Tháng 5/1956, là thời kỳ cao điểm Mỹ - Diệm đang tập trung lực lượng bắn phá tan tác “tẩy não” đảng viên cộng sản và những người tham gia kháng chiến. Trong lúc địch sơ hở, Ma Tôi và vợ trốn thoát chạy lên Thồ Lồ tìm tôi xin đi làm công tác. Tỉnh đồng ý tăng thêm một người làm giao liên viên kẻo một mình tôi không đủ sức nhưng chỉ nhận chồng còn vợ Ma Tôi thì cho tá túc với nhân dân làng Ma Tư.
Đồng chí Cao Xuân Thiêm trên đường công tác ở chiến khu Phú Yên |
Nhà Ma Tôi ở thoi loi tít tận rừng xa. Một hôm, trạm giao liên đi vắng hết, chỉ còn lại có mình tôi, tự nhiên vợ Ma Tôi chạy đến kêu đau bụng rồi chuyển dạ sinh. Với tôi, một thanh niên chưa lập gia đình, xa nhà chinh chiến trên mười mấy năm thì đây là một biến cố! Đúng là chuyện trên trời rớt xuống. Giữa rừng núi hoang vu không một chút hiểu biết gì về y tế, tôi vô cùng bối rối. Biết làm sao bây giờ! Chạy vào làng gọi lũ làng ra đây thì “lộ bí mật”. Nếu không vào nhà dân thì chắc chắn khó mà “mẹ tròn con vuông”. Làm sao bây giờ?
Tôi vò đầu bứt tai, chạy ra, chạy vào; mặt mày tái nhợt.
Vợ Ma Tôi quằn quại như “vỏ cây dương bị lửa cháy”, mồ hôi đầm đìa, mắt lờ đờ… nếu chị có chuyện gì thì Ma Tôi trở về sẽ sống ra sao?
Sực nhớ tới lọ thuốc đỏ, mấy vỉ thuốc kháng sinh còn để dành, tôi tự nhiên thấy yên tâm.
Vừa lúc cháu bé “lọt lòng” cất tiếng khóc oe oe, tôi vội bế lấy thằng cu, lau chùi sạch sẽ rồi đặt lên tấm võng vải, dùng dao lam hơ lửa, khử trùng bằng thuốc đỏ cắt rốn cho cháu, xong đâu đấy chạy vào rừng hái ít loại lá, đào ít rễ cây mà có lần tôi thấy mấy người đàn bà dân tộc sắc uống.
Lòng tôi trào lên một tình cảm yêu thương, xót xa. Mệt lả, gục thiếp đi trong cơn mơ, tôi còn chập chờn nghe tiếng của đứa bé.
Ba hôm sau, Ma Tôi ôm chặt lấy tôi, sung sướng cười nghẹn ngào không thành tiếng.
Chưa kịp hàn huyên câu chuyện với Ma Tôi thì công văn khẩn đến. Tôi vội trao đổi, bàn giao một số công việc cho Ma Tôi để trở lên tỉnh ngay. Một mình tôi lại băng rừng, lội suối, cõng gạo, sắn trên lưng ba ngày đường mới tới văn phòng Tỉnh ủy bí mật.
Chân ướt, chân ráo bước vào nhà. Tôi đinh ninh trong bụng là có chuyện gì hệ trọng lắm nên mới có công văn khẩn, nào ngờ gặp anh Ba Vinh thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho Chi bộ Thồ Lồ Ma Dú. Nội dung: “Phải chăm sóc bảo vệ an toàn chị H - cán bộ phụ nữ tỉnh ở lại hoạt động. Chị H đang đau ốm và sắp trở dạ sinh con… Anh Sơn - chồng chị H đang công tác ở vùng sâu không thể về được.
“Công văn khẩn”, nhiệm vụ nặng nề của Thường vụ giao hóa ra chỉ ngần ấy chuyện! Tôi sững người. Vừa mới qua một cơn thử lửa, chưa kịp rút kinh nghiệm, lại tiếp tục thử thách thêm. Thật oái oăm. Cũng may lần này tỉnh mới bổ sung thêm đồng chí Dung, phụ trách Trạm giao liên Ma Dú đóng tại chóp núi La Hiên cao hơn 1.200m so với mặt nước biển “canh giữ” chị H tại đó. Trạm này ngoài đồng chí Dung còn có anh Toại. Thôi thì cứ tạm yên tâm.
… Đêm ấy chị H chuyển dạ sinh. Mặc dù địch ra sức lùng sục các buôn làng xung quanh, trạm thì thiếu thốn đủ thứ nhưng lần này chị H sinh cháu thuận lợi hơn vợ Ma Tôi. Có anh Dung cán bộ đứng tuổi, đã có vợ con… ít nhiều cũng có kinh nghiệm nên tôi cũng đỡ lo. Lần này anh Dung làm “bác sĩ” còn tôi đóng vai “hộ lý”, công việc chủ yếu đã có “bác sĩ” Dung.
Chị H sức yếu, rặn đẻ không được mạnh, nên khi thằng cu đã lọt lòng rồi mà cuống nhau vẫn chưa ra hết, chị vẫn đau, tiếng rên mỗi lúc mỗi yếu dần. Anh Dung lo lắng nói với tôi:
- Con nhỏ này yếu quá, chẳng may có chuyện gì thì không biết hai đứa mình mần ăn ra sao đây để nuôi thằng bé, gay quá!
Tôi bàn với anh Dung:
- Tôi là loại thanh niên chay, chẳng biết gì về chuyện này, hơn nữa cũng mắc cỡ chết đi được; Anh thử vào lấy tình chú cháu, động viên chị ấy gắng lên, ráng rặn mạnh vài cái thử xem sao. Tôi tin thế nào cái nhau cũng ra.
Anh Dung thở dài lo lắng:
- Thôi được, cậu bế cháu, ôm nó nhè nhẹ thế này… rồi rung rung cho nó ngủ theo kiểu các bà nhà quê mình thường ẵm cháu; để thằng bé khóc lâu vừa hại sức khỏe, tội thân cho nó, vừa không có lợi, lỡ dân làng đi thăm rẫy họ nghe được thì nguy.
Nói đoạn, anh quay vào buồng động viên chị H:
- H ơi! Thử ráng thêm chút nữa nghe! Mày có thương con mày, thương thằng Sơn, thương lũ tao ở đây thì mày chịu khó rặn thêm chút nữa! Thằng cu con mày trông khá lắm! Nào gắng lên… Một! Hai! Ba!
Mặt chị H tái nhợt. Vóc người vốn mảnh mai, hơn nữa lâu ngày mang bầu lại ở núi, chẳng có thứ gì bồi dưỡng cả cho nên hầu như kiệt sức. Nghe tiếng con khóc, lòng mẹ cũng rưng rưng. Đứa con trai đầu lòng ra đời giữa núi rừng, giữa tình thương bạn bè đồng chí; cảnh ngộ tuy có éo le nhưng cũng đầy tình nghĩa. Chị H lấy lại được sức, cố gắng một lần cuối cùng. Lòng người mẹ quyết vượt cạn, băng qua cửa tử để sống với con.
- Xong rồi!
Không biết tiếng ai đó đã kêu lên! Hai người đàn ông cùng thở phào nhẹ nhõm.
Đêm miền Tây càng về khuya càng sâu lắng. Thằng bé đã thôi khóc.
Tôi nói với người bạn lớn tuổi hơn mình:
- Anh Dung, như vậy là mẹ tròn, con vuông rồi đấy. Bây giờ phải tìm chút gì bồi dưỡng cho chị ấy.
- Ờ! Ờ!... anh Dung đáp lại. Từ nay cho đến khi thằng bé đầy tháng rồi sau đó… làm sao cho cháu có sữa bú chứ. Gay go đấy!
Tôi tiếp lời anh Dung: - Chỉ còn cách là tôi, Ma Tôi, thằng Minh nữa, hàng tháng qua đây đưa tài liệu hai ba lần hễ kiếm được thứ gì thì cứ gửi sang. Còn các anh ở nhà ráng đi câu cá, hái nấm, làm cạm bẫy, bẻ măng về nuôi mẹ con nó. Chỉ có cách ấy thôi anh Dung ạ!
Chiều hôm sau, không hẹn mà gặp, anh Năm Phổ - Bí thư Tỉnh ủy, trên đường đi công tác ghé vào nghỉ đêm. Nghe tin chị H sinh cháu trai, anh Năm Phổ mừng lắm. Anh bảo cậu Sính cần vụ lấy ngay hai hộp sữa cho chị H. Vừa bế thằng cu Rừng, vừa khen ngợi động viên “tinh thần đoàn kết thương yêu nhau” của các đồng chí trong trạm giao liên Ma Dú...
Bên bếp lửa cháy bập bùng, câu chuyện về cu Rừng tự nhiên say lòng người. Anh em ở Thồ Lồ, Ma Dú tuy nói không ra hết ý nghĩ của mình, nhưng người nào cũng chung một ý nghĩ: Không biết qua cuộc đấu tranh khốc liệt này rồi ai còn, ai mất? Người đó cần kể lại cho chú bé nghe câu chuyện cổ tích về “Bé Rừng ra đời tại núi La Hiên”. Khi bé ra đời trong trạm chỉ còn vỏn vẹn vài lon gạo, nhưng mấy bác, mấy chú nó, những đồng chí của ba nó không để cho nó lạnh, không để má con nó đói cơm khát sữa.
Người mủi lòng nhất đám “anh em giao liên” đêm ấy là anh Dung. Anh nhớ tới đứa con gái út của anh năm nay lên mười hai tuổi, hiện đang học tại Trường cấp hai Đông Triều. Cùng đi tập kết với con anh còn có mấy đứa cháu nữa đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp ba ở ngoài Bắc. Sống trong lòng miền Bắc được bà con ngoài ấy thương yêu ấp ủ, được Đảng và Bác Hồ nuôi dưỡng đến khi trưởng thành liệu chúng nó có hiểu được tấm lòng của đồng bào miền Bắc? Liệu chúng nó có hiểu được những đắng cay chua chát mà ba má, bà con chúng nó không? Con người ăn trái ngọt cũng có khi quên người trồng cây. Tôi chỉ lo ngại chuyện đó…
Anh Dung dừng lại, đăm đăm nhìn những hòn than đỏ trong bếp lửa. Ngọn lửa hiu hiu cháy. Thêm củi vào, anh cúi đầu xuống thổi. Ngọn lửa lại bùng cháy soi rõ mặt người.
PHAN THANH
(ghi theo lời kể đồng chí Cao Xuân Thiêm -nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)