Những mùa xuân chiến khu ở chiến trường Phú Yên đọng lại trong ký ức sâu thẳm của thế hệ vàng cách mạng đã trải đời, trải đạn trong hai cuộc chiến tranh. Những mùa xuân chiến khu xanh mãi cùng năm tháng về một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Mùa xuân năm 1946, Phú Yên là tiền đồn của vùng tự do Liên khu 5, bộ đội Nam tiến và Tiểu đoàn Ba Dương ở Nam Bộ đều đứng chân trên đất Phú Yên, cùng tham gia với quân dân Phú Yên chặn địch ở phòng tuyến đèo Cả. Đón Tết Bính Tuất năm 1946, cô Năm Lửu (Đặng Thị Lửu) thay mặt Hội Phụ nữ tỉnh dẫn đầu Hội Mẹ, Chị binh sĩ ủy lạo bộ đội đóng quân trên đỉnh đèo Cả.
Cô Năm Lửu kể rằng, bộ đội đón tết rôm rả, tươm tất nhưng các bà mẹ Phú Yên sụt sùi: Thương các con quá, chẳng có gì ăn, phải ăn thịt cầy, thịt rắn… Thời điểm ấy, Phú Yên chưa quen với thịt cầy bảy món của bà con miền Bắc và món rắn hổ bảy món của bà con Nam Bộ. Các bà mẹ Phú Yên đâu biết rằng bộ đội Nam tiến xin dân được con cầy, bộ đội Ba Dương lùng sục núi rừng đèo Cả để bắt rắn… thì mâm cỗ ngày tết tại trận địa càng thêm sắc xuân và càng ra tết, sướng quá trời chứ đâu phải không có gì ăn…
Tết Đinh Hợi 1947, cả tỉnh Phú Yên được tổ chức thành 6 chiến khu, thực hiện toàn quốc kháng chiến, bảo vệ vững chắc vùng địa đầu phía nam của vùng tự do Liên khu 5. Đó là một cái tết chiến trường ác liệt, quân và dân toàn tỉnh đón xuân trên chiến hào chặn địch. Tết Mậu Tý 1948, bộ đội và thiếu sinh quân tổ chức Liên hoan đón xuân ở nhà ông Bát Lễ (An Thổ, Tuy An) để tiễn nhà thơ Trần Mai Ninh đi công tác cực Nam. Cựu chiến binh Hoàng Xuân Thâm ngậm ngùi kể lại: Đó là cuộc chia tay không có ngày gặp lại. Nhà thơ chiến sĩ tài hoa Trần Mai Ninh một đi không trở lại ở tuổi 31, vì bị địch bắt và sát hại ở vùng tạm chiến Khánh Hòa.
Tết Giáp Ngọ 1954 trầm hùng trong khói lửa chiến tranh, quân dân Phú Yên bám chắc trận địa, ăn tết ở chiến hào, chặn đứng cuộc hành quân Át lăng của địch hòng xóa sổ vùng tự do Liên khu 5. Từ quân đến dân đều ăn một cái tết thời chiến đầy ý nghĩa.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bậc tiền bối cách mạng được phân công ở lại hoạt động ở quê nhà chỉ vài chục người, đón cái tết Ất Mùi 1955 vô cùng đạm bạc giữa rừng sâu núi thẳm để thắp lên ngọn lửa niềm tin, ý chí về thế tất thắng của ngày mai. Bác Cao Xuân Thiêm (Văn Công) cà răng, căng tai, đóng khố, ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con dân tộc Ba Na với những cái tên dân tộc Ma Pốp, Ma Xăm, Ma Xí bám chặt lòng dân xây dựng chiến khu Thồ Lồ. Bác Hai Tín (Đỗ Hòa Thái) một mình đón xuân trong hang đá lạnh lẽo của núi rừng Cù Mông để xây dựng cơ sở cách mạng vùng Sông Cầu. Huyện ủy Tuy Hòa thì một bộ phận đứng chân ở căn cứ miền đông (Vũng Rô - Bãi Xép), một bộ phận đứng chân ở Dốc Mõ (Hòa Thịnh), phải đến cuối mùa xuân 1955 mới bắt được liên lạc với nhau. Địa danh Sát Cẩu Tử (làm thịt con chó nhỏ trong hoàn cảnh ngặt nghèo để duy trì sự sống) ra đời trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng Phú Yên.
Đêm giao thừa Xuân Kỷ Hợi 1959, Nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) bên bếp lửa hồng giữa sườn dốc Mò O cách thôn Kỳ Lộ, Suối Cối khoảng 300m, đã trải lòng xuân trong bài thơ “Cảm xuân 1959” đi vào văn học sử thơ ca cách mạng miền Nam:
Năm tết rồi em, năm tết qua
Rặng dừa trước ngõ
phải đành xa
Ngồi trên đỉnh núi vời
tròng xuống
Thấp thoáng bờ tre ló nóc nhà.
Sau Nghị quyết 15, phong trào cách mạng Phú Yên phát triển mạnh mẽ, hăm hở tiến về đứng chân ở đồng bằng. Lúc này lực lượng đã lớn mạnh nhưng nguồn cung cấp nuôi quân “tự túc tự cấp” ở chiến khu thiếu thốn trăm bề. Hai bậc tiền bối lãnh đạo Ban Kinh tài Tỉnh ủy là bác Văn Công và bác Dư Ái (Nguyễn Hữu Ái) phải lặn lội lên tỉnh bạn Gia Lai vay 15kg muối với cam kết mượn một trả một trăm. Đó là một kỷ niệm sâu thẳm trong cuộc đời làm kinh tài của hai bậc lão thành trong mùa Xuân Tân Sửu 1961. Bác Dư Ái kể rằng: Anh Tám Yên (Lương Thúc Mậu), Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đang run cầm cập vì sốt rét rừng chỉ xin một hột muối để “uống” cho đỡ nhớ vị mặn là khỏi bệnh.
Đón Xuân Ất Tỵ 1965, hai Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Suyền (Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy 3, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) và Hồ Đắc Thạnh (thuyền trưởng Tàu Không số mang ký hiệu 41) đều ghi lại những trang đầy cảm xúc trong hồi ký của mình về bữa liên hoan đêm giao thừa giữa thuyền và bến tại Vũng Rô - ghi dấu một chiến công đã đi vào huyền thoại.
Đón mùa Xuân Bính Ngọ 1966, Đoàn Văn công giải phóng Phú Yên (trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên) tá túc ở nhà ông Tám Cẩn (vùng 1, xã An Lĩnh, huyện Tuy An). Gia chủ chỉ còn ít gạo dành cho người già, trẻ em và hào phóng chiêu đãi cả đoàn mấy nồi chè đậu xanh theo tiêu chuẩn “Cộng sản chủ nghĩa” ăn chán thì nghỉ. Cả đoàn reo hò phấn khởi nhưng chỉ đến ngày thứ ba là ớn đến não, cả tháng sau còn ngán mùi đậu xanh.
Cũng như cả miền Nam và cả nước, cái tết đằm sâu trong tâm khảm của quân dân Phú Yên là Tết Mậu Thân 1968. Sinh thời, đại tá Lê Trọng Sủng, Trung đoàn phó Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ngô Quyền) rưng rưng nhắc lại tấm lòng của người dân ở Đa Lộc, Trầm Tường (Đồng Xuân), đã dốc cạn chút lương thực ít ỏi dành đón xuân để tiếp tế cho bộ đội Trung đoàn 10 hành quân chặn địch ở đèo Cù Mông chi viện cho chiến trường Quy Nhơn.
Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 85 bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng vừa đánh giặc vừa ăn tết với dân tại ngã năm TX Tuy Hòa trong mùa xuân 1968.
30 năm mùa xuân của 30 năm trường kỳ kháng chiến đã đơm hoa rực rỡ trong mùa xuân Ất Mão 1975, giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
BA ĐÀ RẰNG