Bước vào đầu năm 1973, Chi bộ Hòa Xuân tiếp tục được củng cố để đấu tranh có hiệu quả trong tình hình mới. Đồng chí Trần Minh Long được cử làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Lưu Dẽ được cấp trên rút về huyện (đồng chí Lưu Dẽ hy sinh ngày 2/10/1974). Tất cả các thôn trong xã đều có Ban cán sự.
Đồng chí Nguyễn Xuân Lợi, Bí thư Chi bộ Hòa Xuân từ cuối năm 1973-1975 |
Đêm 23/1/1973, quân dân Hòa Xuân phối hợp với Tiểu đoàn 14 và bộ đội huyện K65 tiến công đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của ngụy. Quân dân ta chiếm lĩnh và làm chủ các thôn Nam Bình, Thạch Chẩm, Phú Khê, đánh chiếm dài ngày trục đường quốc lộ 1 từ nam cầu Bàn Thạch đến đèo Cả.
Ngày 26/1/1973, quân Dân Chính Đảng Hòa Xuân làm chủ gần hết đất đai trong xã, kiểm soát 2/3 dân số (trừ hai thôn Bàn Thạch, Bàn Nham), trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Sáng 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Nhân dân vô cùng phấn khởi tin tưởng trước thắng lợi của Hiệp định Paris. Ngược lại, bọn địch vừa hoang mang dao động, vừa cay cú, cố sống cố chết “tràn ngập lãnh thổ” hòng giành lại thế chủ động. Hiệp định ký chưa ráo mực, sáng 28/1/1973, địch tập trung lực lượng bảo an, dân vệ với sự yểm trợ của phi pháo tung quân phản kích hòng giành quyền kiểm soát quốc lộ 1 từ Phú Lâm đến Hảo Sơn. Trong ngày, địch tổ chức 6 đợt tấn công với sự chi viện của máy bay A37 và trực thăng vũ trang, các trận địa pháo Bàn Thạch, Cầu Cháy, Phú Lâm.
Do tin vào Hiệp định Paris, không ngờ địch hèn hạ lật lọng nên một số cán bộ chiến sĩ có chủ quan. Vì vậy có dẫn đến một số bộ phận bị tổn thất. Nhưng quân dân Hòa Xuân đã nhanh chóng nhận thức được âm mưu của địch và kiên cường giáng trả. Sau hai ngày phản kích thất bại, chúng điên cuồng tập kích phi pháo vào các khu vực ta cắm cờ. Quân dân ta vẫn giữ vững trận địa, bình tĩnh đối phó và bẻ gãy âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch.
Sau ba ngày Hiệp định Paris được ký kết, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên đóng tại Hòa Xuân rút lui không kèn không trống, chúng hí hửng mừng thoát chết trở về với vợ con, vội vã giao một số cứ điểm lại cho quân ngụy.
Mặc dù Hiệp định Paris đã ký kết, bọn ngụy vẫn ngày đêm hò hét chiến tranh. Súng vẫn nổ ngày đêm. Chiến sĩ và đồng bào ta trụ bám giữ đất, giữ phong trào, giữ chính quyền nhân dân, vẫn tiếp tục đổ máu để bảo vệ thành quả cách mạng. Địch tập trung toàn lực lấn chiếm thôn Nam Bình vào ngày 15/2/1973. Quân dân Hòa Xuân kiên quyết giáng trả, vừa củng cố lực lượng vừa tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ vùng giải phóng.
Trước những thắng lợi rực rỡ của Hiệp Định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam và chiến thắng vang dội của quân dân toàn huyện đập tan âm mưu tràn ngập lãnh thổ của ngụy, từ ngày 10/5/1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ 7 tổ chức tại Suối Cát, xã Hòa Thịnh. Đại hội đã đi sâu phân tích âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của tập đoàn tay sai bán nước Nguyễn Văn Thiệu. Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách: “Đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch, bảo vệ vùng giải phóng. Phát triển lực lượng, tiếp tục tấn công địch bằng ba mũi giáp công, buộc địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris.
Tối 12/2/1973, đại đội đặc công nước Tỉnh đội Phú Yên phối hợp với lực lượng vũ trang xã đánh sập hai nhịp cầu Bàn Thạch. Ngày 15/2/1973, lực lượng vũ trang xã phục kích đánh Tiểu đoàn 216 địa phương quân từ Bàn Nham đến Nam Bình. Lực lượng ta diệt tại chỗ 4 tên và bắn bị thương 3 tên tại cầu Sạp, phá tan âm mưu lấn chiếm của địch.
Tháng 3/1973, lực lượng vũ trang xã do đồng chí Nguyễn Chỉnh chỉ huy bí mật phục kích đánh tan lực lượng nhân dân tự vệ tại soi Nam Bình, diệt tại chỗ hai tên, thu hai súng cabin M1. Tên ấp phó Trương Văn Thuận thoát chết bỏ chạy thục mạng. Trung đội nhân dân tự vệ thôn Nam Bình rệu rã, gây hoang mang rúng động lực lượng nhân dân tự vệ của địch trong toàn xã.
Tháng 5/1973, lực lượng vũ trang xã do đồng chí Ngô Văn Kin chỉ huy cùng hai đồng chí Nguyễn Chỉnh và đồng chí Truyền cải trang lính ngụy tổ chức đánh đại đội bảo an ở núi Hiềm; trên đường rút về, tiêu diệt ấp trưởng Bàn Nham.
Tại Hòa Xuân, địch chà đi xát lại, giằng co quyết liệt với ta để xóa thế “da beo” hòng giữ vững vị trí yết hầu ở phía nam tỉnh nhưng bọn chúng vấp phải những thiệt hại nặng nề.
Bọn địch ra sức dồn quân bắt lính, củng cố bộ máy tề ngụy ấp, xã, liên tục mở các cuộc càn quét vào vùng giáp ranh, khủng bố quần chúng. Về chính trị, địch tổ chức Đảng Dân chủ, đồng thời triển khai kế hoạch hậu chiến. Về kinh tế, địch tăng cường bao vây lục soát, đánh phá hành lang cửa khẩu nhằm ngăn chặn sự giao lưu giữa vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát.
Cuối năm 1973, Huyện ủy tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị cho cán bộ đảng viên chủ chốt học tập Nghị quyết 21 của BCHTW Đảng và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Khu V. Huyện ủy tiếp tục củng cố Chi bộ Đảng Hòa Xuân. Đồng chí Nguyễn Xuân Lợi được cử làm Bí thư chi bộ xã từ cuối năm 1973 đến 1975.
Bước vào năm 1974, quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy “Đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch giành dân giữ đất, mở rộng quyền làm chủ, giữ vững và phát triển thực lực cách mạng”, Huyện ủy Tuy Hòa chủ trương mở một đợt diệt ác trong toàn huyện nhằm vào những tên ác ôn đầu sỏ để mở phong trào, đánh tan những phân đội nhỏ của địch đang kìm kẹp nhân dân trong các thôn. Phấn khởi trước xã bạn Hòa Hiệp diệt tên Minh ấp trưởng và tên Phá ác ôn, du kích Hòa Xuân phối hợp với bộ đội đánh địch kìm kẹp dân ở Bàn Thạch, Bàn Nham và tiếp tục đánh giao thông trên quốc lộ 1, từ cầu Bàn Thạch đến đèo Cả. Ngày 19/1/1974, quân dân Hòa Xuân phối hợp cùng bộ đội huyện phá hủy 3 xe GMC, loại khỏi vòng chiến đấu 12 tên địch, cắt đứt giao thông nửa ngày. Ngày 1/2/1974, quân dân Hòa Xuân tập kích bọn bảo an chốt đường tại sở đá cầu Cây Tra, đèo Cả, làm chết và bị thương 8 tên.
Ngày 7/2/1974, quân dân Hòa Xuân phối hợp cùng Đại đội 24 đặc công nước tỉnh đánh sập 3 nhịp cầu Bàn Thạch gây tắc nghẽn giao thông 3 ngày. Đêm 14/4/1974, du kích Hòa Xuân phối hợp với đại đội công binh huyện đánh bọn địch từ Khánh Hòa ra, diệt gọn một tiểu đội, phá hủy một xe GMC.
Ngày 25/4/1974, du kích xã diệt gọn trung đội biệt kích thuộc Tiểu đoàn 219 địa phương quân tại Hóc Gạo, tiêu diệt 19 tên. Ta thu được hai súng M79, một AR-15, một máy PRC25 và nhiều đạn dược.
Bước vào chiến dịch mùa thu 1974, Huyện ủy chỉ đạo Hòa Xuân nổi dậy đều khắp, cắt các chốt địch trên địa bàn.
Đêm 18/7/1974, quân dân Hòa Xuân phát động quần chúng nổi dậy, bức địch rút chốt cầu Lưới Gõ, phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng.
Du kích đã 3 lần đánh địch bật ra khỏi căn cứ Hóc Cau, có trận diệt một tiểu đội biệt kích. Du kích trưởng thành nhanh chóng, dám tổ chức đánh phản kích địch giữa ban ngày. Chi ủy chủ trương đẩy mạnh hoạt động du kích, phá thế kìm kẹp, chuẩn bị chiến dịch mùa xuân 1975. Du kích đánh lính nghĩa quân ở trận Đá Đỏ, diệt 3 tên nghĩa quân ở Nam Bình, tổ chức đánh bọn xây dựng nông thôn ở Bàn Thạch, Bàn Nham.
Cuối năm 1974, toàn xã có một tiểu đội vũ trang ở căn cứ, mỗi thôn đều có đội du kích.
Trên đà thắng lợi giòn giã, Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ 8 họp tại hội trường hóc Cây Khế, thôn Mỹ Điền, Hòa Thịnh từ ngày 18-22/2/1975, đã đề ra nhiệm vụ mới với những mục tiêu cụ thể, trong đó có giải phóng một số thôn ở các xã Hòa Vinh, Hòa Xuân, tạo thế ở vùng đông, uy hiếp quốc lộ 1.
Đại hội đã giành nhiều thời gian thảo luận tìm biện pháp tốt nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công, bảo đảm liên tục tiến công và nổi dậy tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn phía tây huyện, mở rộng hành lang, tạo thế mở rộng ở vùng đông, giải phóng một số thôn ở Hòa Vinh, Hòa Xuân để uy hiếp và chia cắt quốc lộ 1, bóp chặt yết hầu của địch ở phía nam tỉnh.
Thực hiện yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy V, bước vào mùa xuân 1975, Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập 2 sở chỉ huy để chỉ đạo chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy. Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội chọn huyện Tuy Hòa là hướng điểm của chiến dịch.
Ngày 10/3/1975, đại quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Bị điểm trúng huyệt một đòn bất ngờ choáng váng, ngụy quân, ngụy quyền rất lúng túng buộc phải rút chạy hoảng loạn khỏi Tây Nguyên hòng co cụm phòng thủ các tỉnh đồng bằng ven biển.
Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên tháo chạy theo đường số 7 và đường số 5 về Phú Yên. Quân dân Phú Yên, quân dân Tuy Hòa đã tập trung lực lượng chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt bắt sống hàng vạn tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng Đường 5, Đường 7 là trận Bạch Đằng Giang trên cạn hào hùng vào bậc nhất của quân dân Phú Yên, quân dân Tuy Hòa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Phối hợp với mặt trận đường 5, ngày 19/3/1975, quân dân Hòa Xuân phối hợp với đội K19 và K65 công binh chặn đánh phá hủy và tiêu diệt 4 xe quân sự chở đầy lính trên đèo Cả. Bọn địch liều lĩnh mở đường máu trốn chạy về Nha Trang bị đánh bật trở lại.
Đúng 5 giờ sáng 1/4/1975, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Quyền (Mười Hòa) - Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa, lực lượng dân quân Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa Hiệp phối hợp cùng Đại đội công binh K65 chốt sẵn ở chân đèo Cả, cùng với cánh quân của Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9 chiếm cầu Bàn Thạch. Bọn địch nghẽn lại ở đoạn đường Bàn Thạch, Hảo Sơn. Ta diệt hàng trăm tên, thu và phá hủy 120 xe quân sự, bắt sống hàng ngàn tù binh, thu hàng ngàn súng các loại và quân trang quân dụng.
Đúng 7 giờ sáng 1/4/1975, xã Hòa Xuân hoàn toàn giải phóng, nhân dân Hòa Xuân hân hoan chào đón ngày hòa bình đầu tiên trên quê hương sạch bóng quân thù, phấn khởi phối hợp cùng lực lượng vũ trang truy quét bọn ác ôn tàn quân lẩn trốn. Đồng thời dưới sự lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa, Đảng bộ và nhân dân Hòa Xuân tiếp tục đóng góp sức người sức của chi viện cho cuộc chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Quân dân Hòa Xuân tổ chức đón tiếp và phục vụ hậu cần cho Quân đoàn 3 trên đường hành quân thần tốc về phía nam. Chỉ riêng trong đợt phục vụ giải phóng Sài Gòn, quân dân Hòa Xuân được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng 3.
Hơn 20 năm đấu tranh gian lao và anh dũng, quân dân Hòa Xuân đã viết lên trang anh hùng ca bất hủ trong cuộc đọ sức một mất một còn với tên đế quốc đầu sỏ và bè lũ tay sai. Hòa Xuân đã đóng góp sức người sức của cho kháng chiến, cống hiến hàng ngàn người con ưu tú của quê hương, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
THÀNH VIỆT