Thứ Ba, 26/11/2024 00:33 SA
Những đóng góp của quân và dân Phú Yên làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy (*)
Chủ Nhật, 31/12/2017 11:00 SA

Sư đoàn 320 hành quân vào mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, năm 1968 - Ảnh: TƯ LIỆU

LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng đề cương tuyên truyền về hoạt động này. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 

I. HOÀN CẢNH, DIỄN BIẾN

 

1. Hoàn cảnh

 

Chủ trương và các hoạt động của trên

 

Tháng 12/1967, trong bối cảnh tình hình chính trị và quân sự phát triển thuận lợi, Bộ Chính trị Trungương Đảng họp, phân tích sâu sắc tình hình địch, tình hình ta và ra Nghị quyết: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới: Thời kỳ giành thắng lợi quyết định... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

 

Hội nghị Bộ Chính trị đề ra phương hướng tiến công chiến lược và chỉ rõ cả phương thức tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa cho từng vùng chiến lược, nhất là các đô thị lớn nhằm phấn đấu đạt các mục tiêu: Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp và giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được nhiệm vụ quân sự và chính trị của chúng ở ViệtNam. Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và ta đạt được mục tiêu trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

 

Hội nghị Bộ Chính trị cũng dự kiến đến khả năng không thực hiện được các mục tiêu, chiến tranh sẽ kéo dài và xác định: “Dù tình huống nào ta vẫn giành thắng lợi to lớn làm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho ta”.

 

Quán triệt ý định chiến lược của Bộ Chính trị, từ cuối năm 1967, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị, tổ chức sắp xếp lực lượng tăng cường cho phía trước, vận chuyển vũ khí xuống các đơn vị, địa phương. Bộ Tư lệnh Quân khu triệu tập hội nghị quân chính, hội nghị công tác chính trị, hội nghị chiến tranh du kích..., khu ủy mở hội nghị đấu tranh chính trị chuẩn bị cho tổng tiến công.

 

Tình hình địch trên địa bàn tỉnh

 

Tính đến tháng 1/1968, quân Mỹ trên chiến trường Phú Yên có Lữ dù 173 gồm 2 tiểu đoàn Bộ binh và 1 tiểu đoàn Pháo binh đóng tại Hòa Hiệp - Tuy Hòa 1.

 

Quân Nam Triều Tiên có 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn “Bạch Mã” gồm Trung đoàn 28 đóng từ núi Hùng vào Tuy Hòa 1, hậu cứ ở Tân Hải; Trung đoàn 26 đóng từ Hòa Đa, Đồng Xuân, Sông Cầu, hậu cứ ở Đồng Đò.

 

Quân ngụy có Trung đoàn 47 (gồm 4 tiểu đoàn), 25 đại đội Bảo an, 8 đại đội Biệt kích, 24 trung đội Biệt kích, 54 tổng đoàn Dân vệ. Ngoài ra còn 2 đại đội Công an dã chiến, 2 đại đội Cảnh sát.

 

Pháo binh địch có 2 tiểu đoàn của Nam Triều Tiên và 1 tiểu đoàn của Mỹ, 10 khẩu pháo 105 ly của các quận và 4 khẩu pháo 175 ly ở Xuân Phước và Củng Sơn.

 

Sân bay phản lực Đông Tác có từ 13 - 15 chiếc F100 và 105, sân bay căn cứ hành quân ở Hòa Hiệp có từ 80 -100 chiếc máy bay trực thăng, 10 Mô-hốc, 3 trinh sát L19, 3 trực thăng vũ trang.

 

Cơ giới: 3 chi đoàn xe M113, M118 của 2 trung đoàn Nam Triều Tiên và Trung đoàn 47 ngụy, Chi đội xe tăng M41 Mỹ ở Đông Tác.

 

Về lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên

 

Đến cuối năm 1967, ta có Tiểu đoàn 85, Đại đội Đặc công 201, Đại đội Đặc công 202, Đại đội Trợ chiến 167, Đại đội Công binh 50; 1 đại đội Trinh sát, Đại đội Thông tin 18, Đại đội Vận tải 23. Các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Sông Cầu mỗi huyện có 1 đại đội Bộ binh, 1 trung đội Đặc công, 1 tiểu đội Thông tin, 1 tiểu đội Công binh, 1 tiểu đội Cối 60 ly; các huyện còn lại có 1 trung đội Bộ binh và các tiểu đội chuyên môn… Ngoài ra, ta còn có Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tiểu đoàn Đặc công 430 (chủ lực của Phân khu Nam) tác chiến trên địa bàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, các đơn vị đều thiếu quân số, Tiểu đoàn 85 có 227 người, Tiểu đoàn 12/Trung đoàn 10 có 269 người, mỗi đại đội có từ 25-30 người, huyện có số quân nhiều là Tuy Hòa 1, kể cả Đại đội 377, Đội Công binh và Đại đội Đặc công 201 cũng chỉ được 113 người, huyện có quân số ít nhất là Sơn Hòa 12 người. Về vũ khí trang bị, qua chiến đấu bị mất mát, hư hỏng chưa bổ sung kịp; việc vận chuyển vũ khí chi viện của trên được rất ít, phần do địch càn quét chặn hành lang, phần do thiếu dân công; trong khi đó, khả năng sản xuất của xưởng quân giới tỉnh còn rất hạn chế nên mỗi chiến sĩ đi chiến đấu chỉ được trang bị 2 quả lựu đạn và 50 viên đạn tiểu liên.

 

Tương quan lực lượng

 

Về bộ binh, địch đông hơn ta gấp nhiều lần; về vũ khí trang bị kỹ thuật, địch chiếm ưu thế tuyệt đối về pháo binh, không quân, tăng - thiết giáp, vũ khí hạng nặng…; phòng thủ trong các công sự kiên cố ở các đô thị và vùng đồng bằng ven biển được xây dựng có hệ thống, liên hoàn, trên địa hình quan trọng, có giá trị chiến thuật. Ngoài ra, địch là đội quân thiện chiến, được cấp trên chi viện mạnh nếu có đánh lớn. Gần đến Tết Nguyên đán, chúng rút lực lượng cơ động về bố trí thành 2 vòng: Quân Mỹ và Nam Triều Tiên ở vòng ngoài, quân ngụy ở vòng trong, tạo thành thế bảo vệ TX Tuy Hòa, đề phòng ta tiến công trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

 

Thuận lợi của ta

 

Các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, qua 2 năm trực tiếp đánh Mỹ và Nam Triều Tiên đã có những kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy và vận dụng chiến thuật, được thử thách qua nhiều ác liệt; cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập cho quê hương, đất nước; được nhân dân giúp đỡ, che chở và đùm bọc.

 

Ta cơ bản vẫn giữ được yếu tố bí mật, địch biết ta sẽ đánh lớn trong dịp tết, nhưng đánh vào đâu, quy mô và phương thức sử dụng lực lượng thế nào thì địch không phán đoán được nên liên tục càn quét, đánh phá các vùng căn cứ giáp ranh, nhằm phát hiện chủ lực ta.

 

Các hoạt động chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy tại Phú Yên

 

Chấp hành chủ trương của trên, quân và dân tỉnh Phú Yên đã gấp rút làm mọi công tác chuẩn bị. Ngày 20/1/1968, Đảng ủy A9 và Tỉnh ủy họp đánh giá công tác chuẩn bị. Căn cứ vào thực lực quân sự, chính trị của ta và tương quan lực lượng địch - ta lúc này, kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Phú Yên được vạch ra như sau: Tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm TX Tuy Hòa, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với nổi dậy của quần chúng trong nội, ngoại thị xã, thực hiện công kích, khởi nghĩa giải phóng thị xã.

 

Phối hợp với hướng thị xã, các huyện sử dụng lực lượng vũ trang huyện và du kích tập kích vào quận lỵ, chi khu, các điểm chốt, nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, luồn sâu diệt ác, đánh tan bộ máy chính quyền cơ sở địch. Phối hợp với lực lượng chính trị, binh vận bao vây, bắn tỉa, chia cắt quận lỵ chi khu, điểm chốt, hỗ trợ quần chúng đứng lên khởi nghĩa và tổ chức quần chúng nhập thị. Riêng 3 huyện phụ cận thị xã (Tuy An, Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2) liên tục đánh phá, cắt đứt từng đoạn giao thông, nhanh chóng xây dựng lực lượng du kích và tự vệ mật.

 

Ngày 26/1/1968, đồng chí Lê Đình Yên và đồng chí Cao Long được Thường vụ Phân khu cử về tỉnh Phú Yên cùng các đồng chí Trần Suyền, Chín Cao - Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí trong Đảng ủy A9 họp lần cuối để bổ sung nhiệm vụ, soát xét lại tình hình, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách các hướng. Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị tổ chức cho bộ đội ăn tết trước để chuẩn bị tiến công địch theo kế hoạch.

 

Đêm 29/1, các đơn vị, cơ quan chỉ huy phía trước bí mật hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng ở sườn núi tây xã Hòa Quang, sẵn sàng đợi lệnh xuất quân. Cán bộ Dân Chính Đảng nắm các lực lượng quần chúng ở vùng ven, lãnh đạo tổ chức quần chúng chuẩn bị sẵn sàng tiến vào thị xã, tiến hành giành chính quyền.

 

2. Diễn biến

a) Đợt 1

 

24 giờ ngày 30/1/1968, địch ở TX Tuy Hòa, ở các cứ điểm vùng ven và các huyện bắn súng đón giao thừa; lợi dụng pháo sáng địch, quân ta nhanh chóng áp sát mục tiêu.

 

0 giờ 30 ngày 31/1/1968, lực lượng vũ trang ta đồng loạt nổ súng tiến công vào nhiều vị trí, cơ quan đầu não của địch trong TX Tuy Hòa và các vị trí địch ở hầu hết các quận lỵ, thị trấn, huyện trong toàn tỉnh Phú Yên.

 

Tại TX Tuy Hòa: Là hướng trọng điểm, các đơn vị Đại đội Đặc công 202, Trung đội Quyết thắng của thị xã đã tấn công vào khu cố vấn Mỹ và Ty cảnh sát ngụy, diệt gần hết bọn địch. Tiểu đoàn 12 tấn công vào sân bay khu chiến, làm chủ gần hết sân bay, sau đó rút về ở bắc xóm Đạo tổ chức phòng ngự đánh địch ban ngày, mặc dù thương vong lớn, chỉ còn lại 42 cán bộ, chiến sĩ nhưng tiểu đoàn vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu với khẩu hiệu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khẩu hiệu này được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12 lấy máu của mình viết lên áo trước giờ xuất quân; quá trình chiến đấu đã bẻ gãy hàng loạt các đợt tấn công quy mô của địch, tiêu diệt 290 tên địch (trong đó có 175 tên Mỹ), phá hủy 4 pháo 105 ly, 4 xe M113, 3 máy bay trinh sát L19, 3 lô cốt, 1 kho đạn, làm cho địch hoang mang, khiếp sợ.

 

Tại Tuy Hòa 1: Đại đội 7 Tiểu đoàn 430 cùng Đại đội Đặc công 201, Đại đội huyện 377 tập kích sân bay Đông Tác, sân bay trực thăng Thọ Lâm, Trung đoàn bộ 28 “Bạch Mã” Nam Triều Tiên, quận lỵ Phú Lâm, trận địa pháo Nam Triều Tiên ở Hảo Sơn. Đội công binh liên tục chặn đánh các đoàn xe địch vận tải trên đoạn đường bắc đèo Cả. Kết quả ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 481 tên địch, trong đó có 216 tên lính Nam Triều Tiên, 128 tên Mỹ, 20 máy bay trực thăng, 9 máy bay mô-hốc và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

 

Tại các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu các trung đội vũ trang huyện cùng du kích, đội công tác đã tấn công và tiêu diệt được hơn 200 tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí trang bị; với nhiều cách đánh hay, sáng tạo như du kích xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân dùng lựu đạn cột vào cán cờ cắm trên cây đa, bọn địch dùng máy bay trực thăng HU1A đến lấy cờ, lựu đạn nổ làm rơi chiếc máy bay trực thăng tại chỗ.

 

Chiều 31/1, tại chỉ huy sở A9 Thường vụ Phân khu và Đảng ủy A9 họp kiểm điểm tình hình chiến đấu ở hướng trọng điểm cuộc họp đã quyết định, tập trung lực lượng, tổ chức tiến công địch trong TX Tuy Hòa lần thứ 2.

 

Đại đội Đặc công 202 và Trung đội Quyết thắng của thị xã tiến công Ty cảnh sát ngụy lần thứ 2. Tiểu đoàn 85 phát triển đánh chiếm thị xã, sau đóđược nhân dân giúp đỡ, tổ chức phòng ngự tại khu phố Trần Hưng Đạo để đánh địch ban ngày. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cán bộ, chiến sĩ vừa chiến đấu giữ vững trận địa, vừa không quản ngại nguy hiểm để cứu chữa nhân dân bị thương do bom đạn địch, được nhân dân rất mến phục, khen ngợi.Các đợt tiến công của bộ binh địch từ các hướng đều bị tiểu đoàn bẻ gãy; kết quả ta đã loại ra vòng chiến đấu 164 tên địch, sau đó lui quân về căn cứ an toàn. Đây là lần đầu tiên của lực lượng vũ trang Phú Yên tiến công địch trong thị xã với quy mô cấp tiểu đoàn, ta làm chủ một khu phố cả ngày, đánh bại tất cả các đợt phản kích của địch ngay tại sào huyệt của chúng. Mặc dù yếu tố bất ngờ không còn như đêm giao thừa Tết Mậu Thân, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã vượt mọi khó khăn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên và đã lập được chiến công xuất sắc.

 

* Kết quả đợt 1 (từ đêm 30/1 -5/2/1968): Ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 tên địch, trong đó có 349 tên Mỹ, 464 tên Nam Triều Tiên; phá hủy 47 máy bay các loại, 26 xe quân sự, 5 xe M113 và M118, 10 khẩu pháo từ 105 ly đến 155 ly; thu gần 50 máy thông tin các loại.

 

Bên cạnh đó, hàng ngàn quần chúng được giác ngộ, tổ chức thành đội ngũ có cán bộ, đảng viên lãnh đạo đấu tranh, chỉ huy sẵn sàng tiến vào TX Tuy Hòa và các huyện lỵ cùng lực lượng vũ trang đánh đổ ngụy quyền giành chính quyền về tay nhân dân.

 

b) Đợt 2

 

Quán triệt Nghị quyết 14 của Trung ương Đảng: “Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị... là một giai đoạn bao gồm nhiều chiến dịch lớn của quân đội, ở các vùng chiến lược quan trọng phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng”.

 

Ngày 12/2/1968, Đảng ủy A9 và Thường vụ Tỉnh ủy họp quyết định phương hướng hoạt động đợt 2 Tết Mậu Thân. Hội nghị xác định mục tiêu chủ yếu vẫn kiên quyết tiến công vào thị xã, quận lỵ và chi khu.

 

Đêm ngày 3 rạng ngày 4/3, đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân mở màn.

 

Nhà ga Tuy Hòa - nơi xưa kia quân ta đánh chiếm đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/2 trong trận Mậu Thân

 

Tại TX Tuy Hòa: Tiểu đoàn 85 cùng Đại đội Đặc công 202 mặc dù bị địch phát hiện trước nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn dũng cảm, mưu trí tiến công vào Trung đoàn 47 và sở Mỹ, do thiếu vũ khí trang bị nên ta không làm chủ được hoàn toàn trận địa. Tiểu đoàn 12 tiến công Ty cảnh sát ngụy nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Tất Liêu - Tỉnh đội trưởng và đồng chí Nguyễn Khánh - Chính trị viên tỉnh đội trực tiếp chỉ huy quyết định: Tổ chức trụ lại xóm Chùa Ninh Tịnh đánh địch phản kích ban ngày. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị với nghị lực và quyết tâm phi thường đã chiến đấu vô cùng anh dũng, bẻ gãy hàng loạt các đợt tấn công có sự yểm trợ của các phương tiện bọc thép, pháo binh, máy bay của địch. Sau mỗi đợt tấn công thất bại, địch lại dùng pháo binh bắn phá dữ dội, dùng máy bay ném bom hạng nặng, bom na-pan, bom bi để hủy diệt công sự trận địa, gây cho ta rất nhiều thương vong; có trung đội bị bom địch thương vong chỉ còn một người vẫn tiếp tục chiến đấu để giữ vững trận địa, đồng chí Trần Tất Liêu và đồng chí Nguyễn Khánh đã anh dũng hy sinh khi đang chỉ huy chiến đấu; dù vậy, địch vẫn không thể chiếm được trận địa của ta. Đến tối cùng ngày quân ta giải quyết thương binh, tử sĩ và rút về căn cứ an toàn. Kết quả ta đã diệt hơn 200 tên địch (trong đó có 40 tên Mỹ và Nam Triều Tiền) bắn cháy và hỏng 8 xe M113.

 

Tại các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu: Trung đoàn 10, các đơn vị vũ trang huyện và du kích đã tấn công tiêu diệt nhiều lực lượng địch, làm địch không thể tập trung lực lượng cứu viện hướng TX Tuy Hòa.

 

Phối hợp với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị cũng được đẩy mạnh. Quần chúng ở An Ninh (huyện Tuy An) đồng khởi đánh đổ ngụy quyền xã thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân bị địch dồn vào các ấp Phú Tân, Vũng Diều... nổi dậy phá ấp trở về làng cũ. Cũng trong những ngày đầu tháng 3, nhân dân đã nổi dậy phá kìm giành quyền làm chủ ở các ấp Hòa An, Hòa Phú (xã Xuân Cảnh, Sông Cầu); Hòa Phong, Vinh Ba, xã Hòa Đồng và một số thôn của xã Hòa Vinh, Hòa Thịnh, Hòa Bình. Gần 3.000 lượt người đã tham gia các cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi địch không được bắn pháo vào làng, đòi được trở về làng cũ làm ăn.

 

c) Kết quả

 

Qua hai đợt của cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968các lực lượng vũ trangcủa ta đã đánh vào hầu hết các thị xã, thị trấn, quận lỵ, chi khu, các tuyến phòng thủ, sân bay, kho tàng… diệt 1.952 tên địch, phá hủy 29 xe quân sự, 47 máy bay các loại, 11 khẩu pháo từ 105-155 ly, thu giữ nhiều vũ khí trang bị; giải phóng 10 xã, 13 thôn với số dân 23.000 người.

 

II. Ý NGHĨA LỊCH SỬ

 

Thắng lợi xuân Mậu Thân năm 1968 là sự thành công lớn về mặt chiến lược; chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã làm thay đổi cơ bản về thế trận, đưa chiến tranh cách mạng vào tận hang ổ kẻ thù, làm chuyển biến nhanh chóng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường toàn miền và tạo thế mới có lợi cho ta; giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút quân Mỹ về nước, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, ngồi vào đàm phán với ta ở Pari, khởi đầu cho quá trình đi xuống về chiến lược và quá trình này không thể nào đảo ngược được cho dù 5 năm sau đó Mỹ mới rút hết quân Mỹ ở miền Nam về nước và phải 2 năm sau chế độ ngụy quyền Sài Gòn mới sụp đổ nhưng về mặt chiến lược Mỹ đã thua từ xuân Mậu Thân năm 1968.

 

Đối với LLVT tỉnh Phú Yên, trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết xả thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miềnNam. Nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm trong chiến đấu như: Liệt sĩ Lê Trung Kiên, liệt sĩ Nguyễn Hồng Sơn, liệt sĩ Nguyễn Hiếu, liệt sĩ Nguyễn Huệ,... tên tuổi và chiến công của các anh mãi mãi gắn liền với quê hương, đất nước. Nhiều đơn vị chấp hành nghiêm mệnh lệnh, tìm mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như: Đại đội Đặc công 202, 3 lần tấn công vào thị xã trong khi địch canh phòng chặt chẽ, điều kiện chưa chuẩn bị kịp, nhưng khi có lệnh là nhận nhiệm vụ, chiến đấu với hiệu suất cao. Tiểu đoàn 85 khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn chuẩn bị trong thời gian rất ngắn nhưng chỉ trong 3 giờ đã đánh chiếm làm chủ 2/3 TX Tuy Hòa; Tiểu đoàn 12 khi phòng ngự đánh địch ban ngày, mặc dù thương vong lớn, chỉ còn lại 42 cán bộ, chiến sĩ nhưng tiểu đoàn vẫn giữ vững quyết tâm chiến đấu và bẻ gãy các đợt tiến công của địch… đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân tin yêu, mến phục; các đơn vị vũ trang của huyện Tuy Hòa 1 đã khắc phục mọi khó khăn, luồn sâu bám sát, liên tục đánh phá các sân bay, cảng Vũng Rô, hậu cứ của địch trong điều kiện thiếu lương thực, thiếu vũ khí nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; các đơn vị công binh được giao nhiệm vụ chốt chặn, chia cắt các trục giao thông, không cho địch chi viện khi chiến dịch nổ ra đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt hàng chục xe, cắt đứt nhiều ngày ở đèo Cả, đèo Cù Mông tạo điều kiện cho hướng trọng điểm có điều kiện đánh địch; các trạm xưởng quân giới của tỉnh ngày đêm tập trung sản xuất lựu đạn, thủ pháo cung cấp kịp thời cho tiền tuyến…

 

Và đó chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh địch vận; là bài học trong việc đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta một cách sâu sắc để hạ quyết tâm tiến công và nổi dậy, bảo đảm giành thắng lợi trên chiến trường; là chiến thắng tổng hợp của sức người, sức của to lớn của quân và dân Phú Yên, đã huy động mọi lực lượng, khai thác mọi sức lực, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không ngại hy sinh, ác liệt, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ; là phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng vượt qua những khó khăn gian khổ để góp phần cùng quân và dân cả nước đập taný đồ xâm lược lâu dài của đế quốc Mỹ, tạo tiền đề cho thắng lợi mùa xuân 1975.

 

III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

 

Đây là cuộc tấn công có nhiều sự sáng tạo từ việc xác định hướng tiến công đến tìm cách đánh mới, lần đầu tiên chúng ta tiến công vào hầu hết các đô thị. Bên cạnh đó còn thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật chọn thời điểm chiến lược nhằm tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh (Năm 1968 - năm nhạy cảm về chính trị của nước Mỹ do bầu cử Tổng thống); sáng tạo trong chọn thời cơ vào đúng giao thừa Tết Nguyên đán - lúc mà địch dễ chủ quan, sơ hở nhất.

 

Là bài học kinh nghiệm trong việc quán triệt và chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, nắm chắc tình hình địch ta, đề ra phương án phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp, chọn thời cơ và tính quyết đoán của chỉ huy các cấp,… trong chiến đấu để tiến công tiêu diệt địch. Đặc biệt, thắng lợi xuân Mậu Thân 1968 là sự thành công về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 

Trong tình hình mới hiện nay, nhiệm vụ xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc của tỉnh Phú Yên có những bước phát triển mới với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Trên cơ sở những đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên như sau:

 

Một là, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới; trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, xây dựng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện đúng đắn, sáng tạo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, mà lực lượng là toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân; là trách nhiệm của mọi cấp ngành, mọi tổ chức và cá nhân, trong đó lực lượng vũ trang tỉnh làm nòng cốt. Tuy nhiên, các thế lực thù địchhiện nay đang tăng cường chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn hết sức tinh vi và thâm độc, tình trạng thoái hóa biến chất của không ít cán bộ, đảng viên dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng phức tạp. Do vậy, cần tăng cường đấu tranh để loại bỏ các nguy cơ trong nội bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI…; nhạy bén, sáng tạo, thường xuyên nắm chắc tình hình, giải quyết có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần tạo môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của đất nước.

 

Hai là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, trong nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân của đất nước. Qua thực tiễn cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 cho thấy, vai trò quan trọng của lực lượng tại chỗ, của thế trận chiến tranh nhân dân. Do đó, ngay từ thời bình chúng ta phải chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm tính toàn diện, trong đó chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng để sẵn sàng huy động ngay lực lượng và vật chất tại chỗ cho các nhiệm vụ. Cùng với đó cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh... Xử lý tốt những tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là trong phòng chống bạo loạn lật đổ. Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế ngay trong từng dự án cũng như trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

 

Ba là, cần tận dụng những thời cơ thuận lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước để mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi, thu hút đầu tư, học tập kinh nghiệm, nhất là về khoa học - kỹ thuật hiện đại, đi tắt đón đầu các thành tựu khoa học kỹ thuật… để phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Từ đó có điều kiện để nâng cao tiềm lực quốc phòng, quân sự, tạo ra khả năng về vật chất và tinh thần có thể huy động cho các nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

 

Bốn là, quan tâm chăm lo, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, trong đó Quân đội và Công an làm nòng cốt. Quan tâm, xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, nhất là về tiềm lực chính trị, bởi đây là nhân tố làm chuyển hóa so sánh lực lượng để“lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, là nét độc đáo của nền nghệ thuật quân sự ViệtNam. Do vậy, cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, định hướng tư tưởng để lực lượng vũ trang tỉnh tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phải coi trọng xây dựng cả lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới hiện nay.

 

-----------------

(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Quang những năm 1955-1956
Thứ Sáu, 29/12/2017 13:25 CH
Hòa Xuân - mùa khô 1966
Thứ Sáu, 01/12/2017 10:20 SA
Hòa Quang những năm 1973-1975
Thứ Sáu, 17/11/2017 09:12 SA
Hòa Xuân năm 1961-1962
Thứ Sáu, 03/11/2017 09:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek