Vào những ngày này cách đây 42 năm, quân và dân Phú Yên đã làm nên chiến thắng Đường 5, ghi vào lịch sử. Nhà nước đã công nhận Đường 5 là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng vẫn còn có sự đánh giá khác nhau về đội hình, thời gian địch đến Phú Yên, địch bắt đầu tránh Đường 7 sang Đường 5 và bắc cầu phao vượt sông Ba vào thời gian nào?...
Đường 5 được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia - Ảnh: THANH HỘI |
Đến nay, chúng ta có đầy đủ tư liệu, nhân chứng của cả hai bên để làm rõ chiến thắng to lớn của quân và dân Phú Yên trên Đường 5 lịch sử.
Tình hình địch ở Tây Nguyên sau thất bại ở Buôn Ma Thuột
Bị đánh đau và hiểm ở Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Cao Văn Viên, thiếu tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2, ra lệnh cho Sư đoàn 23 và các đơn vị biệt động quân và không quân tái chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Ngày 12/3, tướng Phú ra lệnh Sư đoàn 23 sử dụng Trung đoàn 44 đổ quân xuống Phước An để phản kích phía đông, bất ngờ bị ta tấn công tiêu diệt. Đây là sư đoàn thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn trên chiến trường Tây Nguyên.
Lực lượng cơ động bị tiêu diệt ngày 14/3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh để nghe thiếu tướng Phạm Văn Phú báo cáo tình hình chiến sự của quân đoàn. Tướng Phú báo cáo tình hình cho Thiệu và yêu cầu, muốn giữ Tây Nguyên phải tăng viện.
Sau khi nghe Phú báo cáo và yêu cầu tăng viện, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói: "Chúng ta đang bị tấn công khắp nơi, chứ không phải ở Quân đoàn 2, địch đánh mạnh hơn năm 1968-1972, chúng ta không thể giữ nổi cao nguyên nữa". Tôi ra lệnh rút lui về giữ vùng duyên hải Trung Phần (Theo tài liệu của Bộ Tổng tham mưu ngụy). Sau đó thiết lập kế hoạch rút lui, những người có mặt gồm: Thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (phụ tá hành quân), chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân), Phạm Duy Tất (Tham mưu trưởng quân đoàn, tư lệnh biệt động quân), đều tuyên thệ giữ bí mật kế hoạch rút lui chiến lược này.
Ngày 15/3, Phạm Văn Phú và Bộ Tư lệnh nhẹ của Quân đoàn 2 rời khỏi Pleiku. Ngày 16/3, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm điều động Liên đoàn 21 biệt động quân từ Chư Pao về giữ an ninh TX Pleiku (vì tình hình thị xã hỗn loạn). Sư đoàn 6 không quân ngụy liên tục chở quân và một số gia đình sĩ quan rời khỏi Pleiku.
Cùng ngày, một lực lượng lớn gồm: Liên đoàn 6 biệt động quân, Thiết đoàn 19, Liên đoàn 20 công binh, cùng hơn 300 xe quân sự và khoảng 900 xe dân sự từ Pleiku theo Đường 7 hành quân về Cheo Reo. Liên đoàn 25 biệt động quân đang trấn giữ vùng Thanh An cũng rút quân về Phú Bổn, nên cuộc rút quân trở nên hỗn loạn. Chiều 17/3, bộ phận đi đầu của địch đã đến Củng Sơn, địch theo Đường 7 đến Tây Củng Sơn 4km, rồi theo đường mòn về Tây Hòa đến Củng Sơn, xuống Hòn Một về Thạnh Hội dừng lại chờ bắc cầu phao để vượt sông Ba, đoạn ngã ba sông Nhau.
Ngày 16/3, Phạm Văn Phú thành lập bộ phận chỉ huy hành quân đặt tại Tỉnh đường Phú Yên do chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phạm Duy Tất và Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều hành.
Cùng ngày, Quân đoàn 2 điều động phương tiện làm cầu phao từ Nha Trang ra sân bay Đông Tác điều động lực lượng bảo an chốt giữ trục Đường 5 từ cầu Tổng lên Hòn Kén - Sơn Thành, điều động trận địa pháo từ cầu Cháy - Hòa Đồng lên Hòn Kén - Sơn Thành để chi viện.
Ngày 17/3, địch bắc cầu phao vượt sông Ba đoạn từ ngã ba sông Nhau và sông Ba. Ngày 18/3, địch bắt đầu lần lượt vượt cầu phao về co cụm tại khu vực Hòn Kén - Sơn Thành. Đồng thời, Tỉnh trưởng Phú Yên điều Liên đoàn bảo an 942 từ TX Tuy Hòa sang chốt giữ trục Đường 5, Tư lệnh Quân đoàn 2 điều Tiểu đoàn biệt động quân từ Khánh Hòa ra chốt đèo Cả và phản kích chiếm lại núi Một - Hòa Tân, Tuy Hòa.
19 giờ ngày 19/3, địch từ Hòn Kén bắt đầu hành quân theo Đường 5, cho 5 xe bọc thép đi đầu đến Hòa Phong bị ta diệt, chúng lui về co cụm tại Hòn Kén.
(Theo lịch sử: Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320. Biên niên sự kiện; NXB Quân đội nhân dân - Hà Nội năm 2005 (tr142-143).
Xe địch bị ta tiêu diệt ở Thành Hội (Sơn Hội) - Ảnh: Tư liệu |
Truy kích diệt địch ở Cheo Reo, Đường 7 đến Củng Sơn
20 giờ 30 ngày 16/3, sư đoàn nhận lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng tổ chức lực lượng ra chốt chặn địch ở Nam Cheo Reo, tập trung lực lượng để đánh địch rút chạy trên Đường 7 về Phú Yên.
Ngày 17/3, Tiểu đoàn 9 (thuộc Trung đoàn 64) vận động ra chốt chặn địch Đường 7 cách Nam Cheo Reo 4km, diệt nhiều xe cơ giới. Sáng 18/3, Tiểu đoàn 7 chặn đánh địch ở nam thị xã 8km. Trung đoàn 48 Tiểu đoàn 2 áp sát thị xã nổ súng diệt 2 đại đội. Tiểu đoàn 1 áp sát sân bay chuẩn bị cắt Đường 7, Cheo Reo, Phú Thiện.
Trong 2 ngày 18-19/3, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64 đánh chiếm TX Cheo Reo. Trung đoàn 64 bao vây đông Cheo Reo, chặn không cho địch theo Đường 7 chạy về Phú Yên. Từ ngày 18-20/3, Sư đoàn 320 tấn công tiêu diệt quân địch co cụm Cheo Reo, sau đó phát triển theo Đường 7 về Phú Yên. Đến 22 giờ ngày 23/3, bộ phận đi đầu của Trung đoàn 64 bắt liên lạc được với Tiểu đoàn 96 địa phương Phú Yên, hai bên thông báo tình hình cho nhau và triển khai chuẩn bị tấn công địch ở quận lỵ Củng Sơn.
10 giờ ngày 24/3, mọi công tác chuẩn bị xong, địch phát hiện Sư đoàn 320 truy kích ra lệnh phá cầu phao tháo chạy. Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 96 tấn công địch ở Củng Sơn, núi Một, phát triển đánh chiếm bãi xe Thạnh Hội. Tiểu đoàn 96 phát triển đánh chiếm yếu khu Phú Đức, Tuy Bình giải phóng Củng Sơn và Tuy Bình.
Bộ đội địa phương Phú Yên đánh địch
8 giờ ngày 17/3, chỉ huy tiền phương nhận được điện Tư lệnh Quân khu 5, địch rút bỏ Tây Nguyên theo Đường 7 về Phú Yên, Tỉnh đội Phú Yên điều động toàn bộ lực lượng tập trung đánh địch trên Đường 7 không cho chúng chạy thoát về Tuy Hòa; điều động Tiểu đoàn 96 hành quân lên Tây Củng Sơn liên lạc với Sư đoàn 320 đánh địch Tây Củng Sơn, nhận điện tổ chức thực hiện và báo cáo.
4 giờ ngày 19/3, các đơn vị của tỉnh tập kích địch trên trục Đường 5, tấn công cứ điểm cầu Cháy giải phóng 5 xã Tây Tuy Hòa, tổ chức phục kích chốt đánh địch ở Tây Nguyên xuống trên trục Đường 5, từ cầu Tổng - Hòa Bình đến cầu Đồng Bò - Hòa Phong.
19 giờ ngày 19/3, địch từ Tây Nguyên xuống co cụm ở Hòn Kén bắt đầu tổ chức hành quân theo trục Đường 5, cho xe bọc thép đi đầu đến Hòa Phong, lực lượng ta chặn đánh tiêu diệt cả 5 xe, địch co cụm lại Hòn Kén.
Như vậy, lực lượng vũ trang Phú Yên đánh quân địch rút lui từ Tây Nguyên xuống trên Đường 5 bắt đầu từ 19 giờ ngày 19/3 đến 11 giờ ngày 25/3 mới kết thúc, trong 6 ngày đêm chiến đấu diễn ra rất ác liệt, lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh một lực lượng lớn rút lui và đại bộ phận quân địch của Phú Yên do Tư lệnh Quân đoàn 2 và Tỉnh trưởng Phú Yên trực tiếp chỉ huy, phản kích quyết liệt để bảo đảm cho quân Tây Nguyên tháo chạy, nhưng đều bị thất bại.
Qua diễn biến tình hình trên, rõ ràng địch theo Đường 7 đến Phú Yên bắc cầu phao để vượt sang Đường 5 về Phú Lâm - Đông Tác là có kế hoạch cụ thể trong kế hoạch rút lui chiến lượt từ đầu của địch.
Lực lượng đến Phú Yên với bộ phận đi đầu có tổ chức, có chỉ huy, chưa bị đánh trên trục Đường 7, lực lượng đông nhưng ô hợp đã bị thất bại, có cả gia đình vợ con nên dao động, trông chờ lực lượng tại chỗ mở đường để rút chạy.
Về ta, tuy có bị động về kế hoạch đánh địch từ Tây Nguyên xuống, nhưng chỉ huy rất linh hoạt, tổ chức nắm tình hình địch chặt chẽ, phân tích đúng đắn, hạ quyết tâm chính xác, tổ chức chỉ huy sâu sát, xử trí từng tình huống kịp thời, cùng với Sư đoàn 320 tiêu diệt bắt sống và làm tan rã toàn bộ quân địch rút quân từ Tây Nguyên về đồng bằng, ven biển duyên hải Trung Phần, tạo thuận lợi cho việc giải phóng Phú Yên ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI
Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh