Chủ Nhật, 28/04/2024 01:24 SA
Những người lính Cụ Hồ quê Phú Yên tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
Chủ Nhật, 30/04/2017 07:00 SA

Trong đoàn quân thần tốc tiến vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, có nhiều người lính Cụ Hồ quê Phú Yên. Có thể đề cập đến 4 người lính trong số rất nhiều người lính quê Phú Yên tham gia trận đánh cuối cùng này.

 

Nhà văn - Nhà báo Tô Phương

Người lính đầu tiên là thiếu tá Nguyễn Tô Phương (SN 1938, quê xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) - phóng viên chiến trường Báo Quân Đội Nhân Dân, được phân công vào chiến trường B2 (Nam Bộ) sau chiến thắng Phước Long (6/1/1975).

 

Nhà báo, nhà văn Tô Phương đã sát cánh cùng các đơn vị bộ đội bám trụ ở chiến trường vùng ven Sài Gòn, để lại nhiều tác phẩm như: “Mùa hoa ô môi”, “Nữ du kích Củ Chi”…

 

Tô Phương là một trong số rất ít những phóng viên chiến trường có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, cống hiến cho bạn đọc Báo Quân Đội Nhân Dân nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về trận quyết chiến cuối cùng.

 

Người lính thứ hai là đại tá Phan Văn Kỉnh (SN 1935, quê thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) - (Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc phòng (thời điểm mùa xuân năm 1975 là thiếu tá, Phân Viện trưởng Phân viện Điện tử Viện kỹ thuật Quân sự) được quân đội cử vào chiến trường Tây Nguyên sau chiến thắng Buôn Ma Thuột để cùng đồng đội giúp Ủy ban Quân quản TP Buôn Ma Thuột (do thiếu tướng Y BLốc làm Chủ tịch) khôi phục Đài Phát thanh Buôn Ma Thuột, phục vụ nhân dân vùng mới giải phóng. Từ Nam Tây Nguyên, đại tá Phan Văn Kỉnh cùng đồng đội được phân công tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiếp quản khu căn cứ kỹ thuật quân sự của Quân đội Sài Gòn tại Gò Vấp.

 

công binh. Đại tá Ung Răng là một trong số ít trí thức Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945 là sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Công chính Hà Nội). Ông tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại quê nhà, sau đó gia nhập quân đội, được cấp trên điều ra miền Bắc tham gia binh chủng công binh.

 

Đại tá Ung Răng từng tham gia chiến dịch Hòa Bình năm 1951, tham gia mở đường từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ phục vụ chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952. Năm 1953, ông tham gia chiến dịch Thượng Lào. Đầu 1954, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 444 (thuộc Trung đoàn Công binh 161 trong đội hình Đại đoàn Công pháo 351) tham gia mở đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên, sau đó chỉ huy mở đường cho Trung đoàn Pháo binh hạng nặng 105 ly tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ông có nhiều sáng tạo trong việc chỉ huy mở các cung đường vòng móng ngựa trên đường số 6 (từ Bản Xỉn qua Pu Ya Tao phía tây lòng chảo Điện Biên Phủ) dài 18km, góp phần quan trọng phục vụ các đại đoàn chủ lực và các đơn vị pháo hành quân vào các vị trí xung yếu để bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được điều về Cục Công binh. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, ông được quân đội điều động hành quân thần tốc vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy mở đường đưa trọng pháo 122 ly nòng dài tham gia chiến dịch, lập chiến công xuất sắc trong trận quyết chiến cuối cùng. Sau giải phóng, ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường sĩ quan Công binh (đóng ở Bình Dương).

 

Đại tá Phan Văn Kỉnh - Ảnh: PHAN THANH

Người lính thứ tư là thiếu tướng Võ Đông Giang (1923-1998) - tên thật là Phan Bá, quê ở xã An Hiệp, huyện Tuy An. Thiếu tướng Võ Đông Giang sinh trưởng trong một gia đình Nho học, ông nội của ông là TS Phan Quang (người đứng thứ hai trong nhóm Ngũ Phụng Tồ Phi của đất Quảng Nam). Võ Đông Giang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23/8/1945 ở Kon Tum. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia lai.

 

Tháng 7/1947, Võ Đông Giang là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Gia Lai. Năm 1950, Đảng điều ông về Liên Khu ủy 5 nhận nhiệm vụ Phó Văn phòng Liên khu ủy, sau đó được điều động trở lại Tây Nguyên làm Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Gia Lai - Kon Tum kiêm Trưởng Ban Chính trị Trung đoàn 120 chủ lực Quân khu 5.

 

Tháng 7/1954, Võ Đông Giang là Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban liên hiệp đình chiến ở Tây Nguyên.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Trưởng đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba, Vụ trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Tháng 1/1973, ông được cử làm Phó trưởng đoàn Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với cấp bậc đại tá tại Ban Liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên ở trại Davis trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

 

Sau giải phóng, ông được phong quân hàm thiếu tướng, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, sau đó là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Trong chuyến công tác về quê hương năm 1985, chúng tôi có cơ duyên gặp thiếu tướng Võ Đông Giang ở Nha Trang, được nghe ông kể về những năm tháng trong trại Davis từ tháng 1/1973 đến 30/4/1975 như một cứ điểm giữa hang ổ của kẻ thù. Đặc biệt, phái đoàn ta ở trại Davis do thiếu tướng Võ Đông Giang phụ trách trong những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975 là những chiến sĩ đặc biệt trong trận quyết chiến cuối cùng.

 

Thiếu tướng Võ Đông Giang kể: Khi ta chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, ngày 8/1/1975, Đảng ủy hai Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại trại Da­vis họp bàn rất kỹ, dự kiến các tình huống xấu có thể xảy ra với đoàn và hạ quyết tâm chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng chiến đấu như: dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, lên kế hoạch chiến đấu, vẽ sơ đồ hệ thống công sự, tổ chức và phân công lực lượng trực chiến...

 

Từ trái quá: Đại tá Võ Đông Giang, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quân sự CHMNVN) trong một lần họp báo tại trại Davis - Ảnh: TƯ LIỆU

Từ ngày 18/4/1975, toàn bộ lực lượng 2 đoàn ta tại trại Davis bắt tay vào đào công sự và chuẩn bị chiến đấu. Khó khăn nhất là có quá ít cuốc xẻng, phải dùng thêm lưỡi lê, dao găm và những thanh sắt có sẵn đập dẹt ra để đào, lại phải đào về đêm và không gây tiếng động để giữ bí mật. Toàn khu doanh trại chia thành 7 khu vực chiến đấu, nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào có nắp dày gần như địa đạo, mỗi nhà đều có hầm ẩn nấp và nghỉ ngơi dưới sàn.

 

Như vậy, trong thời gian chiến đấu có thể ăn ở luôn dưới mặt đất, và liên lạc liên hoàn với nhau bằng địa đạo. Chỉ huy toàn lực lượng có Sở chỉ huy ngầm (chính thức và dự bị), có mạng điện thoại nối Sở chỉ huy với tất cả các khu vực và đầu mối. Bảo đảm thương binh có hầm quân y tương đối sâu và rộng, có hai bác sĩ phụ trách. Lương thực, thực phẩm và thuốc men do từ lâu đã có ý thức dự trữ đề phòng địch phong tỏa nên có đầy đủ ít nhất 7 ngày. Trong 10 ngày, mọi việc chuẩn bị chiến đấu được hoàn thành, trước ngày quân ta bắt đầu nổ súng đánh vào Sài Gòn, nhưng địch không hay biết gì.

 

Tiếp đó, đoàn ta nhận được một bức điện ngắn từ Hà Nội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại ý: Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh rất thông cảm hoàn cảnh của các đồng chí. Anh chị em hãy vững vàng ý chí chiến đấu, đứng vững trên vị trí của mình. Ngày thắng lợi không còn xa nữa. Trưởng đoàn đã điện trả lời ngay: “Tất cả anh chị em đã sẵn sàng chiến đấu cả về tinh thần lẫn vật chất và xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”.

 

Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được mở màn, đánh vào vành đai phòng thủ ngoại vi Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) ra tuyên bố kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí để bớt đổ máu và bớt thiệt hại của nhân dân.

 

Vào khoảng 17 giờ 15 ngày 28/4/1975, một toán máy bay A37 (loại máy bay oanh tạc mới của quân Sài Gòn) đột nhiên đến ném bom đồng loạt khu vực quân sự của sân bay Tân Sơn Nhất. Mảnh bom bay rào rào sang khu vực trại Davis. Tất cả anh chị em ta nhảy xuống hầm. Mọi người cùng nhau nhận định đây có thể là phi công Sài Gòn phản chiến hoặc phi công ta tấn công và hiểu rằng đã đến lúc diễn ra đại sự.

 

Đêm đó, tất cả các bộ phận được lệnh của chỉ huy Đoàn xuống ngủ dưới hầm theo đội hình chiến đấu, triển khai canh gác, tuần tra, vận hành ngay mạng điện thoại bảo đảm thông suốt từ Sở chỉ huy đến tất cả các đầu mối, điện đài cơ yếu canh trực liên tục đón mệnh lệnh chỉ thị của cấp trên. Đến sáng 29/4, Đại sứ Mỹ Martin mấy lần thông qua Đoàn Hungary, bắn tin muốn gặp Trưởng đoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN, nhưng lúc này không còn gì để bàn bạc; ta không trả lời.

 

Đồng đội tặng đại tá Ung Răng bức ảnh quý: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tá Ung Răng - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Trưa 29/4, một đoàn khách khá đặc biệt đến xin gặp Trưởng đoàn ta, tự giới thiệu là “Phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền” đến “bàn việc quan trọng”. Lãnh đạo đoàn ta cử cán bộ ra nói là đoàn không được ủy quyền bàn bạc bất cứ vấn đề gì. Mọi điều cần thiết đã được nêu rõ trong Tuyên bố ngày 26/4/1975 của CPCMLT CHMNVN.

 

Đến khoảng 17 giờ 30, luật sư Trần Ngọc Liễn cùng với ông Châu Tâm Luân và linh mục Chân Tín đến thiết tha xin gặp đoàn ta để hỏi ý kiến về một số vấn đề. Xét đây là những người thuộc lực lượng thứ ba lâu nay đối lập với chế độ độc tài của Nguyễn Văn Thiệu, không nề nguy hiểm đến xin gặp, nên đoàn ta báo có thể tiếp ba vị với tư cách cá nhân.

 

Họ đồng ý và ta cho đón vào trại Davis, phân công đồng chí Võ Đông Giang tiếp tại hầm Sở chỉ huy dự bị. Họ vừa vào đến hầm thì đợt pháo cấp tập của trận đánh trực tiếp vào Tân Sơn Nhất bắt đầu. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách, ta khuyên họ ở lại cho đến lúc ngừng tiếng súng. Tuy nhiên, để tránh bị hiểu lầm là ta cố tình giữ họ lại, ta nói sẽ cho lực lượng yểm trợ nếu họ muốn về. Sau mấy phút suy nghĩ và trao đổi ý kiến với nhau, họ xin ở lại, vì cũng thấy trở về ngay là quá mạo hiểm. Trong đêm 29/4/1975, tại Sở chỉ huy ở Tân Sơn Nhất, đồng chí Võ Đông Giang đã tranh thủ cơ hội, tâm tình và giải thích cặn kẽ cho khách mọi vấn đề về cách mạng mà họ còn băn khoăn nghi ngại.

 

Ngày 30/4, khi tiếng súng phía Tân Sơn Nhất đã ngừng, đoàn ta gặp được lực lượng bên ngoài vào, mời 3 vị khách dự một bữa liên hoan trước khi chia tay và còn tặng mỗi người hai chai rượu Lúa Mới và một gói lương khô mà họ nói rất quý vì “chỉ Quân giải phóng mới có”. Sau đó, đoàn ta cấp giấy cho họ ra về. Trên đường đi, họ không gặp trở ngại gì.

 

Cũng trong buổi sáng, Ban chính trị của đoàn có sáng kiến đưa ngay lá cờ nửa đỏ, nửa xanh của CPCMLTCHMNVN to nhất treo lên đỉnh tháp nước là chỗ cao nhất của trại David. Có lẽ đây là một trong những lá cờ được kéo lên sớm nhất trên TP Sài Gòn trước giờ hoàn toàn giải phóng.

 

Hơn 10 giờ, anh em báo cáo đã thấy bộ đội ta tiến đến gần trại Da­vis. Và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 do đồng chí Sơn, Tiểu đoàn trưởng, dẫn đầu đã vào với anh chị em ta. Không thể nào diễn tả được những giây phút xúc động đến nghẹn ngào “mừng ra nước mắt” ấy.

 

11 giờ 30 ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh quân ta chiếm lĩnh Dinh Độc lập, miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Sáng 1/5/1975, đại tá Nguyễn Văn Bổ phụ trách công tác bảo vệ Đoàn tìm thấy tài liệu mật của tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, vội tháo thân, để lại trên bàn làm việc với nội dung ghi rõ: “Chỉ thị cho cấp dưới quyền được sử dụng các biện pháp sau đây đối với trại Davis, không cần xin chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, chỉ cần nghe tiếng súng từ trại Davis bắn sang sân bay thì: 1/ Bắn pháo cối vào trại Davis; 2/ Cho xe tăng và bộ binh tấn công; 3/ Ném bom; 4/ Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi vào thành phố”.

 

Ngày 2/5, thượng tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tham mưu tiền phương chiến dịch đã đến trại Da­vis, tổ chức cuộc họp với một số cán bộ cấp cao các quân đoàn, sư đoàn trước khi chuyển đến Sở chỉ huy mới.

 

Ngày 3/5, trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng Miền (B2), Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, từng là Trưởng đoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN trong những ngày tháng đầu tiên, vào thăm lại anh chị em và tuyên bố Quân ủy Miền công nhận đơn vị ta ở trại Davis “Là một tiền tiêu của chiến dịch Hồ Chí Minh”.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek