Thứ Sáu, 20/09/2024 07:43 SA
Đấu tranh chính trị ở huyện Tuy Hòa năm 1965
Thứ Sáu, 24/02/2017 08:27 SA

Trong năm 1965, ta tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị binh vận quy mô lớn. Tháng 3/1965, nhân dân hai thôn Phước Giang, Lạc Long (xã Hòa Xuân) kéo về Tỉnh đường ngụy quyền đòi chúng phải trả lại trâu, bò chúng cướp của đồng bào trong các cuộc hành quân càn quét sau sự kiện Vũng Rô. Sau mấy tháng đấu tranh cam go, cuối cùng Tỉnh trưởng ngụy quyền đuối lý buộc phải trả lại tài sản cho dân.

 

Đồng chí Công Minh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, trực tiếp chỉ đạo công tác đấu tranh chính trị năm 1965 - Ảnh: TRẦN KHẢ QUANG

Sáng 1/5/1965, ta tổ chức cuộc mít tinh toàn huyện tại xã giải phóng Hòa Mỹ để kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5). Cơ quan Huyện ủy Tuy Hòa đã dời ra khỏi núi, đóng tại thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ. Bộ đội và dân quân du kích xây dựng làng chiến đấu, bám trụ ở đồng bằng các xã Hòa Tân, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Đồng, Hòa Mỹ. Các chợ giao lưu buôn bán đông đúc, nhất là các chợ cửa khẩu Bến Đá, Suối Phẩn, Quảng Phú, Phú Sen, Cẩm Thạch. Nhân dân vùng căn cứ và đồng bằng đi lại tự do. Bộ đội các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên đến các chợ cửa khẩu để mua lương thực, thực phẩm về cho vùng căn cứ. Các đội văn công, chiếu phim của phân khu, tỉnh thường xuyên chiếu phim và biểu diễn văn nghệ tại nhiều xã.

 

Vào lúc 16 giờ ngày 1/5/1965, một tốp máy bay 3 chiếc A37 của địch đến ném bom Trường cấp 1-2 huyện Tuy Hòa tại vùng “Chân Bầu” thuộc thôn Mỹ Xuân, xã Hòa Thịnh làm 7 học sinh chết tại chỗ và 1 giáo viên cùng 7 học sinh khác bị thương, trong lúc các em học sinh đang nghỉ giải lao giữa giờ học. Số học sinh bị thương, bị chết ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Tân, Hòa Đồng.

 

Được tin trường trung học cơ sở bị ném bom, thầy giáo, học sinh chết và bị thương, Thường vụ Huyện ủy trực tiếp đến tại trường giải quyết hậu quả và lãnh đạo, ổn định tư tưởng cho học sinh, gia đình phụ huynh và nhân dân. Đồng thời họp khẩn cấp Huyện ủy, các ngành, các xã có học sinh học tại trường, để bàn kế hoạch giải quyết hậu quả. Yêu cầu chính là tổ chức đấu tranh ngăn chặn bàn tay đàn áp của địch. Ta tổ chức cuộc mít tinh, tố cáo hành động tội ác của Mỹ ngụy chiều tối hôm ấy, đồng thời tổ chức truy điệu các em học sinh chết, phát động căm thù, tính sổ tội ác của Mỹ ngụy và bàn kế hoạch ngày mai huy động nhân dân toàn huyện, khiêng xác các em bị chết, bị thương đến quận, tỉnh đường để tố cáo tội ác, đòi chúng bồi thường nhân mạng và cứu chữa những học sinh bị thương.

 

Theo kế hoạch, đúng 5 giờ sáng 2/5/1965, những học sinh chết và bị thương ở xã nào thì nhân dân xã đó khiêng đến quận, tỉnh tố cáo và đòi bồi thường nhân mạng. Mỗi xã huy động một tiểu đoàn đội quân tóc dài (200-300 người) xuống đường, đi bằng nhiều đường, nhiều hướng. Gia đình thân nhân học sinh đi trước kéo theo sau là học sinh các trường và gia đình binh sĩ ngụy đến đoàn quân tóc dài có tổ chức, chỉ huy từng tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đội, tiểu đoàn và các tổ chức chuyên môn: liên lạc, trinh sát, cứu thương, bảo vệ… Mỗi xã có ban lãnh đạo xã hợp pháp trực tiếp đi cùng quần chúng.

 

Nhân dân các xã Hòa Phong, Hòa Bình khiêng xác, khiêng thương lội qua sông Đà Rằng, sang Hòa Thắng, đi theo đường số 7 xuống cầu Ông Chừ, vào tỉnh đường để phản đối và đưa kiến nghị, đoàn này có khoảng 100 người nòng cốt.

 

Nhân dân các xã Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Mỹ khiêng theo xác học sinh chết và bị thương đi theo đường số 5 xuống Phú Lâm vào quận Hiếu Xương để phản đối và đòi bồi thường nhân mạng. Đoàn này do các chị Cao Thị Thu Sinh, Nguyễn Thị Luận, Lê Thị Thiện, Nguyễn Thị Minh Ánh, Trương Thị Minh Thư (Hòa Thịnh), Trương Thị Liên, Bùi Thị Liễu (Hòa Mỹ), Nguyễn Thị Thạnh (Hòa Phong), Phùng Thị Trâm (Hòa Đồng) lãnh đạo.

 

Nhân dân các xã Hòa Tân, Hòa Vinh, Hòa Xuân khiêng học sinh bị thương đi theo đường Hòa Tân xuống Hòa Vinh đi theo quốc lộ 1 đến Phú Lâm để phản đối và đòi bồi thường nhân mạng.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kính (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) đấu tranh chặn xe tăng địch phá hoại hoa màu - Ảnh: TRẦN KHẢ QUANG

Ở Hòa Hiệp, các chị Nguyễn Thị Hoa, Đỗ Thị Hoa, Đỗ Thị Phục, Mai Thị Ràng, Đặng Thị Bế, Nguyễn Thị Tương lãnh đạo đội quân gồm gia đình binh sĩ và học sinh vừa tảng sáng đã đột nhập vào quận để đưa đơn tố cáo việc đế quốc Mỹ ném bom vào trường học, làm chết và bị thương nhiều học sinh vô tội.

 

Ban lãnh đạo bí mật của Huyện ủy đặt hai địa điểm: Một địa điểm tại Cảnh Phước, Hòa Tân để chỉ huy cánh phía đông do các đồng chí Nguyễn Thành Ngưng, Hoàng Công Chạm phụ trách. Một địa điểm tại Phú Thứ do các đồng chí Dương Dụ và Nguyễn Bá Diệp phụ trách chỉ huy cánh phía tây. Một lãnh đạo là huyện ủy viên hợp pháp đi theo đoàn quân sang sông để chỉ đạo trực tiếp vào tỉnh đường.

 

Đúng 9 giờ ngày 2/5/1965, tất cả các cánh quân tiến vào thị trấn, TX Tuy Hòa. Địch bị bất ngờ, lúng túng huy động lực lượng đối phó, nhưng các cánh quân, bộ phận đi đầu đã lọt vào quận đường, tỉnh đường.

 

Địch huy động lực lượng bảo an, cảnh sát, dân vệ tổ chức ngăn chặn ngay từ Cầu Máng xã Hòa Thành, không cho đoàn quân Hòa Mỹ, Hòa Đồng dọc từ đường số 5 đi xuống quận Phú Lâm, nhưng số học sinh chết, bị thương đã được khiêng vào quận từ sáng sớm.

 

Cánh quân từ chợ Đông Mỹ, xã Hòa Vinh cũng bị chặn lại phía nam Phú Lâm, nhưng xác và học sinh bị thương đã khiêng được vào quận. Thực tế người chết, người bị thương do thân nhân, gia đình binh lính tố cáo và đưa yêu sách đòi bồi thường… chúng không thể nào chối cãi và có cớ đàn áp khủng bố. Tên quận trưởng phải nhận đơn để xoa dịu tình hình đấu tranh của quần chúng.

 

Cánh quân vào tỉnh đường đã trực diện đấu tranh tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, đưa yêu sách đòi bồi thường nhân mạng học sinh và cứu chữa cho học sinh bị thương. Chúng phải hứa hẹn chấm dứt đánh bom bừa bãi vào trường học, chúng biện bạch là đội quân quốc gia nhầm lẫn, tưởng lầm trường học là trại lính.

 

Yêu cầu bước 1 ta đã đạt được, các cánh quân đều đến được mục tiêu, đưa được đơn tố cáo, đòi bồi thường nhân mạng và chấm dứt hành động tương tự, biểu dương lực lượng quần chúng. Địch đuối lý không có cớ khủng bố đàn áp, nhận cứu chữa học sinh bị thương. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng trở về tổ chức mai táng các cháu học sinh. Các cháu bị thương được đưa vào bệnh viện được cứu chữa.

 

Huyện ủy đã tiến hành tổ chức hội nghị toàn huyện Tuy Hòa kiểm điểm, có đại diện Tỉnh ủy và các đoàn thể Phú Yên, Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phân khu Nam dự, để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm từng cuộc đấu tranh. Hội nghị rút ra kinh nghiệm về tổ chức đấu tranh trực diện, xáp mặt với địch, từ quần chúng một xã đến nhiều xã và đến toàn huyện, đấu tranh trực diện với địch tại quận đường, tỉnh đường với số lượng hàng ngàn người. Đặc biệt là trận đấu tranh 3 mũi giáp công (vũ trang, chính trị, binh vận) kết hợp trong một trận đánh, có sự tham gia của hàng ngàn quần chúng nhiều xã (chủ yếu là đội quân tóc dài và gia đình binh sĩ), nên tay không đã ngăn chặn xe M113, làm hạn chế tốc độ và lộ hướng bí mật bất ngờ của địch, tạo cho bộ đội ta đủ thời gian chiến đấu diệt được nhiều địch và giữ vững trận địa, buộc địch phải rút lui.

 

Sau hội nghị tổng kết này, Tỉnh ủy Phú Yên cử đồng chí Cao Thị Thu Sinh, Lê Thị Thiện trong ban lãnh đạo đấu tranh, chính trị hợp pháp, đi báo cáo điển hình ở Đại hội phụ nữ và Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu 5.

 

Sau đó theo yêu cầu của đồng chí Hồng Châu (Năm Phổ), Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Tỉnh ủy Phú Yên cử một đoàn gồm các đồng chí Chín Đến, Đỗ Thu, Nguyễn Thị Điểm, Ngô Chí Công, Cao Thị Thu Sinh vào giúp cho vùng Bắc Khánh Hòa về công tác đấu tranh chính trị.

 

Năm 1965, ta giải phóng phần lớn huyện Tuy Hòa 1. Tỉnh ủy lập đoàn công tác phát động nông dân do đồng chí Công Minh phụ trách. Các buổi phát động đã tổ chức đọc thư của Đảng, trọng tâm nội dung thư động viên nhân dân bày tỏ nỗi khổ, vạch trần tội ác đế quốc và tay sai, phát động căm thù. Sau khi đoàn phát động nông dân tổ chức làm điểm ở xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa chọn xã Hòa Xuân để phát động. Nội dung và phương pháp phát động được tổ chức chu đáo, nhân dân tổ chức rước thư, đọc thư, kể khổ, bày tỏ quyết tâm đánh đổ bè lũ tay sai và hạ quyết tâm trả thù.

 

Một trong những hoạt động nổi bật của công tác dân vận trong thời kỳ này là vận động nhân dân tham gia mở bến Vũng Rô tiếp nhận hàng của những chuyến tàu theo đường biển từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk.

 

Để có thể tiếp nhận hàng vào Vũng Rô, nhân dân các xã phía nam huyện Tuy Hòa đã đóng góp hàng ngàn ngày công để làm bến bãi, cầu tàu, làm đường và chuyển hàng hóa, lo lương thực cho dân công… Riêng xã Hòa Hiệp, để phục vụ cho nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển hàng các chuyến tàu Không số tại bến Vũng Rô cuối năm 1964 đầu năm 1965, xã đã động viên tuyển dụng 1.200 dân công và lực lượng vũ trang du kích, cán bộ, đảng viên phục vụ, chiến đấu và 10 tấn gạo, 1,5 tấn thực phẩm và nhiều vật chất nhu cầu khác.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek