Thứ Hai, 25/11/2024 15:30 CH
Phú Hòa chuyển hướng đấu tranh sau cao trào dân chủ 1936-1939
Thứ Sáu, 12/10/2018 09:05 SA

Liệt sĩ Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1936, Huân chương Hồ Chí Minh và đồng chí Phan Văn Dự, Bí thư Phủ ủy Tuy Hòa (1938)

Thực hiện chủ trương đấu tranh hợp pháp của Đảng, đặc biệt là sử dụng bộ máy của giai cấp thống trị để chống lại chúng ngay trong hạ tầng cơ sở. Trong những năm 1937-1938, các chi bộ đảng ở phủ Tuy Hòa đã cử một số đảng viên ra tham gia bộ máy chính quyền thực dân để thi hành các quyền tự do, dân chủ, bênh vực quyền lợi cho dân, củng cố, phát triển cơ sở và phân hóa đội ngũ kẻ thù.

 

Qua thực hiện chủ trương nói trên của Tỉnh ủy, thực tế cho thấy những làng có đảng viên ra làm hương, lý, hoặc nơi nào bộ máy hương lý do Đảng ta nắm giữ thì nơi đó nhân dân đỡ khổ, ít bị sách nhiễu và có phong trào cách mạng cao trong tỉnh. Ở làng Long Tường (Hòa Trị) có đồng chí Nguyễn Thanh Hương làm Lý trưởng, đồng chí Phạm Trọng Tuyên làm Hương kiểm; ở làng Nho Lâm (Hòa Quang) có đồng chí Trần Hào làm Phó lý… Nhiều đảng viên ở phủ Tuy Hòa đã thực sự gương mẫu, giữ vững phẩm chất cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân đem lại kết quả tốt đẹp cho cách mạng. Tuy vậy, cá biệt vẫn có một ít đảng viên suy thoái phẩm chất, lấy cớ che mắt địch để ăn chơi trác táng, hà hiếp quần chúng, làm cho nhân dân bất bình, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Chủ trương cài người vào bộ máy của giai cấp thống trị là hình thức tổ chức đấu tranh rất độc đáo ở phủ Tuy Hòa và nhiều địa phương khác trong tỉnh thời kỳ Mặt trận dân chủ.

 

Bên cạnh tổ chức cài đảng viên vào hoạt động trong bộ máy chính quyền địch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phủ ủy, các chi bộ đảng ở phủ Tuy Hòa còn đẩy mạnh nhiều hoạt động công khai như phát triển phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, vận động nhân dân đọc sách báo tiến bộ và các tổ chức hội ái hữu vận động nhân dân, nhất là thanh niên tích cực đọc sách báo tiến bộ, tuyên truyền, giải thích cho quần chúng biết những vấn đề cơ bản về đấu tranh cách mạng, như chủ nghĩa cộng sản là gì, vấn đề dân cày… Tiệm ăn Tam Lục Cửu ở phủ lỵ Tuy Hòa được các đồng chí đảng viên phủ Tuy Hòa quản lý tiếp tục phát triển, là nơi liên lạc, hướng dẫn tuyên truyền mở rộng cơ sở đảng; xây dựng nơi tiếp xúc với trí thức, nhân sĩ, mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

 

Phong trào truyền bá quốc ngữ ở phủ Tuy Hòa được đẩy mạnh, giúp nhân dân thoát nạn mù chữ, nâng cao dân trí, từng bước giác ngộ và đưa một số đối tượng tích cực, nhiệt tình, có tinh thần yêu nước tham gia hoạt động cách mạng. Các chi bộ đảng ở phủ Tuy Hòa đã động viên thầy giáo, học sinh ở các trường học hăng hái tham gia công tác truyền bá quốc ngữ. Cùng với phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, đọc sách báo tiến bộ, các chủ trương của Đảng và Mặt trận dân chủ được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ở phủ Tuy Hòa, tạo những tiền đề căn bản để các tổ chức đảng đẩy mạnh hoạt động, phát triển phong trào cách mạng ở địa phương.

 

Ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh lớn tại phủ lỵ Tuy Hòa. Các đồng chí đảng viên phủ Tuy Hòa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hào và Phan Văn Dự đã huy động hơn 3.000 người dân các làng ở Hòa Định, Hòa Thắng, Hòa Quang, Hòa Trị… kéo xuống phủ lỵ dự mít tinh tại bến xe Tuy Hòa. Diễn thuyết tại buổi mít tinh, đồng chí Huỳnh Nựu, Bí thư Tỉnh ủy tố cáo chính sách cho nhân dân thấy nguy cơ phát xít đang khủng bố của thực dân Pháp; giải thích cho nhân dân thấy nguy cơ phát xít đang đến gần và kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi nhà cầm quyền phải chống phát xít, phòng thủ Đông Dương, mở rộng các quyền tự do, dân chủ, thả tù chính trị. Hàng ngàn người tham gia cuộc mít tinh, trong đó có đông đảo nòng cốt là đảng viên và quần chúng trong tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương; đả đảo phát xít Nhật; đại xá tù chính trị; đả đảo chủ nghĩa phát xít. Đồng chí Phan Thôi, một đảng viên trung kiên của Đảng bộ phủ Tuy Hòa đã giương cao cờ đỏ búa liềm trước đông đảo quần chúng giữa ban ngày, trước sự bất ngờ và lo sợ của binh lính Pháp và bọn quan lại Nam Triều đang ăn uống mừng Ngày Quốc khánh nước Pháp 14/7 tại nhà hàng Băn-ga-lô gần đó. Lần đầu tiên trong thời kỳ đấu tranh công khai hợp pháp, cờ đỏ búa liềm tung bay ngay tại phủ lỵ Tuy Hòa, trung tâm phía nam tỉnh của chính quyền thực dân ở Phú Yên. Bọn thống trị hoảng hốt ra lệnh báo động, giải tán quần chúng tham dự cuộc mít tinh.

 

Sau buổi mít tinh, địch ra sức khủng bố phong trào cách mạng rất ác liệt, đồng chí Huỳnh Nựu bị bắt, kết án 6 tháng tù. Tại Phú Hòa, địch truy lùng bắt bớ hơn 20 người là quần chúng và đảng viên nhiệt tình dẫn đầu trong buổi mít tinh. Không khí khủng bố rất căng thẳng ở các làng Nho Lâm, Hạnh Lâm, Long Tường, Phụng Tường.

 

Trong tình hình đó, Tỉnh ủy bị đứt liên lạc với cấp trên, Phủ ủy và các chi bộ đảng, tổ chức quần chúng ở Phú Hòa tạm thời ngưng hoạt động. Một số đảng viên dao động nằm im, còn đại bộ phận vẫn giữ vững lập trường cách mạng tìm mọi cách liên lạc, trao đổi với nhau, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, tìm cách bắt mối liên lạc với cấp trên để tiếp tục hoạt động.

 

Những kết quả mà tổ chức đảng viên và quần chúng cách mạng phủ Tuy Hòa giành được trong thời kỳ 1930-1939 là thắng lợi hết sức cơ bản, khẳng định sức mạnh to lớn của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là vô cùng mạnh mẽ và đầy sức sáng tạo. Thông qua cuộc vận động dân chủ, tổ chức đảng ở phủ Tuy Hòa ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành trung tâm phong trào cách mạng của tỉnh Phú Yên trong thời kỳ này.

 

Thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh trong những năm 1936-1939 ở phủ Tuy Hòa cho thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp là Tỉnh ủy Phú Yên, phong trào cách mạng của nhân dân Phú Hòa được tổ chức thành một phong trào rộng lớn, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh buộc chính quyền thực dân phải chấp nhận một số yêu sách cụ thể trước mắt. Trên cơ sở đó, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng ở phủ Tuy Hòa có điều kiện phát triển, trong điều kiện thuận lợi mới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào lên cao hơn, triệt để hơn.

 

Phong trào dân chủ 1936-1939 ở phủ Tuy Hòa diễn ra dưới ách thống trị của chính quyền thực dân, không có tự do, dân chủ. Những cuộc đấu tranh của nhân dân phủ Tuy Hòa đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình là một hình thức đấu tranh cách mạng cụ thể để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Phong trào đấu tranh của nhân dân phủ Tuy Hòa diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia. Hình thức đấu tranh phong phú bao gồm hợp pháp, bất hợp pháp, với những cuộc vận động thu thập chữ ký, đưa kiến nghị… với các tổ chức linh hoạt là các hội quần chúng, hội đá banh, hội đọc sách báo tiến bộ…, kể cả việc đưa đảng viên, cơ sở của ta tham gia vào bộ máy chính quyền của địch.

 

Phong trào này còn thể hiện vai trò tiên phong của những đảng viên cộng sản ở đây, thực hiện tốt chủ trương liên minh công - nông của Đảng, xây dựng, phát triển cơ sở đảng đến khu Đồng Bò, nơi tập trung hàng trăm công nhân, là cơ sở công nghiệp lớn nhất của tỉnh lúc này. Phong trào đấu tranh của công nhân ở Nhà máy đường Đồng Bò cùng với cuộc đấu tranh của nông dân ở phủ Tuy Hòa có tác động tương hỗ, tạo điều kiện củng cố khối liên minh công nông; là cơ sở đoàn kết toàn dân theo cương lĩnh Mặt trận dân chủ.

 

Trong khuôn khổ chính sách và sự thống trị của chính quyền thực dân lúc bấy giờ, những kết quả đạt được nêu trên của tổ chức đảng viên và các tầng lớp nhân dân phủ Tuy Hòa trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939 là một thành quả to lớn, làm cho phủ Tuy Hòa trở thành trung tâm phong trào cách mạng của tỉnh trong cuộc vận động dân chủ, khẳng định tinh thần yêu nước và tính sáng tạo của tổ chức đảng và nhân dân phủ Tuy Hòa trong phong trào giải phóng dân tộc.

 

Ở Phú Hòa, trong những năm 1940-1941, địch tiếp tục khủng bố gay gắt để truy lùng một số đảng viên còn lại. Các chi bộ đảng ở Phú Hòa gần như nằm im, không hoạt động; chỉ một số ít đảng viên chủ động móc nối giữ vững cơ sở và liên lạc với nhau, chờ liên lạc với tổ chức đảng cấp trên. Năm 1940, đồng chí Trần Hào vẫn bám địa bàn phủ Tuy Hòa hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển Đảng, kết nạp thêm một số đảng viên mới như: Trương Đạm, Lê Hòa, Lê Nho, Lê Dục, Lê Lũy, Lê Thành phụ, Lê Đà, Hàn Thời… thành lập thêm 2 chi bộ mới. Chi bộ Thạnh Lâm (chi bộ D) do đồng chí Lê Dục làm Bí thư. Chi bộ Hòa Định (chi bộ E) do đồng chí Lê Đà, sau đó là đồng chí Lê Lũy làm Bí thư.

 

Nhìn chung, trong thời kỳ này, phong trào cách mạng ở Phú Hòa không được sôi động như trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, nhưng vẫn luôn âm ỉ, các đồng chí đảng viên bí mật vận động thanh niên trong vùng chống lệnh tổng động viên, chờ đợi chủ trương mới của Đảng.

 

Tháng 6/1944, địch bắt đồng chí Trần Hào tại nhà riêng ở làng Nho Lâm. Chúng còng tay, xích chân giải đồng chí về giam ở nhà lao Quy Nhơn và tra tấn dã man đến chết. Đồng chí Trần Hào anh dũng hy sinh tại nhà lao Quy Nhơn khi tuổi đời vừa tròn 30, để lại cho nhân dân Phú Hòa nói riêng, nhân dân Phú Yên nói chung, niềm tiếc thương vô hạn, nhất là khi đồng chí mất, cách mạng đang gần đến ngày thành công.

 

Cuối năm 1944, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng bị địch giam giữ ở các nhà tù: Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Trà Kê… ra tù về Phú Yên hoạt động, tuyên truyền phổ biến Điều lệ Việt Minh. Một số học sinh, sinh viên học ở Hà Nội, Huế… về quê nhà cũng tích cực tuyên truyền vận động phong trào Việt Minh.

 

Ngày 9/3/1945, để trừ mối họa bị quân Pháp đánh sau lưng khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, phát xít Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Khi quân Nhật kéo quân vào phủ Tuy Hòa, Phú Yên, chúng chỉ dám chuyển quân vào ban đêm một cách lặng lẽ, song bị máy bay quân đồng minh bắn cháy từng đoàn tàu hỏa, đánh chìm nhiều tàu chiến của Nhật trên biển. Trên bầu trời Phú Yên, máy bay của quân đồng minh tự do hoạt động. Cảnh quân Nhật trốn chui trốn nhủi vào các làng để tránh máy bay, hoặc những tên lính pháo binh bị xiềng chân vào đế súng để khỏi bỏ chạy… đã làm tiêu tan niềm hy vọng của một số người còn mơ hồ về thuyết “Đại Đông Á”. Phần lớn nhân dân phủ Tuy Hòa đều không tin là Nhật mạnh, có thể thắng quân đội đồng minh. Ai cũng căm phẫn sự tàn bạo của quân Nhật. Dọc đường chuyển quân, chúng bắt nhân dân phục vụ địch cực khổ trăm bề. Nhân dân phủ Tuy Hòa rất căm hận, liên tục đấu tranh không chịu đi xâu, khuân vác hàng hóa, súng đạn, lương thực, quân trang, quân dụng; có cơ hội là nhân dân phá hoại xe cộ, kho tàng, lúa gạo của giặc Nhật…

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek