Thứ Ba, 26/11/2024 11:50 SA
Phú Hòa (Tuy Hòa 2) xây dựng hậu phương vững chắc (1950-1953)
Thứ Sáu, 30/12/2016 08:35 SA

Trong những năm 1950, thực hiện chủ trương của Trung ương, huyện Tuy Hòa tiến hành vận động những người có nhiều ruộng đất “hiến điền”. Việc hiến điền đã có tác dụng tạo thêm số ruộng đất chia cấp cho người nghèo, thể hiện tinh thần tương thân tương trợ trong làng xóm và phần nào tạo sự công bằng trong việc sở hữu ruộng đất; đồng thời còn có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sản xuất ở nông thôn.

 

Nhân dân cắm chông rào làng chống giặc Pháp đổ bộ hành quân càn quét

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Phú Yên lần thứ 4 (4/1950): “Gấp rút chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công, huy động tối đa nhân tài vật lực cho tiền tuyến”, các chi bộ đảng ở huyện Tuy Hòa đã tổng động viên toàn dân đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Lệnh tổng động viên được đông đảo nhân dân các xã nhiệt tình hưởng ứng.

 

Việc triển khai thực hiện chính sách thuế nông nghiệp ở huyện Tuy Hòa đã làm cho nông dân các xã rất phấn khởi. Nông dân cho rằng việc đóng góp thuế nông nghiệp dựa trên thực tế diện tích ruộng đất canh tác là công bằng, hợp lý. Tuy nhiên, một số người thuộc tầng lớp trên có nhiều ruộng đất đã kêu ca, tìm cách đối phó, như che giấu, khai man diện tích, sản lượng hoặc phân tán ruộng đất bằng cách chia ruộng đất cho con, cháu để trốn thuế.

 

Tình hình trốn, lậu thuế khá phổ biến ở vùng nông thôn lúc bấy giờ. Do đó, Huyện ủy chỉ đạo các xã đối chiếu giữa thực tế với sổ đinh, sổ điền của các làng được lập từ trước tháng 8/1945, để làm sổ bộ điền thổ mới. Nhờ đó, năm 1951, khi triển khai thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, những hiện tượng khai man, ẩn lậu thuế… ở Tuy Hòa đã sớm phát hiện, giáo dục, chấn chỉnh ngay từ đầu. Kết quả đã thu được đợt đầu, trong năm 1951-1952 được hơn 1.000 tấn lúa và hàng chục triệu đồng. Nhiều xã không đủ kho để chứa lúa, phải mượn nhà dân để chứa lúa đóng thuế.

 

Mặc dù trong hoàn cảnh kháng chiến gặp nhiều khó khăn, các chi bộ đảng và chính quyền huyện Tuy Hòa đã có nhiều cố gắng, chăm lo cho thế hệ tương lai, ngoài việc phát triển bình dân học vụ đã mở các lớp ở bậc tiểu học, mở cơ sở trường cấp 2 ở Lò Tre, Hòa Định. Nhờ vậy, nhiều cán bộ của huyện Tuy Hòa sau này có trình độ học vấn cao, có điều kiện cống hiến, phục vụ cho cách mạng nhiều hơn; nhiều đồng chí là con em huyện Tuy Hòa đã thoát ly tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường miền Nam như Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa…

 

Tháng 3/1952, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 5 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp được tổ chức, đã chủ trương “đẩy mạnh, hoàn thành chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy Tuy Hòa đề ra nhiệm vụ cấp bách của các xã trong huyện là khắc phục khó khăn, nhất là tình trạng thiếu lương thực do trong năm 1951, bị bão lụt, hạn hán và sự phá hoại của Pháp.

 

Mặc dù nhân dân có nhiều cố gắng trong sản xuất, trồng thêm nhiều hoa màu, nhưng do thiên tai liên tiếp, từ cuối mùa mưa năm 1951 đến tháng 5/1952, hạn hán nặng, nên mùa màng mất trắng, nạn đói đe dọa. Trong lúc đồng ruộng khô cháy, cảnh thiếu đói xảy ra thì địch tăng cường dùng máy bay đánh phá các kho tàng, cơ quan, đơn vị bộ đội, các cơ sở kinh tế quan trọng trên địa bàn huyện, hòng làm suy yếu lực lượng kháng chiến. Ngoài ra, địch còn tung gián điệp ra vùng tự do, hoạt động trên địa bàn huyện để nắm tình hình, chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá. Tháng 6/1951, địch liên tiếp dùng máy bay oanh tạc, thả bom đánh sập nhà ông Nguyễn Lưu ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, làm 3 người chết và đánh sập nhà 6 gia đình khác ở Đông Lộc. Tại thôn Mỹ Thạnh (Hòa Thắng), trong một lần oanh tạc, địch thả 21 quả bom xuống nhà ông Võ Sương - nơi làm kho quân trang của tỉnh Đắk Lắk - làm chết 2 người và phá hủy toàn bộ kho hàng.

 

Phần lớn các vụ địch oanh tạc chính xác đều do có lực lượng gián điệp chỉ điểm, do vậy công tác phòng gian bảo mật được chính quyền và đoàn thể các xã đẩy mạnh. Lực lượng công an các xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát bắt được một số tên và xử tội thích đáng. Tiêu biểu là vụ bắt tên gián điệp Lê Quang Sang, được địch tung từ Khánh Hòa ra, hoạt động trên địa bàn Tuy Hòa, bị nhân dân phát hiện. Tòa án quân sự tỉnh mở phiên tòa công khai tại Hòa Thắng để xét xử tên Sang. Tại phiên tòa, tên Sang cúi đầu nhận tội đã chỉ điểm cho máy bay Pháp thả bom và hoạt động tình báo cho địch. Tòa tuyên bố kết án Lê Quang Sang tội tử hình.

 

Ngày 6/6/1952, máy bay quân Pháp tiếp tục oanh tạc, đánh sập cầu Suối Cái - thuộc kênh Bắc hệ thống thủy nông Đồng Cam. Toàn bộ cánh đồng lúa ở tả ngạn sông Đà Rằng đang xanh tốt, lúa đang trổ đòng đòng, đã bị héo rũ. Ngoài việc thả bom hủy hoại các công trình thủy lợi, chúng còn ném bom làm thiệt hại nặng nề các xưởng dệt Tự Túc, Hòa Trị, HTX Tuy Hòa, xưởng giấy Việt Thắng, Liên đoàn HTX Phú Yên… Thiệt hại tuy có nặng nề, nhưng vượt lên sự mất mát đau thương, nhân dân Tuy Hòa không nao núng, nhịp sống kháng chiến vẫn phát triển sôi động.

 

Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tuy Hòa thành lập hai ban chỉ huy công trường. Mỗi ban có một huyện ủy viên phụ trách, và một số cán bộ đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính và một số ban ngành liên quan. Trên công trường thủy nông phía bắc đập Đồng Cam, ban chỉ huy công trường huy động hơn 2.000 dân công các xã Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Kiến làm cả đêm - vì ban ngày địch oanh tạc. Đêm đêm, đèn đuốc sáng trưng cả một vùng, đào đắp được một khối lượng đất đá lớn trong một thời gian ngắn, bờ đập được dựng xong, dòng nước Đồng Cam cuồn cuộn chảy về tưới mát các cánh đồng lúa. Nhưng nhân dân chưa kịp mừng, địch lại cho máy bay rà sát mương nước thả bom. Bờ đập bị vỡ, bao nhiêu công sức đổ ra phút chốc đã bị thực dân Pháp phá hủy.

 

Hệ thống thủy nông Đồng Cam bị phá hoại, phần lớn diện tích canh tác đều khô hạn. Đây là thời kỳ nhân dân Phú Yên, nhân dân huyện Tuy Hòa đói trầm trọng nhất. Hàng trăm gia đình không có gạo ăn, hoặc chỉ ba bữa rau, bữa cháo. Bà con phải vào núi đào củ mài, củ khoai khai, hái bắp thơm tàu… phơi khô, nấu ăn cầm hơi. Bà con đi dân công phải ăn trái sung, củ mài thay cơm.

 

Trước tình hình đó, để khôi phục sản xuất, các chi bộ đảng và chính quyền huyện Tuy Hòa vận động nhân dân đào ao, vét giếng; đắp đập bổi ngăn nước những con suối nhỏ… để lấy nước cày cấy. Trong hoàn cảnh cơ cực ấy, bà con nông dân huyện đã truyền nhau câu ca dao:

 

“Lòng ao càng vét càng sâu

Lòng dân oán hận càng lâu càng đầy”

Hoặc:

“Thằng Tây phá máng, phá lù

Nước mương rút xuống, căm thù trào lên”.

 

Các cấp ủy đảng và chính quyền các xã còn khuyến khích nhân dân một năm trồng một vụ lúa gieo, ăn nước mưa, như thuở trước - khi chưa có nước thủy lợi đập Đồng Cam. Tuy nhiên, bà con nông dân đã có sáng kiến “gieo một vụ, gặt hai vụ”. Một lần gieo hai giống lúa, một giống lúa “Ba thóc” 3 tháng, một giống lúa “Gòn” 6 tháng.

 

Giữa năm 1952, đời sống nhân dân Tuy Hòa ngày càng khó khăn vì thiếu lương thực. Nhiều nơi xảy ra tình trạng đói nặng. Trước tình hình đó, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện tập trung chỉ đạo cứu đói cho dân. Ty Kinh tế tỉnh xuất kho lương thực bán điều hòa, cho nông dân mượn lúa giống để sản xuất, giúp đỡ người bệnh, mất sức lao động, tạo công ăn việc làm cho người nghèo.

 

Huyện ủy vận động nhân dân tích cực làm thủy lợi nhỏ, trồng thêm hoa màu phụ để chống đói. Quý III năm 1952, trên địa bàn Tuy Hòa đã gieo trồng gần 3.000ha lúa nước, 2.000ha bắp và 6.000ha khoai, đậu các loại và hơn 2.000ha lúa đen. Chủ trương chuyển hướng canh tác trên địa bàn Phú Hòa thu được kết quả tốt. Sản lượng hoa màu phụ tăng gấp 4 lần sản lượng lúa. Quý IV năm 1953 giá gạo chỉ 1.000 đồng - giảm hơn 40% so với năm 1952 - nạn đói căn bản được giải quyết. Các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, ngày càng phục vụ tốt hơn cho yêu cầu của cuộc kháng chiến.

 

Cùng với phong trào tăng gia sản xuất, phong trào tiết kiệm cũng được phát động sôi nổi. Chiều thứ bảy hàng tuần, mọi nhà đều ăn củ thay cơm, để dành một phần gạo ủng hộ chiến trường, chi viện cho bộ đội ngoài mặt trận.

 

Nhờ những biện pháp tích cực trên, đến cuối năm 1953, nền sản xuất ở Tuy Hòa được khôi phục, sản lượng lúa xấp xỉ năm 1950, cơ bản vượt qua nạn đói, nhân dân tiếp tục đóng góp lương thực, tham gia những đoàn dân công vận tải tiếp vận chiến trường, để chiến sĩ ăn no giết giặc.

 

Tháng 1/1953, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 2) đã quyết định triệt để thực hiện giảm tô, giảm tức, giành ưu thế chính trị cho quần chúng cơ bản ở nông thôn. Hội nghị chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện “người cày có ruộng” trong kháng chiến, nhằm bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng của chúng ta hàng chục triệu đồng bào nông dân lao động sẵn sàng chờ Đảng và Chính phủ lãnh đạo để hăng hái vươn mình dậy đập tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân phong kiến cũng sẽ bị lực lượng ấy đánh tan”.

 

Tháng 4/1953, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị cho cán bộ học tập Nghị quyết Trung ương và chỉ thị của Liên khu ủy về triệt để giảm tô, xây dựng quan điểm lập trường giai cấp. Hội nghị nghiêm khắc phê phán những khuyết điểm sai lầm trong việc thực hiện chính sách ruộng đất và đề ra nhiệm vụ phát động nhân dân triệt để thực hiện giảm tô 25%, thực hiện quy chế lĩnh canh, chia lại công điền một cách công bằng hợp lý.

 

Chấp hành chủ trương của Trung ương, chỉ thị của Huyện ủy Tuy Hòa, tháng 5/1953, các chi bộ xã tiếp tục phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Cấp ủy các xã tổ chức cho cán bộ tự phê bình trước nhân dân. Các đoàn cán bộ đi về các xã phát động nhân dân. Đợt chỉnh huấn này có tác dụng nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng cơ sở ở Tuy Hòa, tạo ra sức mạnh mới cho cán bộ, đảng viên trong công tác, sản xuất và chiến đấu. Vụ 8 năm 1953, việc giảm tô ở huyện Tuy Hòa đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi. Bà con nông dân nghèo bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ chính sách giảm tô, giảm tức của Đảng và Chính phủ, mạnh dạn đấu tranh để chính sách được thực hiện triệt để. Các chi bộ xã phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất theo phương châm “dựa vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông”. Đối với địa chủ, phân biệt địa chủ lớn, nhỏ, vừa, địa chủ tuân theo pháp luật và chống đối. Trên cơ sở đó có thái độ đối xử đúng mức; đập tan thế lực chính trị và làm yếu đi thế lực kinh tế của địa chủ. Đối với Việt gian phản động, cường hào gian ác thì cương quyết đánh đổ.

 

Tỉnh ủy chọn xã Hòa Trị làm địa bàn thí điểm việc chia cấp công điền. Công điền được chia đều cho cả nam và nữ, lấy bớt một phần công điền của những người có trên 1,5ha và người làm nghề buôn bán để chia thêm cho bần cố nông, ít ruộng. Các đối tượng ưu tiên được chia công điền gấp đôi, thời gian sử dụng là 5 năm.

 

Từ kinh nghiệm Hòa Trị, Huyện ủy đã triển khai toàn huyện và kịp thời uốn nắn những lệch lạc như nâng mức giảm tô quá cao, đòi thoái tô, truy nợ cũ, truy canh. Một vài nơi tự động đấu tố lịch thu tài sản địa chủ sớm được chấn chỉnh. Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, triệt để thực hiện giảm tô, giảm tức, do nóng vội và một số cán bộ đảng viên thuộc tầng lớp trên mắc phải một số va vấp như: làm thay, mệnh lệnh, việc vận động giáo dục quần chúng chưa tốt; triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa triệt để, Huyện ủy đã kịp thời thỉnh thị ý kiến cấp trên, đưa cuộc cải cách và phong trào giảm tô, giảm tức theo đúng chủ trương của Trung ương, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng cán bộ và nhân dân, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc kháng chiến kiến quốc ở Tuy Hòa tiếp tục phát triển, thắng lợi.

 

Cuộc vận động giảm tô, giảm tức, chia lại công điền đã tạo nên sự phấn khởi mới cho nông dân và một khí thế lao động mới ở nông thôn Tuy Hòa, toàn dân đoàn kết, đưa lại những kết quả thiết thực. Sản xuất nông nghiệp và các ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tuy Hòa được khôi phục nhanh, nhân dân đã đủ ăn và chi viện hàng ngàn tấn gạo cho chiến trường; phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh. Các phần tử phản động, lưu manh bị trấn áp kịp thời. Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trong làng xóm được ổn định. Tuy Hòa đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương cho chiến trường Khánh Hòa và Tây Nguyên trong những năm tháng gian khổ, đồng thời tạo nền tảng để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek