Thứ Năm, 19/09/2024 23:21 CH
Chuyện về gia đình tham gia giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Thứ Hai, 19/02/2018 07:00 SA

Một buổi chiều cuối tháng 10/1961, bà Đàm Thị Lý nấu cơm cho cha chồng và con gái ăn sớm hơn mọi ngày. Ôm đứa con chưa đầy hai tuổi vào lòng và cố ngăn nước mắt trào ra, bà nghẹn lời xin gởi đứa bé cho cha để đi làm nhiệm vụ “rất cần”. Người phụ nữ trẻ không thể nói với cha rằng ngày mai, bà sẽ cùng chồng, em trai tham gia giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Bà Đàm Thị Lý và con gái đầu Trần Thị Minh Triếp bên di ảnh chồng - liệt sĩ Trần Nựu - Ảnh: YÊN LAN

 

NHIỆM VỤ BÍ MẬT CỦA NỮ Y TÁ

 

Năm 16 tuổi, cô gái Đàm Thị Lý ở Liên Trì xin phép cha mẹ cho học lớp y tá mở tại Bệnh viện Tuy Hòa. Học xong, bà được giữ lại làm việc tại bệnh viện. Dường như nghề y đã chọn để người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé này góp sức vào một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, ngay trong lòng địch ở nội thị Tuy Hòa.

 

Trong số các bệnh nhân được bà Lý chăm sóc có một người khá đặc biệt: cử chỉ điềm đạm, lời ăn tiếng nói chuẩn mực, cho dù đau đớn cũng không hề kêu rên. “Tôi thấy ông có nhiều điểm giống cha mình nên mến và để ý đến những cử chỉ của ông”, bà mỉm cười nhớ lại. Để rồi sau đó, qua ông Mười Lầu (Nguyễn Lầu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Phú Yên), bà mới biết bệnh nhân đặc biệt đó chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Bà Lý được giao nhiệm vụ nắm bắt thông tin về hoạt động giám sát, theo dõi hằng ngày của bọn lính đối với luật sư. “Đồng chí Mười Lầu dặn tôi: Em phải hết sức cẩn trọng, đây là việc làm chỉ mình em biết, sống để bụng, chết mang theo”, bà kể.

 

Sau hơn một năm làm việc tại bệnh viện, bà Lý được chuyển đến trạm y tế ở xã Hòa Kiến. Bà tiếp tục nhiệm vụ nắm thông tin về việc địch quản thúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ, báo cáo cho cấp trên biết. Rất nhiều đêm bà không ngủ, trăn trở làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.

 

Năm 1958, bà Lý nên duyên vợ chồng với ông Trần Nựu, người ở làng Ninh Tịnh, cũng là bạn học tại Trường phổ thông Lương Văn Chánh ở Lò Tre (nay thuộc xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa). Chỉ 5 ngày sau đám cưới, ông Nựu bị bắt đi quân dịch. Là một thanh niên yêu nước và được nuôi dưỡng trong cái nôi cách mạng, ông Trần Nựu đã tìm cách thoát khỏi trại huấn luyện ở Thủ Đức (Sài Gòn). Bí mật trở về quê hương, ông gia nhập vào Tỉnh đội Phú Yên, sau trở thành Đại đội phó Đại đội 220.

 

Thư của bà Đàm Thị Lý gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Ảnh: YÊN LAN

 

Con gái đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời, và bà Lý không thể thoát khỏi sự dò xét của địch vì đứa trẻ không có cha. “Hai mẹ con tôi ở với cha chồng. Ngày ngày tôi gởi con gái cho cha rồi len lỏi từ nơi này đến nơi khác, nắm bắt phương thức hoạt động của địch”, bà kể. 

 

Tháng 9/1960, kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ không thành; một số cơ sở bị bắt. Luật sư bị bọn địch đưa trở lại quận lỵ Củng Sơn (Sơn Hòa), kiểm soát rất nghiêm ngặt. Đêm 18 rạng sáng 19/6/1961, quân ta tấn công quận lỵ Củng Sơn và làm chủ nơi này trong hơn một giờ nhưng cũng chưa thực hiện được mục tiêu giải thoát luật sư vì ông không có mặt ở đó.

 

Kế hoạch giải thoát luật sư lần thứ ba được xây dựng sau khi luật sư bị quản thúc ở Tuy Hòa. Vợ chồng bà Lý và Thái (tức Đàm Viết Thanh, em trai bà) cùng An (tức Phan Văn Trường) là những mắt xích quan trọng trong kế hoạch này.

 

 

Bà Đàm Thị Lý  - Ảnh: YÊN LAN

GIỜ G

 

Chiều 29/10/1961, bà Lý nấu cơm cho cha chồng và con gái ăn sớm hơn mọi ngày. Ôm đứa con chưa đầy hai tuổi vào lòng và cố ngăn nước mắt trào ra, bà nghẹn lời xin gởi đứa bé cho cha để đi làm nhiệm vụ “rất cần”. 18 giờ 30, bà mang túi xách trong đó đã chuẩn bị sẵn thuốc, bông băng…, rời khỏi nhà. Chồng và em trai bà cùng An, thành viên trong tổ, đã chờ ngoài ngõ. Ông Trần Nựu (tức Quyền) chính là người chỉ huy tổ đón luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Khi màn đêm buông xuống, họ đến mộ bà Dũ Ký trong khu nghĩa trang người Hoa ở dưới chân núi Chóp Chài, kiểm tra đường đi lối lại chung quanh thật kỹ. Rồi họ náu mình trong gộp đá, bên trên có cây cổ thụ chở che. Hôm sau, trinh sát leo lên cây cao, dùng ống nhòm quan sát. Tình hình không có gì bất thường. Đến 16 giờ ngày 30/10/1961, trời kéo mây mù mịt như sắp có mưa. “Chúng tôi quan sát thấy bọn lính kéo nhau về đồn, đó là điều kiện rất thuận lợi cho chúng tôi triển khai kế hoạch đón luật sư. 16 giờ 50 phút, theo kế hoạch, một thiếu niên, là người của ta, đi ngược chiều vào cây số 3, nơi sẽ gặp luật sư “đi tập thể dục quanh thị xã” bằng xe đạp. Cậu thiếu niên rời khỏi nghĩa trang người Hoa chừng 300m thì gặp luật sư đạp xe đến. Ông dừng xe, hỏi “Cháu có biết mả bà Dũ Ký ở đâu không?”, cậu thiếu niên mừng rỡ chỉ: “Kia kìa!”, bà Lý kể lại.

 

Ông Quyền và Thái mừng rỡ đón luật sư đưa vào bên trong thành mộ. Mỗi người mỗi việc, họ cải trang cho ông và mang chiếc xe đạp đi giấu. Luật sư vui mừng, xúc động nói lời cảm ơn. Rồi họ đưa luật sư đi theo lối đã chọn sẵn, dọc chân núi Chóp Chài, vượt qua mấy cái dốc cao, đến xóm Bầu Cả. Bà Lý nhớ lại: “Nơi đây có bót gác của giặc và có nhiều chó dữ. Rất may là trời mưa phùn, bọn lính gác ở trong lô cốt không hay biết gì. Qua được nơi nguy hiểm, chúng tôi đưa luật sư vượt qua một con mương rồi tiếp tục lội qua cánh đồng Màng Màng rộng lớn. Phải lội ruộng cho an toàn chứ đi theo đường mòn rất nguy hiểm, vì có nhiều bót gác và chó dữ. Tổ chúng tôi, một người đi trước dò đường, biết chỗ nào cạn, chỗ nào nước sâu; luật sư đi theo, hai bên có hai người hỗ trợ, còn tôi đi ngay phía sau, cứ nối gót luật sư mà bước. Luật sư có vóc dáng thư sinh nhưng rất nhanh nhẹn, vượt dốc cũng nhanh mà lội ruộng cũng giỏi”.

 

 Bà Lý nhớ, vượt qua dốc Đồng Sen thì đến vùng đất bằng, là điểm hẹn. Đồng chí Mười Lầu cùng Đại đội 375 đang đợi; ai nấy vui mừng khôn xiết. Luật sư cười mà đôi mắt rưng rưng. Ông nói: “Vậy là các đồng chí đã giải nguy cho tôi khỏi vòng kiềm kẹp của kẻ thù”. Từ đây, ta dùng áo mưa của Mỹ để ngụy trang, đưa luật sư vượt qua vùng tranh chấp trong mưa phùn gió lạnh. Chiều ngày 1/11/1961, họ đến nơi tập kết an toàn trên vùng đất được giải phóng.

 

Ngày 30/10/1961 - ngày giải thoát thành công luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng chính là ngày bà Đàm Thị Lý thoát ly gia đình, lên vùng căn cứ cách mạng.

 

Phát hiện luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được quân ta giải thoát, bọn lính lùng sục khắp nơi. Gia đình chồng bà Lý cũng nằm trong diện nghi vấn nên địch kéo đến nhà. Bà Lý không còn ở đó. Bọn địch quả quyết rằng bà có liên quan đến sự “biến mất” của luật sư, bèn đem đứa con gái nhỏ của bà ra bỏ giữa đường và bắt cha chồng bà giam cầm trong hơn hai năm. 

 

Nén vào lòng nỗi đau chia lìa con thơ, bà Lý trở thành y tá, dược tá trong kháng chiến, tích cực góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương. Đằng đẵng hơn 10 năm sau, bà mới gặp lại đứa con gái đầu lòng.  

 

Chồng bà, ông Trần Nựu, đã ngã xuống ở tuổi 25. Em trai bà, Đàm Viết Thanh, hy sinh khi mới 26 tuổi. Người phụ nữ quê ở Liên Trì đã sống kiên trung, xứng đáng với truyền thống của gia đình, với người chồng hy sinh vì đại cuộc.

 

“... Sau buổi gặp gỡ các ân nhân Phú Yên, luật sư hỏi tôi: “Chị Lý mình gặp tối nay có phải là người đã viết thư cho tôi không?”. Tôi thưa: “Dạ, người mặc áo dài màu vàng kim chính là chị Lý, và chị Trần Minh Thư, em ruột đồng chí Trần Quyền (tức Trần Nựu - PV), đội trưởng đặc công. Khi chú ra khu ở Phú Yên, chị Thư là cán bộ của tỉnh đã săn sóc giúp đỡ chú. Đơn vị quân giải phóng Phú Yên tham gia giải thoát chú đã hy sinh gần hết”. Luật sư xúc động bồi hồi, nói: “Nhiều người không còn nữa, họ là những anh hùng mà tôi mãi mãi ghi ơn”. Nhiều lần luật sư nhắc với tôi về gia đình chị Đàm Thị Lý, một gia đình có đến 5 ân nhân đối với luật sư”.

 

(Trích tác phẩm ký Nghĩa tình Phú Yên của GS-TS Trình Quang Phú,

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông)

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek