Thứ Sáu, 20/09/2024 07:49 SA
Hòa Mỹ sau Tết Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 10/02/2017 10:21 SA

Xã Hòa Mỹ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân năm 1998 - Ảnh: MINH KÝ

Cuối năm 1967, Hòa Mỹ xây dựng căn cứ Suối Phẩn rất vững chắc. Cán bộ hoạt động bất hợp pháp, dân quân du kích, vợ con cán bộ và nhân dân các thôn cùng nhiều đồng bào đồng chí ở Hòa Phong và một số gia đình bà con buôn Suối Phẩn quyết tâm bám trụ căn cứ này.

 

Chi bộ đảng phân công đảng viên bám làng, gặp dân về làng sản xuất, bám cơ sở nắm tin tức, giao nhiệm vụ và luồn sâu bám dân ở Vinh Ba (Hòa Đồng), Phước Thành Nam, xóm Bầu Hồng (Hòa Phong), xây dựng cơ sở đơn tuyến, tổ chức các tổ cơ sở, huấn luyện cơ sở bám dân bám địch, mua bán vận chuyển lương thực hàng hóa tiếp tế cho căn cứ. Một bộ phận cán bộ và nhân dân ở phía sau tăng gia sản xuất, xây dựng hậu cứ. Chi bộ Hòa Mỹ tổ chức tốt đường dây giao liên hợp pháp, thống nhất giữa xã và huyện, vận động nhiều thanh niên thoát ly ra căn cứ.

 

Tháng 10/1967, Lữ đoàn dù Mỹ 173 đổ quân càn quét ác liệt vùng căn cứ từ Hóc Nổ, Suối Phướn, Bến Đá, Suối Phẩn đến Đồng Lớn, Sơn Thành. Địch càn quét nhiều ngày, gây cho ta nhiều khó khăn. Cán bộ nhân dân không có gạo ăn phải lùi sâu tạm lánh vào hòn Kỳ Đà. Con đường bìa rừng về các thôn Ngọc Lâm, Quảng Tường, Xuân Mỹ, Lạc Chỉ bị địch đóng chốt ở núi Lá, nên nối liên lạc với huyện phải đi qua Hòn Chảo. Lúc này, cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên đóng tại Đá Gộp (trại Gộp) đầu nguồn nước sông Bến Đá. Chất độc hóa học làm trụi lá cây rừng từ sông Bến Đá xuống Đồng Tàu. Từ sông Bến Đá lên suối nước nóng Hòn Nhọn, núi rừng vẫn xanh tốt do cây rừng cổ thụ mấy trăm năm, chất độc hóa học không phá hủy nổi. Nhưng khi địch đánh phá dài ngày, cơ quan Tỉnh ủy phải dời về Sơn Hòa để tiện việc chỉ đạo chung.

 

Tình thế rất khó khăn, cấp ủy xã Hòa Mỹ tập trung làm công tác tư tưởng cho cán bộ đảng viên, dân quân du kích và nhân dân vững tin vào thế tất thắng của cách mạng.

 

Sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công

 

Chi bộ Hòa Mỹ chỉ có 10 đảng viên do đồng chí Ngô Chạy (Chín Bước) làm Bí thư kiêm Đội trưởng Đội công tác đã phát huy tính tiên phong gương mẫu, dũng cảm đi đầu trong mọi công tác, không ngại gian khổ hy sinh. Quân dân Hòa Mỹ phối hợp tác chiến bao vây cô lập và vận động bọn lính Nam Triều Tiên đóng ở ba cứ điểm Cầu Cháy, Núi Lá và Hòn Sặt bớt hung hăng lùng sục. Mũi công tác Hòa Mỹ xây dựng được một cơ sở nội tuyến (tên là Lang) ở cứ điểm Cầu Cháy và một cơ sở khác (tên là Đoàn) ở tổng đoàn dân vệ chuyên canh gác kiểm soát đồng bào đi về làng, nắm vững mọi quy luật hoạt động của địch.

 

Ta vẫn đứng vững qua mùa khô 1967. Những hoạt động của chi bộ đảng và nhân dân Hòa Mỹ đã hỗ trợ cho nhân dân trong các khu đồn đấu tranh hợp pháp với địch, vạch trần âm mưu bịp bợm của địch ở các khu đồn trá hình với tên gọi là “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”, tạo thế cho dân đấu tranh đòi trở về làng cũ làm ăn sinh sống. Âm mưu “tìm diệt và bình định” của Mỹ - ngụy bị thất bại trên đất Hòa Mỹ. Vùng giải phóng (căn cứ Suối Phẩn) vẫn giữ vững. Nhân dân lần lượt trở về làng cũ làm ăn, liên hệ với cách mạng, tiếp tế cho chiến khu.

 

Tháng 11/1967, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị tại căn cứ Suối Phẩn (Hòa Mỹ) với sự tham gia của đại diện Phân khu Nam đánh giá thực tế chiến trường, tương quan lực lượng giữa ta và địch; nghiên cứu quán triệt chủ trương của Trung ương, Khu ủy V, tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị cho cao trào khởi nghĩa.

 

Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình, ra Nghị quyết “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

 

Cuối tháng 12/1967, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Trung ương. Tỉnh ủy hạ quyết tâm, “Tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm thị xã, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện phương châm tổng công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã. Các huyện cũng tiến hành phối hợp đánh sâu vào quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần địch, đập tan bộ máy chính quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền”.

 

Sau cuộc họp huyện ủy mở rộng tháng 8/1967 tại bãi Sạn, núi Rọ Hươu (Sơn Thành), xã Hòa Mỹ đã dày công chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Bởi vậy, khi được truyền đạt nhiệm vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân, Hòa Mỹ đã thực hiện tốt việc rút thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang, huy động lương thực, củng cố lực lượng dân quân du kích, đội công tác, vận động quần chúng ở các khu dồn trở về làng cũ, củng cố đường dây hợp pháp, bất hợp pháp giữa xã và khu dồn, giữ xã và vùng căn cứ.

 

Huyện Tuy Hòa nói chung và xã Hòa Mỹ nói riêng, tuy không phải là chiến trường trọng điểm nhưng là nơi địch có lực lượng khá mạnh và luôn chú ý đến, coi đây là địa bàn tranh chấp quyết liệt với ta. Hòa Mỹ, ngoài vị trí quân sự quan trọng, còn là căn cứ của tỉnh và Phân khu Nam.

 

Cuối tháng 1/1968, quân dân Hòa Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân mang mật danh T.25.

 

Phá vỡ âm mưu nham hiểm “tát nước bắt cá” của địch

 

Dân quân du kích xã thành lập đội quyết tử, mỗi đội viên đầu mang khăn quàng đỏ có thêu hai chữ “quyết tử” và làm lễ tuyên thệ với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 

Đội công tác và du kích xã Hòa Mỹ ăn tết trước hai ngày. Cùng đoàn công tác của huyện và các xã bạn ở xóm Rừng, thôn Vinh Ba, Hòa Đồng, lực lượng ta thanh lọc địa bàn, tổ chức quần chúng sẵn sàng đấu tranh, đào nhiều hầm bí mật trong vườn nhà các cơ sở cốt cán. Ông Ngô Đạm ở xóm Rừng, thôn Vinh Ba, Hòa Đồng - là một trong những cơ sở cốt cán trung kiên, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng trong Tết Mậu Thân. Nhiệm vụ của Đội công tác và du kích xã Hòa Mỹ là phối hợp với một tiểu đội thuộc C.377 và du kích các xã bạn cắt đứt đường 5, bao vây, vô hiệu hóa các cứ điểm Cầu Cháy, Núi Lá và Hòn Sặt. Quân ta rải truyền đơn, làm bảng cắm vùng nguy hiểm (đầu lâu, xương chéo) khắp nơi. Đúng giờ G - giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Đội công tác và du kích xã Hòa Mỹ trong đội hình chung của lực lượng huyện gồm một tiểu đội công binh, một tiểu đội thuộc C.377 và du kích các xã phía tây tiến công đại đội bảo an địch ở cầu Phú Thứ. Bị đánh bất ngờ, bọn địch tổn thất nặng, tháo chạy về Phước Lộc. Sáng mùng 1 tết, lực lượng ta trụ lại tại Phú Thứ, Phước Thịnh đánh địch ban ngày, công binh đánh giao thông đường 5. Dựa vào nhân dân, ta quần nhau với địch cả ngày. Tối mùng 1 tết, quân ta rút về Vinh Ba, Hòa Đồng.

 

Mùng 2 tết, bà con Hòa Mỹ ùa về thăm làng cũ. Ta tổ chức dân về bám làng sinh sống. Bà con Vạn Lộc, Phú Thuận, Phú Nhiêu hồ hởi về vườn xưa, nhà cũ. Ý đồ của địch xây dựng Hòa Mỹ thành vùng cấm địa, vùng trắng để “tát cá ra khỏi nước” bị thất bại qua đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đêm mùng 5 tết, tiểu đội thuộc C.377 cùng đội công tác 4 xã do đồng chí Cao Văn Khánh thống nhất chỉ huy nổ súng đợt 2 đánh tan tác hai trung đội bảo an địch ở cầu Phú Thứ lúc trời rạng sáng. Ta đào công sự trụ bám đánh địch giữa ban ngày. Địch điên cuồng phản kích hòng giành lại quyền kiểm soát đường 5 và đã trả giá đắt.

 

Bước vào đợt tiến công và nổi dậy thứ ba, đêm 3/3/1968, lực lượng ta với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) tập kích quận lỵ Phú Lâm diệt gọn một trung đội nghĩa quân và một trung đội bảo an. Sáng 4/3/1968, lực lượng ta chặn đánh một đại đội lính Nam Triều Tiên tại Phước Mỹ (Hòa Bình). Đội công tác và du kích xã Hòa Mỹ với một tiểu đội thuộc C.377, tiểu đội công binh tập kích cứ điểm Cầu Cháy đánh đoàn xe trên đường 5, phá hủy toàn bộ 5 xe và 1 máy ủi, tiêu diệt 15 tên.

 

Sau 3 đợt tấn công xuân Mậu Thân 1968, đội công tác và du kích xã Hòa Mỹ vẫn đứng vững ở Vinh Ba cùng đoàn công tác phía tây của huyện. Tháng 4/1968, đồng chí Ngô Chạy, Bí thư chi bộ kiêm mũi trưởng công tác xã Hòa Mỹ, hy sinh trên đường công tác ở Hòa Đồng. Đây là một tổn thất lớn của chi bộ xã.

 

Qua cuộc tấn công Tết Mậu Thân, Chi bộ Hòa Mỹ vận động giác ngộ được 16 thanh niên thoát ly ra căn cứ. Với những thành tích trong mùa xuân 1968, quân dân Hòa Mỹ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng ba. Tháng 10/1968, đồng chí Trịnh Tấn, Bí thư chi bộ xã, được Huyện ủy rút về làm cán bộ binh vận, sau đó một thời gian điều về làm Bí thư xã Hòa Thành rồi anh dũng hy sinh.

 

Cũng trong tháng 10/1968, Đại hội chi bộ xã Hòa Mỹ lần thứ 6, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đánh giá toàn diện các hoạt động của chi bộ trong 3 năm chống chiến tranh cục bộ (1965-1968) rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có ý nghĩa xương máu để gìn giữ, bảo vệ và phát triển phong trào trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt của hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 và tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.

 

Địch đã tung lực lượng lớn tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt nhằm biến Hòa Mỹ trở thành vùng trắng dồn dân về các khu dồn nhằm “tát nước bắt cá”, thực hiện “âm mưu tìm diệt và bình định”. Trước thử thách ác liệt, Chi bộ Hòa Mỹ càng ngời sáng những phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trung, bất khuất, liên tục tấn công, lãnh đạo nhân dân tiến hành ba mũi giáp công, đứng vững và trụ bám, gìn giữ phong trào. Chi bộ bám sát dân, sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh độc đáo như xây dựng du kích mật, phục kích tiêu diệt địch ở vùng sâu, giữa ban ngày, vận động và tạo thế cho nhân dân đấu tranh hợp pháp đòi trở về làng cũ, làm tốt công tác binh vận, xây dựng cơ sở nội tuyến tại cứ điểm Cầu Cháy, tổng đoàn dân vệ đóng chốt tại địa phương; giữ vững cửa khẩu Bến Đá, Suối Phẩn, tiếp tế cho chiến khu; phối hợp tốt giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận; phối hợp hành động nhịp nhàng với các đơn vị Phân khu Nam, tỉnh, huyện đóng trên địa bàn Hòa Mỹ và các xã bạn Hòa Đồng, Hòa Phong; vận động giáo dục và rút được nhiều thanh niên thoát ly tham gia cách mạng.

 

Qua 3 cuộc tiến công xuân 1968 đã luồn sâu tập kích ở các khu dồn vùng sâu, tạo điều kiện tốt cho nhân dân đấu tranh về làng cũ làm ăn sinh sống tại quê nhà, phá vỡ âm mưu nham hiểm “tát nước bắt cá” của địch.

 

Đại hội chi bộ đã đánh giá đầy đủ những tồn tại, thiếu sót trong quá trình lãnh đạo nhân dân chống trả chiến tranh cục bộ. Tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, một bộ phận cán bộ nhân dân đã có biểu hiện dao động, sợ chết, ngại khó khăn, ngại gian khổ trước mưa bom bão đạn của kẻ thù.

 

Qua chiến tranh cục bộ, Chi bộ Hòa Mỹ càng trưởng thành, vững vàng trụ bám quê hương. Nhiều đảng viên trẻ đã tỏ rõ khí phách kiên cường, tiên phong đi đầu trong mọi phong trào và anh dũng hy sinh, trong đó có các đồng chí bí thư chi bộ xã Hòa Mỹ là Ngô Chạy, Trịnh Tấn. Đại hội đã bầu đồng chí Cao Yên làm Bí thư Chi bộ Hòa Mỹ và cơ cấu những đồng chí trẻ đã trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng vào cấp ủy như: Châu Sử, Võ Văn Quyền. Tháng 12/1968, đồng chí Cao Yên bị thương phải về tuyến sau điều trị. Đồng chí Võ Văn Quyền được cử làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Mỹ.

 

Chi bộ xã vững niềm tin vào thế tất thắng của cách mạng, lãnh đạo nhân dân tạo thế và lực mới để đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn âm mưu mới của địch. 

 

THÀNH NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek