Thứ Ba, 26/11/2024 07:45 SA
Bao vây, bức rút giặc Pháp ở đồn Hiềm
Thứ Sáu, 19/05/2017 10:08 SA

Xuất phát từ tình hình, tương quan lực lượng để tiến hành đánh đồn Hiềm của Pháp thì lực lượng vũ trang của ta chưa đủ sức đánh công kiên; ta tìm cách lôi giặc Pháp ra khỏi đồn để tiến công, đánh cơ động thì giặc Pháp không ra. Khi bộ đội Tiểu đoàn 365 do đồng chí Hà Vi Tùng chỉ huy có mặt thì chúng rút; khi Tiểu đoàn 365 rút thì địch chường ra. Ta đặt vấn đề là có tai mắt tình báo của địch. Chi ủy họp và chủ trương “Phát động quần chúng tìm manh mối của gián điệp, cắt tai mắt tay chân của gặc Pháp”.

 

Đồng chí Trần Quang Hiệu, Chính trị viên Xã đội Hòa Xuân năm 1950 - Ảnh: PHAN THANH

Từ đó, ta phát hiện tên Phan Xốc thường xuyên tổ chức mạng lưới liên lạc vào đồn núi Hiềm, công an và du kích đột nhập khám nhà tên Xốc, thu được danh sách 127 tên trong tổ chức phản động làm việc cho Pháp. Tháng 7/1949, được sự giúp đỡ của nhân dân Nam Bình, ta đã tóm gọn 127 tên này, chúng cấy dọc từ Nam Bình xuống các thôn. Đầu não của chúng gồm các tên Phan Xốc, Phan Mâu, Nguyễn Ngàn, Phan Lễ, Nguyễn Đậm, Nguyễn Hội, Cao Đổng đặt cơ sở chính tại Nam Bình. Ta mở tòa án quân sự tại Phú Lương (Hòa Tân) để xử bọn này. Ba tên đầu sỏ Phan Xốc, Phan Mâu, Nguyễn Ngàn bị xử tử, số còn lại ta đưa đi cải tạo giáo dục. Bọn gián điệp này lấy tin tức của cả Khu 5 cung cấp cho đồn Hiềm. Sau khi bọn chúng bị diệt, giặc Pháp nằm im trong đồn, chúng không còn càn quét như trước.

 

Tháng 6/1949, đồng chí Bùi Cương được Tỉnh ủy điều động về công tác ở tỉnh. Đồng chí Đặng Văn Cang làm Bí thư xã Hòa Xuân. Một thời gian ngắn, đồng chí Đặng Văn Cang được rút về huyện, đồng chí Trần Mẫn được cử làm Bí thư chi bộ xã.

 

Trong tháng 11/1949, du kích Hòa Xuân phối hợp với quân chủ lực Tiểu đoàn 365 đánh tiêu diệt một trung đội công binh Pháp tại xóm Quán (Phú Khê).

 

Bước sang năm 1950, Mỹ gấp rút cung cấp viện trợ cho Pháp ở Đông Dương. Thực dân Pháp thành lập đội quân ngụy, do Mỹ trực tiếp trang bị và huấn luyện.

 

Tình hình mới đặt ra cho Đảng và nhân dân ta nhiều vấn đề để giải quyết, ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác vùng sau lưng địch và chiến tranh du kích. Chú trọng tăng cường bộ đội địa phương và phong trào dân quân du kích, phá tề trừ gian, thực hiện chế độ tổng động viên theo khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nhân dân hăng hái đóng góp lúa gạo, tiền bạc cho kháng chiến. Thực hiện khẩu hiệu kinh tế tự cấp tự túc, nhân dân ra sức phấn đấu đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của đời sống và kháng chiến.

 

Trong giai đoạn này, Quân khu 5 bố trí Tiểu đoàn 365 (do đồng chí Hà Vi Tùng chỉ huy) về án ngữ phía bắc sông Bàn Thạch và hỗ trợ cho Hòa Xuân xây dựng lực lượng. Do yêu cầu phát triển lực lượng, tỉnh chỉ đạo Hòa Xuân thành lập trung đội du kích tập trung thứ ba do đồng chí Ngô Công Tú làm trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Tương làm trung đội phó, đồng chí Nguyễn Mã làm chính trị viên… Từ 3 trung đội, Hòa Xuân thành lập đại đội du kích tập trung. Đại đội du kích tập trung xã được Tỉnh đội cung cấp quân nhu, quân trang, quân dụng… Đại đội tập trung có 5 đội: 3 trung đội chiến đấu, 1 trung đội bám sát, 1 trung đội sản xuất, quân số trên 170 người; 3 trung đội chiến đấu được trang bị 3 tiểu liên Mác Anh, 1 cac-bin, 1 mi-xip, còn lại là súng trường Mút-cơ-tông, Inđôchinoa… Lúc này đồng chí Phan Tiên Nam được điều động về Huyện đội Tuy Hòa. Đồng chí Lê Đức Lang điều về Đại đội 377. Đồng chí Trần Quang Hiệu thay đồng chí Lê Đức Lang làm chính trị viên xã đội Hòa Xuân. Ban chỉ huy đại đội du kích tập trung được thành lập, đồng chí Lê Đức Tân, xã đội phó kiêm đại đội trưởng, Trần Quang Hiệu - chính trị viên xã đội kiêm chính trị viên đại đội, Đoàn Tuấn - đại đội phó. Đại đội du kích tập trung phối hợp với Đại đội chủ lực 224 và bộ đội địa phương 377 đánh địch liên tục ở đèo Cả, phục kích cầu Sông Mới, Sông Ván… làm cho địch mất ăn mất ngủ.

 

Ngoài lực lượng tập trung nói trên, toàn xã có 5 trung đội dân quân thường trực thực hiện phương châm “Động binh tinh dân”. Trung đội Bàn Nham nằm ở Đồng Nẩy sản xuất, khi cần thì chiến đấu. Cụ lão tại Phước Giang, Lạc Long và Nam Bình cũng thành lập 2 trung đội bạch đầu quân để vận động lương thực, phục vụ chiến đấu. Nông dân, phụ nữ, thiếu nhi cũng làm nhiệm vụ của người chiến sĩ: tiếp vận, báo tin, liên lạc. Cả xã thực hiện câu “Toàn dân là chiến sĩ”. Mỗi đoàn thể đều có tổ chức phục vụ chiến đấu như Bạch đầu quân, Thiếu niên quân, Nữ dân quân…

 

Trong phong trào nhân dân du kích chiến tranh, cụ Đỗ Châu được phong chiến sĩ thi đua của Liên khu 5, tiểu đội trưởng du kích Trương Hạng có phát minh vũ khí thô sơ phóng mảnh chai đánh địch, anh Lê Bai dùng lựu đạn đánh trả, thoát khỏi vòng vây địch ở chợ Xéo, du kích Lê Tấn dũng cảm dùng lựu đạn đánh vào phòng phát cạc cũng được bầu là chiến sĩ thi đua của liên khu. Nhiều tấm gương sáng về sự đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến được Đảng và nhân dân vô cùng kính trọng và biết ơn. Cụ Nguyễn Lân đã dốc trọn 150 thúng lúa dự trữ của gia đình đóng góp cho kháng chiến. Mẹ Phan Thị Thao nuôi bộ đội trong nhà năm này sang năm khác. Bà Trương Thị Thanh cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ các mẹ, các chị thay nhau ngày đêm xay lúa, giã gạo phục vụ bộ đội. Gia đình cụ Lê Thám ở Lạc Long nhiệt tình nuôi dưỡng cán bộ, du kích, bộ đội trước và sau các trận đánh ở đèo Cả. Cụ Lê Thám và gia đình được bộ đội, du kích cán bộ coi như người thân ruột thịt.

 

Từ lúc phát triển lên thành đại đội du kích tập trung, lực lượng ta dần dần khống chế địch, kiểm soát đèo Cả, bám sát cơ sở trong nhân dân. Ta liên tục đánh lẻ giặc Pháp ở đồn Pesti, Py-đông (cầu lớn), các tháp canh cầu Mới, sông Ván, sông Tra và đồn Pháp ở núi Hiềm.

 

Tháng 4/1950, ta phục kích địch đi lấy nước ở Hóc Lựu, diệt được 3 tên lính Pháp. Tháng 5/1950, Trung ương mở chiến dịch Lê Hồng Phong 2 (chiến dịch biên giới). Chiến thắng biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh của Đảng, tạo thêm lòng tin tưởng vào cuộc kháng chiến và tạo ra những điều kiện vô cùng thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn.

 

Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo huyện Đông Hòa và Đảng bộ, nhân dân Hòa Xuân dâng hương khánh thành Bia chiến công Núi Hiềm năm 2011 - Ảnh: PHAN THANH

 

Phối hợp với chiến trường chính, Chi bộ Hòa Xuân xây dựng làng chiến đấu, bố phòng sát địch. Đảng, chính quyền Hòa Xuân đã huy động nhân dân trong toàn xã mang gạo tập trung về Nam Bình (có dân công Hòa Tân, Hòa Vinh yểm trợ), đào giao thông hào sâu, lót sạp, đổ đất lên trên, lập trận địa hầm ngầm từ Thạch Chẩm lên Tuy Bình để chống địch.

 

Với trận địa hầm ngầm, ta đã đánh bại trận càn của giặc Pháp lên Nam Bình, trong trận này giặc Pháp có 2 đại đội (gồm bọn lính Âu Phi) chúng được trang bị moóc-chê tay và trung liên. Ta có 2 đại đội địa phương của huyện và lực lượng tập trung của xã. Giặc Pháp chia làm ba hướng càn lên, một cánh đi theo đường núi, một cánh đi theo đường sông, và một cánh băng đồng. Phía ta có giao thông hào ngầm từ thạch Chẩm đến Tuy Bình. Ta chặn đánh địch tại gò mả Nam Bình, đập tan được trận càn của địch, giặc Pháp bị diệt 29 tên. Sau trận càn Nam Bình, giặc Pháp tập trung cố thủ tại núi Hiềm.

 

Ngoài việc tấn công trực diện bằng lực lượng vũ trang, diệt tề điệp cắt đứt nguồn tin tức của giặc Pháp, ta còn tổ chức mạng lưới điệp báo để nắm tình hình của giặc Pháp, xây dựng nữ chiến sĩ điệp báo Trương Thị Thanh, Nguyễn Thị Đào, Đoàn Thị Chế vào đồn Hiềm nhận làm vợ hờ cho bọn sĩ quan Pháp để thu thập tin tức quân sự cung cấp cho kháng chiến. Chị Thanh, chị Đào, chị Chế vì nhiệm vụ cách mạng đã hy sinh tuổi thanh xuân và âm thầm chịu đựng những dư luận không hay. Chị Thanh đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cách mạng. Chị Đào đã mưu trí dũng cảm diệt một tên quan hai Pháp. Giặc Pháp phát hiện hai chị là người của ta, chúng tàn sát rất dã man. Liệt sĩ Trương Thị Thanh, Nguyễn Thị Đào, Đoàn Thị Chế ngã xuống tại quê hương giữa tuổi thanh xuân, để lại một tấm gương trong sáng về tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

 

Người thiếu niên anh dũng Nguyễn Danh 15 tuổi đã trở thành chiến sĩ quân báo của Trung đoàn 80, qua trung gian của một lính ngụy Pháp, anh vào tận đồn Hiềm tìm hiểu tình hình giặc Pháp, bị một tên tề phát hiện, Nguyễn Danh bị giặc Pháp tra tấn dã man, không khai thác được gì, chúng đã giết anh bên núi Hiềm. Người chiến sĩ tình báo tên Được ở Ấp Bắc, Thạch Tuân được ta cài vào làm việc cho giặc Pháp, ông đã vận động được một số tên giặc người Y Pha Nho ra hàng. Khi bị lộ, bị giặc Pháp tra tấn, ông chửi vào mặt kẻ thù: “Chúng bay là quân cướp nước tàn bạo, đối với tao thà chết chứ không khai báo gì cho bọn mày”, giặc Pháp đốt từng ngón tay ông, đốt râu tóc ông, mổ ruột ông để khủng bố nhân dân. Ta còn cài cả người vào làm thông ngôn cho giặc Pháp để thu tin tức.

 

Công tác địch vận cũng được đẩy mạnh, ta tổ chức rải truyền đơn, phát loa kêu gọi lính Pháp, vận động cha mẹ, vợ con của lính ngụy vào đồn Hiềm đòi chồng con về với nhân dân, với Tổ quốc. Ta tổ chức ca hát ở gần đồn để kêu gọi lính ngụy ra đầu thú.

 

Qua công tác địch vận của ta, nhiều lính ngụy ở đồn Hiềm đã bỏ đồn về với gia đình, nhân dân. Vừa tiến hành công tác địch vận, ta vừa dùng kế ly gián để nội bộ địch nghi ngờ, xâu xé lẫn nhau. Ngày 10/9/1950, bọn Pháp ở đồn Hiềm tịch thu tài sản và bắn chết tên chánh tổng Thủ.

 

Để cô lập địch, ta vận động đồng bào Hoa kiều ở xóm Quán và xóm Mới (thôn Phú Khê) sát đồn Hiềm tản cư ra vùng tự do. Hai cụm dân cư này không còn, chợ núi Hiềm không còn hoạt động. Âm mưu dồn dân lập ấp của giặc Pháp bị phá sản toàn bộ.

 

Tình hình các chiến trường ở Tây Nguyên, Nam Bộ đều có chuyển biến thuận lợi. Bộ đội ta đánh mạnh, giáng cho địch nhiều tổn thất.

 

Ở mặt trận Hòa Xuân, ta chủ động đánh địch nhiều mặt, Tiểu đoàn 365 án ngữ phía bắc sông Bàn Thạch, phối hợp thống nhất chỉ huy các lực lượng dân quân, du kích. Bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực phân công tiến công địch ở núi Hiềm và trên đèo Cả.

 

Các lực lượng thay nhau tổ chức ban đêm đánh quấy địch, cắt dây điện thoại, ban ngày chúng ra khỏi đồn bị du kích bắn tỉa, chúng tổ chức đi lấy nước đều bị du kích bắn tỉa.

 

Ổ gián điệp của giặc Pháp ở Nam Bình bị ta phá tan tận gốc, mọi tin tức về tình báo phía bắc sông Bàn Thạch đến vùng tự do của ta đều bị cắt đứt, giặc Pháp không còn tai mắt.

 

Tương quan lực lượng giữa ta và địch ngày càng rõ rệt, ta càng ngày càng mạnh, càng áp chế địch, địch ngày càng bị co thủ. Những tên tề ác ôn bị ta tiêu diệt từ trước, những tên còn lại chạy về nhà ở các thôn. Giặc Pháp ở núi Hiềm ban ngày vắng lặng không còn một bóng người ra vào như trước.

 

Lực lượng dân quân du kích cùng bộ đội 224 tổ chức phá hoại và phục địch, đánh địch trên đèo Cả. Có những đoàn xe giặc Pháp tiếp viện cho đồn núi Hiềm bị ta chặn đánh thì tháo chạy trở vào Nha Trang; cầu đường trên đèo Cả bị phá hoại tê liệt, con đường giao thông huyết mạch đèo Cả bị cắt đứt, không còn cách nào khác giặc phải tiếp tế lương thực, vũ khí cho đồng bọn ở núi Hiềm bằng máy bay thả dù.

 

Bị tấn công dồn dập và bị bao vây chia cắt, không còn liên lạc với cấp trên ở Khánh Hòa, bọn giặc Pháp ở núi Hiềm mất phương hướng, hoang mang dao động, suy sụp rệu rã nhanh chóng, ăn ngủ không yên, khiếp sợ trước tình hình bị cô lập và bị bao vây tứ phía. Hòng cứu vãn tình thế và tránh nguy cơ bị tiêu diệt, giặc Pháp ở núi Hiềm phải vội vã tháo chạy hoảng loạn vào Khánh Hòa ngày 5/12/1950.

 

Chiến thắng núi Hiềm vang dội, xã Hòa Xuân được hoàn toàn giải phóng, đã bóp nát tham vọng của giặc Pháp coi đây là tiền đồn vững chắc làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ tỉnh.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek