Đại đức Thích Giác Lượng là một người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đạo pháp, cho dân tộc và cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Trung Bộ. Đại đức tuổi còn trẻ nhưng rất ưu thời mẫn thế, luôn luôn có những băn khoăn trăn trở trước thời cuộc, trước tình hình đất nước và mong muốn được đóng góp. Là một nhà tu hành, đại đức đã để lại tiếng nói trong quyển sách “Thử đặt một hướng đi”. Là một thanh niên thời loạn, đại đức đã trực tiếp tham gia kháng chiến. Bất kỳ ở cương vị nào, đại đức cũng đem hết tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình để tận tâm phục vụ.
Liệt sĩ Đại đức Thích Giác Lượng - Ảnh tư liệu |
Đại đức Thích Giác Lượng, tên đời là Ngô Sáu, sinh năm 1932, ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), trong một gia đình nông dân nghèo.
Từ năm 10 tuổi, Ngô Sáu được học tập và lớn lên trong chế độ mới của chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì quê hương Ngô Sáu là vùng tự do của Liên khu 5 suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Nhưng đến năm 20 tuổi thì đất nước bị chia cắt. Miền Nam Việt Nam chịu ách thống trị của chính quyền tay sai Mỹ. Quê hương Ngô Sáu bị chìm trong các cuộc tàn sát đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm để trả thù những người kháng chiến cũ. Vụ thảm sát hàng trăm người ở Ngân Sơn - Chí Thạnh đã hằn sâu vết căm thù trong lòng nhân dân Phú Yên. Lúc này, Ngô Sáu đang học ở Trường trung học tỉnh nhưng trước tình hình hiện tại, Ngô Sáu bỏ học đi vào chùa để tu hành.
Ngô Sáu là một thanh niên thông minh lanh lợi, được các vị sư yêu mến, tiếp tục cho anh vào đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Sau nhiều năm học tập và tu dưỡng, Ngô Sáu được phong làm Đại đức Pháp sư với pháp danh là Thích Giác Lượng. Đại đức trụ trì nhiều ngôi chùa ở Phú Yên và Bình Định, đi thuyết giảng về Phật pháp nhiều nơi trong các tỉnh miền Nam và quen biết nhiều nhân sĩ trí thức Phật giáo.
Trước tình hình chiến tranh ở miền Nam ngày càng gay gắt, tang tóc đau thương diễn ra khắp nơi, Đại đức Thích Giác Lượng có nhiều băn khoăn, trăn trở muốn làm một việc gì đó cho đạo pháp và dân tộc.
Năm 1962, đại đức có viết một quyển sách với nhan đề “Thử đặt một hướng đi”. Quyển sách này được GS Võ Như Nguyện ở Viện Hán học Đại học Huế viết lời giới thiệu:
“… Nghiệp sống của nhân loại và của tất cả chúng ta đã gieo rắc bão tố gió mưa, tàn phá điêu linh vào hết các nẻo đường. Và con đường hướng về nhân đạo bị mịt mờ che lấp… Thầy cũng xót xa… thầy muốn “Thử đặt một hướng đi” để may ra dìu dắt tất cả chúng ta quay về với đường cũ hướng xưa do Đức Thế Tôn đã vạch sẵn từ đời đời kiếp kiếp”.
Đúng như lời giới thiệu, “Thử đặt một hướng đi” là những quan điểm, tâm tư suy nghĩ của một vị đại đức Phật giáo dùng giáo lý nhà Phật để khơi gợi lòng hướng thiện, từ bỏ ác tâm, từ bỏ hận thù, dùng đạo đức từ bi hỉ xả để cứu độ chúng sinh, để giải quyết những mâu thuẫn, bất công trong xã hội.
Mở đầu quyển sách, đại đức đã viết:
“… Thưa Đức Thế Tôn! Ngài đã hy sinh đến cao cả dù tổn thương đến thân mạng không chút ngập ngừng do dự… Nay con đã tủi cho chính bản thân mình sinh nhằm lúc lòng tham con người lên đến cao độ đã mất cả lương tri, chỉ biết giằng co hục hặc nhau rồi đưa nhau đến diệt tận…
… Ở thời buổi hiện tại này, phải chi những người ở địa vị như Ngài, biết noi theo gương hy sinh cao cả của Ngài, biết vận dụng hết mối từ tâm để làm cương giới cho mọi hành động, để chăn dắt giúp đỡ trong việc an dân, trị quốc, bình thiên hạ thì con tin rằng những thảm cảnh núi xương sông máu không bao giờ còn để lộ đến nỗi phải đau lòng xót dạ của lớp người sống sót…”
.
Từ quan điểm đó, trong 6 chương sách, đại đức đã khơi gợi, động viên con người hướng thiện với những từ ngữ rất sinh động, từ “Vô lậu thiện” đến “Tấn thiện”, “Đạt thiện” và “Chí thiện”… Đại đức viết:
“… Giữa thời tao loạn, nạn binh đao nhóm dậy khắp nơi. Cảnh xương máu điêu tàn, mịt mờ sát khí, con người sống trong phập phồng lo sợ, lo sợ đói cơm lạt muối, lo sợ nhà tan cửa nát, lo sợ chiến tranh…
… Để hướng về tương lai xán lạn, vừa giữ nếp sống êm đềm, luyến mến; vừa giữ tình cốt nhục đồng sinh. Ôi cao đẹp thay! Giá nhân loại chúng ta ai nấy cũng hướng về tinh thần đạo đức, trung hiếu tiết nghĩa, liêm sỉ thì xã hội ngày mai tưởng sẽ tốt đẹp gấp vạn lần xã hội hiện nay…
… Nếu con người đã chế ngự được lòng tham, điều trị được tính ác thì mặt đất này đã không biến thành lò lửa sát sinh…”
Trong quyển sách, đại đức còn đề cập đến nhiều vấn đề về tâm lý con người và xã hội. Về nhân - trí - dũng, về kinh tế - xã hội và đạo đức. Đại đức rất đề cao vai trò về đạo đức: “Đạo đức như ngọn gió làm dịu cơn nóng bức. Đạo đức như keo sơn để hàn gắn lại bao nỗi lòng tê lạnh, cô đơn vì tình người chia rẽ. Đạo đức là chất cam lồ để hồi tỉnh cho bao người quỵ ngã. Đạo đức là nguồn sáng trong tất cả nguồn sáng sẽ quét sạch mọi bóng đêm. Đạo đức là không suy tàn, thoái bộ, đủ sức soi đường cho nhân loại tìm đường về hạnh phúc”.
Cuối cùng để kết luận quyển sách, đại đức đã nêu ra một khái niệm hình tượng về ba phép tính:
“… Con người và thế giới vẫn còn mịt mờ sát khí là chỉ vì chưa có một ai làm xong ba phép tính trừ - cộng - nhân.
- Trừ là loại bỏ mọi thấp hèn, ấu trĩ, trừ diệt tham ác, đê tiện, ích kỷ, thanh toán những mối tư dục có tổn hại đến mọi người.
- Cộng là góp nhặt và thực hành lấy những đức tính từ bi hỉ xả, công bằng, thanh tịnh và quyết tâm làm chủ lòng mình.
- Nhân là từng năm qua, từng giờ qua luôn luôn thực hành theo mọi đặc tính đã xếp sẵn ở phép cộng, làm một cách thích thú say mê và mỗi lúc một tăng thêm.
- Làm xong ba phép tính ấy, chúng ta không phải nhọc sức cầu sinh về tịnh độ mà vẫn sống trong cảnh tịnh độ, không phải tốn hơi sức cổ vũ cho một cuộc thế thái bình mà vẫn hưởng cảnh thái bình…”.
Trên đây là những quan điểm suy tư của Đại đức Thích Giác Lượng, đã nói lên tiếng nói của lòng mình trong “Thử đặt một hướng đi”. Nó mang đậm màu sắc của giáo lý nhà Phật và phảng phất âm hưởng tâm linh. Tất nhiên với cương vị một đại đức Phật giáo, một người đang sống trong vùng địch với sự kiểm soát rất gắt gao, đại đức khó có thể nói gì khác được. Nay chỉ nêu lại một số nội dung để tưởng nhớ đến một con người và một tác phẩm đã bị lưu lạc trong chiến tranh, ít được ai nhắc đến.
Nhưng cuộc sống và xã hội lúc bấy giờ luôn diễn ra những điều ngang trái, những cảnh áp bức bất công, khó có thể thực hiện theo hướng mà Đại đức Thích Giác Lượng đã thử đặt ra. Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt. Với quốc sách tố cộng, diệt cộng, chính quyền Mỹ - ngụy đã sát hại hàng vạn sinh linh. Với quốc sách dồn dân lập ấp chiến lược đã làm cho hàng triệu đồng bào sống trong nheo nhóc đói khổ đến tận cùng trong các địa ngục trần gian. Với chính sách phân biệt đối xử tôn giáo, Mỹ - ngụy đã đàn áp dã man các phong trào đấu tranh của đồng bào phật tử, làm cho những nhà tu hành phải tự thiêu để bảo vệ đạo pháp…
Trước cảnh tượng đau lòng ấy, Đại đức Thích Giác Lượng càng thêm trăn trở và cuối cùng đã quyết định chuyển hướng đi của mình theo con đường kháng chiến để góp phần giải phóng quê hương đất nước.
Đại đức đã bí mật liên lạc với những cán bộ kháng chiến và tự nguyện xin ra vùng căn cứ để hoạt động. Từ một ngôi chùa ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, nơi đại đức đã lập ra để tu hành, một ngôi chùa không lớn lắm nhưng có đủ điều kiện cho một tu sĩ sống yên ổn để phụng sự đạo pháp, tháng 8/1964, đại đức đã dứt áo ra đi với hành trang vỏn vẹn một chiếc xách màu đà của nhà chùa và một tấm lòng thiết tha yêu nước của một vị đại đức trẻ.
Đại đức đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ lúc ban đầu, phải vượt núi băng sông, chịu muỗi mòng, sên vắt…, từ căn cứ tỉnh Bình Định đi suốt mấy ngày trời mới đến căn cứ của Khu 5, nơi cơ quan Mặt trận Khu 5 đóng. Cuối năm 1964, trong Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Trung Bộ, đại đức được bầu làm ủy viên thường trực của Mặt trận Khu. Đại đức đã sớm hòa nhập vào cuộc sống những người kháng chiến ở núi rừng, ngày ngày đọc sách báo, nghe đài, đi sinh hoạt, học tập. Lúc rảnh rỗi, đại đức cũng đi sản xuất tự túc với cơ quan. Đại đức vẫn sống cuộc sống giản dị của nhà tu hành, ăn mặc nâu sồng và luôn luôn chay tịnh, nhưng vẫn lạc quan công tác, không nề hà khó khăn gian khổ.
Tôi nhớ mãi một lần đại đức được mời đi dự đại hội văn nghệ của Khu 5, đại đức được nghe một cán bộ nữ người dân tộc Jarai báo cáo về phong trào văn nghệ dân tộc: “… Từ những tiếng hú ban đầu của con người, tiếng hú có nhiều âm điệu khác nhau, tiếng hú báo tin mừng vui chiến thắng, tiếng hú báo tin loạn lạc, đau buồn… cho đến ngày nay phong trào văn hóa, văn nghệ đã trở thành một nhu cầu bức thiết của cuộc sống, của cách mạng để tập hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước…”.
Đại đức đã chú ý lắng nghe và tâm sự với tôi: “Hay quá, sâu sắc quá! Tôi đã từng đi thuyết giảng nhiều nơi, đã từng nghe nhiều vị trí thức, tu sĩ thuyết giảng, nhưng chưa thấy một phụ nữ nào trình bày một vấn đề mạch lạc, có nội dung sâu sắc như vậy”. Từ thực tế đó, đại đức đi sâu tìm hiểu những người thật, việc thật, những con người bình thường ít học, nhưng có tấm lòng yêu nước, ý chí kiên cường và có người đã làm nên những sự tích phi thường rất đáng khâm phục. Qua đó đã củng cố lòng tin của đại đức đối với công cuộc kháng chiến.
Tháng 8/1966, trong Đại hội Đoàn kết với các dân tộc Nam Trung Bộ do Khu ủy 5 triệu tập, đại đức đã có một bài phát biểu rất sâu sắc được các đại biểu dự đại hội hoan nghênh. Trong bài phát biểu, đại đức đã nêu lên những cảnh áp bức bất công và tàn bạo của chế độ miền Nam mà đại đức đã từng chịu đựng suốt nhiều năm. Đại đức ca ngợi chính sách đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và kêu gọi các dân tộc, các tôn giáo đoàn kết và quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những năm công tác ở Mặt trận Khu, đại đức thường xuyên đi công tác xuống các vùng căn cứ, vùng giải phóng, có lúc đi sâu xuống các vùng tranh chấp để tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Mặt trận, động viên nhân dân làm việc thiện, tích cực tham gia kháng chiến.
Cuối năm 1967, trong một chuyến đi công tác xuống vùng giải phóng Quảng Nam, trên đường về đến Trà My, đại đức bị máy bay oanh tạc bắn và hy sinh vào ngày 15/11/1967. Năm ấy, đại đức mới tròn 35 tuổi.
Sau ngày giải phóng, Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Trung Bộ cùng với chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ truy điệu, đưa hài cốt của đại đức về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà My. Đại đức được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng 2.
Tháng 4/1997, thể theo nguyện vọng của gia đình đại đức (chỉ còn một người chị ruột), chính quyền hai tỉnh Quảng Nam và Phú Yên tổ chức trọng thể lễ cải táng đưa hài cốt đại đức về Nghĩa trang Đông Tác nằm trên đất huyện Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa), quê hương đại đức.
… Đại đức Thích Giác Lượng đã hy sinh quá sớm trong lúc hoài bão độc lập - thống nhất đất nước chưa được toại nguyện. Sự hy sinh của đại đức đã để lại trong lòng những cán bộ lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Trung Bộ và cơ quan niềm tiếc thương vô hạn. Và mãi cho đến bây giờ, gần 50 năm đã trôi qua, nhưng những người kháng chiến cũ của các cơ quan Khu 5 và những bạn quê hương vẫn còn giữ mãi những ấn tượng rất tốt đẹp và những tình cảm rất sâu đậm đối với liệt sĩ Đại đức Thích Giác Lượng.
NGUYỄN VĂN CAO
Nguyên Phó Văn phòng Khu ủy 5 trong kháng chiến chống Mỹ