Thứ Bảy, 27/04/2024 21:51 CH
Nghĩa khí vì dân của lý trưởng Nguyễn Đình Cận
Thứ Tư, 11/05/2016 07:00 SA

Lẫm làng Phú Lâm - nơi diễn ra phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở Tuy Hòa - Ảnh: N.KIM

Trong số những lý trưởng tham gia phong trào chống thuế năm 1908 ở phủ Tuy Hòa thì Nguyễn Đình Cận là người tiêu biểu. Ông là một trong những người khởi xướng và lãnh đạo phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở đây và bị thực dân Pháp bắt giam tại lao Sông Cầu cho đến chết.

 

Nguyễn Đình Cận sinh năm 1878 tại làng Phú Lâm, tổng Hòa Đa, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (nay là phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình nho giáo. Ông là người có tính tình đôn hậu, hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Tuy xuất thân trong gia đình khá giả nhưng ông không hống hách, coi thường người khác; trong cuộc sống thường ngày, ông lấy lễ giáo để đối xử với mọi người. Chính vì tính cách ấy mà suốt trong thời gian làm lý trưởng làng Phú Lâm từ năm 1905-1908, ông luôn được mọi người dân trong làng ủng hộ cũng như những hào cựu của làng đều tín nhiệm(1).

 

Năm Mậu Thân 1908, phong trào chống sưu, thuế bùng nổ và lan rộng cả Trung Kỳ. Phú Yên là tỉnh mà phong trào diễn ra mạnh mẽ do ảnh hưởng từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định lan tỏa vào. Lúc này phong trào chống sưu, thuế ở phủ Tuy Hòa do các ông Nguyễn Hữu Dực, Nguyễn Tấn Thảo, Nguyễn Chi, Lê Hanh, Nguyễn Đình Cận, Trịnh Triết, Lưu Tích, Nguyễn Văn Mao, Nguyễn Hiến… lãnh đạo, với sự tham gia chủ yếu là hàng ngũ lý trưởng, địa chủ, phú hào và hàng ngàn nông dân trong các làng, vì đây là tầng lớp bị ảnh hưởng bởi chính sách sưu cao, thuế nặng của chính quyền thực dân gây ra.

 

Theo sự phân công của ban lãnh đạo phong trào chống sưu, thuế ở phủ Tuy Hòa thì các ông Nguyễn Hữu Dực, Lê Hanh, Nguyễn Tấn Thảo, Trịnh Triết sẽ hướng dẫn nhân dân xuống phủ Tuy Hòa và sau đó ra tỉnh lỵ Sông Cầu đấu tranh trực tiếp với chính quyền bảo hộ để xin giảm sưu, thuế; các ông Nguyễn Đình Cận, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Văn Mao, Nguyễn Hiến sẽ ở lại hậu phương vận động nhân dân tiếp tế cho đoàn biểu tình về phương diện hậu cần.

 

Ngày 11/5/1908, đoàn biểu tình các làng thuộc tổng Hòa Đa, Hòa Lộc, Hòa Đồng, Hòa Bình, Hòa Tường số lượng lên đến 1.000 người tập trung ở phủ lỵ Tuy Hòa với mục đích là phối hợp tri phủ cùng chánh, phó tổng yêu cầu Công sứ Pháp và chính quyền Nam triều giảm sưu, thuế. Hàng ngàn nông dân Tuy Hòa với quạt mo, cơm nắm cùng nhân sĩ, hương chức các làng dựng lều trại bao quanh phủ đường chờ tri phủ mở cửa xin trình bày ý kiến. Trong suốt hai ngày 11 và 12/5/1908, đoàn biểu tình được sự ủng hộ và tiếp tế của nhân dân các làng xung quanh, đặc biệt là lý trưởng làng Phú Lâm Nguyễn Đình Cận cho người mang lương thực, nước uống đến tiếp tế cho đoàn biểu tình tại huyện lỵ Đông Phước, gia tăng khí thế đấu tranh.

Trước áp lực của đông đảo nhân dân, tri phủ Nguyễn Hoàng cùng Chánh tổng Hớn hoảng sợ, sai đóng chặt nha phủ, phá cầu dẫn vào phủ lỵ, rồi khẩn cấp điện báo cho Công sứ Sông Cầu biết tin “Tuy Hòa đang nổi loạn”. Đến nửa đêm 12/5/1908, nhân mọi người sơ hở, Nguyễn Hoàng trốn khỏi phủ đường.

 

Không đạt được mục đích, ngày 13/5/1908, đoàn biểu tình từ Tuy Hòa kéo ra tỉnh lỵ Sông Cầu với hành trang mang theo là lương thực, ăn mặc như người cùng khổ. Những người tổ chức phong trào đã trù liệu tình huống đấu tranh sẽ diễn ra dài ngày, đến khi chính quyền bảo hộ thỏa mãn các yêu sách của dân chúng, nên có sự chuẩn bị khá kỹ càng:

 

Cơm khô đường lớ giữ gìn

Bỏ vô ruột nghé mới tin bằng lòng

Quạt mo nón rách thong dong

Chiếu manh nồi gõ sẵn cùng mang theo…

 

Khi đến Trạm Gành (nay là thôn Phú Tân, huyện Tuy An), đoàn biểu tình chạm trán với quân Pháp do lãnh binh Legot chỉ huy kéo từ Sông Cầu vào đàn áp. Một số lãnh đạo phong trào đi đầu bị trúng đạn chết như Nguyễn Hữu Dực, Phạm Dãn, một số bị thương như Lê Hanh, Huỳnh Tấn Phòng, Đỗ Châu.

 

Mặc dù có vũ khí hiện đại, nhưng trước sức mạnh của đám đông, Legot cho đội lính rút lui. Đoàn biểu tình sau khi củng cố hàng ngũ, chăm sóc, băng bó người bị thương và khiêng xác người chết tiếp tục tiến ra tỉnh lỵ Sông Cầu. Trên đường đi, nhiều người gia nhập đoàn biểu tình gia tăng lực lượng lên đến 2.000 người.

 

Ngày 14/5/1908, đoàn người kéo đến cầu Tam Giang - cửa ngõ vào tỉnh lỵ Sông Cầu thì vấp phải lực lượng Pháp phối hợp với lính khố xanh do Giám binh Renard chỉ huy. Chúng được lệnh bắn giết thẳng thừng vào đám người biểu tình tay không tấc sắt, nhiều người bị trúng đạn chết, bị thương và hàng chục người bị bắt giam. Các thủ lĩnh phong trào bị bắt trong đoàn biểu tình có Trần Đôn, Lê Hanh, Nguyễn Chi, Nguyễn Tấn Thảo,… Đến lúc này cuộc biểu tình chống sưu, thuế kéo từ phủ Tuy Hòa ra mới tan rã hoàn toàn.

 

Sau khi đoàn biểu tình chống sưu, thuế tan rã, thực dân Pháp tiến hành khám xét, bắt bớ những người cầm đầu trong cả tỉnh Phú Yên, nhất là khu vực phủ Tuy Hòa, nơi phong trào nổ ra mạnh mẽ nhất. Tại làng Phú Lâm, chúng đưa lính vào lục soát nhà lý trưởng Nguyễn Đình Cận. Chúng bắt ông treo lên cây trính giữa lẫm làng một ngày một đêm, hòng buột ông khai ra những người tổ chức phong trào nhưng ông không hé răng nửa lời. Ngày hôm sau, chúng đến phá nhà ông và bắt người thân của ông phải lo tiền bạc để giảm tội.

 

Sự cứng rắn của Nguyễn Đình Cận sẵn sàng chịu đựng đau đớn về thể xác để không khai ra những người trong tổ chức phong trào chống thuế ở phủ Tuy Hòa đã khiến cho tội của ông thêm nặng. Chính quyền thực dân ở Phú Yên giải ông về giam ở nhà lao tại tỉnh lỵ Sông Cầu và tiếp tục tra tấn. Tàn bạo hơn chúng còn bỏ ông đói, khát khiến sức lực ông dần dần kiệt quệ và ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 13/10/1908 trong lao tù (2).

 

Nghe tin ông mất, người nhà ra xin đem xác ông về quê chôn cất nhưng chính quyền bảo hộ không cho và buột phải chôn tại Sông Cầu. Sau đó 2 năm, chúng mới cho đem hài cốt về quê an táng. Mộ phần của ông hiện nay ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Tấm gương sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đồng bào, đồng chí của lý trưởng Nguyễn Đình Cận trong phong trào chống sưu, thuế năm 1908 đáng để nhân dân Phú Yên ngày nay ngưỡng mộ và khâm phục. Thiết tưởng cần có một công trình tưởng niệm những người lãnh đạo phong trào chống thuế năm Mậu Thân 1908 ở Phú Yên đã hy sinh, để con cháu chúng ta đời đời không quên tinh thần và nghĩa khí của họ khi đấu tranh vì lợi ích của nhân dân.

 

(1)(2) Theo tài liệu gia đình do lương y Nguyễn Đình Cường, cháu nội lý trưởng Nguyễn Đnh Cận, cung cấp.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek