Thứ Ba, 26/11/2024 09:43 SA
Bình Kiến năm 1969
Thứ Sáu, 10/03/2017 10:49 SA

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Ngâm (Phước Hậu) - nơi cách mạng trụ bám hoạt động từ tiền khởi nghĩa đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu

Năm 1969, nhân dân Bình Kiến bị địch dồn vào các ấp nổi lên đấu tranh, đòi cải thiện đời sống, đòi tự do đi lại làm ăn. Bọn ngụy quyền không thực hiện được những điều đã hứa là cải thiện đời sống cho dân nên người dân có cơ sở hợp pháp đấu tranh trở về làng cũ làm ăn.

 

 Bọn địch lầm tưởng rằng, số dân đã được chúng giáo dục và đã tổ chức được tề điệp cài vào nội bộ nhân dân để quản lý từng ô, nên chúng đưa về làng cũ để lấn chiếm vùng giải phóng của ta, nới rộng vành đai phòng thủ của chúng về phía tây. Đồng bào hai thôn Thọ Vức và Thượng Phú trước đây bị dồn xuống động cát Phước Hậu - Ninh Tịnh, nay chúng cho về lập ô tại Phú Vang để đi về nhà cũ làm ăn gần hơn trước. Như vậy, bà con Thượng Phú đã xây nhà, che trại dời đi đổi lại bốn lần. Mặc dù đời sống cơ cực, tinh thần luôn luôn căng thẳng, nhưng bà con vẫn giữ được cơ sở cách mạng, liên lạc được anh em mũi công tác Bình Phú C, trấn áp được bọn tề điệp.

 

Để đối phó với âm mưu thâm độc qua chiến dịch mị dân “về làng” của địch, Đảng bộ xã Bình Kiến đã chủ động thực hiện khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất” tổ chức nhiều buổi học tập về chủ trương chính sách của Đảng, nhiệm vụ của nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết tương trợ, tăng gia sản xuất, sớm ổn định đời sống cho bà con. Xây dựng lực lượng du kích tổ chức bố phòng chống địch càn quét tái dồn. Nắm được âm mưu địch, qua sự phát hiện của nhân dân, ta đã bắt đưa đi cải tạo và diệt một số tên tề điệp địch cài vào nội bộ nhân dân. Dựa vào thế hợp pháp, số dân đưa về được ta lãnh đạo, kéo nhau đến trụ sở ngụy quyền xã đấu tranh buộc chúng dừng càn quét cướp phá, không bắn phi pháo bừa bãi vào làng để bà con yên ổn làm ăn.

 

Tháng 6/1969, lực lượng vũ trang thị xã cùng mũi công tác xã được tổ chức cơ sở hợp pháp và nhân dân Liên Trì, Ninh Tịnh cùng lực lượng quần chúng trong khu dồn nổi dậy phối hợp với bộ đội đánh phá khu dồn dân lớn nhất của tỉnh tại Ninh Tịnh với trên 10.000 người. Ta đánh tan đại đội lính thuộc Trung đoàn 47 ngụy canh giữ, diệt 31 tên, thu nhiều vũ khí. Được nhân dân giúp đỡ, ta diệt 3 tên ác ôn điển hình trong khu, các tên khác bỏ chạy, nhân dân tự động đốt phá khu dồn, rồi đấu tranh với địch để về lại quê cũ làm ăn.

 

Cũng thời gian này, địch ra sức sục sạo, săn tìm lực lượng chủ lực của ta. Do có đồng chí mất cảnh giác, địch phát hiện dây chuyền, làm lộ 5 hầm bí mật ở các xóm vùng Liên Trì 2. Địch tổ chức xăm hầm. Dưới hầm có đồng chí Lê Kiên (Quang), cán bộ Thị đội, đã nêu cao tinh thần anh dũng bất khuất, nổ lựu đạn tự sát, không để rơi vào tay giặc. Một số cơ sở vùng Liên Trì 2 có liên quan bị địch khủng bố nặng nhưng không ai khai báo, đầu hàng nên phong trào vẫn được giữ vững.

 

Các mũi công tác xã do đồng chí Phạm Khía lãnh đạo phải tìm đến hang Dơi (một hang đá thiên nhiên sâu, nhiều tầng, hiểm trở giữa núi ở phía đông nam Chóp Chài, gần thôn Thanh Đức) để làm căn cứ tạm trú, thăm dò diễn biến tình hình. Hang có nhiều khu vực cất giấu vũ khí, lương thực, có thể dùng trú hàng trung đội. Sau đó, ta dùng chông, mìn bố phòng xung quanh hang, địch không dám mò đến. Hang Dơi trở thành một trong những căn cứ an toàn của lực lượng công tác địa bàn phía đông xã.

 

Giữa lúc quân dân hai xã đang ổn định tình hình và giành được những thắng lợi, bước đầu chống chiến lược “Phi Mỹ hóa chiến tranh” của địch thì bỗng nghe tin sét đánh: Bác Hồ kính yêu của chúng ta từ trần. Cán bộ, nhân dân Bình Phú đau đớn, tiếc thương Bác vô hạn. Đồng bào trong xã, kể cả những nơi địch còn kiểm soát, đều tự làm bàn thờ tưởng niệm Bác. Đêm 5/9/1969, Đảng bộ xã tổ chức lễ tang Bác rất trọng thể. Toàn thể cán bộ, nhân dân từ vùng giải phóng đến cơ sở vùng sâu đều có hình thức để tang Bác 7 ngày. Chùa Khánh Sơn tổ chức lễ cầu siêu, còn ở Thanh Minh Ngọc, Liên Trì có nhiều bàn thờ công cộng nghiêm trang. Cán bộ, nhân dân tập hợp trước bàn thờ nghe đọc Di chúc của Bác. Ai cũng xúc động và biểu lộ quyết tâm: Làm theo lời Bác dạy và hứa “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

 

Bàn thờ Bác ở Liên Trì lập ngay bên quốc lộ 1, sáng hôm sau, địch kéo đến, thấy còn khói hương nghi ngút, chúng cúi đầu đi qua không dám phá.

 

Ngôi nhà bà Trần Thị Mực (Liên Trì) - cơ sở cách mạng trung kiên trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Tư liệu

 

Biến đau thương thành hành động cách mạng, ngày 15/9/1969, lực lượng đặc công thị xã phối hợp với du kích hai thôn Minh Đức - Ngọc Phong phục kích 2 trung đội biệt động quân ngụy tại đèo Ngọc Phong. Cùng thời gian, lực lượng vũ trang thị xã và mũi công tác hai thôn Minh Đức, Ngọc Phong được nhân dân che chở, bất ngờ tập kích vào một đại đội ngụy quân thuộc Đoàn 47 và nghĩa quân tại chợ Minh Đức lúc chúng đang nghỉ ăn cơm trưa. Địch thương vong nặng chạy tán loạn ra đồng. Tháng 10/1969, du kích Minh - Ngọc phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang thị và D96 của tỉnh tập kích diệt một trung đội dân vệ và một trung đội “xây dựng nông thôn” thuộc Đoàn 5, ta truy kích đánh tan một trung đội “xây dựng”, xóa phiên hiệu Đoàn 5, làm thất bại âm mưu mở rộng vùng bình định của chúng về phía tây xã.

 

Từ chiến thuật “tìm, diệt” ồ ạt ban đầu, rồi “giữ và quét” chà đi xát lại từng vùng đến các kế hoạch “bình định nông thôn” nham hiểm của địch, ta đều thu nhiều thắng lợi. Nhưng đây cũng là giai đoạn xã chịu rất nhiều hy sinh, tổn thất. Có những mũi công tác hy sinh tập thể 3, 4 người. Nhưng người này ngã xuống người khác đứng lên, tiếp tục nhiệm vụ bám dân, đánh địch giữ làng.

 

Thi hành chủ trương của Tỉnh ủy Phú Yên, tháng 12/1969, ta tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở hai xã nhằm quán triệt “Di chúc của Bác Hồ” và thảo luận sâu sắc nghị quyết của Thường vụ Khu ủy Khu 5 tháng 10/1969 về “Nhiệm vụ giành và giữ dân làm nhiệm vụ trung tâm của quân dân toàn khu”. Qua thực tiễn tình hình xã, mấy năm chiến đấu cho ta thấm thía chân lý “Bám dân là lập trường, là nguyên tắc, là nghĩa vụ của Đảng”. Qua đợt chỉnh huấn, các đồng chí đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đều biểu lộ quyết tâm “vượt qua đầu thù, sáng tạo linh hoạt bám sâu vào dân, giữ vững từng tấc đất quê hương”.

 

Cả nước quyết giành thắng lợi ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris, khắp các chiến trường ta đánh mạnh, thắng to. Địch hoang mang bị động, đầu năm 1970 bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên rút khỏi núi Con Cá - Thọ Vức, ta có điều kiện xóa tuyến trắng phía tây xã.

 

Sau đợt tấn công Tết Mậu Thân, địch ra sức nới rộng vành đai quân sự bảo vệ thị xã về phía bắc. Chủ trương của ta là quyết tâm phá thế phòng thủ của địch, thọc sâu đánh mạnh vào thị xã, đưa phong trào cách mạng đô thị tiến lên, chuẩn bị đón thời cơ giành thắng lợi quyết định.

 

Ta xây dựng vùng Thanh - Minh - Ngọc, Liên Trì thành những căn cứ lõm Phước Hậu, Ninh Tịnh là hành lang trực tiếp đảm bảo cho lực lượng cách mạng ra vào thị xã.

 

Các thôn Thanh - Minh - Ngọc là vùng đất lửa nằm sát phía tây bắc thị xã, nằm trong tầm pháo từ Chi khu quân sự địch ở sân bay bắn lên. Sau lưng, trên đỉnh Chóp Chài, bốn cây đại liên 50 của Mỹ, đêm đêm vãi những luồng đạn ghê rợn như một con quái vật khổng lồ, phun máu xuống ruộng vườn làng xóm hiền lành. Thế nhưng, bà con ta vẫn trụ bám mảnh đất quê nhà. Trên đỉnh núi Chóp Chài địch đóng căn cứ, dưới chân núi địch kiểm soát; chính giữa núi, lực lượng ta bám trụ, lập phòng tuyến phòng ngự hàng vạn quả mìn.

 

Địch biết hang Dơi có cộng sản bám trụ mà không làm gì được. Địch đã từng đổ xăng đốt hang Dơi mà không thu được kết quả gì. Ở đây có nhiều trận đánh, diệt Mỹ, diệt ngụy, nhiều nhất trong xã nhà. Địch coi đây là cổ họng sinh tử của thị xã nên chúng đã đưa cả quân Mỹ, lính đánh thuê Nam Triều Tiên, lính ngụy, chà đi xát lại có ngày đến 2, 3 lần. Hàng ngày, hai trung đội nghĩa quân, một đoàn cán bộ xây dựng thay nhau có mặt trong làng.

 

Nắm vững phương châm “hai chân ba mũi giáp công”, Đảng bộ và nhân dân chủ động biến vùng Thanh - Minh - Ngọc thành một chiến trường chờ sẵn sàng tiêu diệt địch. Quần chúng được thanh khiết, các đoàn thể quần chúng hợp pháp được tổ chức chặt chẽ. Đội ngũ du kích luôn luôn được củng cố và phát triển, như Minh - Ngọc có 7 tổ gồm 24 đội viên, Thanh Đức có 4 tổ 16 đội viên có khả năng quần đánh địch trong làng giữa ban ngày. Có nhiều hầm bí mật rất kiên cố như hầm của ông Huỳnh Chinh, hầm thầy Ba Cường (Ngọc Phong), dựa vào chân núi hiểm trở, có sẵn những bờ đá cao thi gan cùng bom đạn Mỹ. Những hàng tre dày, xanh thẳng kết hợp với những bãi chông mìn đã làm cho lũ giặc dù có nhiều vũ khí tối tân cũng không làm gì được. Những gò bãi như gò Giẻ, gò Mía, gò Bà Khiết, gò Voi cùng đồi Cây Cầy, đồi Đá Dê… đến từng xóm, từng nhà đều trở thành pháo đài đánh giặc. Ngay cả những ngôi chùa như chùa Khánh Sơn, chùa Hang cũng biến thành pháo đài chống Mỹ. Trong số trên 30 cơ sở quần chúng hết lòng nuôi giấu bảo vệ bộ đội cán bộ có Đại đức Thích Tâm Hỷ, nhà sư Võ Kim Thàn; có những con người không tiếc thân mình sẵn sàng vượt qua lưới lửa giữ cho mạch máu lưu thông liên lạc của Đảng thông suốt từ căn cứ đến vùng sâu, như cụ bà Nguyễn Thị Thả; có những chị hết lòng giúp đỡ bộ đội cán bộ vừa làm công tác binh địch vận cũng giỏi như chị Nhân. Chị đã khéo tiếp xúc nắm được thái độ tâm tư từng tên lính địch đóng trong vùng, để tuyên truyền vận động chúng bỏ ngũ theo cách mạng.

 

THÀNH VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek