Thứ Sáu, 20/09/2024 04:53 SA
Hòa Đồng cuối năm 1954
Thứ Sáu, 26/01/2018 09:25 SA

Sau ngày 30/8/1954, ngày hết hạn tập kết, chuyển giao địa bàn cho địch tạm thời quản lý, địch cử đoàn hành chính lưu động đến Hòa Đồng tiếp quản.

 

Biểu tượng đội quân tóc dài xã Hòa Đồng tại nhà bia tưởng niệm liệt sĩ - Ảnh: MINH KÝ

Khi vừa đến nơi, đoàn hành chính lưu động cấu kết với Đảng Đại Việt gian ác do Đặng Phú Tân cầm đầu, cho tay chân hung hăng lùng sục truy tìm vũ khí, tài liệu, kho tàng và tiến hành đàn áp dã man những cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực trong kháng chiến. Địch đã bắt và thủ tiêu 6 đồng chí: Trần Cừ, Nguyễn Sáu, Nguyễn Thành Thân, Lê Hớn, Trần Vân, Huỳnh Ngọc Anh. Một số người khác bị tra tấn dã man, có người không chịu nổi hình phạt của địch phải tự tử, như đồng chí Nguyễn Tấn Tú. Một số đồng chí phải chạy trốn vào núi, sau đó tìm đường đi tập kết như: Lê Cần, Võ Bá Trác, Huỳnh Tấn Chủng, Nguyễn Trung Trinh… Nhiều cán bộ, du kích, công an và một số quần chúng nhiệt tình, có nhiều công lao đóng góp trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp bị địch bắt giam ở trụ sở Hội đồng hương chính - đặt tại nhà Đặng Thanh Châu để đánh đập, tra tấn, khai thác. Đêm đêm từ trụ sở Hội đồng hương chính luôn vang lên những tiếng kêu la, rên xiết thảm thiết.

 

Đảng Đại Việt phản động ra sức truy nã các đảng viên Cộng sản và quần chúng yêu nước bằng những thủ đoạn dã man, thâm độc. Địch thành lập Ban ám sát xã Hòa Đồng để lùng bắt những người kháng chiến cũ, tra tấn, khai thác đánh đập chán chê, rồi đưa đi thủ tiêu. Hình thức thủ tiêu cũng rất man rợ, như chôn sống, đập chết, mổ bụng, xiên dây thép vào tay 3-4 người rồi cột đá dìm xuống sông… Càng ngày sự khủng bố trả thù những người tham gia kháng chiến cũ càng tàn bạo hơn. Từ thôn xóm đến cuối bãi đâu đâu cũng bao trùm một không khí chết chóc, thê lương. Nhân dân Hòa Đồng luôn sống trong nơm nớp lo âu, phập phồng sợ hãi và hết sức hoang mang. Các lẫm làng, đình làng ở các thôn trong xã đều được địch sử dụng làm trại giam, giam giữ những người mà chúng cho là “cộng sản” hoặc thân “cộng sản”, nên hàng đêm chúng còn tập trung hàng trăm người khác đến ngủ chung quanh “trụ sở” xã, thôn để dễ dàng quản thúc. Cả xã Hòa Đồng như một trại giam khổng lồ.

 

Cuối năm 1954, sau khi ổn định bộ máy chính quyền xã, thôn ở Hòa Đồng, địch huy động một lực lượng cảnh sát, mật vụ đông đảo - phần lớn thuộc Đảng Đại Việt và Cần lao nhân vị - lực lượng lính bảo an, với ban tề ngụy xã, thôn vừa thành lập thực hiện chiến dịch “tố cộng diệt cộng”. Địch nêu khẩu hiệu hành động: “Tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa cộng sản”, “Tiêu diệt cán bộ nằm vùng”, “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Sau khi phân loại đảng viên theo các hạng A, B, C, địch tập trung cán bộ, đảng viên, làm tờ “Thành khẩn ly khai, quy thuận quốc gia”, bắt những người có người thân đi tập kết phải làm giấy từ bỏ người thân. Ngoài số bị thủ tiêu, địch đưa hàng loạt người trong xã đi các nhà tù tỉnh, huyện.

 

Địch dùng mọi thủ đoạn để buộc quần chúng nhân dân tham gia các cuộc “đấu tố”. Bọn tề ngụy, mật vụ, cảnh sát, bảo an ngày đêm lùng sục xóm làng, mỗi khi có đảng viên bị đưa ra “đấu tố” địch bắt nhân dân trong xã phải đến xem. Khi đi xem mỗi người dân bị buộc phải mang theo mõ và gậy. Ai không mang là “có tội”, bị địch bắt bớ, đánh đập. Khi tố, từng đồng chí đảng viên phải đứng trên một chiếc ghế cao trước hàng trăm quần chúng chỉ huy tố cộng hô “đả đảo cộng sản”, buộc dân phải hô theo.

 

Với cách làm như vậy, địch những tưởng sẽ chia rẽ sâu sắc giữa nhân dân với cách mạng, tách rời cán bộ, đảng viên - những chiến sĩ cách mạng với đồng bào, đồng chí, bà con ruột thịt của mình. Nhưng thực tế cho thấy, những âm mưu, thủ đoạn tàn ác của địch đã bị thất bại, vì trong kháng chiến chống Pháp, Chi bộ Hòa Đồng có hơn 500 đảng viên, là nơi có phong trào kháng chiến mạnh của huyện Tuy Hòa. Những quyền lợi của người dân được chính quyền cách mạng giải quyết một cách công bằng, dân chủ, ý thức giác ngộ của đa số các tầng lớp nhân dân ở đây rất cao, tình cảm giữa dân với Đảng rất gắn bó, tin tưởng. Do đó, địch không thể nào xóa sạch tình cảm, sự tin yêu của nhân dân Hòa Đồng đối với Đảng, với cách mạng.

 

Trong hoàn cảnh bị khủng bố trắng như vậy, các tổ chức đảng và đoàn thể bí mật của Hòa Đồng - được thành lập trong khi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ đều bị đổ vỡ. Một số đồng chí đảng viên trung kiên phải trốn vào núi, có số được đi tập kết, có số bị thất lạc trên núi rừng, tìm củ rừng sống cầm hơi chờ thời cơ liên hệ với cấp trên, khôi phục lại cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng. Bên cạnh đại đa số đảng viên xã Hòa Đồng trung thành với lý tưởng, kiên định con đường cách mạng, cũng có một số ít đảng viên dao động, có người nằm im, có người bỏ làng quê ra đi làm ăn nơi khác, có người đầu hàng, đầu thú…

 

Tình hình căng thẳng, đen tối, ngột ngạt ở Hòa Đồng cũng là điển hình chung của miền Nam lúc bấy giờ. Để đối phó với tình hình đó, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa II) đã nhận định: Ngày nay, do tình hình mới, ta thay đổi phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là sự thay đổi quan trọng về phương châm, chính sách và sách lược cách mạng, nhưng còn mục đích cách mạng vẫn là một.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kính - Bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng đã đi vào lịch sử - Ảnh tư liệu

Ngày 5/9/1954, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cụ thể hóa và bổ sung tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa II). Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cuộc cách mạng của nhân dân miền Nam là đấu tranh thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình, đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất, chống khủng bố, bảo vệ những thành quả mà nhân dân ta giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Từ Tỉnh ủy Phú Yên, các nghị quyết của Trung ương đã được truyền đạt đến Huyện ủy Tuy Hòa. Đồng chí Văn Gói, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, trực tiếp đến Hòa Đồng chỉ đạo việc củng cố chi bộ đảng bí mật xã Hòa Đồng, hoạt động theo hướng hợp pháp và nửa hợp pháp. Trong thời gian bám địa bàn xã Hòa Đồng để chỉ đạo, củng cố phong trào các xã phía tây của huyện Tuy Hòa, đồng chí Văn Gói và đồng chí Nguyễn Thức (cán bộ Huyện ủy) bị địch bắt tại Hóc Răm, xã Hòa Đồng vào tháng 10/1954. Đây là một tổn thất lớn của phong trào cách mạng ở Tuy Hòa nói chung, xã Hòa Đồng nói riêng.

 

Cuối năm 1954, lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên, trực tiếp là đồng chí Lê Đài - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Võ Xuân Vinh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cử đồng chí Huỳnh Mai - Phó Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Văn Gói, chỉ đạo phong trào. Nhưng khi vừa về đến Hòa Phong, thì đồng chí Huỳnh Mai bị địch bắt. Tỉnh ủy tiếp tục cử đồng chí Nguyễn Kiết (Hai Hùng) về đứng chân ở vùng núi Hòa Thịnh, chỉ đạo phong trào xã Hòa Đồng và các xã phía tây huyện Tuy Hòa.

 

Tại Hòa Đồng, các đồng chí Hớn, Sáu Hiệu, Chín Cao, sau đó là Bùi Tân, Trần Suyền… xây dựng được một số cơ sở cách mạng như: Lê Đại, Võ Tấn Thành, Lê Duy Thừa, Lê Thị Thu, Lê Đẵm, Huỳnh Tài Ba, Lê Vinh Anh, Lê Hiền Đến, Lê Quang Ngọc, Lê Văn Ngại, Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Tẩm, Nguyễn Phán, Lê Củng, Phan Văn Đinh, Nguyễn Trọng Kiêm, Nguyễn Thị Ánh, Đỗ Thị Thìn… Hầu hết các thôn trong xã đều có cơ sở cách mạng.

 

Hoạt động các cơ sở cách mạng của xã Hòa Đồng trong thời kỳ là xây dựng các trạm liên lạc, bí mật nuôi giấu và tiếp tế cho cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật, đưa đón cán bộ tỉnh, huyện về địa phương công tác hay đi ngang qua xã… Trong số cơ sở cách mạng của Hòa Đồng nhiều đồng chí dù chưa phải là đảng viên, nhưng hoạt động rất tích cực, không ngại hy sinh, gian khổ. Do đó, dù kẻ thù ngày đêm hung hăng lùng sục, truy tìm, tiêu diệt đảng viên cộng sản, đánh phá cơ sở cách mạng, nhưng phong trào cách mạng xã Hòa Đồng không bao giờ tắt, được giữ gìn, duy trì ngay cả trong những ngày đen tối nhất của cách mạng.

 

Địch ở Hòa Đồng vẫn là xuyên tạc chính sách giảm tô, thuế nông nghiệp, đi dân công tiếp vận chiến trường… của Đảng ta thực hiện trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Qua các đợt tố cộng, diệt cộng của địch, nhiều đồng bào, đồng chí bị bắt bớ, tù đày, một số dao động cầu an, nhưng phong trào cách mạng xã Hòa Đồng không bao giờ tắt. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên Hòa Đồng đã hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh chống tố cộng, diệt cộng của Mỹ - ngụy. Hàng chục đảng viên bị địch bắt bớ, tra tấn dã man, thủ tiêu vẫn không làm chùn bước những người cộng sản Hòa Đồng. Họ vẫn một dạ hướng về Đảng, về cách mạng. Hơn 10 cơ sở nòng cốt của xã Hòa Đồng được xây dựng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng hùng hồn, cho niềm tin, tinh thần bất khuất của nhân dân Hòa Đồng. Mặc dù trong hoàn cảnh bị kẻ thù khủng bố trắng, phong trào cách mạng bị dìm trong sự chết chóc, tang thương, nhưng những người dân yêu nước của Hòa Đồng vẫn bí mật băng rừng, lội suối tìm kiếm các đồng chí đảng viên trung kiên của huyện, móc nối xây dựng cơ sở cách mạng từ những đống tro tàn tan hoang. Hình ảnh đồng chí Võ Xuân Vinh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, nguyên Bí thư xã Hòa Đồng trên đường đi công tác, bị địch phát hiện, bao vây súng bắn bốn mặt, đồng chí bình tĩnh, hiên ngang chiến đấu đến giọt máu cuối cùng; mãi là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên xã Hòa Đồng ngưỡng mộ và học tập.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek