. Khi đó, lương công nhân phổ biến khi lao động trên công trường chỉ có 12 xu/ngày với đàn ông, 9 xu/ngày đối với phụ nữ, 7 xu/ngày đối với trẻ em. Thêm vào đó, người công nhân phải chịu hàng chục thứ thuế và phụ thu khác, lại phải trả tiền nhà ở, lệ phí bảo vệ… Riêng thuế thân và các khoản phụ thu, mỗi công nhân phải nộp gần 80 đồng/năm.

 

Trong hoàn cảnh bị bóc lột nặng nề như vậy, công nhân làm việc ở nhà máy đường Đồng Bò, làm đường bộ, đường sắt đấu tranh chống lại chúng. Khi được tin Mặt trận bình dân lên ở Đông Dương, nhất là thông tin về phong trào đấu tranh trên cả nước, đã ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng ở Phú Yên. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh trong tháng 7/1973 của công nhân nhà máy đường Đồng Bò và nhân dân trồng mía xung quanh nhà máy, đấu tranh đòi giảm giờ làm, tăng lương, tăng giá mua mía…

 

Ngoài ra nhân dân Phú Yên còn đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi tự do, dân chủ, đòi lập hương ước chống tham quan ô lại, chống cường hào nhũng nhiễu dân. Nhân dân ở các làng Tân Mỹ, Lương Phước, Quảng Phú, Thạnh Phú… (phủ Tuy Hòa) làm đơn kiện lên Tòa Khâm sứ Huế, chống chủ nhà máy đường Đồng Bò cướp đất làm đường chở mía và lấn chiếm ruộng đất của dân để mở rộng diện tích mía, dưới hình thức mướn đất với giá rẻ mạt. Trước áp lực đấu tranh ấy, tên chủ nhà máy đường phải trả gấp đôi số tiền mướn đất.

 

Tiếp đó, công nhân trong nhà máy đường Đồng Bò đã tổ chức bãi công ngày 6/7/1938, có tiếng vang khá lớn. Ban đầu cuộc bãi công còn hạn chế trong số 300 công nhân nhà máy, sau lan đến mấy ngàn công nhân ngoài đồn mía và nhân dân các xã quanh vùng.

 

Trong khi đó, công nhân làm hầm xe lửa đèo Cả cũng đấu tranh đòi tăng lương, đòi bảo hiểm tai nạn lao động. Tháng 9/1937, Đảng bộ Phú Yên đẩy mạnh hoạt động dân vận, ra sức tổ chức các hội quần chúng phổ thông để thu phục quảng đại quần chúng thành một Mặt trận thống nhất. Toàn tỉnh tổ chức được 400 hội viên Hội Tương tế ái hữu, hơn 100 hội viên Hội Đá bóng…

 

Ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Tuy Hòa, đồng chí Huỳnh Nựu diễn thuyết với quần chúng ủng hộ dự án thuế của Viện dân biểu Trung Kỳ và chống chiến tranh; cuộc mít tinh này huy động hơn 1.000 người ở các địa phương trong tỉnh như chợ Xổm, La Hai, Quán Cau, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Phú Thứ… về dự. Sau cuộc mít tinh, thực dân Pháp khủng bố khốc liệt vây bắt hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy.

 

Cùng với cuộc đấu tranh rộng khắp của đồng bào Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng phía tây Phú Yên cũng vùng lên đấu tranh chống đi xâu, không nộp thuế.

 

Thông qua hoạt động dân vận, Đảng bộ Phú Yên đã đưa phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên ngày càng phát triển mạnh mẽ; nhất là các cuộc đấu tranh của quần chúng trong Mặt trận dân chủ như phong trào đấu tranh đòi tự do lập hội, tự do báo chí, tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là phong trào truyền bá chữ quốc ngữ…

 

Các tổ chức hội, đoàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ luôn thể hiện vai trò tiên phong, là một lực lượng xã hội to lớn luôn giữ vai trò đi đầu trên các trận tuyến chống quân thù. 

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek