Tiểu ban Tuyên truyền văn nghệ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên) phụ trách một mảng hoạt động khá rộng gồm tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ, văn công, chiếu bóng, nhiếp ảnh, xưởng in.
Tiểu ban tuyên truyền văn nghệ lúc đầu do đồng chí Phan Văn Nguyên (quê ở Bình Kiến, Tuy Hòa) phụ trách. Cuối năm 1967, đồng chí Lương Thúc Mậu (Tám Yên), Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy hy sinh, đồng chí Phan Văn Nguyên bị địch bắt tại Gò Sân (Tuy Hòa 2), thì đồng chí Nguyễn Phùng (quê ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) được phân công làm Trưởng tiểu ban Tuyên truyền văn nghệ chuyên trách về tờ báo và bản tin (cả TTX qua đài Minh Ngữ).
Tờ báo lúc này chỉ có các đồng chí (Nguyễn Phùng, Trần Thiện Lục, Bằng Tín, Trương Bá Sám (Tư Hóc), sau có thêm đồng chí Lương Thúc Quý (vừa lo công tác văn nghệ). Kế thừa Báo Đoàn Kết trong những năm 1957, Báo Giải Phóng ra đời từ 1960 cho đến ngày Phú Yên giải phóng (1/4/1975). Lúc đầu, khổ tờ báo chỉ bằng tờ lịch bỏ túi (in litho) dần dần bằng trang vở học sinh, rồi 1/2 tờ giấy manh tiến dần lên bằng tờ giấy manh, rồi 2 tờ 9 trang, in litho, từ sau 1969 in typo; từ in một màu sau in ba màu (đen, xanh, đỏ) phục vụ đồng bào trong tỉnh, các ngày lễ, tết, ra hàng tháng với số lượng từ 50 tờ đến 300 tờ mỗi kỳ; không những phục vụ cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh mà còn giao lưu với các tỉnh bạn: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kom Tum và còn gửi cho Báo Cờ giải phóng Khu 5 và Báo Nhân Dân ở Hà Nội. Đội ngũ cộng tác viên cũng khá đông đảo gồm anh em trong các cơ quan ở tỉnh, các đơn vị bộ đội công tác, như nhà thơ Văn Công, Thanh Quế, Trần Vũ Mai, Hoàng Tất Thắng, Nguyên Lưa, Lê Quang Chiểu, Lê Thị Lan Anh, Hương Giang, Phương Lan, Phương Yến, Hà Thành, Đông Thụ, Cao Cường…
Bản tin ra mỗi tuần một số gửi đến các xã bao gồm nhiều mặt hoạt động, cả phía trước và phía sau. Một số đồng chí Lương Thúc Quý (quê ở Hòa Hiệp - Tuy Hòa), Vũ Trung Uyên (quê ở An Định, huyện Tuy An), Lê Đìa… tham gia và do đồng chí Quý phụ trách.
Đội vũ trang tuyên truyền gồm một số đồng chí như: Trịnh Quốc Bình (quê ở Hòa Phong - Tuy Hòa 1), Nguyễn Trung Thành, Thiện Đình Tân, Lê Đức Nhụy (quê miền Bắc), Triệu Chính Duật… luồn sâu vào vùng tranh chấp, sát nách địch, thức tỉnh đồng bào vùng dậy đấu tranh.
Từ năm 1962, các đội văn công ở Tỉnh ủy và Tỉnh đội được thành lập. Đến cuối 1967, hai đội này sáp nhập làm một: lấy tên Đội Văn công giải phóng Phú Yên với nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đi phục vụ khắp nơi, không những ở vùng căn cứ giải phóng mà cả vùng tranh chấp sát nách địch. Ngoài ra, đội còn phục vụ các kỳ hội họp lớn. Các đồng chí Nguyễn Văn Long (quê ở Tuy Hòa), Trần Thế Linh (quê ở huyện Tuy An), Bùi Văn Nhĩ (quê ở Xuân Phước, huyện Đồng Xuân), Nguyễn Ngọc Thừa được phân công làm đội trưởng. Nhiều tiết mục tuồng như: “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Trần Bình Trọng”, “Tuy Hòa Đồng Khởi”, nhiều vở dân ca kịch như “Gia đình má bảy”, “Ông Táo quân”, “Tấm ảnh đánh rơi”, nhiều câu bài chòi về “Tấm gương chị Lý”, về “Lưu Văn Liêu đánh sập cầu Ngân Sơn”… đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ngưỡng mộ.
Đội chiếu bóng có từ năm 1965 có các đồng chí: Ngô Đông Kí, Miên, Tấn, Nghĩa, Nhật, Ban, An (quê ở miền Bắc). Đội được trang bị máy nổ chạy xăng từng phục vụ đồng bào, chiến sĩ nhiều nơi trong tỉnh với những bộ phim “Đời hoạt động của Bác Hồ”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Nổi gió”, “Chị Tư Hậu”, “Nghêu, sò, ốc, hến”, “Lửa trong tuyến”… làm náo nức người xem.
Về hội họa có các đồng chí Trần Tấn Nông (bút danh Hồng Sơn, quê ở Bình Kiến), Nguyễn Thành (bút danh Diệu Hiền, quê ở Hòa Trị) - khắc gỗ có đồng chí Nguyễn Tấn Đích (quê ở Sông Cầu) cùng đồng chí Nguyên Ngọc được Khu tăng cường chuyên lo phục vụ cho tờ báo, trang trí các kỳ đại hội, các cuộc hội họp… Về nhiếp ảnh thì có các đồng chí Nguyễn Hưng Bưu (quê ở Tuy Hòa), Lê Minh Hoa (quê ở Hòa Thịnh), Hà Bình, Tấn Ba…
Tháng 4/1975, Ty Thông tin Văn hóa Phú Yên được thành lập do đồng chí Nguyễn Phùng (quê ở Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) làm Trưởng ty. Ngoài tờ báo Giải Phóng, đội chiếu bóng, nhà in như trước đây thì có thêm thư viện gồm các đồng chí Dương Thái Nhơn (quê ở Hòa Thịnh), Nguyễn Như, Tuyết Mai cán bộ bổ sung thêm, do đồng chí Dương Thái Nhơn phụ trách. Sau đó, thư viện được đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương (tỉnh kết nghĩa với Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) vào giúp đỡ một phần về trang thiết bị lẫn nghiệp vụ với hàng nghìn quyển sách (do đồng bào Hải Dương đóng góp), thư viện đi vào hoạt động. Tên “Thư viện Hải Phú” có từ đó, và cũng để ghi nhớ mối tình gắn bó thủy chung giữa đồng bào hai tỉnh Phú Yên, Hải Dương kết nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ. Nhằm phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là vùng nội ô TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa), Ty Thông tin văn hóa tiến hành xây dựng đài truyền thanh (nằm trên gác 2), số 51 Duy Tân với hàng trăm loa gia đình và công cộng, dài gần 5 cây số đường dây do các đồng chí: Thị Chiến, Kỳ, Tuyền… do đồng chí Chiến phụ trách và tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.
(Trích hồi ký đồng chí Nguyễn Phùng - Nguyên Trưởng ty Thông tin văn hóa Phú Yên)