Thứ Sáu, 20/09/2024 07:51 SA
Các xã phía bắc sông Đà Rằng sau Hiệp định Geneve
Thứ Sáu, 02/12/2016 10:49 SA

Cuối tháng 7/1954, Huyện ủy tổ chức Hội nghị các cán bộ chủ chốt huyện Tuy Hòa 2 tại chùa Lỗ Lầy (dốc Gò Sân), xã Hòa Quang. Thành phần tham dự hội nghị gồm đông đủ các đồng chí lãnh đạo huyện và cán bộ cốt cán các xã ở Tuy Hòa 2. Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Xứng, Tỉnh ủy viên truyền đạt tinh thần Hiệp định Geneve và phổ biến những chủ trương của Tỉnh ủy trong tình hình mới là: Phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Geneve, chuyển hướng tư tưởng và nhận thức về đường lối phương châm đấu tranh cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Bố trí, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với tình hình mới nhằm che giấu lực lượng cán bộ đảng viên ở lại hoạt động. Các cấp ủy đảng chuyển vào hoạt động bí mật, thành lập những chi bộ nhỏ ở thôn. Bố trí một số đảng viên có bản lĩnh và ít lộ mặt đổi vùng, còn lại đều sống hợp pháp với quần chúng, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneve.

 

Đồng chí Công Minh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ

Trên địa bàn Tuy Hòa, sau khi thiết lập bộ máy chính quyền, tên tỉnh trưởng ngụy quyền Lương Duy Ủy đã cùng tên Hoàng Cao Nhã, quận trưởng quận Tuy Hòa cấu kết với bọn phản động, tay sai tiến hành xây dựng chính quyền cơ sở, đồng thời với việc phát động chiến dịch “tố cộng” đợt 1. Theo chúng đây là giai đoạn mở rộng diện để gây xáo trộn và phát hiện cộng sản.

 

Sau ngày 30/8/1954, ngày hết hạn tập kết, chuyển giao địa bàn cho địch quản lý, bọn hành chính lưu động đã đến các xã ở Tuy Hòa tiếp quản.

 

Tại Tuy Hòa, địch mở hàng loạt điểm giam giữ, chúng dùng đình Quy Hậu, nhà Phạm Đình Thế và nhà ông Giảng (Hòa Trị) để giam giữ 625 người; mở trại giam Núi Sầm, Phú Ân giam giữ hàng trăm người khác, tra tấn đánh đập dã man các đồng chí cán bộ đảng viên của ta và những người có nhiều đóng góp trong 9 năm kháng chiến. Chúng tra tấn, giết chết đồng chí Lê Cường (Hòa Trị), Trần Thanh Cai, Nguyễn Trường, Nguyên Tử Vưu, Võ Công Lợi (Hòa Quang)…; sát hại đồng chí Nguyễn Thanh Hương và bắt đồng chí Nguyễn Mãnh (Hòa Thắng) đưa lên Hòn Ngang - Củng Sơn thủ tiêu, chôn sống đồng chí Nguyễn Chuyển, Huỳnh Mai (Hòa Quang). Địch truy lùng bắt bớ, đánh đập tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, sau đó đưa đi giam cầm ở Ngọc Lãng, Núi Sầm, Phú Ân các đồng chí: Thái Phụng Kỳ, Lê Sắc, Võ Sương, Phạm Quyên, Võ Lực… (Hòa Thắng); Lê Vàng, Nguyễn Tá, Nguyễn Tường Tam… (Hòa Trị); Phạm Thích, Thái Nho, Dương Co, Trần Nhung, Đinh Văn Hiến, Nguyễn Châu, Lê Vận… (Hòa Quang).

 

Tại Hòa Định, địch bắt đồng chí Đào Thường, nguyên là thủ kho thóc liên xã Hòa Định - Hòa Quang đánh đập, tra tấn chết đi sống lại để truy tài liệu những người được nhận thóc do chính quyền cách mạng cấp trong những ngày Hiệp định Geneve được ký kết. Địch truy bắt đồng chí Trương Đạm đưa vào trại giam Soi Bún (Ngọc Lãng) đánh đập dã man. Ở Phú Sen, Cẩm Thạch, bọn Đại Việt truy bắt thủ tiêu các đồng chí Phan Khắc Vinh, Nguyễn Kế Bá, Nguyễn Trọng Cắt, Lê Hy, Nguyễn Khích… Riêng đồng chí Chế Bá Thập nhờ quần chúng cách mạng âm thầm trợ giúp giải cứu nên thoát được.

 

Tại xã Hòa Kiến, địch thủ tiêu các đồng chí Trần Thành (Tường Quang), Trần Hiệp (Thọ Bình) và bắt giam nhiều đồng chí ở nhà lao Ngọc Lãng, Khu Chiến như Trần Quá, Trần Phước (Sơn Cẩm Thọ), Nguyễn Tường, Cao Hòa Giải, Phạm Niệm, Nguyễn Trọng Nghị (Quan Quang); Bùi Mãnh, Bùi Mười, Mang Muôn, Đỗ Trọng Cừu, Lê Phúc Nghiêng, Nguyễn Phước (Tường Quang); Trần Tấn Nông, Lê Trọng Cảnh, Trần Văn Minh, Trần Quốc Cứ (Minh Đức); Huỳnh Lô, Nguyễn Trọng Đàm (Ngọc Phong); Bùi Phùng, Trần Lúc (Thọ Vức); Mai Văn Xưởng, Đỗ Khanh, Lê Văn Toại (Xuân Hòa)…

 

Nhìn chung, mỗi khi bắt được cán bộ, đảng viên, địch dùng những cực hình tra tấn hết sức dã man như chặt đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, cho uống nước vôi, nước xà phòng rồi đạp lên bụng cho nước phọt ra miệng, hậu môn. Nhiều người bị chúng treo ngược lên xà nhà để dí điện hoặc lấy vỏ lựu đạn, búa đánh vào đầu và hai bàn tay, gối. Chúng còn bắt bỏ vào thùng phuy, chế đầy nước, rồi dùng vồ nện chung quanh làm cho nạn nhân chảy máu mũi, máu miệng… Những thủ đoạn tra tấn man rợ của địch làm cho người chết, hoặc bị tàn phế suốt đời. Ngoài ra, chúng còn bắt ép cán bộ, đảng viên và quần chúng phải tự nhận là có giữ vàng, tài sản của cách mạng, sau đó bắt thân nhân phải đem tiền, vàng để nộp, như một khoản tiền chuộc. Từng toán công an, cảnh sát, Hội đồng hương chính ngày đêm lùng sục trong thôn xóm, trong từng nhà, thậm chí đón đường, đón chợ để bắt bớ, giết hại cán bộ và nhân dân ta bất cứ lúc nào. Trong từng xã, chúng bắt một lúc vài chục người đem đi tra tấn rồi thủ tiêu.

 

Trong hoàn cảnh bị khủng bố trắng như vậy, các tổ chức đảng và đoàn thể bí mật của các xã ở Tuy Hòa được thành lập trong khi thi hành Hiệp định Geneve đều bị bể vỡ. Một số đồng chí đảng viên trung kiên phải trốn vào núi, có số được đi tập kết, có số bị thất lạc trên núi rừng, tìm củ rừng sống cầm hơi chờ thời cơ liên lạc với cấp trên, khôi phục lại cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng. Bên cạnh đại đa số đảng viên trung thành với lý tưởng, kiên định con đường cách mạng, cũng có một số ít đảng viên dao động, có người nằm im, có người bỏ làng quê ra đi làm ăn nơi khác, có người đầu hàng, đầu thú…

 

Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng trong tình hình mới, ngày 10/4/1955, Huyện ủy Tuy Hòa được thành lập tại Bãi Tiên (Hòa Tâm), gồm các đồng chí: Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Kiết, Công Minh, Đinh Hiệt. Đây là Huyện ủy đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí Nguyễn Đình Thành được cử làm Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Công Minh được phân công phụ trách xã Hòa Bình và các xã phía bắc sông Đà Rằng, bao gồm địa bàn huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa ngày nay.

 

Tại hội nghị thành lập, Huyện ủy Tuy Hòa chủ trương nắm chắc quần chúng, tiếp tục xây dựng lớp người mới, chọn một số đảng viên và quần chúng thuộc thành phần cơ bản để xây dựng cơ sở đảng, tiến tới thành lập những chi bộ nhỏ, gọn, nhẹ, bí mật, sinh hoạt hợp lý nhằm lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố để giữ thế cho phong trào, ổn định tư tưởng của quần chúng đang hoang mang dao động.

 

Sau hội nghị, đồng chí Công Minh đã liên lạc với gia đình, được bố trí ẩn nấp trong một đám mía ở xóm Cây Sộp, thôn Mỹ Lãnh, xã Hòa Quang. Để triển khai chủ trương của Huyện ủy Tuy Hòa, đồng chí Công Minh đã liên lạc được một số cơ sở Tuy Hòa 2 như: Nguyễn Xuân Thịnh, Đặng Ngọc Anh và một số đồng chí đảng viên cũ, thanh niên yêu nước tiến bộ… lãnh đạo phong trào cách mạng ở Tuy Hòa, đấu tranh theo tinh thần Hiệp định Geneve, chống địch khủng bố, ổn định tư tưởng các cơ sở cách mạng. Tuy nhiên do sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, đồng chí Công Minh không liên lạc được với cấp trên.

 

Trong khi đồng chí Công Minh đứt liên lạc với Huyện ủy, Tỉnh ủy Phú Yên đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Duy Luân đang công tác tại các xã phía tây huyện Sơn Hòa tìm mọi cách bắt liên lạc với đồng chí Công Minh.

 

Trong hoàn cảnh bị địch khủng bố khốc liệt, các đồng chí Nguyễn Chú (Ba Chú) và Chế Thị Cúc (thôn Thạnh Nghiệp, xã Hòa Định) tìm cách lên các xã Cà Lúi, Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa) buôn bán nhưng chủ yếu là tìm cách móc nối bắt liên lạc với cách mạng, tự nguyện làm cơ sở cho cách mạng, Nguyễn Chú và Chế Thị Cúc tìm gặp được các đồng chí Trần Suyền, Nguyễn Duy Luân, Ma Bai và được cách mạng giao nhiệm vụ về chuẩn bị để tiếp nhận cán bộ bất hợp pháp về Hòa Định bám cơ sở hoạt động. Địch đánh hơi nghi ngờ, bắt giam đồng chí Nguyễn Chú và Chế Thị Cúc một tháng. Vừa ra tù được ba ngày, đồng chí Nguyễn Duy Luân đã bắt liên lạc đột nhập vào nhà vợ chồng đồng chí Nguyễn Chú và Chế Thị Cúc giữa ban ngày. Lúc này, trong nhà có tên Chủ tịch Hội đồng phong trào cách mạng quốc gia xã Hòa Định. Gia đình vẫn bình tĩnh tiếp xúc đồng chí Nguyễn Duy Luân và tìm cách di chuyển đến địa điểm khác để che giấu. Trong một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Duy Luân tuyên truyền giác ngộ xây dựng các cơ sở cách mạng: Nguyễn Chú, Chế Thị Cúc, Phạm Cừu, Đào Thường, Bùi Phu, Nguyễn Thị Hạo, Trần Thị Những, Phạm Sý, Lê Thị Thự và xây dựng được hai chi bộ đảng bí mật hợp pháp: Chi bộ Định Thành do đồng chí Đào Thường làm Bí thư, Chi bộ Định Thắng do đồng chí Lê Lũy làm Bí thư.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân bám cơ sở Hòa Định, xây dựng và phát triển cơ sở đến các xã Hòa Thắng, Hòa Quang và từ Hòa Quang liên lạc với đồng chí Công Minh, tiếp tục xây dựng phát triển cơ sở ở các xã Hòa Trị, Hòa Kiến.

 

Đầu năm 1956, sau khi thành lập các đảng phái và tổ chức phản động như “Việt Nam phục quốc”, “Phong trào cách mạng quốc gia”, “Đảng Cần lao Nhân vị”, “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”, “Hiệp hội nông dân”… ở các xã để lôi kéo, tranh giành quần chúng với cách mạng, địch đã mở tiếp chiến dịch “tố cộng” lần 2 (của đợt 1). Chúng lấy xã Hòa Trị và Hòa Quang làm nơi thí điểm của chiến dịch. Trước khi “tố cộng” chúng bắt nhân dân đeo khẩu hiệu trước ngực “Tố cộng là an dân, dung cộng là phản quốc”, đồng thời bắt hết cán bộ, đảng viên, đánh đập tàn bạo để uy hiếp, gây tâm lý sợ hãi trong quần chúng; chúng bắt nhân dân phải tố cáo cán bộ đảng viên, ly khai với người thân đi tập kết với mục đích là nhằm tách nhân dân ra khỏi cách mạng, gây nghi ngờ trong nội bộ nhân dân, hạ thấp uy tín của Đảng. Chúng tiếp tục thanh lọc và phân loại đảng viên và áp dụng từng biện pháp tra tấn, giam giữ riêng biệt theo từng đối tượng. Chúng buộc cán bộ, đảng viên phải “sám hối” kể hết “tội trạng” của mình trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chúng bắt cán bộ, đảng viên phải ngồi liên tục nhiều giờ để “sám hối” giữa trưa trời nắng chang chang, nhiều người chịu không nổi, ngã xuống bị bọn lưu manh côn đồn ném đá vào mặt, đánh đập rất dã man. Chúng đưa bọn tề ngụy các xã trong tỉnh đến Hòa Trị và Hòa Quang học tập rút kinh nghiệm, sau đó triển khai rộng rãi.

 

Tại Hòa Quang, trong buổi “tố cộng” thí điểm, địch đã tổ chức tố khoảng 50 người, trong đó có các đồng chí đảng viên trung kiên như: Nguyễn Tự Đoan, Bùi Thúc, Nguyễn May, Bùi Núi, Nguyễn Thị Chí, Võ Xuân, Lê Xuất…

 

Tại Hòa Trị, địch bắt phần lớn đảng viên của Chi bộ xã Hòa Trị (thời chống Pháp), gồm 250 người tham gia “tố cộng” thí điểm. Sau đó chúng đã thủ tiêu 7 đồng chí: Cao Minh Châu, Dương Tỷ, Nguyễn Nhàn, Lê Hồng Xuân, Nguyễn Cường, Lê Hảo, Lê Tài, tại Gò Rừng (Quy Hậu) và Phước Khánh; nhiều đồng chí đảng viên trung kiên bị bắt giam ở nhà tù Ngọc Lãng, sau này chuyển đi Côn Đảo như: Nguyễn Xuân Thịnh, Công Canh, Nguyễn Sinh Phò, Nguyễn Công, Nguyễn Liệu, Lê Chình, Phạm Đức, Trần Anh Tôn…

 

Ở các xã Hòa Thắng, Hòa Định, chiến dịch “tố cộng” của địch cũng rất đẫm máu, gây cho ta nhiều tổn thất, nhiều đồng bào vô tội bị kẻ thù sát hại rất dã man. Tại Hòa Định, địch bắt đồng chí Nguyễn Thị Hạo đưa đi tù, o ép quyết liệt số cán bộ cơ sở còn lại.

 

Để lãnh đạo nhân dân chống lại âm mưu và hành động “tố cộng” tàn bạo của địch, tháng 5/1956, hội nghị cán bộ chủ chốt của huyện Tuy Hòa được tổ chức tại Hóc Cây Quăn, xã Hòa Thịnh. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Công Minh, Đinh Từ, Võ Xuân Vinh, Nguyễn Duy Luân, Bùi Tân, Trương Bá Lánh, Phạm Ngọc Giáo… Hội nghị nhận định: Địch đang cố tình phá hoại Hiệp định Geneve, không thể có hiệp thương tổng tuyển cử tự do vào ngày 20/7/1956. Trên địa bàn huyện Tuy Hòa (bao gồm huyện Phú Hòa, TP Tuy Hòa) lực lượng cán bộ, đảng viên và cơ sở quần chúng đang đứng trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, nhiều cơ sở Đảng vẫn kiên trì đường lối đấu tranh của Đảng, tìm cách bắt mối liên lạc, tổ chức nhiều cuộc họp để chấn chỉnh tư tưởng, tìm kiếm biện pháp đấu tranh thích hợp. Hội nghị chủ trương vận động quần chúng đối phó với các đợt tố cộng như viện lý do đau yếu không tham gia đi tố, nếu đã đi tố thì không hô khẩu hiệu, không xé cờ Đảng, không nói xấu cách mạng, không tố cán bộ đảng viên; nếu có tố, tập trung tố những tên đã đầu hàng làm tay sai cho giặc. Tại hội nghị này, đồng chí Công Minh được bầu làm Bí thư Huyện ủy.

 

NAM THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek