Thứ Sáu, 20/09/2024 10:57 SA
Giao bưu Phú Yên giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh đặc biệt
Thứ Sáu, 11/12/2015 14:00 CH

Chiến sĩ giao liên chuyển thư từ, tài liệu cho bộ đội - Ảnh: Tư liệu

Cuối tháng 4/1965, được chỉ thị của Khu ủy, Liên tỉnh 3 và Bộ Tư lệnh Quân khu chuẩn bị mở chiến dịch đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn (Đắk Lắk). Phú Yên có trách nhiệm chi viện mọi mặt cho Đắk Lắk. Mọi việc phải hoàn tất vào cuối tháng 5/1965.

 

Ban Giao bưu tỉnh được giao trách nhiệm soi đường cho dân công. Còn việc bảo vệ dân công đi dọc đường, rút dân công, làm lán trại, đào hầm trú ẩn, khiêng thương… do Ban Hành lang thuộc Hội đồng Chi viện tiền phương đảm nhận.

 

GIAO BƯU PHỤC VỤ CHIẾN DỊCH

 

Điều kiện có nhiều thuận lợi - vùng giải phóng đồng bằng đang mở rộng, địch ít lùng càn lên các vùng ta. Do đó, Ban Giao bưu đã phóng những tuyến đường ngắn nhất. Dựa vào yếu tố bí mật, bất ngờ, địch không phát hiện được, để đảm bảo an toàn cho dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, ta đã dùng các tuyến: Từ Tuy Hòa 1 đi Đồng Cam - Lỗ Rong - Vân Hòa vào Rộc Hiểm (Sơn Long) là điểm tập trung dân công; từ Tuy Hòa 2 đi dốc Lỗ Chài, lên Rộc Hiểm; từ Tuy An đi Rộc Hiểm; từ Đồng Xuân đi Tổng Binh - Rộc Hiểm; từ điểm tập trung ở Rộc Hiểm đi dọc theo đường số 6 lên Phong Cao (Sơn Long) - Tân Lương, Phước Tân, Ma Lố, Buôn Xay (Đắk Lắk). Đoạn đường từ Phong Cao lên Tân Lương cả người gùi gánh lẫn ngựa thồ phải đi vào ban đêm, vì đường trống trải. Từ Tân Lương lên Buôn Xay đi ban ngày, men theo bìa rừng, để tránh máy bay phát hiện. Từng chuyến dân công đi, về đều có cán bộ giao liên cùng đi để vừa dẫn đường, nhắc nhở nội quy đảm bảo bí mật, vừa tham gia vận chuyển. Sau hơn một tháng phục vụ chiến dịch, ta đã huy động hàng vạn lượt người vận chuyển được hàng trăm tấn lương thực hàng hóa và hàng trăm con bò phục vụ cho chiến dịch Thuần Mẫn (Đắk Lắk). Từ khi bắt đầu chuẩn bị đến khi kết thúc chiến dịch, nhiều cán bộ Ban Hành lang, Ban Giao bưu, Đài VTĐ (vô tuyến điện) Tỉnh ủy được biểu dương và một số đồng chí được kết nạp vào Đảng.

 

Phía Tuy Hòa 1, Huyện ủy và Ban Giao bưu huyện có sự phối hợp của Hội đồng Chi viện tiền phương Phân khu nam đã tổ chức chuyển được 60 tấn gạo và muối cho Khánh Hòa.

 

CỦNG CỐ CÁC TUYẾN TRẠM

 

Tháng 7/1965, kết thúc chiến dịch Thuần Mẫn. Trung đoàn chủ lực Ngô Quyền (tức Trung đoàn 10) về đóng quân tại Phú Yên cho đến cuối năm 1969. Như vậy, từ đây trên địa bàn tỉnh ta vừa có dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực của quân khu. Quân số, vũ khí được tăng cường tương đối đầy đủ. Đời sống bộ đội đủ no, có lương thực để dự trữ. Quan hệ giao lưu giữa vùng ta và vùng địch, giữa địa phương này với địa phương khác có dễ dàng, thuận tiện hơn. Ta mở các cửa khẩu mua bán, khơi luồng nhiều nơi, nhiều hướng. Hàng hóa, thực phẩm được đưa từ trong vùng địch ra vùng ta ngày càng nhiều. Địch cũng ít phục kích, bắt bớ xét hỏi, ngăn cấm như trước.

 

Ngoài việc lo cho địa phương, tỉnh ta còn có trách nhiệm nặng nề là tiếp tục chi viện về người, về của như gạo, muối, nông cụ… cho hai tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk và cả lực lượng của Phân khu nam đang đóng trong tỉnh.

 

Tháng 7/1965, Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Suối Cái - Vân Hòa, bàn kế hoạch mở chiến dịch Đông Xuân 1965-1966. Trọng điểm của chiến dịch là đánh vào quân địch ở Tuy Hòa 1, sau đó chuyển hướng ra Tuy An. Để chuẩn bị phục vụ chiến dịch, Ban Giao bưu tỉnh sắp xếp lại tổ chức, tách tổng trạm ra thành một đơn vị trực thuộc Ban Giao bưu tỉnh. Tổng trạm mang mật danh là H1, thường đóng ở vùng Suối Phèn, Róc Hiểm, Dốc Lau, Phong Cao (Sơn Long). Đồng chí Vũ Ngọc Thìn làm trưởng trạm và các đồng chí Lý, Đắng, Mạnh, Long… làm giao liên H1, có nhiệm vụ liên lạc giữa các cơ quan, ban, ngành tỉnh với các huyện Tuy An, Tuy Hòa 2, Sơn Hòa và một số trạm tỉnh ở các cánh như: Trạm Suối Trưởng - An Nghiệp, trạm Ma Dú, trạm Sơn Thành, trạm Ma Đao, H1 qua các trạm khác tùy theo tình hình mà tăng cường để đảm bảo nhiệm vụ. Tùy lúc cũng có sự chuyển đổi mạng lưới cho phù hợp để phục vụ sự chỉ đạo chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng.

 

Các tuyến đường và các trạm được củng cố như sau:

 

Trạm H2: đóng tại Ma Choi, có đồng chí Lý Thy Nam làm trạm trưởng và các đồng chí Quế, Chiến… móc nối trực tiếp với trạm anh Toa, đường dây Trung ương và H1.

 

Trạm H3: đóng ở Suối Cát, còn gọi là trạm “Trảng tranh bốn tiếng”. Trạm thành lập năm 1966, đồng chí Hà làm trưởng trạm và các cô Thừa, Đào, Hương… liên lạc với trạm Ma Choi (H2) và trạm Suối Ché - Tân Lương (H5).

 

Trạm H4: đóng ở Kỳ Lộ, có các đồng chí Trung, Lướt, Hà… liên lạc với H1 và các trạm Sông Cầu, Đồng Xuân.

 

Trạm H5: đóng ở suối Ché - Tân Lương, có các đồng chí Thính, Tuyết, Nghi, Phước… móc nối trực tiếp với H1, Ma Đao (H6) và H4 (Kỳ Lộ).

 

Trạm H6: đóng ở Ma Đao, có đồng chí Vân, Đính… móc nối trực tiếp với Khánh Hòa (tại Dốc Chanh), Tuy Hòa 1 và trạm Trường Lạc (Sơn Thành).

 

Trạm H7: đóng ở Đồng Tròn (An Nghiệp), có các đồng chí Đức, Nhơn… móc nối trực tiếp với H1, Sông Cầu.

 

Trạm H8: đóng ở Hòa Quạt (Sơn Thành), có các đồng chí Ân, Minh… móc nối trực tiếp với H1, Tuy Hòa.

 

Trạm H9: đóng tại Cà - Te (đất tỉnh Gia Lai), móc nối liên lạc với trạm Ma Choi và trạm anh Toa (đường dây Trung ương).

 

Các trạm huyện cũng được tăng cường, củng cố và mang mật danh trạm như sau:

 

Trạm 10: huyện Tuy Hòa 1 đóng ở Bến Đá - Dốc Tháp - Hòn Chảo, có các đồng chí Tám Quát, Năm Bân, Vinh… móc nối trực tiếp với H8, các xã và căn cứ huyện ở miền Đông.

 

H11: Trạm TX Tuy Hòa đặt ở Cẩm Tú - Xuân Hòa, có các đồng chí Vinh, Vân, Thắng, Long… móc nối trực tiếp H1 với các phường trong thị xã.

 

H12: Trạm huyện Tuy Hòa 2 đóng ở dốc Lỗ Chài (Hòa Quang), có các đồng chí Quyết, Thạnh… móc nối trực tiếp H1 với các xã trong huyện.

 

H13: Trạm huyện Tuy An, đóng ở vùng 4 - An Lĩnh, có các đồng chí Vinh, Nuôi, Chấn, Hổ… móc nối trực tiếp H1 và các xã của huyện.

 

H14: Trạm huyện Đồng Xuân thường đóng ở Kỳ Lộ, Đồng Hội, hóc Bà Chuyền, có các đồng chí: Kiểm, Lê, Tài…

 

H15: Trạm huyện Sông Cầu, đóng ở các vùng Hòn Chuông, Trầm Tường, Bình Nông, có các đồng chí: Bình, Hiến, Lực, Minh, Mông… móc nối trực tiếp với H4, H7 và các xã của huyện.

 

H16: Trạm huyện Sơn Hòa, đóng ở vùng Sơn Xuân, Dốc Đỏ, có các đồng chí Hinh, Lâm, Qườn, Sáu… móc nối trực tiếp với H1 và các xã trong huyện.

 

H17: Trạm huyện Miền Tây, móc nối trực tiếp với H1 và đường dây liên khu. Phối hợp với Ban Hành lang tỉnh, đón nhận hàng chi viện từ đường mòn Hồ Chí Minh về tỉnh.

 

Bên cạnh các đường dây chính thường sử dụng, ta còn chuẩn bị trước một số đường dự bị để phòng khi địch càn quét. Ta vẫn giữ vững liên lạc. Đó là các đường từ Ma Choi về Suối Tía đi An Xuân - vùng 1 An Lĩnh hoặc đường từ Suối Ché đi Vân Hòa…

 

CHIẾN DỊCH ĐÔNG XUÂN

 

Đầu tháng 11/1965, Bộ Tư lệnh Phân khu nam tổ chức cuộc họp, có Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự. Cuộc họp đã bàn phương án, kế hoạch tác chiến và hậu cần để mở đầu chiến dịch Đông Xuân 1965-1966. Mục tiêu của chiến dịch là “đánh đau, đánh bại Trung đoàn 47 ngụy. Giải phóng hết nông thôn, đồng bằng, thị trấn, thị xã, quận lỵ, chi khu. Phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ tận hang ổ của địch. Ra sức phát triển thực lực cách mạng; động viên nhân tài, vật lực; thực hiện chính sách chia ruộng đất cho dân nghèo”.

 

Do chủ động trước một bước, Ban Giao bưu tỉnh và Ban Giao bưu các huyện cử một số ít đồng chí trực điều hành công việc hàng ngày. Các đồng chí khác phối hợp với Hội đồng Chi viện tiền phương và Ban Hành lang phân công nhau bám sát các huyện, nhất là hướng trọng điểm: Tuy Hòa 1, đánh quân ngụy suốt năm 1965. Kết quả bộ đội ta đã tiêu diệt một số lớn quân địch tại Gò Mầm (Hòa Bình) và thu hàng tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Chiến dịch mở ra gặp mùa mưa lũ; rất trở ngại cho việc vận chuyển vũ khí, khiêng thương binh, tử sĩ, nhất là ở các đoạn qua sông Bến Lái, Bến Đá, Bến Củi ở phía nam và phía bắc sông Ba.

 

Sau đợt tấn công địch ở Tuy Hòa 1, bộ đội và các lực lượng phục vụ hậu cần chưa được nghỉ ngơi thì đã có lệnh tiếp tục chuyển quân ra hướng Tuy An vào ngày 22/11/1965. Dưới trời mưa lũ, đường đá cheo leo, đèo dốc trơn trợt, rất trở ngại cho việc vận chuyển vũ khí, khiêng thương, dẫn giải tù - hàng binh. Các trạm tiền phương của một số ngành như quân y, dân y, giao bưu… suốt ngày đêm vất vả, căng thẳng dưới làn bom đạn địch. Một số cán bộ, giao liên, dân công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở chiến trường, song không một ai nản chí. Bộ đội tiến đến đâu, anh em đều có mặt sẵn sàng, thu dọn chiến trường gọn đến đó và trở về hậu cứ đúng kế hoạch, nhất là trong trận đánh tiêu diệt 50 xe quân sự của địch từ Tuy Hòa ra Quán Cau.

 

Phối hợp đồng loạt với hai trọng điểm đang đánh địch ở Tuy Hòa 1 và Tuy An, các huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa 2, Sơn Hòa… vừa công đồn vừa phát động quần chúng phá banh gần hết các ấp chiến lược trong huyện.

 

Kết thúc chiến dịch Đông Xuân, ta đã buộc địch trong tỉnh phải co cụm ở bảy điểm: TX Tuy Hòa, Phú Lâm, Củng Sơn, Sông Cầu, La Hai, Xuân Phước, Phú Tân…

 

 

NAM THÀNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek