Thứ Tư, 27/11/2024 07:26 SA
Hòa Đồng góp phần đánh bại chiến dịch bình định
Thứ Sáu, 27/11/2015 08:20 SA

Ngày 1/2/1969, tên Tỉnh trưởng ngụy quyền kiêm đại tá Tiểu khu trưởng Phú Yên Nguyễn Văn Bá chỉ đạo mở đầu chiến dịch bình định ở Phú Yên với sự phối hợp của Lữ đoàn dù 173 Mỹ, hai trung đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Lực lượng của ngụy quân có Trung đoàn 47, bảy tiểu đoàn bảo an, 115 trung đội nghĩa quân và 3.753 phòng vệ dân sự. Ngoài ra, địch còn lập thêm 46 đoàn xây dựng nông thôn, lực lượng gián điệp “Thiên nga”, “Phụng hoàng”.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Bí thư chi bộ xã Hòa Đồng (1970-1972) - Ảnh tư liệu

Trên địa bàn huyện Tuy Hòa 1, địch tập trung lực lượng càn quét khắp các xã. Tại xã Hòa Đồng, địch sử dụng các thủ đoạn “tam giác chiến” phân đội nhỏ biệt kích, cảnh sát dã chiến, bọn gián điệp… gây cho ta nhiều khó khăn. Chúng dùng những luận điệu tuyên truyền “hữu sản hóa” trong nhân dân, truyền bá lối sống gấp, chủ nghĩa thực dụng trong các tầng lớp thanh niên để dễ bề bắt lính, đôn quân. Đại bộ phận thanh niên Hòa Đồng nếu không thoát ly vào căn cứ, đêm đêm phải vào vùng địch để ngủ. Địch bắt hàng loạt đồng bào trong xã giam cầm, vu khống, đe dọa, mua chuộc, giao nhiệm vụ, bôi đen, đánh lộn sòng, gây nghi ngờ trong nội bộ; ghi tên những người chúng nghi ngờ là cơ sở hoặc đã là cơ sở của ta vào danh sách điệp báo rồi tung tin là cộng tác viên của chúng. Thông qua bọn lính xây dựng nông thôn, địch mị dân bằng cách cấp một ít tiền bạc và vật liệu cho nhân dân xây dựng lại nhà cửa, tạo ra cuộc sống phồn vinh giả tạo trong vùng chúng kiểm soát.

 

Trước sự đánh phá hết sức nham hiểm và ác liệt của địch, phong trào cách mạng ở Hòa Đồng gặp không ít khó khăn, cơ sở bị tổn thất, căn cứ cách mạng bị phá hoại, phong trào cách mạng của quần chúng bị giảm sút. Những khó khăn và tổn thất ấy còn do ta chưa đánh giá hết âm mưu và hoạt động của địch khi chúng tiến hành bình định nông thôn, nên ta chưa kịp thời chuyển hướng hoạt động phù hợp với tình hình mới.

 

Để đối phó với tình hình trên, từ ngày 12 đến 14/8/1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1 lần thứ 5 được tổ chức tại thôn Mỹ Điền, xã Hòa Thịnh, đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ là quán triệt Nghị quyết (tháng 4/1969) của Bộ Chính trị, đẩy mạnh hoạt động vũ trang hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp, từng bước đánh bại “bình định nông thôn” của địch, giành dân, mở rộng vùng giải phóng; xây dựng điểm và phát triển phong trào xây dựng căn cứ lõm. Ra sức củng cố các tổ chức cơ sở đảng, chú trọng xây dựng những cơ sở ở vùng sâu và vùng tranh chấp, không ngừng nâng cao chất lượng đảng viên. Về tổ chức, Đảng bộ chủ trương các tổ chức cấp huyện và xã đều chia thành hai bộ phận: tuyến trước và tuyến sau. Tuyến trước có nhiệm vụ bám phong trào, xây dựng và phát triển cơ sở, đánh địch. Tuyến sau chăm lo sản xuất tự túc, giải quyết công tác hậu cần, bảo vệ căn cứ, tổ chức bố phòng đánh địch càn quét. Đại hội Đảng bộ lần thứ 5 đã bầu đồng chí Dương Dụ làm Bí thư Huyện ủy.

 

Sau đại hội, bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Huyện ủy còn tổ chức cho cán bộ cốt cán của huyện, xã quán triệt sâu sắc Nghị quyết (tháng 4/1969) của Bộ Chính trị, nâng cao một bước về nhận thức tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đặc biệt trong nghị quyết này, Đảng nhấn mạnh: “Nông thôn là địa bàn chiến lược hết sức trọng yếu của ta hiện nay cũng như về sau này. Tạo được thế làm chủ vững chắc ở nông thôn, đẩy mạnh giải phóng nông thôn, nhất là vùng nông thôn xung yếu đông dân cư và vùng ven thành thị, mới có điều kiện thuận lợi về quân sự, chính trị, kinh tế, có nguồn nhân lực dồi dào để phát triển lực lượng của ta, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, mới có bàn đạp vững chắc để tiến công và bao vây địch ở mặt trận thành thị”.

 

Trong lúc cán bộ, quân và dân xã Hòa Đồng đang bắt tay vào việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội 5 của Đảng bộ huyện, chống chiến tranh bình định, kế hoạch lấn chiếm của địch, thì đau đớn, bàng hoàng nghe tin Bác Hồ mất, mọi người vô cùng xúc động. Nhiều nhà dân trong vùng địch đã lén đặt bàn thờ cúng Bác. Tại căn cứ, chi bộ xã tổ chức truy điệu. Trước vong linh của Người, các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng căn cứ Hòa Đồng hứa quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện di chúc của Bác, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

Từ tháng 10/1969, chi bộ xã lãnh đạo củng cố hai bộ phận: tuyến trước và tuyến sau của xã - được chia trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Bộ phận tuyến trước của xã gồm phần lớn lực lượng vũ trang chiến đấu: du kích, an ninh, đội công tác và một số đồng chí lãnh đạo của xã, có nhiệm vụ vào làng bám dân, xây dựng cơ sở, tổ chức diệt ác phá kèm, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng địch lên một bước mới.

 

Trong 3 tháng cuối năm 1969, lực lượng tuyến trước của xã tuy bám được dân, đưa cán bộ chiến sĩ vào làng nằm hầm bí mật để lãnh đạo phong trào, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng, nhưng chưa tổ chức được những trận đánh lớn. Hoạt động chủ yếu của tuyến trước lúc này là lãnh đạo nhân dân trong xã đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng chống âm mưu bình định của địch, tạo thế làm chủ ở nông thôn. Tiêu biểu trong phong trào đấu tranh thời kỳ này có ông Nguyễn Thập, 98 tuổi, ở thôn Vinh Ba, đã đấu tranh không cho địch chặt tre phát hoang, tìm kiếm hầm bí mật. Ông cởi quần dài đập vào đầu bọn ấp, lính bình định áo len đen khi chúng đang chỉ huy đốn tre, phát quang bờ bụi, rồi ưỡn ngực nói: “Chúng bay có giỏi thì bắn đi. Không được chặt tre, phá làng”. Hoặc mẹ Ngô Thị Kính - người đầu tiên chặn xe tăng M.113 - đấu tranh có tình, có lý, không chịu dời nhà, bỏ làng vào sống trong khu tập trung. Bọn địch vin vào cớ: “Bà không đi, ở lại liên lạc, tiếp tế cho Việt cộng, phải không?”. Mẹ Kính nói: “Tôi già rồi, còn liên lạc, tiếp tế cho ai được nữa, bỏ nhà vào ở trong ấp các ông nhốt như con bò, con heo làm sao mà sống”.

 

Trước lý lẽ đấu tranh của các cụ già ở Hòa Đồng, bọn lính bình định và tề ngụy thôn xã đều phải nhượng bộ. Như vậy, bước đầu dựa vào tâm lý của người nông dân, nhất là những người cao tuổi không muốn rời bỏ làng xóm, chi bộ xã đã lãnh đạo tốt việc đấu tranh chống địch dời dân lập ấp, phát quang làng xóm tìm kiếm hầm bí mật. Đây là những thành công đầu tiên của chi bộ xã trong công tác giành dân ở nông thôn.

 

Trong khi bộ phận tuyến trước của xã bám trụ ngay trong vùng địch kiểm soát để xây dựng và phát triển phong trào cách mạng từ cơ sở, tiến lên giành quyền làm chủ, thì bộ phận tuyến sau ra sức tăng gia sản xuất, bố phòng, bảo vệ vùng hậu cứ của xã.

 

Đầu năm 1970, Mỹ - ngụy thi hành chương trình “Bình định phát triển” trên địa bàn Phú Yên, với mục đích đảm bảo an ninh các vùng trong tỉnh, không còn hoạt động của cách mạng đe dọa. Phá vỡ liên hệ giữa cơ sở cách mạng và lực lượng cách mạng. Lực lượng địa phương của cách mạng nói chung bị tan rã. Lực lượng chủ lực quân giải phóng không còn khả năng tập trung đến cấp đại đội, các căn cứ cách mạng đang còn tập trung củng cố.

 

Để lôi kéo quần chúng, tháng 4/1970, ngụy quyền ở Tuy Hòa 1 thực hiện chính sách “Người cày có ruộng”, còn gọi là “Luật người cày có ruộng” (ban hành ngày 26/3/1970), gồm 6 chương, 23 điều. Mục đích trước mắt của chúng là tạo điều kiện “hữu sản hóa” tá điền, trong đó có cả một số gia đình binh sĩ ngụy, phân hóa và chuyển một bộ phận địa chủ sở hữu ruộng đất lớn sang lối kinh doanh tư bản.

 

Giữa năm 1970, địch chuyển sang áp dụng ở Hòa Đồng một chương trình bình định mới là “Bình định đặc biệt” để củng cố mở rộng an ninh nông thôn, tiến hành mạnh mẽ ở các thôn Phú Phong, Phú Mỹ… Chúng hy vọng sẽ triệt hạ phần lớn hạ tầng cơ sở cách mạng của xã bằng cách đẩy mạnh “chiến dịch Phụng hoàng”, phát động “chiến dịch Tình thương”; tổ chức bầu cử để củng cố bộ máy tề ngụy thôn xã; đẩy mạnh việc kêu gọi hồi chánh, phát triển lực lượng vũ trang, bán vũ trang ở xã bảo an, dân vệ.

 

Các chương trình bình định của địch trong 6 tháng đầu năm 1970 trên địa bàn xã Hòa Đồng làm cho ta đối phó khá lúng túng, chắp vá, nhất là về mặt tổ chức. Hơn nữa, lần đầu tiên đối phó với một chiến lược mới, cán bộ và nhân dân trong xã chưa lường hết những khó khăn trong “chiến tranh bình định” của địch; đồng thời cứ nghĩ rằng không còn đối phó trực tiếp với quân Mỹ và Nam Triều Tiên như trong chiến tranh cục bộ, chỉ đối phó với ngụy quân, ngụy quyền sẽ ít ác liệt hơn. Tâm lý “xả hơi” sau hai mùa khô và cuộc tổng tiến công xuân 1968 phần nào đã ảnh hưởng đến phong trào chống bình định của quân và dân trong xã.

 

Tuy nhiên, qua hơn một năm đối đầu với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cán bộ, du kích và đồng bào trong xã đã rút ra nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ giặc hơn, ra sức khắc phục những nhận thức sai lệch về “chiến tranh bình định” của địch, từ đó kiên quyết thực hiện chủ trương “Ba bám”, đưa phong trào cách mạng ở Hòa Đồng tiến lên.

 

Tháng 6/1970, chi bộ xã - lúc này đồng chí Nguyễn Cảnh làm Bí thư - đã chỉ đạo lực lượng du kích xã bám trụ đánh địch tại Phú Phong. Cuộc đọ sức đầu tiên của lực lượng vũ trang xã trong “chiến tranh bình định” với lính bình định nông thôn trên địa bàn Hòa Đồng chứng tỏ ta có thể đánh địch, giành dân, thực hiện tốt chủ trương bám địa bàn của huyện, có dân để vận động tuyên truyền cách mạng. Sau chiến thắng này, quân và dân Hòa Đồng triệt để thực hiện “Ba bám”, “Ba quyết tâm” (quyết tâm: bám dân, bám đất, bám địch) của ba lực lượng (cán bộ cách mạng, du kích xã, thôn). Chi bộ xã lãnh đạo kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: cán bộ cách mạng bám dân, dân chúng bám làng xóm, du kích bám đánh địch. Cuối năm 1970 đồng chí Nguyễn Thị Yến làm Bí thư chi bộ xã.

 

VIỆT THÀNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek