Chủ Nhật, 28/04/2024 13:22 CH
Lính đánh thuê Nam Triều Tiên gây những vụ thảm sát dân thường đẫm máu
Thứ Sáu, 20/05/2016 08:58 SA

Ngày 1/11/1965, Mỹ đưa tiểu đoàn pháo binh đầu tiên vào sân bay Đông Tác, sau đó đưa Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 (Mỹ) và Lữ đoàn Rồng Xanh - lính đánh thuê Nam Triều Tiên vào đóng quân tại Đông Tác và xã Hòa Hiệp.

 

Lính đánh thuê Nam Triều Tiên tra tấn dã man thường dân Việt Nam - Ảnh: T.LIỆU

 

Với lực lượng hùng hậu trên, cộng với lực lượng quân đội Sài Gòn tại chỗ, địch ráo riết tổ chức cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 nhằm tiêu diệt lực lượng ta, giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Phú Yên là một trong năm hướng tấn công của chiến dịch 5 mũi tên, mà Tuy Hòa là chiến trường trọng điểm.

 

4 giờ sáng 1/1/1966, địch huy động 2 tiểu đoàn Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh cùng với 3 tiểu đoàn quân ngụy mở cuộc hành quân vào Hòa Xuân bằng nhiều mũi. Địch dùng hàng trăm máy bay lên thẳng (trực thăng) đổ quân xuống xóm Mới (thôn Lạc Long, xã Hòa Tâm) và tiến thẳng bằng đường bộ vào Bàn Thạch. Từ đây, địch chia làm hai cánh đánh vào thung lũng Hảo Sơn và hóc Gạo (hóc Ông Thơm).

 

Địch tấn công bất ngờ khi lực lượng ta đang ngủ. Thung lũng Hảo Sơn và hóc Gạo là nơi đóng quân của Ban chỉ huy Trung đoàn 10, Đại đội Đặc công 25, Đại đội 377 bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa 1 và du kích xã Hòa Xuân. Lúc này, bộ đội đang triển khai phòng ngự nhiều nơi, tại căn cứ thung lũng Hảo Sơn và hóc Gạo chỉ có Đại đội 377 Huyện đội Tuy Hòa 1 và 8 đồng chí cảnh vệ Trung đoàn bộ Trung đoàn 10 cùng du kích xã Hòa Xuân. Toàn bộ lực lượng ta ở thung lũng Hảo Sơn dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Quyền (Mười Hòa), Huyện đội phó Tuy Hòa 1 chỉ huy trực tiếp và đồng chí Phạm Ngọc Quang - Đại đội trưởng Đại đội 377 đã kiên cường đánh trả địch.

 

Tại Đá Lợp, mặc dù lính đánh thuê Nam Triều Tiên rất thiện chiến và đông hơn quân ta nhiều lần nhưng lực lượng ta dựa vào căn cứ vững chắc vẫn quyết tâm đánh phủ đầu hai tiểu đoàn Lữ đoàn Rồng Xanh.

 

Đá Lợp nằm trong dãy núi phía tây nam xã Hòa Xuân, có nhiều tảng đá lớn chồng lên nhau tạo thành nhiều hang, gộp, hóc… có giá trị như những công sự tự nhiên liên hoàn kiên cố. Quân ta chủ động chiếm địa hình có lợi, vận dụng chiến thuật phục kích, hình thành thế bao vây, chia cắt địch, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, đánh gần, nổ súng đồng loạt, hợp đồng chặt, linh hoạt xuất kích bao vây tiêu địch, thu vũ khí, làm chủ trận địa. Dựa vào ưu thế địa hình trên cao và tận dụng các gộp đá, quân ta bình tĩnh nhử cho địch vào thật gần trong tầm ném lựu đạn mới nổ súng đánh phủ đầu. Hai tiểu đoàn Lữ đoàn Rồng Xanh Nam Triều Tiên phơi mình dưới chân núi trống trải bị bất ngờ hứng đạn quân ta nên chống trả rất yếu ớt.

 

Các đại đội địch phía sau bị sương mù che khuất nên không thể chi viện cho đồng bọn phía trước đang giãy chết. Chỉ sau ít phút chiến đấu, quân ta diệt gọn một đại đội Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh, hàng trăm tên lính Nam Triều Tiên bị tiêu diệt và bị thương nằm phơi xác ngổn ngang trước trận địa… Những tên sống sót hốt hoảng tháo chạy thục mạng về phía sau. Chớp thời cơ, bộ đội ta xung phong đánh bật địch ra khỏi trận địa, thu được 1 khẩu đại liên, 9 khẩu tiểu liên AK15, 2 súng chống tăng M72, hơn 30 mặt nạ phòng độc, nhiều lựu đạn và đạn súng phóng lựu đạn M79.

 

Mảnh đất Hòa Xuân (huyện Đông Hòa) đã ghi dấu ấn chiến công đánh thắng giòn giã trận mở màn tiêu diệt lính đánh thuê Nam Triều Tiên khi chúng vừa đặt chân lên Phú Yên. Đám lính đánh thuê Nam Triều Tiên gần các đơn vị thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh, Sư đoàn Mãnh Hổ, Sư đoàn Bạch Mã gian ác khát máu này rất cay cú, gây ra hàng loạt cuộc thảm sát đồng bào vô tội trên địa bàn Phú Yên trong hai mùa khô 1966-1967.

 

Ngày 2/1/1966, lính Nam Triều Tiên xả súng thảm sát 37 thường dân vô tội tại thôn Vũng Tàu (Hòa Hiệp Nam), trong đó có cụ già Đào Khánh. Chị Lương Thị Phơi, bụng mang dạ chửa sắp sinh bị trúng đạn gãy cả hai chân ngất lịm. Khi chúng bỏ đi, vết thương hành hạ, chị trở dạ sinh con giữa bãi xác người, đứa bé không có sữa do mẹ bị thương nặng, không sống được. Chị tự lết đi tìm đường sống và được bà con còn sống sót cứu chữa.

 

Sáng 22/1/1966 (mùng 2 Tết), lính Nam Triều Tiên từ núi Hương càn xuống thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ tập trung 53 thường dân vô tội (gồm người già, phụ nữ và trẻ em) tại Gò Mai lột truồng và xả súng bắn chết. Chiều hôm đó, chúng còn tập trung 62 thường dân tại xóm Hòn Đình gom vào sân một ngôi nhà, xả đạn đại liên bắn chết 58 người, có 4 người được xác người che sống sót, trong đó có một bé sơ sinh là Nguyễn Văn Đồng (hiện nay là kỹ sư Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên).

 

Sáng 24/1/1966 (mùng 4 Tết), lính Nam Triều Tiên tập trung thảm sát 62 thường dân tại gò Cây Đa, thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong. Ngày 25/1/1966 (mùng 5 Tết), lính Nam Triều Tiên dùng gậy đánh chết 2 thường dân tại núi Đất, Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong rồi vứt xác xuống giếng, đồng thời tập trung 42 thường dân Mỹ Thạnh Trung xả súng thảm sát.

 

Ngày 26/1/1966, lính Nam Triều Tiên tập trung thảm sát 38 thường dân tại gò Phộng, thôn Tân Mỹ (Hòa Phong). Ngày 28/1/1966, lính Nam Triều Tiên tập trung 19 thường dân thảm sát tại gò Thị, Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ. Cùng ngày, lính Nam Triều Tiên từ cầu Bà Khét và cầu Cháy tập trung 30 người dân thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng, cưỡng hiếp phụ nữ rồi bắn chết 30 người sau đó bỏ xác xuống 3 cái giếng.

 

Tại thôn Mỹ Tường, Quảng Phú (xã Hòa Mỹ Tây), lính Nam Triều Tiên bắt 7 phụ nữ rồi thi nhau hãm hiếp. Có chị chửi hành vi thú tính của chúng, chúng dùng lê đâm vào cổ họng. 5 chị còn lại chúng đem vào vườn hoang lột trần trói chặt và cho các tốp lính thay nhau hãm hiếp. Khi thỏa mãn thú tính, chúng đâm chết cả 5 chị cùng một cháu bé 9 tuổi. Tại Hòa Đồng, chị Siêng bị 10 tên lính Nam Triều Tiên thay nhau hãm hiếp rồi bắn nát cả thân thể chị. Tại Hòa Tân, chúng bắt 2 người dân trói chặt tay rồi thả xuống giếng. Tại bến Sách, chúng hiếp dâm một em bé rồi bắn chết.

 

Trong cuộc hành quân Van-bua-ren, lính Nam Triều Tiên đã thảm sát hàng ngàn thường dân.

 

Ngày 14/5/1966 (nhằm ngày 24/4 năm Bính Ngọ), lính Nam Triều Tiên tập trung thảm sát 43 thường dân tại Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam và 41 thường dân tại Cồn Rẫy, vườn Bà Đợ, thôn Đa Ngư. Trong vụ thảm sát này, có hai nhân chứng sống sót là Bùi Thị Nồng (lúc ấy 8 tuổi), sau này là giáo viên tiểu học của xã và em gái là Bùi Thị Chỉnh (lúc ấy 5 tuổi hiện ở tại TP Tuy Hòa) và các nhân chứng Huỳnh Ngọc Ẩn (hiện ở thôn 2, thị trấn Hòa Vinh), Huỳnh Thị Hiền, Huỳnh Văn Đồn (lúc ấy 2 tuổi bị bắn bể ống quyển (xương ống chân)).

 

Đầu tháng 3/1967, Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên cùng với Trung đoàn 47 chủ lực Quân đội Sài Gòn mở cuộc càn “Đống Đa” giết hại thường dân vô tội tại huyện Tuy An. Từ ngày 17/3-15/4/1967, lính Nam Triều Tiên đã diệt chủng man rợ 451 thường dân vô tội gồm người già, phụ nữ và trẻ em.

 

Lúc 11 giờ trưa 20/3/1967, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên từ Động Chính kéo sang xóm Cổng (vùng 2, xã An lĩnh), bắt đồng bào vùng 2, vùng 3 và xóm Chùa tập trung tại gò Cây Cầy bắt xếp hàng và xả đại liên thảm sát hàng loạt. Có hai nữ thanh niên bị chúng hiếp dâm. Thực hiện hành vi thú tính xong, chúng đâm chết cùng 10 người khác, trong đó có một em bé còn ngắc ngoải, sau đó được quân giải phóng cứu sống.

 

Tại Phong Lĩnh (vùng 5), xã An Lĩnh, lính Nam Triều Tiên dụ dỗ trẻ em đến cho kẹo, khi tập trung được 30 em, chúng xả súng tàn sát, miệng các em vẫn còn ngậm kẹo.

 

Tại gò Cà, xã An Lĩnh, lính Nam Triều Tiên tập trung 30 người dân bắn chết một lúc. Tại sân nhà ông Lưu (xóm Giếng Vông), lính Nam Triều Tiên xả súng bắn chết 12 người. Có những gia đình bị lính Nam Triều Tiên tàn sát dã man như gia đình anh Nguyễn Sanh ở Phong Thái (xã An Lĩnh) có 8 người, bị bắn chết 7 người, chỉ một cháu trai còn sống sót tại xã An Lĩnh. Cả xã An Lĩnh có 167 thường dân bị thảm sát.

 

Tại xã An Xuân, lính Nam Triều Tiên thảm sát 152 người. Trong đó, lính Nam Triều Tiên tập trung thường dân bắn chết một lúc 127 người dân trong vùng tại gò Cầy và 12 người tại gộp Đá Dãi. (Cả vùng 7, xã An Xuân chỉ còn sống sót 2 người dân). Tại vùng 6, lính Nam Triều Tiên bắt cụ Võ Phẩm, trói vào gốc cây, nhổ hết râu, rồi bỏ cụ xuống hầm trú ẩn, châm lửa đốt cháy.

 

Tại vùng 6, chúng bắt anh Liên treo lên cây, dùng dao cắt nhượng chân, mổ bụng, róc từng miếng thịt. Tại xã An Nghiệp, lính Nam Triều Tiên thảm sát 29 người dân. Chúng tập trung phụ nữ đến chợ Mới hãm hiếp tập thể. Những người phản đối như chị Hồ Thị Kiền bị chúng bắn chết ngay để khủng bố. Chị Kiền ngã xuống, tay còn bồng con. Chị vợ anh Hồng cũng phản đối và bị địch bắn chết, cháu Vân - con gái chị còn ôm mẹ bú. Những phụ nữ còn lại, sau khi hiếp xong, chúng bắn vào cửa mình và quẳng vào đống lửa. Chúng vào nhà anh Trần Bưởi (vùng 9, xã An nghiệp), bắn anh tại nhà.

 

Tại xã An Định, chúng bắt 8 cụ già xếp hàng và xả súng bắn chết. Bắt con gái ông Củng hãm hiếp rồi dùng lê rọc từ âm hộ lên bụng. Tại xã An Thọ, chúng càn đến gặp vợ anh Hựu đang đi chợ về, liền bắt hiếp tập thể rồi đâm lê từ tai bên này sang bên kia. Chúng bắt anh Nguyễn Ruộng bắn chết, móc gan xào ăn. Còn thòm thèm, chúng bắt anh Trương Tuần mổ bụng móc lấy gan. Tại xã An Hòa, chúng thảm sát 58 thường dân, trong đó có hai em bé chúng cột chặt lại, rồi dùng lê đâm xuyên qua hai cháu. Tại xã An Ninh, chúng càn vào thôn Phú Sơn tập trung bắn chết 28 thường dân tại gò Mả, 11 người tại Lễ Thịnh, 13 người tại Tân Long. Tại xã An Dân, chúng tập trung thảm sát 25 người. Tại xã An Mỹ, địch thảm sát 27 thường dân. Tại xã An Chấn, chúng bắn bị thương 33 người. Lẽ ra còn cứu chữa được nhưng địch đưa về bệnh viện cưa tay, cưa chân, sống dở chết dở.

 

Tối 20/12/1967, lính Nam Triều Tiên tập trung các cháu nhỏ tại chợ Giã An Ninh rồi xả súng bắn chết 31 cháu, bắn trọng thương 30 cháu. Cháu lớn nhất là Nguyễn Đỗ (16 tuổi), cháu nhỏ nhất là Nguyễn Mẫu (11 tuổi). Tại huyện Sơn Hòa, lính Nam Triều Tiên tập trung thảm sát 35 bà con dân tộc thiểu số tại xã Phước Tân.

 

Các cuộc thảm sát đã xảy ra nửa thế kỷ. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng phải luôn ghi nhớ sự kiện đau thương này để tưởng niệm đồng bào ta đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh phi nghĩa của kẻ thù. Cái giá của độc lập tự do thấm biết bao máu đào của quân dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Một số điểm thảm sát đã được các địa phương lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh và khắc bia tưởng niệm.

 

Đã đến lúc cần lập danh sách và có bia tưởng niệm tất cả đồng bào vô tội Phú Yên bị lính đánh thuê Nam Triều Tiên thảm sát trong chiến tranh để lưu giữ muôn đời những sự hy sinh của dân ta trong cuộc chiến giành độc lập, tự do để Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek