Thứ Ba, 26/11/2024 09:29 SA
Vũng Rô ngày ấy, bây giờ
Thứ Bảy, 01/04/2017 08:18 SA

Vũng Rô ngày xưa ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong việc đón tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện cho quân dân miền Trung đánh giặc, từng bước làm thay đổi cán cân lực lượng, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Vũng Rô ngày nay sẽ có một cảng nước sâu với tàu bè tấp nập cập bến và sẽ có một khu nhà máy lọc hóa dầu quy mô, góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại...

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh trước tượng đài Di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Vũng Rô thời đánh Mỹ

 

Vũng Rô là một vịnh không rộng nhưng có độ nước sâu, ba bề được bao bọc bằng những dãy núi đá, chỉ có một cửa ra vào duy nhất giữa Mũi Điện và Hòn Nưa. Vũng Rô nằm sát quốc lộ và đường sắt Bắc - Nam; có nhiều hang hốc thuận tiện cho việc làm kho cất giấu hàng hóa; có nhiều bãi cát như bãi Chính, bãi Chùa, bãi Mù U... Ngoài biển, mật độ tàu thuyền Mỹ ngụy hoạt động tuần tra dày đặc. Trên bờ, ngoài một đơn vị pháo binh của Hàn Quốc đóng ở dốc Pơ Tý, còn có những toán lính hỗn hợp Mỹ ngụy tuần tra từ Đại Lãnh đến Hảo Sơn để bảo vệ hành lang giao thông, ngăn chặn quân giải phóng từ rừng núi về miền đông và ngược lại.

 

Vũng Rô được các nhà hoạch định chiến lược đưa vào “tầm ngắm” nghiên cứu tổ chức bến bãi đón nhận hàng của những con tàu Không số từ miền Bắc chi viện chiến trường miền Nam Trung Bộ khi tình hình chiến sự phát triển mạnh, nhu cầu vũ khí đòi hỏi phải được đáp ứng kịp thời. Từ kết quả nghiên cứu phân tích khó khăn thuận lợi, nhất là yếu tố bí mật bất ngờ, tháng 8/1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định chọn Vũng Rô làm bến để tàu đưa vũ khí vào chi viện cho chiến trường Khu 5. Và Tàu 41 vinh dự nhận nhiệm vụ mở đường đưa vũ khí vào Vũng Rô.

 

Do tính chất địa lý vùng biển nên Tàu 41 được biên chế một đội ngũ cán bộ, thủy thủ đa phần là dân miền Trung mà chủ yếu là người Phú Yên. Và chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối tháng 11/1964 đến đầu tháng 2/1965, Tàu 41 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 3 chuyến hàng với khối lượng gần 200 tấn vũ khí đạn dược, thuốc men và 6 cán bộ tăng cường cho lực lượng bến.

 

Khác với những lần tàu vào các bến miền Tây Nam Bộ, nơi có rừng đước, rừng tràm che chở ngụy trang tàu, thủ thủy đoàn có thể nghỉ ngơi một vài ngày sau một chặng đường dài vượt biển và chờ lực lượng bến bốc dỡ hàng, tàu vào Vũng Rô phải chấp hành nghiêm ngặt mệnh lệnh “chỉ được vào bến từ 23-24 giờ và phải rời bến trước 3 giờ sáng”. Nhưng rồi thực tế chiến trường buộc tập thể tàu và người chỉ huy phải vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bởi nguyên tắc cao nhất là vừa đưa được hàng vào bến, vừa bảo đảm an toàn tàu thuyền.

 

Tàu chở 63 tấn vũ khí làm sao bốc dỡ trong 3 tiếng đồng hồ? Là thuyền trưởng, người chịu trách nhiệm thành bại của chuyến đi, lại là người con của Phú Yên, sau nhiều chuyến đi vào các bến miền Tây Nam Bộ, tôi ao ước có một chuyến đưa vũ khí về quê hương cho bà con đánh giặc. Giờ đây nếu vì thời gian eo hẹp, vũ khí bốc không hết mà tàu phải rời bến, tôi rất day dứt. Nỗi day dứt ấy buộc tôi đi đến một quyết định rất táo bạo nhưng có cơ sở, bởi khi giao nhiệm vụ cuối cùng, cấp trên cho phép “trong tình huống khó khăn phức tạp thì chi ủy và thuyền trưởng được quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên”. Đồng thời, kinh nghiệm ngụy trang tàu cập núi đá Hạ Long trong chống Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc đã cho tôi niềm tin và cuối cùng, tình cảm quê hương đã cho tôi sức mạnh trong tình huống khó khăn này. Thế là, tôi quyết định cho tàu cập núi đá Vũng Rô, ngụy trang ở lại bến 1 ngày để tối hôm sau bốc hết hàng mới rời bến. Và cả ba lần Tàu 41 đều ở lại bến 1 ngày. Đặc biệt hơn cả là trong chuyến thứ 3, cán bộ thủy thủ tàu và cán bộ bến, ngoài việc bốc dỡ hàng còn tổ chức đón Tết Ất Tỵ (1964-1965) cùng nhau trên boong tàu.

 

Vũng Rô ngày ấy là những cuộc quần đảo kiểm soát tàu ta của máy bay Mỹ ngụy, là những cuộc áp sát tiếp cận của tàu chiến Mỹ khi Tàu 41 qua vùng biển Phú Yên. Vũng Rô ngày ấy là những ngày cán bộ chiến sĩ dân công bến ăn trái sung thay cơm chờ đón tàu vào; là những cái bắt tay ôm nhau mừng vui rơi nước mắt khi tàu và bến gặp nhau; là những giờ phút thiêng liêng cán bộ bến và tàu đón giao thừa cùng nhau vui Tết Ất Tỵ với bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, chè Ba Đình, thuốc lá Điện Biên, có cả cành đào Nhật Tân - Hà Nội bên nhánh mai vàng núi Đá Bia trong tiếng ầm ào của máy bay Mỹ ngụy. Và hơn hết là phút giây “trao - nhận” nắm đất Vũng Rô của một cô gái dân công (mà hơn 40 năm sau mới biết tên) gửi thuyền trưởng tàu mang ra Bắc thể hiện lòng trung kiên bất khuất của quân dân tỉnh nhà quyết giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến gian khổ này. Nắm đất hiện được trưng bày ở bảo tàng Quân chủng Hải quân.

 

Vũng Rô không chỉ có nụ cười, những giọt nước mắt trong niềm vui chiến thắng mà còn có cả những trận chiến đấu ác liệt bảo vệ tàu, bảo vệ hàng và bến khi chiếc tàu thứ 4 (mang số hiệu 143) vào bến bị lộ buộc cán bộ chiến sĩ bến và tàu phải chiến đấu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều ghe thuyền, ngư lưới cụ của ngư dân các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân bị bom địch bắn cháy. Địch tập trung một lượng lớn tàu chiến, máy bay, pháo binh và người nhái bao vây trên bộ, trên biển, từng bước tiếp cận con tàu với ý định bắt sống toàn bộ thủy thủ đoàn, nhưng chiến sĩ cơ điện Vũ Long An (Tàu 143) cùng lực lượng bến đã dùng bộc phá phá tàu, tránh tiết lộ bí mật về con tàu và con đường vận chuyển.

 

Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ

 

Chiến tranh đã lùi xa, cán bộ chiến sĩ Tàu 41 năm xưa theo thời gian, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… về lại nơi mình ra đi, bước vào một cuộc “chiến đấu” mới với bao gian khổ lo toan của cuộc sống đời thường.

 

Sau bao lần thất hẹn, lịch “hội ngộ” cũng được xác định. Thủy thủ Trần Xuân Lịch, xạ thủ súng máy Hoàng Gia Hiếu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) vào. Lính hàng hải Trần Tiền Vệ ở Hà Nội, máy trưởng Phan Nhạn, chiến sĩ cơ công Nguyễn Văn Năm từ Nha Trang (Khánh Hòa) ra. Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu ở Vĩnh Long, thuyền phó Nguyễn Chánh Sắc ở Đồng Tháp bị bệnh nặng không thể về được đã gửi điện chúc mừng. (Và khi tôi viết bài này, Chánh Sắc đã qua đời. Ý nguyện cuối cùng của anh là muốn đem lọ tro hỏa táng về rải ở bến Vũng Rô). Một người thủy thủ khác hai lần vào Vũng Rô (một lần thành công ở Tàu 41 và một lần ở Tàu 143) là Huỳnh Văn Tiến đang ở Vũng Tàu cũng về dự.

 

50 năm trước, họ đều là những thanh niên cường tráng, những thủy thủ kiên trung, ăn sóng nói gió… Giờ đây, họ đã là những ông nội, ông ngoại, đầu tóc bạc phơ với những bước đi chậm chạp, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vẫn cách xưng hô thời binh nghiệp: “thuyền trưởng, máy trưởng…” bởi chất lính đã thấm sâu vào máu thịt. Họ đã dành một phút im lặng tưởng nhớ người thuyền phó già, liệt sĩ Anh hùng LLVT nhân dân Dương Văn Lộc và liệt sĩ thủy thủ trưởng Trần Nhợ đã anh dũng hy sinh tại bãi biển xã Phổ An (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) mùa đông 1966; nhớ những đồng chí, đồng đội, đồng bào đã mất sau ngày vào bến Vũng Rô. Sau đó, họ đến thắp hương cho bến trưởng Vũng Rô - Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền tại nhà con anh là Trần Hữu Thế. Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, bài thơ “Khóc người bến trưởng Vũng Rô” buông rơi từng tiếng trầm hùng: “Chiều nay về lại Tuy Hòa/ Ghé thăm anh Sáu tại nhà riêng anh/ Bồi hồi xúc động nhìn quanh/ Mịt mờ hương khói tỏa vành khăn tang/ Anh đi sao quá vội vàng/ Để bao giọt lệ thấm tràn nhớ thương…”.

 

Xe qua cầu Hùng Vương - cây cầu thứ ba bắc qua sông Đà Rằng, cây cầu đánh dấu sự đổi thay của TP Tuy Hòa, là điểm khởi đầu cho những đổi thay khác khi xe qua các khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, 2. Xe bon bon trên đường Phước Tân - Bãi Ngà, trong lúc ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển Nam Phú Yên, chúng tôi được nghe anh Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ K60 - đơn vị bảo vệ bến, sau này là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Phú Yên, kể lại hành trình vận chuyển hàng của tàu “sau khi bốc lên bãi Chính, dân công phải mang vác luồn theo các gộp đá đưa về tuyến sau hoặc dùng ghe vận chuyển theo đường biển vào cửa Đà Nông rồi theo sông lên gần quốc lộ 1 để lên miền Tây”, mới thấy hết sự gian nan vất vả của cuộc hành trình.

 

Mọi người trên xe đang say sưa nghe kể chuyện của những năm về trước thì Ngô Văn Định, chiến sĩ K60 năm xưa, xin tài xế cho xe dừng lại tại địa phận xã Hòa Tâm, nơi mà trong một tương lai gần sẽ có Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô với công suất 8 triệu tấn/năm, có cảng nước sâu Bãi Gốc cho tàu xuất nhập khẩu dầu thô và một kho ngầm sức chứa 3,1 triệu m3. Không khí khẩn trương trên công trường thi công hạ tầng cơ sở nơi đây khiến những người lính chúng tôi cảm nhận rõ hơn hết về một Phú Yên đang trở mình.

 

Mũi Điện, nơi đất liền đón ánh mặt trời sớm nhất nước, đang ở phía trước. Đèn biển được khôi phục để đêm đêm ánh đèn chớp sáng theo chu kỳ hướng dẫn tàu thuyền qua lại vùng biển này. Đến đây, chúng tôi - những cán bộ thủy thủ Tàu 41, nhớ lại câu chuyện năm xưa: vì thiếu ánh đèn này nên trong chuyến đi đầu tiên khi tàu đã vào bán kính chiếu sáng của đèn mà không nhận thấy, cán bộ thủy thủ tàu lo lắng và đặt ra bao nhiêu giả thiết; mãi đến khi vào tới bến mới biết là đèn đã ngưng hoạt động từ lâu. Và sau đó theo đề nghị của thuyền trưởng trong những chuyến tiếp theo, bến cử người dùng đèn măng sông làm tín hiệu báo cho tàu an tâm vào bến.

 

Bất ngờ - khâm phục - phấn khởi lớn nhất là khi chúng tôi đứng trên Bãi Chùa - nơi trước đây mỗi lần vào bến tàu lại cập sát núi ngụy trang ở lại một ngày, chờ tối mai bốc hết hàng rồi ra. Đâu là Bãi Bồi? Đâu là con suối thủy thủ chúng tôi lên tắm khi tàu đã được ngụy trang kín đáo? Một khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô đã được Đảng bộ, chính quyền xây dựng với bao kỳ công bằng một nguồn vốn khá lớn - 12,5 tỉ đồng đối với một tỉnh còn nghèo đã nói lên tình cảm trân trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên đối với những chiến công của quá khứ. Lòng chúng tôi dâng trào xúc động.

 

Dừng lại nơi con tàu 143 nằm lại năm xưa, thủy thủ Huỳnh Văn Tiến kể lại những trận đánh ác liệt để bảo vệ tàu, hàng, về trường hợp bị thương của thuyền trưởng Lê Văn Thêm, về sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và dân công bến. Chúng tôi thắp nén hương cúi đầu thưa với các anh, các chị những người đã anh dũng chiến đấu hy sinh nằm lại nơi đây để cho đất nước, cho tỉnh nhà được sống bình yên hôm nay; nguyện cầu cho linh hồn các liệt sĩ sớm được về tây phương cực lạc. Một vòng hoa được thả xuống biển nơi con tàu 143 nằm lại năm xưa.

 

Các máy ảnh hoạt động hết công suất. Ai cũng muốn ghi lại hình ảnh trước bia di tích lịch sử Vũng Rô. Bước vào phòng đón tiếp lại được thấy tên mình ghi trang trọng trong danh sách cán bộ và thủy thủ tàu treo trên tường, trong lòng mọi người ai cũng xúc động tự hào. Và thật bất ngờ, tại đây, chúng tôi gặp đoàn cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh về làm lễ kết nạp đoàn viên công đoàn. Được các nhân chứng lịch sử tàu Không số Vũng Rô kể cho nghe về các chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ, lòng ai nấy tràn đầy niềm tự hào về thế hệ cha anh. Còn những người lính già chúng tôi lấy làm vinh dự khi sự gian khổ hy sinh thầm lặng của mình được thế hệ trẻ hôm nay trân trọng.

 

Hơn 50 năm sau ngày tàu Không số vào bến Vũng Rô, mảnh đất, con người ở đây có nhiều đổi thay kỳ diệu. Nếu trước đây, khi tàu rời bến, chúng tôi mơ ước sau này nơi đây sẽ là bến cảng quốc tế, thì nay đã có cảng hàng hóa và sắp tới là cảng xuất nhập khẩu dầu, có nhà máy lọc hóa dầu, có khu công nghiệp. Trong một tương lai gần còn có hệ thống đường sắt, đường ống dẫn dầu lên Tây Nguyên. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân sẽ ấm no hạnh phúc.

 

Bức tranh Vũng Rô đang từng bước được tô thêm sắc màu của tương lai.

 

Anh hùng LLVT nhân dân HỒ ĐẮC THẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bình Kiến năm 1969
Thứ Sáu, 10/03/2017 10:49 SA
Hòa Mỹ sau Tết Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 10/02/2017 10:21 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek