Thứ Sáu, 20/09/2024 05:00 SA
Hòa Mỹ, những ngày đầu toàn quốc kháng chiến
Thứ Bảy, 16/12/2017 16:00 CH

Lớp bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám - Ảnh: TƯ LIỆU

Hòa Mỹ là xã địa đầu phía tây nam Phú Yên nối với vùng tạm chiếm Khánh Hòa qua Dốc Mõ, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bảo vệ vững chắc vùng tự do Liên khu 5.

 

Chn đứng âm mưu ca địch

 

Trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tỉnh Phú Yên giải thể khu Đồng Bò sáp nhập vào phủ Tuy Hòa. Toàn tỉnh được chia thành 6 chiến khu. Các xã hữu ngạn (phía nam) sông Đà Rằng thuộc chiến khu 1 do đồng chí Trần Châu làm Bí thư Ban cán sự Đảng chiến khu 1; đồng chí Phạm Ngọc Quế làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến khu 1.

 

Chưa đầy 1 tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, cả chiến khu 1 phải đối mặt quyết liệt với dã tâm của thực dân Pháp trong âm mưu xâm lược lâu dài đất nước ta. Hòa Mỹ là xã giáp ranh với vùng tạm chiếm Khánh Hòa, tình hình càng trở nên nóng bỏng. Khu Đồng Bò huy động dân công tháo dỡ máy móc nhà máy đường chuyển lên chiến khu lập công binh xưởng sản xuất vũ khí.

 

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Ban cán sự chiến khu 1, Hòa Mỹ đã tổ chức các trung đội dân quân tập trung. Các làng tổ chức lực lượng dân quân canh gác bố phòng. Hội Phụ nữ xã quản lý tốt hũ gạo nuôi quân để tiếp tế cho dân quân tập luyện canh gác, phối hợp tác chiến với vệ quốc đoàn. Dân quân Hòa Mỹ tổ chức sản xuất 3 mẫu ruộng để tự túc một phần lương thực, gây quỹ 5.000 đồng.

 

Xưởng quân giới của tỉnh xây dựng tại thôn Quảng Tưởng. Toàn bộ thợ rèn, thợ máy của Hòa Mỹ đều tích cực tham gia phục vụ xưởng quân giới sản xuất vũ khí đánh địch. Thực hiện chủ trương “toàn dân vũ trang”, quân dân Hòa Mỹ kể cả phụ nữ, đều tự trang bị vũ khí cho mình. Toàn dân hăng say lao vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.

 

Ngày 3/1/1947, từ vùng tạm chiếm Khánh Hòa, thực dân Pháp đưa trung đoàn chủ lực tinh nhuệ chia làm hai cánh quân ồ ạt tiến công ra mặt trận đèo Cả, nhằm thực hiện âm mưu chiếm đóng đồng bằng Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, quân dân Hòa Mỹ đoàn kết một lòng, tích cực bố phòng, sẵn sàng giáng trả địch, ngăn chặn địch xâm phạm vùng tự do.

 

Sáng 15/1/1947, quân dân Tuy Hòa cùng cả tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức phản kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở mặt trận đèo Cả, chiếm lại một số vị trí ở nam đèo Cả. Quân Pháp bỏ lại trận địa 400 xác lính. Không thể vượt qua nổi đèo Cả, chúng phải tiến công bằng đường khác.

 

Sáng 16/1/1947, một trung đoàn Pháp đổ bộ vào Vũng Rô và Bãi Xép kết hợp với cánh quân theo đường quốc lộ 1 và truông Gia Lai cùng những con đường núi xuyên qua vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Mặt trận đèo Cả vỡ, địch tràn ra Tuy Hòa, càn vào các xã Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Thành, Hòa Tân. Bộ đội và dân quân ta rút khỏi đèo Cả, tổ chức phòng ngự, ngăn chặn bước tiến quân địch.

 

Trước tình hình địch tấn công ác liệt, Chiến khu ủy chiến khu 1 thành lập ban cứu tế, tổ chức nhân dân các vùng có chiến sự tản cư, lánh cư lên các xã Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong và Hòa Đồng. Tại Hòa Mỹ, chi bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể cứu quốc tổ chức đón tiếp bà con chu đáo, giải quyết kịp thời những khó khăn gay gắt, làm tốt nhiệm vụ của một xã hậu phương. Trong hai ngày 17-18/1/1947, quân Pháp theo quốc lộ 1 đánh ra phía bắc. Nhân dân các làng dọc theo quốc lộ 1 thực hiện “vườn không nhà trống”. Ta phá sập cầu Đà Rằng, địch phải co cụm ở thị trấn Phú Lâm.

 

14 giờ ngày 19/1/1947, quân dân Tuy Hòa phối hợp cùng lực lượng của Trung đoàn 80, tiểu đoàn độc lập chủ lực của khu và tiểu đoàn Ba Dương (Nam Bộ) đang đứng chân ở Tuy Hòa, chặn đánh địch ở Phú Lâm, tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn, giết một tên quan tư Pháp. Trước đòn phản công sấm sét của ta, địch nhận thấy không đủ sức mở rộng phạm vi chiếm đóng, quân Pháp co về phía bên kia sông Bàn Thạch, xây dựng cụm cứ điểm Núi Hiềm và hệ thống đồn bốt trên đèo Cả, khống chế đoạn quốc lộ 1 từ Hảo Sơn đến Khánh Hòa, khống chế phần lớn xã Hòa Xuân.

 

Bộ đội và dân quân đào chiến hào, xây dựng phòng tuyến bao vây. Từ đây, Tuy Hòa trở thành tiền tuyến phía nam tỉnh Phú Yên và của cả Liên khu 5, là hậu cứ của Khánh Hòa - Đắk Lắk và các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

 

Trong lúc địch xây dựng đồn Núi Hiềm và cho quân lùng sục chung quanh, toàn chiến khu 1 đã phát động phong trào bao vây và đánh địch ở núi Hiềm. Các trung đội dân quân tập trung của các xã trong chiến khu 1, trong đó có sự tham gia của Trung đội dân quân Hòa Mỹ, đã liên tục tiến công địch, không để chúng rảnh tay bình định vùng chúng đã chiếm đóng. Giặc Pháp ra sức hoạt động nghi binh ở miền núi, dùng tàu chiến bắn phá ven biển, cho máy bay oanh tạc vùng tự do, trong đó có Hòa Mỹ.

 

Tháng 2/1947, đồng chí Nguyễn Côn, xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp về chiến khu 1 kiểm tra tình hình và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó giao nhiệm vụ cho Hòa Mỹ phát triển lực lượng tự vệ mạnh hơn và tổ chức đón tiếp một bộ phận bà con Hòa Xuân tản cư lên. Từ tháng 2-6/1947, trung đội du kích tập trung xã Hòa Mỹ tham gia cùng lực lượng dân quân du kích các xã thuộc chiến khu 1 thay phiên quấy rối, chặn đánh địch đi càn quét ở Hòa Xuân, bao vây bứt rứt các đồn xung quanh buộc địch phải co cụm vào cứ điểm Núi Hiềm.

 

Ngày 15/6/1947, địch tăng cường một trung đoàn từ Khánh Hòa ra, tổ chức cuộc càn quét lớn toàn khu 1 nhằm giải tỏa sự bao vây của quân dân ta đối với cứ điểm Núi Hiềm. Cánh quân thứ hai của địch càn quét các xã Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng. Quân dân Hòa Mỹ phối hợp tốt với các xã phía tây chiến khu 1 dựa vào giao thông hào chiến đấu chống trả kiên cường, diệt hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút quân. Qua thử thách, phong trào chiến tranh du kích, xây dựng làng chiến đấu, thế trận chiến tranh nhân dân tại Hòa Mỹ càng thêm vững chắc…

 

Tp trung gi v trí tuyến đầu ca vùng t do Liên khu 5

 

Cuộc tấn công của giặc Pháp lấn chiếm vùng tự do Liên khu 5 bị đập tan, Tỉnh ủy chủ trương giải thể các chiến khu. Chiến khu 1 và chiến khu 2 hợp nhất thành huyện Tuy Hòa. Tháng 10/1947, Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Hòa được tổ chức tại làng Nho Lâm, Hòa Quang. Đồng chí Trần Châu được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Để thuận lợi cho nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, chính phủ chủ trương sáp nhập Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến hành chính.

 

Cuối năm 1947, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc sáp nhập các xã nhỏ thành các xã lớn, trên 5.000 dân, toàn huyện Tuy Hòa thành lập được 14 xã lớn. Ba xã Nguyễn Chi, Quảng Thạnh, Ngọc Sơn được sáp nhập thành xã Hòa Mỹ, trụ sở xã đóng tại Phú Nhiêu. Đồng chí Nguyễn Cần là chủ tịch xã đầu tiên của xã Hòa Mỹ hợp nhất. Chi bộ xã Hòa Mỹ hợp nhất do đồng chí Huỳnh Mai làm bí thư. Mặt trận Việt Minh Hòa Mỹ do đồng chí Nguyễn Huỳnh Xương, Ngô Ngọc Vị, Phan Hoàng… Mặt trận Việt Minh đã tập hợp các tầng lớp nhân dân toàn xã hăng hái kháng chiến kiến quốc.

 

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuy Hòa, Hòa Mỹ động viên thanh niên hăng hái gia nhập bộ đội, hầu hết được bổ sung vào liên trung đoàn 80-83 có hậu cứ ngay trên địa bàn Hòa Mỹ. Liệt sĩ Đặng Thi, Huỳnh Mao - chiến sĩ vệ quốc đoàn - là những người con ưu tú đầu tiên của Hòa Mỹ (thôn Phú Thuận) đã hy sinh anh dũng trên chiến trường tỉnh bạn.

 

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Thi đua diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, nhân dân Hòa Mỹ đã dấy lên phong trào tăng gia sản xuất, tự túc tự cấp. Trồng bông, kéo sợi, dệt vải, trồng dâu nuôi tằm… vốn là nghề truyền thống của nhân dân địa phương nay càng có điều kiện phát triển. Hạt lúa củ khoai, manh áo…, nhân dân Hòa Mỹ một nắng hai sương làm ra không chỉ trang trải cho riêng mình mà còn dành dụm, chia sẻ cho chiến sĩ ngoài mặt trận và cho cả nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk.

 

Để đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, cổ vũ thanh niên hăng hái tòng quân giết giặc cứu nước, thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện kháng chiến, chi bộ Hòa Mỹ chủ trương phát triển lực lượng Bạch đầu quân, thực hiện khẩu hiệu “Giặc đến nhà, trẻ già cũng đánh”. Chủ trương này được các giới đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt.

 

Riêng các cụ rất phấn khởi vì thấy những ngày còn lại của đời mình, khi tuổi đã già, sức đã yếu vẫn tham gia kháng chiến, nên đã tự nguyện xin gia nhập. Hòa Mỹ có một đại đội Bạch đầu quân. Các cụ đan giỏ cho dân công gánh gạo ra tiền tuyến, vót chông để du kích bố phòng. Ban chấp hành Hội Phụ lão cứu quốc từ xã đến thôn được củng cố vững chắc, làm nòng cốt cho các phong trào. Ngoài ra, các cụ còn làm gương nhắc nhở, động viên con cháu tham gia kháng chiến.

 

Sau một thời gian xây dựng, tháng 10/1947, lực lượng Bạch đầu quân Hòa Mỹ tham gia cùng toàn huyện tổ chức một cuộc diễn tập hành quân biểu dương lực lượng nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí chống xâm lược, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện. Các đơn vị Bạch đầu quân được vũ trang bằng gậy, rựa quéo và tổ chức nhiều cuộc diễn tập hành quân, tuần hành khắp các nơi trong huyện.

 

Những địa phương các cụ đi qua để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm của tổ tiên và làm sâu sắc thêm ý thức toàn dân đánh giặc, giữ làng. Tiêu biểu cho phong trào Bạch đầu quân là các cụ Nguyễn Trọng Trấn, Nguyễn Vụ, Trương Côn, Lê Ngọc Chấn…, các cụ đi đầu trong phong trào Bạch đầu quân, động viên con cháu gia nhập vệ quốc đoàn, đi dân công hỏa tuyến. Những lúc rảnh các cụ còn làm thơ, ngâm vịnh động viên con cháu.

 

Cha ở hậu phương lo việc trẻ

 

Con ra tiền tuyến đổi công già

 

Rồi đây độc lập về dân Việt

 

Một cõi vang lừng tiếng vinh ca.

 

Cụ Nguyễn Thái đã 70 tuổi xung phong đi dân công phục vụ chiến trường, trước cụ đã đi bộ đội tình nguyện, vị chỉ huy ôn tồn nói: “Bác già rồi”. Cụ nói “Không trực tiếp tham gia đánh giặc thì nấu cơm phục vụ anh em”.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Xuân - mùa khô 1966
Thứ Sáu, 01/12/2017 10:20 SA
Hòa Quang những năm 1973-1975
Thứ Sáu, 17/11/2017 09:12 SA
Hòa Xuân năm 1961-1962
Thứ Sáu, 03/11/2017 09:35 SA
Hòa Xuân sau Hiệp định Giơ-ne-vơ
Thứ Sáu, 22/09/2017 12:00 CH
Phú Yên kháng chiến, kiến quốc năm 1946
Thứ Sáu, 08/09/2017 09:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek