Thứ Tư, 27/11/2024 07:28 SA
Tự hào truyền thống cách mạng ngành In - Xuất bản tỉnh Phú Yên
Thứ Sáu, 23/10/2015 09:00 SA

Một trong những chức năng quan trọng của ngành In - Xuất bản là thực hiện chức năng quản lý các hoạt động in, xuất bản, báo chí. Trước khi có Sở TT-TT, chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực này thuộc Sở VH-TT, sau Cách mạng Tháng Tám là Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên.

 

Trước khi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên ngày 5/10/1930, người đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh, Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Thị Nghè (Sài Gòn), được tổ chức Đảng phân công về Phú Yên hoạt động.

 

Đồng chí Phan Lưu Thanh - một công nhân làm việc ở xưởng đóng tàu Ba Son - đã học thêm ngành In để phục vụ cách mạng. Trở về quê nhà La Hai, huyện Đồng Xuân, đồng chí Phan Lưu Thanh tập hợp nhiều thanh niên yêu nước đi tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cộng sản.

 

Đồng chí Phan Lưu Thanh đã cùng những thanh niên yêu nước in và bí mật rải truyền đơn ở tỉnh lỵ Sông Cầu nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930). Sau đó, truyền đơn cách mạng do đồng chí Phan Lưu Thanh soạn thảo và in ấn xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh.

 

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, công tác in ấn có vai trò trọng yếu đối với Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1931, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phan Lưu Thanh được Xứ ủy Trung kỳ điều động làm Trưởng ban ấn loát của xứ ủy.

 

Người thay đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Trần Toại (Kim Tương) trực tiếp soạn thảo một thư hiệu triệu bằng chữ Nho, kêu gọi đồng bào đánh đổ đế quốc Pháp (Hiệu triệu đồng bào đả đảo Pháp đế thư). Thư hiệu triệu này được Ban ấn loát in hàng ngàn bản, phổ biến rộng rãi trong ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

 

Các Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kế tiếp như Trần Hào, Huỳnh Nựu, Trương Kiểm (Trương Chí Cương) đều coi trọng công tác ấn loát để phục vụ tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên tổ chức các cơ sở in để phục vụ công cuộc kháng chiến. Nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng) - Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên đã chỉ đạo xuất bản ấn phẩm cách mạng đầu tiên của tỉnh Phú Yên; tập san “Mùa đông binh sĩ” kêu gọi toàn dân ủng hộ bộ đội Nam tiến để giữ vững nền độc lập non trẻ vừa giành được.

 

Đầu năm 1946, nhà giáo Bùi Xuân Các - Trưởng ty Kiểm duyệt Sở TT-TT Trung Bộ được cấp trên điều về Phú Yên làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Nhà giáo Bùi Xuân Các đã cùng các cộng sự lặn lội ra Hà Nội mua chữ chì và các thiết bị về Phú Yên xây dựng nhà in Tú Phương - nhà in chính thức của tỉnh Phú Yên sau Cách mạng Tháng Tám.

 

Nhà in Tú Phương tồn tại suốt chín năm kháng chiến, di chuyển thường xuyên theo tình hình chiến sự, tổ chức in ấn tờ báo Chiến Thắng (tiền thân của Báo Phú Yên ngày nay) xuất bản số đầu tiên vào ngày 19/8/1946 và các tờ báo kế tiếp như Cứu quốc khu VI, Phấn Đấu, Sức Mới. Nhà in Tú Phương đảm nhận in ấn tất cả ấn phẩm của các cơ quan quân chính Đảng trên địa bàn Phú Yên suốt chín năm kháng chiến.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm tháng khó khăn nhất của Cách mạng miền Nam, đầu năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức xây dựng cơ sở in tại chiến khu bằng nguyên liệu tại chỗ để in tờ báo Đoàn Kết - phát hành đến các chi bộ Đảng bí mật hợp pháp trong vùng địch kiểm soát.

 

Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960), tờ báo Đoàn Kết được đổi tên là Giải Phóng - cơ quan Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Phú Yên. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Lương Thúc Mậu (Tám Yên) đã tổ chức một cơ sở in litho (thạch bản) để in báo và các tài liệu tuyên truyền. Năm 1965, vùng giải phóng mở rộng, Khu ủy V cấp cho một ít chữ chì để xưởng in tổ chức in typo. Cơ sở in này hoạt động đến ngày giải phóng (1/4/1975). Các công nhân in qua các giai đoạn khác nhau giờ vẫn còn một số chứng nhân lịch sử như Đinh Phước Đào, Lê Trung Lý, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Hữu Tụ, Phan Minh Sum…

 

Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng được tặng một máy in ốp-sét hiện đại. Thời điểm ấy sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Máy in ốp-sét được chuyển vào Nha Trang để xây dựng nên Nhà in Báo Phú Khánh. Ngày 1/7/1989, máy in ốp-sét này được giao về Phú Yên để thành lập Nhà in Báo Phú Yên và sau đó đổi tên là Xí nghiệp In tổng hợp Phú Yên tồn tại cho đến ngày nay với tên mới là Công ty cổ phần In - Thương mại Phú Yên.

 

Những ấn phẩm do Sở TT-TT cấp giấy phép xuất bản trong 10 năm qua đã phần nào khẳng định tầm quan trọng và bề dày truyền thống của ngành. Xuất bản ngày càng trở thành nhân tố không thể thiếu, là một bộ phận quan trọng trong hoạt động văn hóa, xã hội. Và chính trình độ văn hóa chung của xã hội, sự phát triển của văn học nghệ thuật và khoa học có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của xuất bản.

 

Trong hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ, ở chiến khu với vô vàn khó khăn gian khổ cũng có nhiều tập thơ, văn nghệ, ký được xuất bản. Sau khi đất nước thống nhất, các xuất bản phẩm xuất bản đã góp phần hiệu quả trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, phản ánh cuộc đấu tranh về sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa; góp phần khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phản ánh đường lối, chính sách quan điểm của Đảng trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế. Đến thời kỳ đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các xuất bản phẩm đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế.

 

Hoạt động xuất bản - báo chí đang tiếp tục giữ vai trò quan trọng, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tâm hồn, bản lĩnh của các thế hệ người Việt Nam. Ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In và Phát hành, điểm qua các mốc để thấy tự hào và là động lực để phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành trong việc quản lý điều hành, chỉ đạo hoạt động xuất bản in ấn. 

 

PHƯƠNG MAI

(Sở TT-TT Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek