Thứ Sáu, 20/09/2024 05:00 SA
Hòa Quang những năm 1955-1956
Thứ Sáu, 29/12/2017 13:25 CH

Núi Miếu ở Hòa Quang - Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 26/10/1955 - Mỹ Diệm mở trò hề “Trưng cầu dân ý” - âm mưu phá vỡ điều khoản về một “Cuộc tuyển cử tự do có giám sát”, chuẩn bị cho một cuộc bầu cử Quốc hội riêng lẻ tại miền Nam Việt Nam, nhằm chia cắt lâu dài đất nước.

 

Ở Hòa Quang (nay thuộc huyện Phú Hòa), các gia đình cơ sở như gia đình bà Trịnh Thị Bồn, Nguyễn Thị Lạp (ở Nho Lâm), Nguyễn Tòng, Nguyễn Châu (ở Hạnh Lâm), Lê Văn Bình, Nguyễn Thị Chí (ở Đại Bình)… trong những tình huống ngặt nghèo của sự khủng bố, vẫn giữ vững một lòng sắt son với cách mạng.

 

Tháng 10/1955, nhân bày trò hề bầu cử, địch bày trò lập thẻ căn cước để qua đó phân biệt đảng viên và quần chúng, nhằm khống chế hoạt động của phong trào đấu tranh. Nhiều đảng viên và quần chúng yêu nước đã bị địch bắt trong thời điểm này. Chúng thanh lọc từng gia đình qua sự theo dõi chỉ điểm của bọn liên gia, ấp trưởng. Địch bắt mọi người dân phải có khẩu hiệu chống cộng dán trên mũ nón. Từng gia đình phải có khẩu hiệu “đả đảo Việt cộng”. Chúng bắt đảng viên phải viết giấy ly khai Đảng, tổ chức mít tinh buộc đảng viên xé cờ Đảng trước dân.

 

Gia đình có chồng con đi tập kết thì chúng bắt cha đứng ra không thừa nhận con mình, buộc vợ tuyên bố cắt đứt quan hệ với chồng. Địch dã man và thâm độc đánh vào hạnh phúc gia đình cán bộ, đảng viên, hãm hiếp ép buộc một số chị em có chồng đi tập kết làm vợ bé, vợ hầu cho chúng.

 

Bên cạnh đó, địch ra sức đàn áp khốc liệt. Số đảng viên và thanh niên yêu nước của xã bị địch bắt lên đến khoảng 50 người, trong đó các đồng chí đảng viên trung kiên như: Nguyễn Tự Đoan, Bùi Thúc, Nguyễn May, Bùi Núi, Nguyễn Thị Chí, Nguyễn Thị Quý, Võ Xuân, Lê Xuất… Mặc dù bị địch đàn áp dã man nhưng khí tiết của người đảng viên cách mạng vẫn giữ vững, không một lời khai báo trước kẻ thù. Tiêu biểu cho phẩm chất ấy phải kể đến các đồng chí: Nguyễn May (Mậu Lâm), Võ Đức Châu (Hà Bình), Bùi Thúc (Đại Phú), Nguyễn Tự Đoan (Hạnh Lâm)…

 

Đánh hơi thấy lực lượng cán bộ kháng chiến còn lại ở Hòa Quang vẫn hoạt động bí mật, trưởng đoàn tố cộng của ngụy quyền tỉnh Phú Yên đã tung tay chân đi dò la truy xét khắp nơi trong xã. Sau khi lập thẻ kiểm tra có dán ảnh để dễ kiểm soát, bọn tố cộng dùng bộ máy liên gia để kiểm tra tạm vắng, tạm trú, lập điểm canh ở mọi thôn xóm, hàng đêm quản thúc gắt gao những gia đình đảng viên, gia đình có thân nhân đi tập kết, kể cả những người bị chúng tình nghi là có liên quan với cách mạng. Chúng quy định hiệu lệnh tập trung bất thường, khi mõđược gọi lên một hồi hai tiếng bất kể giờ nào, ai không có mặt sẽ bị kết tội “tiếp tay cho cộng sản chống đối quốc gia”. Chúng ép buộc các đảng viên bị bắt phải “ly khai” và xé cờ Đảng.

 

Trước sự gò ép vô nhân tính của đoàn tố cộng, nhân dân trong xã vô cùng phẫn nộ, các đồng chí đảng viên hoạt động bí mật lại móc nối vận động quần chúng đấu tranh.

 

Ngày 18/2/1956, tên tỉnh trưởng Lê Tá đích thân về thị sát tình hình tố cộng ở Hòa Quang, mở cuộc mít tinh tại sân trụ sở Hội đồng xã ở Hạnh Lâm, huênh hoang tuyên bố xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, không còn tổng tuyển cử 20/7/1956, quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ Bắc tiến… Chúng cưỡng bức hơn 1.000 người ở các thôn đi dự mít tinh, đứng chật khu chợ Hạnh Lâm. Những tờ truyền đơn nêu lên khẩu hiệu: Hồ Chí Minh muôn năm, đả đảo bọn Mỹ Diệm, phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, phải thực hiện tổng tuyển cử 20/7/1956…; xuất hiện xung quanh khán đài và ở các con đường từ Quang Hạnh vào, núi Miếu xuống, Đại Bình, Đại Phú lên đã phá nát cuộc mít tinh của địch. Bọn tề ngụy xã thôn lo sợ, bọn lính tráng bảo vệ hoảng hồn, tỉnh trưởng Lê Tá vội vàng lên xe chuồn gấp về tỉnh, tìm cách đối phó.

 

Sự khủng bố đàn áp ở Hòa Quang trở nên khốc liệt tàn nhẫn. Địch xác định Hòa Quang là vùng mất an ninh và tình nghi bắt bớ giam cầm hãm hiếp không từ bỏ một ai.

 

Ở Hòa Quang, sau khi nhận viện trợ Mỹ, chúng bành trướng uy lực của nhà thờ bằng cách xây dựng lại nhà thờ lớn ở Đồng Hòa và tiến hành “Công giáo hóa” và thực hiện “Công giáo trị” trên phạm vị toàn xã bằng các thủ đoạn hù dọa, gây sức ép, kể cả những biện pháp thô bạo, gây ra tình hình căng thẳng, tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng… một số người quá sợ, đành đem lúa gạo, vàng bạc đút lót cho chức sắc để được vào Thiên chúa giáo, mong được yên thân… Bọn ác ôn đội lốt Công giáo tập hợp tổ chức “tập đoàn công dân” trở thành một bộ máy kìm kẹp mới ở Hòa Quang. Chúng kích động chia rẽ đồng bào Thiên chúa giáo với những người cộng sản, coi cộng sản là kẻ thù không đội trời chung. Dựa vào thế lực của Diệm, chúng bắt cả những người Phật giáo và những người không theo tôn giáo nào cũng phải vứt bỏ tượng Phật và bàn thờ tổ tiên để thờ chúa Giê su. Nhà thờ biến thành căn cứ chống phá cách mạng. Viện trợ của Mỹ thực sự làm cho không khí nông thôn sôi lên sùng sục bởi những đảo lộn về thuần phong mỹ tục và phá vỡ cả truyền thống đạo đức bởi những cảnh sống xa hoa trụy lạc, đầu độc thanh niên bằng những giá trị giả tạo… Nhân dân Hòa Quang vốn có truyền thống lâu đời thờ phụng tổ tiên, tôn thờ Phật giáo. Bị cưỡng bức, đồng bào Hòa Quang vô cùng căm phẫn và bằng mọi cách không để bọn phản động đội lốt Công giáo hoành hành ngang ngược, chà đạp tự do tín ngưỡng.

 

Gay gắt nhất là hai thôn Mậu Thân và Hạnh Lâm, địch cưỡng bức mọi nhà phải theo công giáo thờ đức Chúa Trời. Đồng bào hai thôn phẫn nộ phản đối đòi tự do tín ngưỡng thì địch chụp mũ là bị bọn Việt cộng đầu sỏ nằm vùng hoạt động quấy rối. Chúng bắt các đồng chí Trần Nhung, Dương Co, Thái Nho, Phạm Thích, Nguyễn Tuyển, Kiều Mỹ Tho là những đảng viên khí tiết tẩy chay việc cưỡng bức bắt buộc theo Công giáo. Địch đưa số anh em đó vào nhà thờ thuyết phục nhưng bị anh em cự tuyệt. Địch dã man thủ tiêu và chôn ở hầm heo sau nhà thờ Đồng Hòa bây giờ. Cách vài tháng sau chúng bắt đồng chí Nguyễn Thìn và đồng chí Nguyễn Chuyển đưa vào nhà tên ấp trưởng Huỳnh Ngọc Thiết. Chúng nhét miệng hai đồng chí nhốt trong chuồng heo tra tấn cưỡng bức, hai đồng chí thà chết không đầu hàng. Địch dã man trói nhét miệng lôi ra chôn sống rồi tung tin là ông Thìn, ông Chuyển tẩu thoát theo Việt cộng, bắt vợ con quản thúc. Quần chúng thôn Mậu Lâm phẫn uất truy tìm kiếm xác. Cách 2 hôm sau được quần chúng phát hiện, gia đình đến khai quật tại một cái hố gần bên trũng trâu bò qua lại. Chúng đã chôn hai đồng chí tay chân bị trói, miệng bị nhét. Xác hai đồng chí cùng với một cái xác con chó chết để lên trên ngụy trang.

 

Đồng bào cả xã kéo nhau về Gò Nổng tập trung nơi xác chết đồng chí Thìn và đồng chí Chuyển. Với lòng căm phẫn sâu rộng của nhân dân, buộc bọn ngụy quân ngụy quyền tỉnh, quận về tận nơi xem xét. Để xoa dịu sự phẫn nộ của nhân dân Hòa Quang. Lê Ngọc Triển, Tỉnh trưởng Phú Yên phải đích thân về tại Hội trường Nho Lâm gặp mặt đồng bào nhận tội.

 

Tại buổi mít tinh đó, cụ Trần Dị (Mậu Lâm), cụ Hà Chánh Phái (Nho Lâm) chỉ vào mặt tên Huỳnh Quang Tân, Tô Trọng Mân, Huỳnh Ngọc Thiết, Nguyễn Niệm, kể cả bọn quận trưởng Nguyễn Khang, trưởng ty công an Lâm Dũ Biên là những tên khát máu giết người. Bà mẹ đồng chí Kiều Mỹ Tho bước tới níu lưng tên Huỳnh Quang Tân hỏi: Các ông giết con tôi chôn ở đâu? Hàng ngàn đồng bào vây quanh tên tỉnh trưởng Lê Ngọc Triển bất chấp bọn hiến binh xua đuổi, hô to “yêu cầu tỉnh trưởng cứu dân” “yêu cầu tỉnh trưởng trừng trị kẻ giết người vô tội”, Tỉnh trưởng Lê Ngọc Triển phải lặng thinh và cuối cùng phải thốt lên: “Tôi còn làm tỉnh trưởng là tôi phải làm rõ việc này”.

 

Đồng bào Hòa Quang kiên quyết đấu tranh tạo thế cho Tổng Hội Phật giáo Sài Gòn can thiệp, đưa sự vụ bọn phản động đội lốt Công giáo ở Hòa Quang đã giết người ra báo chí, tạo công luận lan toàn miền Nam. Báo Sài Gòn đã bình luận về “Vụ thảm sát tín đồ Phật giáo Hòa Quang”.

 

Mặc dù bị kìm kẹp dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ Mỹ - Diệm, nhân dân Hòa Quang vẫn bất khuất, kiên cường, giữ vững niềm tin với Đảng, với cách mạng, chịu đựng gian khổ hy sinh.

 

Trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, các đảng viên trung kiên và quần chúng yêu nước ở Hòa Quang đã giữ vững ý chí, niềm tin, thắp lên ngọn lửa lý tưởng, gây dựng lại tổ chức Đảng và phong trào cách mạng địa phương.

 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Công Minh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, chi bộ bí mật hợp pháp xã Hòa Quang trong giai đoạn đen tối nhất của cách mạng miền Nam (1954-1959) gồm những đảng viên trung kiên: Công Canh, Nguyễn May, Bùi Thúc, Lê Văn Bình… đã lãnh đạo nhân dân toàn xã đấu tranh sinh tử với kẻ thù, xây dựng và giữ gìn thực lực cách mạng.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Xuân - mùa khô 1966
Thứ Sáu, 01/12/2017 10:20 SA
Hòa Quang những năm 1973-1975
Thứ Sáu, 17/11/2017 09:12 SA
Hòa Xuân năm 1961-1962
Thứ Sáu, 03/11/2017 09:35 SA
Hòa Xuân sau Hiệp định Giơ-ne-vơ
Thứ Sáu, 22/09/2017 12:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek