Thứ Sáu, 20/09/2024 04:30 SA
Hòa Quang thực hiện nghị quyết “Ly Sơn”
Thứ Sáu, 12/01/2018 10:00 SA

Đầu năm 1964, Huyện ủy Tuy Hòa 2 ra nghị quyết “Ly Sơn”, sau khi Hội nghị Tỉnh ủy Phú Yên kiểm điểm nghiêm khắc về tư tưởng coi nhẹ đấu tranh chính trị, nặng về đấu tranh võ trang mà tư tưởng chính là gờm địch, ngại hy sinh gian khó. Tỉnh ủy cũng đề ra chủ trương đưa đấu tranh chính trị lên ngang hàng với đấu tranh võ trang trên cơ sở thực hiện tốt phương châm “Hai chân - Ba mũi”. Ở Hòa Quang, chi bộ đảng đã kịp thời triệu tập hội nghị đảng viên mở rộng để học tập nghị quyết “Ly Sơn”.

 

Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Quang - Ảnh: Tư liệu

 

Hội nghị được tổ chức tại Suối Ré bao gồm các đảng viên trung kiên chưa thoát ly (khoảng hơn 50 đồng chí). Đồng chí Tám Tồn (Nguyễn Mạo), Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, đã về dự với Chi bộ Hòa Quang. Sau hội nghị này, hàng chục đảng viên trong xã đã tham gia hoạt động thoát ly, đồng thời các đảng viên trên căn cứ cũng quán triệt tinh thần rời núi, xuống đồng bằng bám sát các cơ sở quần chúng.

 

Xã Hòa Quang tổ chức bầu cử UBND tự quản. Ngày 8/3/1964, đại biểu quần chúng nhân dân trong xã cầm phiếu bầu ra Ủy ban Tự quản xã. Đồng chí Nguyễn Tuần được cử làm Chủ tịch Ủy ban Tự quản, đồng chí Bùi Thúc làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng. Ủy ban Tự quản trực tiếp chỉ đạo Ban cán sự 12 thôn trong xã. Trụ sở ủy ban xã đóng ở nhà dân tại Gò Nổng, thôn Mậu Lâm.

 

Đảng bộ Hòa Quang phát triển, kết nạp nhiều đảng viên mới, trẻ và có trình độ, đủ sức hoạt động. Các đoàn thể được tổ chức hình thành từ thôn xóm. Đảng bộ xã phát động phong trào tăng gia sản xuất, xây dựng làng chiến đấu. Nhân dân trong xã nô nức tham gia đóng góp xây dựng lực lượng cách mạng. 153 người trong xã thoát ly tham gia các địa bàn khác. Số cán bộ xã, thôn và lực lượng dân quân du kích có 500 người. Số gia đình có con em đi lính cho địch hầu hết kêu gọi con em rã ngũ, bỏ ngũ trở về làm ăn với gia đình, chỉ trừ một số tên có nợ máu chạy theo giặc.

 

Uy tín của chính quyền cách mạng, sự lãnh đạo chi bộ xã đã gắn bó chặt chẽ với quần chúng, tạo thành một sức mạnh bảo vệ xã nhà vững chắc, trải qua các thử thách trực diện đấu tranh với quân thù. Cụ thể như đồng bào xã Hòa Quang tay không chặn đứng đoàn xe bọc thép M113 của địch cày ủi ruộng đồng, phá hoại mùa màng, bắn phá xóm làng.

 

Hàng ngàn chị em phụ nữ từ Cẩm Sơn, Quang Hưng, Hà Bình, Ngọc Lãnh, Nho Lâm, Đại Bình, Đại Phú, Phú Thạnh, Mậu Lâm ùa nhau vây ráp đứng trước đầu xe tăng của địch. Mặc cho địch dùng súng bắn dọa, đồng bào siết chặt tay hô lớn: “Xin mấy ông đừng cho xe tăng giẫm phá lúa, bà con chúng tôi sống nhờ hạt lúa, thà chết với xe tăng còn hơn không có lúa gạo ăn cũng chết!”. Trước khí thế đấu tranh của đồng bào, lời lẽ có lý có tình, bọn lính xe tăng phải dừng lại.

 

Cũng trong thời điểm này, địch thường cho máy bay ném bom và bắn pháo vào làng các vùng Ngọc Sơn, Đồng Mỹ, Ngọc Lãnh, Phú Thạnh và Hạnh Lâm. Đồng bào bị đe dọa dưới tầm đạn bom của địch không làm ăn được, trâu bò chết, nhà cửa bị thiêu hủy, ruộng vườn xơ xác, sống chui nhủi dưới hầm để tránh bom đạn. Không thể để địch thao túng, hành động tàn bạo mãi được, đồng bào xã Hòa Quang kết hợp với đồng bào các xã Hòa Định, Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Kiến tổ chức cuộc đấu tranh trực diện kéo nhau đến tận tiểu khu Phú Yên đòi địch không được bắn pháo, đưa máy bay rải bom hủy diệt, cản trở việc sinh sống của đồng bào.

 

Địch vẫn ngoan cố điên cuồng đem bom napal rải xuống thôn Đồng Mỹ làm chết 12 người, trong đó có cả cụ già, em bé, phụ nữ có thai, có cả người thân của binh sĩ ngụy. Xóm làng, nhà cửa xơ xác. Trước lòng căm phẫn của quần chúng, được anh em binh sĩ ngụy đồng tình, bà con khiêng cả 12 xác chết đến ngay tiểu khu địch đấu tranh đòi bồi thường. Đoàn người mỗi lúc mỗi đông, phân chia đi nhiều ngả. Hòa nhập với các đoàn người Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Định lũ lượt xuống đường dựng cao cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

 

Bọn địch lúng túng cho quân ngụy dùng súng đạn ngăn chặn. Có những đoàn quân đấu tranh chính trị của ta được gia đình binh sĩ và anh em binh sĩ đồng tình đã tiến thẳng vào tiểu khu đưa yêu sách buộc chúng phải chấp nhận tội lỗi. Đoàn quân đấu tranh chính trị của ta đến tại cầu Bến Lội thì bị địch chặn lại. Chị em đấu tranh bị địch dùng vũ lực đánh đập tàn nhẫn. Chị Tô Thị Nà ở Mậu Lâm xông tới thì bị địch đánh trọng thương, chị em kiên quyết khiêng chị xông vào buộc địch phải đưa về bệnh viện cứu chữa.

 

Cuộc đấu tranh chính trị, binh vận kết hợp với võ trang ở Hòa Quang trong năm 1964 đã trở thành cao trào có tính chất đồng khởi phá banh ấp chiến lược.

 

Tháng 10/1964, lực lượng võ trang của ta đã đánh tan tiểu đoàn Biệt động quân của địch tại núi Sầm ở Hòa Trị, tên Phê - tiểu đoàn trưởng chạy thoát. Nhân đó, chi bộ đảng cùng lực lượng cách mạng của xã Hòa Quang đã tổ chức phối hợp cùng đồng bào nổi dậy tiến công; giải phóng Nho Hạnh Lâm. Lúc này đồng chí Hà Văn Thu được cấp trên rút về huyện, đồng chí Trần Thị Tâm được cử làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Quang. Xã đội dân quân du kích của Hòa Quang được củng cố.

 

Thời điểm này, mọi mặt công tác của Hòa Quang được đẩy mạnh, các đoàn thể mặt trận như thanh niên, phụ nữ giải phóng được hình thành, với mục đích xây dựng Hòa Quang trở thành xã căn cứ của cách mạng, làm bàn đạp tiến công vào sào huyệt của địch. Lực lượng cách mạng của xã Hòa Quang đã phối hợp với các xã bạn như Hòa Thắng, Hòa Trị tiến công địch ở các vùng tranh chấp và giáp ranh, góp phần vào việc bao vây cô lập địch…

 

Đầu năm 1965, đồng chí Trần Thị Tâm được huyện rút về làm công tác phụ nữ, tổ chức cử đồng chí Nguyễn Đình Hiển làm Bí thư chi bộ xã. Thực tế, nghị quyết “Ly Sơn” trở thành hiện thực sinh động trong mùa xuân 1968. Hòa Quang mở màn chiến dịch đầu Xuân Mậu Thân 1968 với chiến thắng vang dội và quyết tâm trụ bám đồng bằng. Thắng lợi đó tạo khí thế kết hợp toàn miền tổng tấn công vào nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đạt thắng lợi to lớn. Đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, quân Mỹ và quân chư hầu phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.

 

Ngày 20/1/1968, Tỉnh ủy Phú Yên triển khai phương án và kế hoạch tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân theo lệnh của Trung ương. Đến tháng 1/1968, nghị quyết của Tỉnh ủy được nhanh chóng phổ biến đến cán bộ các cấp, ngành trong tỉnh. Cơ quan Tỉnh ủy được chuyển đến gộp Cây Vông, nằm tại bìa rừng thuộc địa phận xã Hòa Quang, cách TX Tuy Hòa khoảng 15 cây số theo đường chim bay.

 

Ngày 20/1/1968, Tỉnh ủy họp lần cuối cùng để thông qua phương án và kế hoạch tấn công nổi dậy ở TX Tuy Hòa và toàn tỉnh. Cuộc họp gồm có đại diện Bộ Tư lệnh Phân khu Nam và Đảng ủy A9.

 

Chiến dịch tấn công và nổi dậy trong dịp Tết Mậu Thân ở Phú Yên mang ký hiệu T25 do đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung; các đồng chí Lương Công Huề, Công Minh và Văn Công phụ trách các khối quân sự, chính trị và hậu cần. Cán bộ và chiến sĩ của ta ăn tết trước một tuần với một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chi bộ và lực lượng cách mạng của xã Hòa Quang khẩn trương chuẩn bị phương án, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.

 

Vào lúc 0 giờ ngày 30/1/1968 (tức 29 Tết Mậu Thân - địch trong thị xã và các vùng phụ cận bắn pháo hoa, pháo sáng để đón giao thừa thì quân ta bất ngờ nổ súng tấn công vào khu huấn luyện, trung đoàn bộ của Trung đoàn 47 ngụy quân, khu Cố vấn Mỹ, Ty Cảnh sát, sân bay Tuy Hòa… diệt nhiều địch. Đồng thời bám trụ tại Ninh Tịnh và xóm đạo, đánh lui được nhiều đợt phản kích của địch.

 

Ở Hòa Quang, chi bộ lãnh đạo các lực lượng cách mạng trong xã phối hợp đồng loạt với giờ nổ súng tiến công của bộ đội đặc công vào thị xã, nhất tề nổi dậy, giương cao ngọn cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai!!!”, “Đế quốc Mỹ cút đi!!!”...

 

Lực lượng du kích xã Hòa Quang tiếp cận căn cứ địch ở núi Tranh, kêu gọi binh lính địch ra đầu hàng cách mạng, trở về làm ăn với đồng bào. Trước khí thế nổi dậy như chẻ tre của quần chúng và du kích, lính nghĩa quân và dân vệ trong xã hoảng sợ bỏ chạy về Quy Hậu (Hòa Trị) - lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ xã Hòa Quang.

 

Tại Hòa Quang, lực lượng cách mạng làm chủ tình hình toàn xã. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh có sao vàng phất phới tung bay các đỉnh đồi núi Miếu, núi Bà Khương, núi Đất. Các nơi đều có áp phích, truyền đơn.

 

Sáng mùng 1 tết, hàng trăm gia đình binh sĩ quân đội Sài Gòn trong xã tập hợp từng đoàn, đến nơi đóng quân của chồng con kêu gọi chồng con trở về với cách mạng. Cũng trong thời điểm này, địch gắng gượng huy động lực lượng và phương tiện phản kích, nhưng bị lực lượng quần chúng và gia đình binh sĩ ngăn chặn. Địch phải chùn tay trước khí thế quân ta đang dũng mãnh đột nhập tấn công vào nội thị.

 

Hòa Quang đã góp công sức xứng đáng trong cuộc nổi dậy tấn công Xuân Mậu Thân, tạo khí thế cách mạng chi viện cho chiến trường chính trong tỉnh. Hòa Quang sử dụng lực lượng đấu tranh chính trị và đấu tranh binh vận bẻ gãy những đòn phản kích và làm tan rã nhiều binh lính ngụy, tề ngụy xã hoang mang dao động, tinh thần rệu rã.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Xuân - mùa khô 1966
Thứ Sáu, 01/12/2017 10:20 SA
Hòa Quang những năm 1973-1975
Thứ Sáu, 17/11/2017 09:12 SA
Hòa Xuân năm 1961-1962
Thứ Sáu, 03/11/2017 09:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek