Thứ Sáu, 20/09/2024 07:43 SA
Hình thành chính quyền cách mạng Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ
Thứ Sáu, 13/01/2017 10:14 SA

Ngày 15/1/1968, Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam chỉ thị cho các địa phương toàn miền Nam: “Ra sức xây dựng chính quyền các cấp để theo kịp sự phát triển chung của tình hình, Ủy ban tự quản, Ủy ban nhân dân giải phóng được thống nhất đổi tên là Ủy ban nhân dân cách mạng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã trong toàn miền Nam”.

 

Từ trái qua phải: Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh Phú Yên Trần Suyền; Phó Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh Phú Yên Cao Xuân Thiêm (Văn Công) và Phó Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Ái

 

Chỉ thị nêu rõ: “Trách nhiệm của chính quyền cách mạng là vừa phải bảo đảm tính chất chuyên chính với kẻ thù và những kẻ phản động, vừa phải thể hiện tính dân chủ rộng rãi bao gồm các giai cấp cách mạng và những nhân sĩ yêu nước, nhằm tập hợp, động viên các giai cấp cách mạng và cá nhân yêu nước tham gia chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quyền”.

 

Tháng 12/1968, Đại hội Đảng bộ Phú Yên lần thứ 3 xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

 

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam về xây dựng chính quyền cách mạng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, Tỉnh ủy Phú Yên khẩn trương chuẩn bị nhân sự và điều kiện thành lập chính quyền cách mạng lâm thời từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Ngày 3/2/1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại núi Hòn Giang thuộc xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên tổ chức Đại hội chính trị Hiệp thương lần thứ nhất. Tham dự đại hội có 8 đoàn đại biểu của các huyện: Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Miền Tây và TX Tuy Hòa. Đại hội còn có sự tham dự của đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng, các đoàn thể, ban ngành, lực lượng vũ trang, trí thức, thân hào nhân sĩ trong tỉnh.

 

Báo cáo chính trị tại Đại hội chính trị Hiệp thương nêu rõ: “Những thắng lợi vô cùng to lớn của cách mạng miền Nam cũng như của tỉnh Phú Yên, đặc biệt từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân đến nay, vùng giải phóng tỉnh Phú Yên được mở rộng và ngày càng củng cố vững chắc. Do đó chỉ trong thời gian ngắn, Ủy ban nhân dân cách mạng đã được thành lập ở 5 huyện và hơn 53 xã, chiếm hơn 69% tổng số xã trong tỉnh”.

 

Đại hội đã bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh (UBNDCMLT) gồm 7 thành viên. Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh; đồng chí Cao Xuân Thiêm (bí danh Văn Công) và đồng chí Bá Nam Trung giữ chức Phó Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh, ông Lê Duy Tường giữ chức Ủy viên Thư ký UBNDCMLT tỉnh. Bà Nguyễn Thị Điểm và các ông Nguyễn Hoài Nam, Trần Đình Quảng làm Ủy viên UBNDCMLT tỉnh. Ông Nguyễn Việt Dũng, nguyên cán bộ nghiên cứu thuộc Văn phòng Tỉnh ủy phân công làm Chánh Văn phòng UBNDCMLT tỉnh. Tháng 6/1969, ông Nguyễn Việt Dũng hy sinh, tỉnh điều ông Nguyễn Kim Khôi đang phụ trách tổng hợp Văn phòng Ban Kinh tài làm Chánh Văn phòng UBNDC­MLT tỉnh. Đầu năm 1970, đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công) ra miền Bắc chữa bệnh, đồng chí Nguyễn Hữu Ái được bầu làm Phó Chủ tịch UBNDCMLT tỉnh.

 

Trước đó, ngày 7/3/1969, tại Vườn Mít, Xóm Năm Nhà thuộc thôn Phong Cao, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, UBNDCMLT tỉnh tổ chức lễ ra mắt trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ.

 

Từ khi chính quyền cách mạng tỉnh được thành lập, Thường vụ Tỉnh ủy giao UBNDCMLT tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành và chỉ đạo các hoạt động các cơ quan thuộc khối chính quyền. Nhằm giúp UBNDCMLT tỉnh điều hành chức năng quản lý nhà nước, Thường trực UBNDCMLT tỉnh quyết định thành lập Văn phòng UBNDCMLT tỉnh gồm 5 bộ phận là: Nghiên cứu tổng hợp; Hành chánh, Quản trị; Tổ Cơ yếu điện đài; Tổ Bảo vệ cơ quan do Chánh Văn phòng UBNDCMLT tỉnh trực tiếp điều hành. Đồng thời để phù hợp với công tác quản lý mới, UBNDCMLT tỉnh quyết định giải thể Ban Kinh tài và thành lập các đơn vị chuyên môn trực thuộc gồm có: Ban Sản xuất do ông Đinh Cẩm Hà phụ trách, đảm nhận các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi và thú y. Ban Lương thực do ông Võ Đông Thu phụ trách, có nhiệm vụ tổ chức cán bộ đứng các cửa khẩu thu mua, vận chuyển lương thực từ cửa khẩu về căn cứ; tiếp nhận lương thực chi viện của Khu 5, bảo quản và cấp phát theo lệnh của UBNDCMLT tỉnh. Ban Tài chính do ông Lê Bích Hải phụ trách, có nhiệm vụ vận động, thu động viên ở đồng bằng, miền núi; lạc quyên vùng sâu, vùng địch kiểm soát. Ban Thương nghiệp do ông Nguyễn Đức Bảo phụ trách, có nhiệm vụ tổ chức các cửa khẩu ở Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu và TX Tuy Hòa để thu mua lương thực, hàng nhu yếu phẩm cần thiết cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, đồng thời mua hàng giúp cho tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Ban Giáo dục do ông Nguyễn Chu (Nam Đà) và Đào Thế Lữ phụ trách, chuyên lo công tác phát triển giáo dục. Ban Y tế do bác sĩ Khiển, bác sĩ Trúc Lam phụ trách, có nhiệm vụ tổ chức các trạm xá, bệnh xá; đào tạo y sĩ, cứu thương, hộ lý phục vụ chiến đấu; chăm lo sức khỏe nhân dân, lực lượng vũ trang và sản xuất thuốc nam. Ban Giao bưu do ông Phạm Thuyền phụ trách, có nhiệm vụ tổ chức hệ thống giao thông liên lạc từ tỉnh đến huyện, xã và liên lạc với Khu 5. Ban Hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược; mở đường phục vụ chiến dịch. Ban Ngân tín do ông Trần Tuấn Đức phụ trách, chuyên lo quản lý tiền, hàng và đổi đô la thành tiền Sài Gòn để cung cấp cho cách mạng và giúp 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk bán đổi đô la Mỹ. Bộ phận Kế hoạch, Thi đua khen thưởng, Tư pháp do Thường trực UBNDCMLT tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hạnh.

 

Đối với quân đội và công an, UBNDCMLT tỉnh quản lý về phần tuyển quân, hậu cần, sản xuất và đời sống; các nhiệm vụ khác do cấp ủy điều hành, quyết định trực tiếp.

 

Về lề lối làm việc, Văn phòng UBNDCMLT tỉnh hàng tuần theo dõi tổng hợp tình hình các huyện thị, các ngành, báo cáo với Thường trực UBNDCMLT tỉnh xin chủ trương, biện pháp, tổ chức thực hiện và báo cáo cho Văn phòng Tỉnh ủy.

 

Tháng 4/1969, UBNDCMLT tỉnh tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 2 tại xưởng dệt, thôn Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Miền Tây, có 65 chiến sĩ thi đua và gần 100 đại biểu các ngành, đoàn thể, địa phương tham dự. Đại hội tổng kết phong trào thi đua yêu nước từ sau Đại hội lần thứ 1, tổng kết chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, hạ quyết tâm đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

 

Sau Đại hội Hiệp thương cấp tỉnh, các huyện, thị và xã, phường, thị trấn tiến hành hội nghị hiệp thương bầu UBNDCMLT gồm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thư ký và một số ủy viên phụ trách các mặt công tác: cung ứng chiến trường và chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong, giáo dục, quân sự, công an, kinh tế, hành lang vận chuyển, thi đua khen thưởng…

 

Huyện Tuy Hòa 1, sau ngày hiệp thương bầu UBNDCMLT tỉnh, Thường vụ Huyện ủy chỉ định ông Trương Bá Khiển phụ trách công tác chính quyền cùng ông Nguyễn Khoa Phong. Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 6 (năm 1971), huyện Tuy Hòa 1 tổ chức Đại hội chính trị Hiệp thương bầu UBNDCMLT gồm 7 thành viên do ông Dương Dụ, Bí thư Huyện ủy làm Chủ tịch, các ông Trương Lưu và Trương Bá Sám làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Thành Hựu (Hai Hựu) làm ủy viên Thư ký. Huyện Tuy Hòa 2 do ông Đặng Tấn Long làm Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Thư làm ủy viên Thư ký. Huyện Sông Cầu, cuối tháng 4/1969, Đại hội chính trị Hiệp thương tổ chức tại Hậu Sơn (xã Xuân Thọ). Đại hội bầu UBNDCMLT huyện gồm 13 thành viên, do ông Nguyễn Xuân Ba, Thường vụ Huyện ủy làm Chủ tịch, ông Nguyễn Hữu Khải làm ủy viên Thư ký. TX Tuy Hòa, ngày 6/2/1970, Đại hội chính trị Hiệp thương bầu ông Lê Văn An, ủy viên Ban An ninh tỉnh làm Chủ tịch. Huyện Sơn Hòa do ông Phạm Cự làm Chủ tịch, ông Trương Văn Chánh làm thư ký. Đầu năm 1970, UBNDCMLT huyện Tuy An được thành lập, do ông Nguyễn Cúc, Bí thư Huyện ủy kiêm chức Chủ tịch; các ông Trần Tuấn Đức, Kiều Ngọc Tư làm Phó Chủ tịch, ông Phạm Ngọc Chi làm ủy viên Thư ký. Huyện Đồng Xuân do ông Nguyễn Chung làm Chủ tịch. Huyện Miền Tây do ông Ma Noa làm Chủ tịch.

 

Thành công của Đại hội chính trị Hiệp thương của các địa phương với việc bầu ra UBNDCMLT đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Phú Yên; thể hiện, ý chí nguyện vọng của nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Nhiệm vụ của UBNDCMLT huyện, thị là quản lý hành chính, xã hội; phát động nhân dân sản xuất tự túc tự cấp; chăm lo đời sống nhân dân; giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng tự vệ và du kích; phát triển giáo dục, động viên nhân tài vật lực, động viên thanh niên tham gia bộ đội, du kích; giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

 

Trong thời gian này, Ban tự quản xã, phường, thị trấn chuyển thành UBNDCMLT xã, phường, thị trấn; Ban nhân dân thôn, buôn chuyển thành Ban nhân dân cách mạng thôn, buôn.

 

Tại huyện Tuy Hòa 1, UBNDCMLT thành lập ở các xã Hòa Phong, Hòa Bình, Hòa Thành, Hòa Thịnh, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Vinh, Hòa Xuân, Hòa Hiệp và Sơn Thành. Tại huyện Tuy Hòa 2, UBNDCMLT thành lập ở các xã Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa Kiến, Hòa Thắng. Tại huyện Tuy An, UBNDCMLT thành lập ở 11/14 xã gồm An Xuân, An Lĩnh, An Định, An Nghiệp, An Dân, An Ninh, An Cư, An Hòa, An Hiệp, An Mỹ và An Chấn. Tại huyện Đồng Xuân, UBNDCMLT thành lập ở các xã Xuân Quang, Xuân Lãnh, Xuân Phước và Xuân Sơn. Tại huyện Sông Cầu, UBNDCMLT thành lập ở các xã Xuân Lộc, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Phương và Xuân Thọ. Tại huyện Sơn Hòa, UBNDCMLT thành lập ở xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Hà, Sơn Bình, Sơn Phước, Sơn Xuân. Tại huyện Miền Tây, UBNDCMLT thành lập ở các xã Phước Tân, Suối Trai, Cà Lúi, Krông Pa, Đá Mài và Phú Mỡ.

 

Ngày 15/7/1970, Khu ủy 5 ra nghị quyết thành lập huyện Tây Nam, gồm các xã Sông Hinh, Đức Bình (gồm các thôn Tân Lập, Phú Đức, Chí Thán, Dinh Điền, Mả Vôi) thuộc tỉnh Phú Yên và 3 xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Bia nguyên thuộc tỉnh Đắk Lắk. Huyện Tây Nam lúc này có số dân 3.500 người, trong đó, có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê (M’Dhur), Chăm (H’Roi) và Ba Na. UBNDCMLT huyện gồm có ông Y Nộ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng giữ chức Chủ tịch UBNDCMLT huyện, ông Võ Tòng giữ chức Phó Chủ tịch UBNDCMLT huyện và một số thành viên. Các cơ quan chuyên môn giúp việc gồm có: Văn phòng (Hành chính - Quản trị, Thi đua - khen thưởng), Ban Sản xuất, Ban Giao bưu, Ban Giáo dục, Ban Y tế, Ban An ninh và Huyện đội. Các cơ quan của Đảng, chính quyền và đoàn thể đều đứng chân tại Ea Kmes (thuộc huyện M’D rắk, tỉnh Đắk Lắk).

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek