Mở màn chiến dịch mùa xuân năm 1975, quân, dân Tây Nguyên và các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tổng tấn công và nổi dậy, trong vòng 45 ngày giải phóng 18 tỉnh và 2 thành phố (Huế, Đà Nẵng) với gần chục triệu dân. Quân và dân ta đã chiến đấu rất anh dũng, có kỷ luật cao, phối hợp đòn tấn công quân sự với phong trào nhân dân nổi dậy nhanh chóng đánh sụp quân địch, bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhân dân vô cùng phấn khởi, hoan nghênh quân giải phóng, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự, đảm bảo sinh hoạt bình thường. Cả binh sĩ chế độ Sài Gòn và gia đình họ cũng vui mừng thoát chết, và được sum họp lại.
Giải phóng đến đâu, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Ủy ban quân quản và các đoàn thể nhân dân động viên và tổ chức nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống, giữ vững sản xuất để bộ đội tiếp tục tiến vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Phú Yên vừa giải phóng được 2 ngày, ngày 3/4/1975, Ban Thường vụ Khu ủy khu 5 gửi công điện yêu cầu Tỉnh ủy Phú Yên huy động lực lượng tổ chức các trạm đón tiếp các binh đoàn chủ lực hành quân qua Phú Yên vào giải phóng Sài Gòn.
Theo yêu cầu của Quân khu 5, Tỉnh ủy và UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên nhanh chóng tổ chức trong ngày 4/4/1975 các trạm đón tiếp dọc theo tuyến đèo Cù Mông (quốc lộ 1) và Mục Thịnh (tỉnh lộ 6), đồng thời tổ chức các điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực ở Xuân Thọ (Sông Cầu), An Hòa, An Mỹ (Tuy An); Hòa Vinh, Hòa Xuân (Tuy Hòa).
Phú Yên lập 2 trạm sửa chữa ô tô phục vụ các binh đoàn chủ lực ở TX Tuy Hòa và thị trấn Phú Lâm. Ngoài ra, tỉnh còn lập 7 trạm khác dọc tuyến quốc lộ 1 để phục vụ bộ đội. Tỉnh ủy và UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên huy động cán bộ các ngành, đoàn thể như y tế, tài chính, lương thực, thương nghiệp, vật tư, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… phục vụ ở các trạm đón tiếp.
Cùng với lực lượng trên, Tỉnh đội Phú Yên huy động xe quân sự, xăng dầu, lương thực, thực phẩm để phục vụ trực tiếp các binh đoàn chủ lực đang ngày đêm hành quân thần tốc qua Phú Yên để tiến về Sài Gòn.
Hàng vạn nhân dân hăng hái tham gia sửa đường, bắc cầu, ủng hộ bộ đội cấp tốc hành quân; đồng bào dân tộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trong thời gian ngắn đã làm con đường cắt qua núi đảm bảo Sư đoàn 10 hành quân cơ giới vào Nam qua đường 11 và 20 kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn 3 Quân khu 5 từ Bình Định chuyển nhanh vào mặt trận Phan Rang bằng ô tô vận tải của nhân dân. Vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, phương tiện vận tải dành ưu tiên cho các binh đoàn của cánh quân Duyên Hải trên đường vào Nam. Trên 200 xe của Quân khu 5, 1.800 chuyến xe của nhân dân, 400 xe chiến lợi phẩm vận chuyển nhiều đơn vị quân chủ lực đưa vào Nam. Nhiều thương binh từ các mặt trận phía nam chuyển ra được nhân dân tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng. Sở Địa dư Đà Lạt in ngay một khối lượng lớn bản đồ, cờ ảnh, phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau giải phóng tỉnh Ninh Thuận, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tham gia vào đội hình Quân đoàn 2, Lữ đoàn 52 tham gia đội hình Quân đoàn 4 lập công xuất sắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.
Hoàn cảnh chiến sự đang diễn biến phức tạp. Ở vùng mới giải phóng, đồng bào bị thương, bị đói, bị địch hù dọa, kéo chạy, bỏ nhà cửa, được chính quyền cách mạng địa phương và bộ đội tận tình giúp đỡ. Thời gian ngắn sau giải phóng, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, các đoàn thể nhân dân đã vận động cứu tế, cứu đói trên 15 vạn đồng bào, giúp đỡ trên 1 triệu người trở về quê cũ và về nông thôn sản xuất, che dựng chòi trại, có nơi ăn, chốn ở. Điện nước, bệnh viện, trường học, chợ và cửa hàng ở thành phố, thị xã và vùng mới giải phóng hoạt động bình thường. Từ đồng bằng đến miền núi, đồng bào tự do đi lại ngày đêm an toàn hơn bất cứ lúc nào trước đó, lưu thông, buôn bán, giá cả ổn định, tài sản của mọi người đều được bảo vệ.
Gần 40 vạn binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên chế độ Sài Gòn cũ chỉ cần đến các phòng ghi tên, giao nộp vũ khí rồi trở về nhà làm ăn, đi lại bình thường, không phân biệt đối xử, những người có chuyên môn, kỹ thuật vẫn tiếp tục làm việc, một số rất ít cá biệt phải tập trung học tập cải tạo là do yêu cầu bảo đảm an ninh trước mắt. Mọi kỳ thị giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa vùng này với vùng khác hầu như không còn nữa.
Mở đầu chiến dịch mùa xuân năm 1975, các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Trung Bộ phối hợp với bộ đội chủ lực của bộ đã lập công xuất sắc, chiến thắng vẻ vang. Trong vòng 45 ngày đánh sụp 2 vùng chiến thuật, 1/3 lực lượng địch ở miền Nam.
Đánh thắng trận then chốt, tiêu diệt địch, giải phóng TX Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk là đòn sấm sét làm rung chuyển địch không chỉ ở Tây Nguyên từ Quảng Đức đến Kon Tum và tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch từ Tây Nguyên rút xuống đồng bằng ven biển đã làm thay đổi quan trọng lực lượng so sánh giữa ta và địch, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược ở toàn miền Nam. Ở đây, cùng với vai trò tấn công và nổi dậy to lớn của quân và dân địa phương, nổi lên vai trò quyết định của các quả đấm chủ lực.
Đồng thời với cuộc tấn công và nổi dậy ở Tây Nguyên, cuộc tấn công và nổi dậy ở các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, nhất là đòn tấn công và nổi dậy đánh sụp khu căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, đã nhanh chóng làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch, góp phần quyết định sự thất bại hoàn toàn không thể tránh khỏi của địch.
Cuộc tấn công và nổi dậy giải phóng Khu 6, đánh sụp tuyến phòng thủ từ xa của địch tại Phan Rang làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch ở đây đã góp phần đẩy nhanh tốc độ sụp đổ hoàn toàn của địch.
Chiến thắng rực rỡ mùa xuân năm 1975 ở Nam Trung Bộ nói lên tinh thần quyết chiến, quyết thắng rất cao của quân và dân ta, sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quyết định đúng đắn thời cơ chiến lược, chọn đúng hướng tấn công chiến lược phối hợp chặt chẽ đòn tấn công quân sự, nhất là quả đấm chủ lực mạnh với phong trào nhân dân nổi dậy.
Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ vừa được giải phóng đã tạo bàn đạp vững chắc cho bộ đội chủ lực hành quân thần tốc vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân dân Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ đã chi viện đắc lực sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
VIỆT THÀNH