Thứ Sáu, 20/09/2024 04:31 SA
Hòa Quang những năm 1973-1975
Thứ Sáu, 17/11/2017 09:12 SA

Đầu năm 1973, Huyện ủy Tuy Hòa 2 cử bí thư mới về xã Hòa Quang, hệ thống cán bộ chủ chốt trong xã cũng có nhiều thay đổi. Do âm mưu thâm độc của địch và do sự sơ hở thiếu cảnh giác trong công tác cán bộ, nên một số gián điệp đã lọt vào lực lượng của ta giữ các cương vị: xã đội trưởng, trưởng ban tài chính…

 

Đặc biệt ngay cả Bí thư xã Nguyễn Minh Hè cũng là đầu mối nội gián của địch. Nhóm nội gián nguy hiểm này đã chỉ điểm cho nhiều toán biệt kích đánh phá bất ngờ vào căn cứ, phục kích các tuyến giao liên, gây nhiều tổn thất cho lực lượng của ta. Các đồng chí Tạ Thị Lan, Võ Văn Bảy - du kích xã đã hy sinh do các hoạt động nội gián của địch. Đồng thời nhiều tài liệu mật và danh sách cơ sở cách mạng lọt vào tay địch. Địch truy nã bắt cầm tù nhiều đồng chí lưu đày Côn Đảo.

 

Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Quang - Ảnh: Tư liệu

 

Giành thế chủ động, giành dân giữ nước

 

Trong vùng giải phóng của xã Hòa Quang, trong điều kiện tranh chấp khốc liệt của những chiến dịch bình định nông thôn, lực lượng cách mạng và chi bộ xã tổ chức cho nông dân vay vốn sản xuất (3.000 đồng/hộ). Việc cho vay vốn để lấy gạo nuôi quân đã khuyến khích được bà con nông dân đồng thời tạo ra được nhiều cơ sở chân rết tại vùng giáp ranh… Nhưng đáng tiếc rằng danh sách đã được để trong két đạn, chôn dưới đất, lại lọt vào tay địch sau một trận càn. Địch lại tiến hành bắt bớ, truy tìm những người “tiếp tế cho Việt cộng”. Tham vọng của địch rất lớn. Trước khi có giải pháp chính trị, chúng tung lực lượng ra thực hiện cái gọi là “Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ”. Khi Hiệp định Paris có hiệu lực, chúng phản ứng một cách ồ ạt, chủ yếu là dùng phi pháo, hỏa lực để hủy diệt các khu của ta. Bọn chiến tranh tâm lý, cảnh sát, dân vệ, tề ngụy lưu vong được đưa về tiến hành bình định từng bước, cài cấy gián điệp, phát quang, thanh lọc, lập liên gia… Chúng thực thi kế hoạch hậu chiến của Mỹ, nhất là biện pháp sử dụng kinh tế để lừa mị dân như cấp máy cày, máy nước, máy xát gạo, phân, giống, cho vay tiền, hùn vốn kinh doanh lấy ruộng làng chia cho bọn tề thôn, xã gọi là thực hiện “Chính sách người cày có ruộng”… Mặt khác chúng ra sức phá hoại Hiệp định Paris, hô hào thực hiện “bốn không” (không có giải pháp chính trị, không có ngừng bắn, không có tổng tuyển cử, không có hòa bình)…

 

Ngày 28/1/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, hai trung đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên bắt đầu rút khỏi Phú Yên. Do tình hình thực tế sau ngừng bắn, Mỹ - Thiệu ra sức phát triển quân đội ngụy và cải tiến trang bị. Chúng ráo riết đôn quân bắt lính một cách trắng trợn, phát triển quân địa phương, tiếp tục tổ chức bảo an hình thành những đơn vị cơ động lớn. Đồng thời quân ngụy tiếp quản hầu hết căn cứ quân sự và phương tiện chiến tranh do quân Nam Triều Tiên để lại, trong đó có cứ điểm núi Tranh và núi Miếu ở Hòa Quang.

 

Toàn bộ địa bàn xã Hòa Quang trong năm 1973 ta đã làm chủ. Hoạt động nổi bật trong năm này là cắm cờ giành dân. Ban ngày, địch có lấn lên nhưng lại phải rút ngay. Du kích xã phối hợp cùng lực lượng của huyện Tuy Hòa 2 phục kích tại Xóm Gò (Quang Hưng) diệt một tên thám báo. Từ đó tề xã không dám về làng. Số ác ôn trong xã tìm nơi tránh thoát, bỏ vào Tây Ninh, Cam Ranh lánh mặt làm ăn.

 

Tháng 7/1973, Nghị quyết lần thứ 21 của Trung ương Đảng đã làm sáng tỏ đường lối cách mạng. Tháng 9/1973, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 5 đã được tiến hành trên cơ sở nền tảng của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 21, với nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh ta hiện nay là: “ra sức đánh bại lấn chiếm, giành chủ động, thu hồi lại vùng ta, đánh bại “bình định”, “tố cộng” của địch, giành dân giữ nước, dân mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực ta, nhất là ở cơ sở”.

 

Đầu năm 1974, Đảng bộ huyện Tuy Hòa 2 tiến hành đại hội tại suối Cái, quán triệt các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy. Tháng 12/1974, theo nguồn tin tình báo do đầu mối mang bí số L.31 cung cấp (đầu mối này sau năm 1974, được bàn giao cho bộ phận điệp báo Khu 5) nhiều tin tức về âm mưu kế hoạch đánh phá của địch cùng với danh sách các đầu mối nội gián của cảnh sát đặc biệt, của tổ chức phượng hoàng, thiên nga… đã bị phát hiện. Trong đó, cũng từ nguồn tin của L.31 kết hợp với nhiều nguồn tin khác, Nguyễn Minh Hè, Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Hòa Quang và Hà Đức Nhơn, cán bộ thi đua huyện Tuy Hòa 2 đã bị bắt về tội nội gián cho cảnh sát đặc biệt ngụy. Hè bị bắt khi có mặt ở cơ quan Nông hội đóng ở suối Cái và bị xử 7 năm tù giam, còn Nhơn bị đưa đi tập trung cải tạo 3 năm.

 

Huyện ủy Tuy Hòa 2 kịp thời điều động đồng chí Nguyễn Lự trở lại làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Quang kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng (thay thế Nguyễn Minh Hè).

 

Góp thắng lợi cho tổng tấn công

 

Tết âm lịch Ất Mão lại đúng vào thời điểm giữa tháng 2/1975 nên ăn tết xong, tình hình rất khẩn trương. Đồng chí Ba Diệu (Cao Kỳ Trí), Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã trực tiếp về phổ biến nghị quyết Khu ủy 5 cho cán bộ của các xã Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Định về công tác chuẩn bị lực lượng, vũ khí, vận chuyển hàng hóa kịp thời cho một cuộc tổng tấn công.

 

Đối với Hòa Quang, đồng chí Nguyễn Lự, Bí thư kiêm Chủ tịch xã được phổ biến với tinh thần có khả năng giải phóng xã. Nhưng bước đầu có hướng chỉ đạo giải phóng Hòa Quang đến mương số 3 - còn lại sẽ là khu vực tranh chấp, nếu tình hình diễn biến thuận lợi thì giải phóng TX Tuy Hòa… Tin này được phổ biến, làm cho hầu hết cán bộ cơ sở của xã phấn khởi. Chi bộ Hòa Quang phân công cán bộ bám sát cơ sở từng thôn, xóm, chuẩn bị cho từng gia đình cờ giải phóng, khẩu hiệu. Đồng thời bố trí du kích mật bám sát các tên ác ôn ngoan cố; nắm chắc lực lượng gia đình binh sĩ, kêu gọi chồng con họ trở về với cách mạng.

 

Ngày 10/3/1975, quân chủ lực của ta mở màn chiến dịch, tấn công vào TX Buôn Ma Thuột. Ngày 12/3/1975, TX Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày, Quân khu 5 có lệnh bổ sung là: Phú Yên tranh thủ thời cơ chung trên chiến trường để giải phóng toàn bộ nông thôn đồng bằng, ép địch sát thị xã. Đến 3 giờ ngày 17/3/1975, quân ta nổ súng tại chiến trường Tuy Hòa 2. Đại đội 202 tiến công cứ điểm Núi Tranh ở Hòa Quang, diệt và bắt 44 tên địch, loại khỏi vòng chiến một đại đội bảo an thuộc Tiểu đoàn 220. Chiến thắng Núi Tranh như một ngòi pháo mở màn quyết liệt. Ngay ngày này, địch điều Tiểu đoàn 219 cùng một đại đội của Tiểu đoàn 210 vốn gian ác khét tiếng, có pháo binh yểm trợ, chia làm nhiều mũi, từ TX Tuy Hòa đánh lên Hòa Quang. Một mũi của địch phát triển theo đường số 5 (phía nam sông Đà Rằng) vượt sông Ba ở đoạn Phú Sen, đánh vào vườn và sau lưng quân ta, hòng đẩy lực lượng của ta ra khỏi Hòa Quang và Hòa Thịnh là hai xã bàn đạp của ta ép địch vào thị xã.

 

Phán đoán đúng ý đồ của địch, bộ đội địa phương và du kích đã bố trí đập tan hai cuộc phản kích của địch thuộc cánh phía nam Hòa Định. Lực lượng của Tiểu đoàn 96 vận động lên Phú Sen ứng chiến và diệt gọn Đại đội 2 Tiểu đoàn 219, thu 20 súng, có cả đại liên, súng cối 60 ly. Ta hoàn toàn làm chủ 3 xã Hòa Quang, Hòa Định Đông và Hòa Định Tây cùng với một phần xã Hòa Thắng, ép địch xuống sát quốc lộ 1. Nhân dân nổi dậy làm chủ cả vùng phía tây và tây bắc thị xã.

 

Cũng trong ngày 17/3/1975, bộ phận đi đầu của lực lượng tháo chạy khỏi cao nguyên đã đến Củng Sơn. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, từ Pleiku rút xuống, đóng cơ quan tại tiểu khu Phú Yên để trực tiếp chỉ huy cuộc rút lui ồ ạt theo đường số 7. Đây là con đường “hy vọng cuối cùng” có thể bảo đảm an toàn cho cuộc rút lui bởi yếu tố bất ngờ vì con đường số 7 lâu nay không được sử dụng cho các cuộc hành quân… Nhưng thực chất, con đường này đã bị các lực lượng của ta đánh và khống chế năm 1972. Hơn nữa, một lực lượng du kích các xã ven đường (Hòa Quang, Hòa Định) hoạt động khá mạnh, đã tiêu diệt cứ điểm Núi Tranh, kiểm soát một khu vực khoảng 10 cây số của con đường số 7, đoạn cửa ngõ phía tây của TX Tuy Hòa. Sở chỉ huy quân ngụy buộc phải thay đổi kế hoạch rút lui, quyết định bắt cầu phao dã chiến qua sông Ba (đoạn ngang Thạnh Hội) để theo đường số 5 xuống đồng bằng, vượt đèo Cả vào Khánh Hòa.

 

Ngày 18/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương của các lực lượng cách mạng tỉnh Phú Yên họp dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy, cùng các đồng chí Ông Văn Bưu, Tỉnh đội trưởng; Bùi Tân, Thường vụ Tỉnh ủy; Kim Anh, phái viên của Quân khu 5 và một số cán bộ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần để quán triệt nhiệm vụ mà Quân khu giao cho, soát xét tình hình và quyết định phương án chiến đấu, chặn đánh đội quân thất trận của địch từ Tây Nguyên kéo về, với số lượng đông, phương tiện chiến tranh nhiều cùng với một tinh thần liều chết để thoát thân. Hội nghị đã động viên mọi lực lượng quân, dân, chính, Đảng quyết tâm chặn đánh, tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã đội quân ngụy trên đường rút chạy, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy nhanh quá trình giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên.

 

Ngày 19/3/1975, từ 4 giờ 15, trận đánh mở màn cho chiến dịch đường số 5 đã khai hỏa, xóa sổ Đại đội 4, Ban chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an 296 và các đơn vị hỏa lực, thám báo, thông tin của địch. Chiến thắng đường 5 mùa xuân năm 1975 được ghi vào lịch sử như một chiến công hiển hách nhất của quân và dân Phú Yên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

 

Ngày 26/3/1975, Khu ủy 5 điện chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú Yên nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng vào đánh chiếm TX Tuy Hòa. Bàn với chủ lực cho một bộ phận cùng đánh vào, hoàn thành xong thị xã, chuyển lực lượng ra giải quyết phía bắc. Tối 27/3/1975, Huyện ủy Tuy Hòa 2 cử đồng chí Trần Văn Ngời về xã Hòa Quang để tăng cường cho Ban chỉ huy xã. Bộ đội chủ lực của Sư đoàn 320 đã đóng trên địa bàn xã Hòa Quang, chỉ huy sở dã chiến nằm ngay chân núi Thổ Mít. Tối 28/3/1975, Ban chỉ huy Sư đoàn 320 triệu tập cán bộ quân sự của các xã trong toàn huyện Tuy Hòa 2 để phân công lực lượng, xác định địa bàn, vị trí chiến đấu cho từng đơn vị. Mỗi đơn vị xã trình bày phương án giành dân, giành đất trên địa bàn của mình phối hợp với bộ đội chính quy của Sư đoàn 320. Đường dây điện thoại thông tin liên lạc được trải khắp. Ngày 29/3/1975, tàn binh của Quân đoàn 2 ngụy từ Củng Sơn kéo xuống bị du kích xã Hòa Quang bắt tại Bầu Tròn gồm 50 tên, trong đó có một tên đại tá. Số tù binh này được gom lại tại cầu Suối Ré (mương số 1) và bàn giao cho trạm tiếp thu của huyện Tuy Hòa 2.

 

Tối 31/3/1975, cán bộ xã Hòa Quang được giao nhiệm vụ dẫn đường cho đại đội xe tăng của bộ đội chủ lực 320 tiến vào thị xã qua cầu Ông Chừ, nhưng do cầu hẹp, xe tăng T.54 của ta không qua được. Lực lượng ta phải quay sang hướng Ngọc Lãng, chấp nhận đền bù thiệt hại cho nhân dân để xe tăng lội qua ruộng dưa, tiến vào TX Tuy Hòa.

 

8 giờ sáng 1/4/1975, cờ Mặt trận tung bay trên đỉnh Nhạn Tháp, bộ đội ta bắn rơi một trực thăng và bắt sống tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy.

 

Toàn bộ chiến trường Hòa Quang không có chiến sự trong những ngày tập trung lực lượng để giải phóng TX Tuy Hòa. Khoảng 11 giờ trưa 1/4, Ban chỉ huy huyện Tuy Hòa 2 dời về Nho Lâm - trụ sở cũ của xã Hòa Quang. Binh lính ngụy lũ lượt kéo tới đây để nộp vũ khí cho cách mạng. 12 giờ trưa 1/4/1975, Ban chỉ huy huyện Tuy Hòa 2 điện báo cho Ban chỉ huy xã Hòa Quang đến ngay Nho Lâm để tiếp nhận vũ khí của binh lính địch. Đồng chí Lâm Bá Tước, Xã đội trưởng Hòa Quang trực tiếp phụ trách công tác này. Ngay trong ngày 1/4/1975 đã tiếp nhận được gồm 300 súng các loại.

 

Ngày 2/4/1975, Ủy ban quân quản xã Hòa Quang ra mắt, đồng chí Nguyễn Lự, Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ xã kiêm Chủ tịch Ủy ban quân quản. Đồng chí Đinh Văn Hiến được cử làm ủy viên kinh tài, đồng chí Bùi Thị Nữ, Trưởng công an xã, đồng chí Lâm Bá Tước được cử làm Xã đội trưởng, đồng chí Dương Văn Hòa, ủy viên thư ký.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Xuân năm 1961-1962
Thứ Sáu, 03/11/2017 09:35 SA
Hòa Xuân sau Hiệp định Giơ-ne-vơ
Thứ Sáu, 22/09/2017 12:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek