Thứ Năm, 02/05/2024 00:53 SA
Quân dân Phú Yên mở bến Vũng Rô
Thứ Sáu, 07/04/2017 08:36 SA

Từ giữa năm 1964, đồng chí Trần Suyền, Ủy viên thường trực Liên Tỉnh ủy 3, nắm một trung đội vũ trang về Hòa Xuân và Hòa Hiệp cùng với Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa và Chi bộ Hòa Xuân, Hòa Hiệp mở bến Vũng Rô, xây dựng kho tàng, căn cứ Miền Đông nằm trên địa bàn xã Hòa Xuân. Đồng thời chuẩn bị hành lang an toàn vượt qua quốc lộ 1, đường xe lửa và các đồn bót địch ở xã Hòa Xuân để vận chuyển vũ khí về tuyến sau chi viện cho chiến trường liên tỉnh.

 

Anh hùng LLVTND Trần Suyền - Thường trực Liên Tỉnh ủy 3 - người chỉ đạo mở bến Vũng Rô (trái) và Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh - Thuyền trưởng tàu 41 anh hùng - 3 lần cập bến Vũng Rô (phải)

 

Riêng xã Hòa Xuân thời điểm cuối năm 1964 có 5.430 dân; trong đó du kích xã có 27 đồng chí, du kích thôn 258 đồng chí, du kích mật 25 đồng chí, tổng số 310 du kích, bình quân 17,5 người dân có một du kích, chiếm tỉ lệ 5,7% dân số.

 

Lực lượng địch lúc này có bộ máy ngụy quyền. Về lực lượng quân sự địch, có Đại đội bảo an 945 đóng ở Hòa Xuân, ban ngày làm nhiệm vụ bảo vệ quốc lộ 1, đường sắt từ Hảo Sơn đến đèo Cả, giải tỏa mở đường, bảo đảm an toàn cho các đợt vận chuyển quân, vận tải hàng quân sự bằng đường bộ, đường sắt… Ban đêm, đại đội này rút về cứ điểm phòng thủ. Địch còn bố trí một trung đội đóng chốt tại bót Pê-tí nằm sát quốc lộ 1 (đỉnh đèo Cả) làm nhiệm vụ quan sát, bảo vệ khống chế phía tây Vũng Rô.

 

Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng xã Hòa Xuân chấp hành nghiêm lệnh của cấp trên, tổ chức khai hội, học tập tình hình quán triệt về tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ lịch sử được giao và vinh dự lớn lao của quân dân xã nhà được Đảng tin cậy giao cho trọng trách. Chi bộ quyết tâm rất cao hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng giao. Mỗi đảng viên đều được phân công rà soát công tác nắm cơ sở, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và tuyệt đối giữ gìn bí mật.

 

Sau khi quán triệt trong Đảng, chi bộ lãnh đạo và phân công trách nhiệm cho chi đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, các đội du kích và các đoàn thể giải phóng thôn xã, mọi người hăng hái phấn khởi xung phong làm nhiệm vụ.

 

Trong ngôi nhà nhỏ của ông Ba Lang gần cuối thôn Lạc Long nhìn ra hạ lưu sông Bàn Thạch, đồng chí Trần Suyền cùng ban chỉ đạo bến làm việc với đại diện Huyện ủy và Bí thư chi bộ xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp để kiểm điểm công tác chuẩn bị mở bến. Đồng chí Trần Suyền ra chỉ thị: “Chúng ta cần chuẩn bị lực lượng để nhận vũ khí. Trung ương chi viện, nhận như thế nào, ở đâu thì sẽ biết sau. Việc ai làm người ấy biết, làm đến đâu, biết đến đó không được tìm hiểu những việc không phải nhiệm vụ của mình. Các đồng chí Bí thư chi bộ xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp phải trực tiếp tổ chức và nắm lực lượng. Mỗi xã phải chuẩn bị một đội thanh niên xung phong loại A từ 50-100 người cả nam lẫn nữ. Những người này có ý thức chính trị tốt, sức khỏe tốt, tuổi 35 trở xuống. Trước hết phải chọn trong đảng viên, đoàn viên rồi đến du kích vững vàng. Ngoài ra, phải tổ chức lực lượng tập trung, mỗi nơi rút một trung đội du kích mạnh để thành lập đơn vị bảo vệ bến”.

 

Đầu tháng 11/1964, một đơn vị tập trung được thành lập gồm một trung đội của Phân khu Nam, trung đội tập trung miền đông huyện Tuy Hòa và du kích xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp lấy phiên hiệu là K.60 do đồng chí Trúc Khuê làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên.

 

K.60 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tàu, bảo vệ bến và hướng dẫn vận chuyển hàng chi viện ra tuyến sau. Ngoài dân công, một lực lượng thuyền máy từ Lò Ba đến Vũng Rô được huy động, trong đó có sự đóng góp tích cực lực lượng ghe thuyền đường sông của bà con thôn Phước Giang và Lạc Long.

 

Tuổi trẻ Phú Yên thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại bến Vũng Rô - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Công tác bảo vệ và xây dựng tuyến hành lang an toàn vượt qua xã Hòa Xuân để vận chuyển vũ khí ra tuyến sau được gấp rút triển khai. Bót Pê-tí của địch nằm trên đỉnh đèo Cả như đôi mắt cú vọ ngày đêm rình mò vùng biển Vũng Rô. Một đội du kích xã Hòa Xuân nhận lệnh bao vây dài ngày bót Pê-tí, theo dõi chặt chẽ mọi hành động của địch, kiên quyết chặn đánh địch khi chúng lùng sục ra ngoài bót. Du kích Hòa Xuân phối hợp cùng trung đội bộ đội huyện Tuy Hòa bám địch ở Đại Lãnh, chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh tiêu diệt trung đội dân vệ đóng ở đây để thu hút địch, không cho chúng rảnh tay nhòm ngó Vũng Rô.

 

Để có thể tiếp nhận hàng vào Vũng Rô, nhân dân các xã phía nam huyện Tuy Hòa đã góp hàng ngàn ngày công để làm bến bãi, làm cầu tàu, làm đường và chuyển hàng, đóng góp ghe thuyền và công lao động cho việc vận chuyển, lo lương thực cho dân công… Riêng xã Hòa Hiệp, để phục vụ cho nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển hàng các chuyến tàu Không số tại bến Vũng Rô cuối năm 1964 đầu năm 1965, xã đã động viên tuyển dụng 1.200 dân công và lực lượng vũ trang du kích, cán bộ, đảng viên phục vụ, chiến đấu và 10 tấn gạo, 1,5 tấn thực phẩm và nhiều vật chất nhu cầu khác.

 

Theo sự phân công của đồng chí Trần Suyền - Thường trực Phân khu Nam, Chi ủy xã Hòa Hiệp đã phân công đảng viên, đoàn viên, quần chúng đã giác ngộ cách mạng lên danh sách gia đình, phân loại quần chúng để chuẩn bị điều động dân công cho từng đợt, chuyến công tác bến Vũng Rô. Đợt đầu huy động 150 cán bộ đảng viên, đoàn viên, quần chúng giác ngộ tốt chủ yếu ở các thôn Phú Lạc, Đa Ngư và một phần Thọ Lâm tổ chức thành từng bộ phận thực hiện việc xẻ gỗ đóng cầu cảng và chuẩn bị một phần cho đóng ghe, làm nhiệm vụ báo hiệu cảnh giới bằng đèn măng xông trên hải đăng; chuẩn bị vũ khí và kho lương thực; số còn lại cùng bộ đội bốc dỡ hàng từ tàu xuống bến và ngụy trang tàu khi bốc dỡ hàng xong.

 

Để chuẩn bị phục vụ lực lượng dân công trên về, từ tỉnh bạn tới dự phòng cho lực lượng tại chỗ, nhân dân xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân đã dự trữ gạo, thực phẩm ở kho ông Chấm - khoảng 10 tấn do kinh tài huyện tiếp nhận.

 

Để bảo vệ vững chắc và lâu dài cho công tác tiếp nhận vận chuyển hàng bến Vũng Rô, cấp ủy, chỉ huy xã Hòa Hiệp chỉ đạo các thôn tăng cường củng cố sinh hoạt các đoàn thể, đặc biệt xây dựng và trang bị cho các tiểu đội du kích và du kích mật, lực lượng đấu tranh chính trị. Tiếp tục củng cố làng chiến đấu về công sự, hào, rào, những nơi địa hình cát có phên cây, phên tre chống sạt lở. Địa đạo núi Quéo - Phú Lạc khẩn trương củng cố, bảo đảm trận địa chiến đấu vững chắc. Các hầm chống bom pháo của nhân dân cũng nhanh chóng được xây dựng. Động viên tổ chức lực lượng khỏe, giác ngộ cách mạng của thôn Phú Lạc, Đa Ngư sang rừng chặt cây đường kính 7-10 phân cao 3m vạt nhọn cắm tạo trận địa chống trực thăng địch đổ bộ ở Bùng Binh, bãi Xép để đánh vào cứ, chặn đường đi Vũng Rô.

 

Phụ nữ được giao nhiệm vụ thu mua gạo theo kế hoạch của Ban Kinh tài huyện, làm lương khô, thực phẩm (cá khô, mắm cô đặc) để chuyển vào cứ chuẩn bị phục vụ cho dân công vận chuyển vũ khí. Các mẹ, các chị ở Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò 3 do Nguyễn Thị Tảng, Đặng Thị Bế, Mai Thị Ràng, Đỗ Thị Phục, Nguyễn Thị Hoa… phụ trách triển khai học tập kỹ và phân công nhiệm vụ cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng tổ chức các cuộc đấu tranh trực diện với địch. Mục tiêu đấu tranh là phản đối quân đội ngụy bắn pháo bừa bãi vào xóm làng, giết hại nhân dân, yêu cầu để cho nhân dân được đi lại tự do giữa hai vùng cách mạng giải phóng và vùng “quốc gia” đang kiểm soát. Đó là cách chuẩn bị để tạo kế, tạo thế lừa địch phục vụ cho công tác Vũng Rô thuận lợi.

 

Khi các chuyến tàu 41 cập bến Vũng Rô, cán bộ thủy thủ tàu đã hướng dẫn cán bộ dân công xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân bốc từng khẩu súng, thùng đạn lên bờ, hàng trăm dân công chuyển tiếp hàng sang kho làng Thượng, suối Lim cách bến chừng 1km để chuyển về sau. Hàng chục thuyền, ghe của ngư dân tham gia chuyển hàng theo đường biển về bãi Xép, kho hang Vàng, kho hang Sải… kịp thời cho dân công các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Tân… chuyển tiếp về cứ Hòa Thịnh, Suối Phẩn, Bến Đá, tạo thuận lợi cho các tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk đến nhận hàng.

 

Ở Hòa Xuân, dưới sự chỉ huy của đồng chí Năm Giang, đội thanh niên xung phong Hòa Xuân chặt cây, bắc cầu, sửa đoạn đường từ Vũng Rô đi mũi Điện, xây dựng lều trại cho bộ đội dân công đến ở. Công việc gian khổ, yêu cầu bí mật cao, chặt cây đốn lá phải xa đường, mỗi chỗ đốn một hai cây, giấu kín không cho máy bay địch phát hiện lá cây héo. Đội làm cầu tàu khiêng trụ cầu, gỗ xẻ ra sát bãi cát, trong đêm tối mịt mù của mùa đông năm 1964, thanh niên xung phong ngâm mình dưới nước biển lạnh buốt để chôn trụ cầu.

 

Du kích Hòa Xuân ban ngày từ mờ sáng đến tối thay phiên nhau canh gác, khi phát hiện có địch là dùng ám hiệu báo động. Bên trong, các đội du kích B bám sát địch phát hiện có sự thay đổi luân chuyển ngụy quân là báo ngay cho cơ sở vào báo cho xã. Công tác binh vận nắm tình hình địch có thay đổi báo ngay về xã. Trong suốt thời gian các tàu Không số đưa hàng chi viện vào bến Vũng Rô, du kích xã Hòa Xuân phối hợp cùng đội công binh vây chặn chốt địch ở bót Pê-tí, Thạch Tuân, Bàn Nham, Bàn Thạch, Phú Khê bảo đảm an toàn cho hành lang vận chuyển.

 

Ở Hòa Thịnh, hơn 50 thanh niên đã có mặt ở căn cứ Đồng Tàu để làm hai con đường: một đường từ căn cứ Đồng Tàu lên Đá Bàn đi xuống Phềnh qua trại Thơm xuống phía bắc bót Pê-tí, vượt qua quốc lộ 1, dọc sườn núi phía nam núi Đá Bia, đến mũi Điện có con đường mòn nhỏ đi về phía căn cứ cách mạng Miền Đông. Con đường này hoàn toàn là núi. Con đường thứ hai từ căn cứ suối Cùng vào trại Gộp xuống đồi Hoa Têu, đường đi qua núi Hiềm, vượt qua quốc lộ 1, qua đường sắt đến cầu Hóc Mít xuống Đồng Bé và đến bãi Xép. Con đường này nửa đồng, nửa đi núi. Ngày nào cũng vậy, những người đi mở đường im lặng hăng hái lao động từ mờ sáng đến tối mịt. Việc dựng lán trại, làm cầu và 2 con đường đã làm xong trong 20 ngày.

 

Khi các chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô. Công việc bốc hàng lên bờ, vận chuyển diễn ra khẩn trương. Dân công xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Sơn Thành, Hòa Đồng, Hòa Tân, dân công từ Đắk Lắk xuống, Khánh Hòa ra, người Kinh, người dân tộc, ngày đêm đi lại trên đoạn đường từ Hòa Thịnh xuống Miền Đông. Dân công lội suối băng sông, vượt quốc lộ 1 ban đêm đến Bùng Binh nhận hàng, chiều lại bắt đầu đi lên. Dân công gùi, vác, leo dốc, vượt suối băng đèo trên con đường được mở từ căn cứ Đá Bàn (Hòa Thịnh) đi bãi Xép - Miền Đông chuyển hàng vào căn cứ trước khi vận chuyển hàng đi các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa.

 

Chiến công Vũng Rô đã góp phần cực kỳ quan trọng cho thế và lực của cách mạng Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Ngày 28/11 hàng năm được chọn là ngày truyền thống để ghi nhớ chuyến tàu 41 cập bến Vũng Rô đầu tiên.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chiến thắng Đường 5 sau 42 năm nhìn lại
Thứ Sáu, 24/03/2017 08:54 SA
Bình Kiến năm 1969
Thứ Sáu, 10/03/2017 10:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek