Đầu năm 1966, Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo thành lập tiểu đoàn đội thanh niên xung phong tập trung tại vùng 8, xã An Lĩnh, huyện Tuy An do Hội đồng chi viện tiền phương tỉnh Phú Yên phụ trách gồm ba đại đội, lúc đầu thành lập hai đại đội phía bắc tỉnh, tháng 7/1966 thành lập ba đại đội ở phía nam tỉnh.
Thanh niên xung phong Phú Yên phục vụ chiến trường |
Đại đội 1 gồm thanh niên hai huyện Sông Cầu, Đồng Xuân do đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (xã Xuân Sơn) làm Đại đội trưởng, đồng chí Nở (xã Xuân Cảnh) làm Đại đội phó, đồng chí Lê Thái Bình (xã Xuân Thọ) làm chính trị viên. Đại đội 2 là thanh niên xung phong huyện Tuy An do đồng chí Ngọc làm Đại đội trưởng, đồng chí Xem (xã An Định) làm Đại đội phó, đồng chí Mai Văm Minh (xã An Ninh) làm chính trị viên. Đại đội 3 là thanh niên xung phong huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 do các đồng chí Đào, Mơ và Bông phụ trách.
Tỉnh ủy Phú Yên cử đồng chí Trần Thanh Hương (Năm Đắt) làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Hiệp (An Nghiệp, Tuy An), đồng chí Kim (Sông Cầu), đồng chí Lan làm Tiểu đoàn phó.
Cán bộ tiểu đoàn gồm có chú Bảy Tuệ làm tài vụ, đồng chí Nam làm quản lý, đồng chí Hoài làm y sĩ và các đồng chí Đức, Bình, Cán. Nhiệm vụ của tiểu đoàn thanh niên xung phong tập trung là phục vụ vận chuyển lương thực, muối, vũ khí, tải thương.
Nhiệm vụ đầu tiên của lực lượng TNXP là phục vụ bộ đội mở trận đánh Mỹ ở Gò Thì Thùng, Bằng Chính, Gò Dũng, Hòn Đồn, Hòn Ngang...
Từ tháng 3 đến tháng 5/1966, Trung đội Sông Cầu thuộc Đại đội 1 phối hợp với Trung đoàn Ngô Quyền vận chuyển 100 tấn gạo về kho A (kho của tỉnh). Gạo được vận chuyển từ Tuy An giao về kho A của tỉnh để tỉnh cấp cho Trung đoàn Ngô Quyền.
Trung đội Đồng Xuân (thuộc Đại đội 1) nhận vũ khí ở trạm Ông Toa (Gia Lai) vận chuyển về Phú Yên (trạm Ông Toa cách trạm cuối của Phú Yên hai trạm) giao cho Tiểu đoàn 85 Tỉnh đội Phú Yên.
Lực lượng TNXP cùng bộ đội Trung đoàn Trần Hưng Đạo nhận muối ở Xuân Lộc, Sông Cầu phục vụ các trận đánh Gò Thì Thùng, Gò Dũng, Bằng Chính... lực lượng TNXP còn đảm nhận chuyển thương binh về Gộp Dốc Quạ ở vùng 8, xã An Lĩnh - nơi đặt Trạm xá Y13 huyện Tuy An do bác sĩ Huệ làm Trạm xá trưởng, Trạm xá Y14 huyện Sơn Hòa đóng ở Trại Cháy, xã Xuân Sơn do bác sĩ Hiển làm Trạm xá trưởng, trạm xá Trung đoàn Ngô Quyền đóng ven sông Hà Đang đầu nguồn sông Kỳ Lộ.
Tháng 7/1966, Tiểu đoàn TNXP tập trung đóng quân ở ven sông Trà Bương (xã Sơn Hội), thời gian này tiểu đoàn không còn trực thuộc Hội đồng Chi viện tiền phương tỉnh Phú Yên mà trực thuộc Quân khu V. Quân khu cử đồng chí Liêm về giảng bài, học tập lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ, xác định quyết tâm của lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu lâu dài bởi “chiến tranh có thể kéo dài mười năm, mười lăm năm hoặc lâu hơn nữa”.
Lúc mới gia nhập lực lượng TNXP tập trung, tôi được phân công làm tiểu đội trưởng, sau khi thành lập Tiểu đoàn TNXP tập trung, tôi được phân công làm Trung đội phó Trung đội Sông Cầu (đồng chí Hùng quê ở Xuân Phương làm Trung đội trưởng).
Tiểu đoàn TNXP tập trung nhưng phân tán nhiều đơn vị nhỏ phục vụ rất nhiều công việc khác nhau.
Năm 1967, tôi được phân công cùng một số đồng chí ra căn cứ Khu ủy V nhận thuốc tây ở K7 (Quế Sơn, miền tây Quảng Nam). Cùng đi với đoàn có hai đồng chí ở Ban Y tế tỉnh. Đồng chí Đào cũng được cử ra Khu ủy V nhận tiền mang về cho tiểu ban Ngân tín (trực thuộc Ban Tài mậu tỉnh).
Đường công tác ra căn cứ Khu ủy V vô cùng hiểm nguy, gian nan, vất vả, cả đi và về mất ba tháng ròng. Đoàn vượt đường 19 là gian nan nhất bởi địch bố phòng dày đặc, tuần tiễu suốt ngày đêm. Mỗi người đi công tác ra Khu V chỉ mang theo muối, gạo, bột ngọt... dọc đường hái thêm rau rừng, mót sắn ở các rẫy để cải thiện bữa ăn. Ai đã từng ở chiến trường Khu V (Nam - Ngãi - Bình - Phú) ngày ấy đều thuộc câu ca dao kháng chiến:
Ruồi vàng, muối bạc, vắt kim cương
Đèo cao, mang nặng là chiến trường khu năm
Ruồi vàng ở rừng sâu núi cao cắn vào người chỉ một nốt đen nhưng sinh ghẻ lở, rất lâu lành. Muỗi bạc cánh trắng đốt vào người là bị bệnh sốt rét. Vắt kim cương là thứ vắt xanh ẩn trên lá cây ven đường giao liên, loại vắt này búng vào người là cắn no máu làm máu chảy cả ngày. Thứ vắt kim cương này rất nguy hiểm so với vắt dưới mặt đất có màu đen. Đường ra K7 (Quế Sơn) - căn cứ nhận hàng vô cùng gian nan. Vượt đường 19 là một thử thách nghiệt ngã. Đi hết tỉnh Bình Định là đến trạm Ông Hương, bên kia là sông Thò Lò (Quảng Ngãi), đi tiếp đường Ông Dũng, lên dốc và xuống dốc đều mất cả ngày mà dốc thì chập chùng. Qua khỏi sông Tranh chảy xuống Trà My (Quảng Nam), đi hai ngày nữa mới tới K7 (nơi nhận thuốc). Mỗi chuyến hàng mang 50kg thuốc, cộng với tư trang 10kg, mỗi TNXP, kể cả nữ, phải thồ cõng 60kg vượt đèo dốc gần 400 cây số. Dọc đường bị bệnh sốt rét cũng phải nỗ lực bám theo đoàn. Đi năm ngày thì nghỉ một ngày, trên đường nhiều anh chị em bị sốt rét liên miên, nhưng ai cũng gùi cõng khá nặng, không thể san sẻ cho nhau. Tôi cùng đồng đội TNXP Phú Yên về khu nhận thuốc ba chuyến. Sau đó có hai chuyến nhận tiền ở K5 (Quảng Ngãi) ở đầu nguồn sông Ba - nơi ba nhánh sông hợp lưu về sông Ba đầu nguồn ở vị trí giáp ranh tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Ngoài các chuyến chuyển hàng từ khu về tỉnh, tôi và đồng đội thường xuyên về các cửa khẩu nhận lương thực, vận chuyển ở kho chính, bám sát bộ đội phục vụ chiến đấu, chuyển thương binh về phía sau. Cứ mỗi thương binh có bốn TNXP phục vụ gồm hai người khiêng thương binh, hai người mang ba lô cho chính mình và cho thương binh.
Năm 1969, lực lượng TNXP chủ yếu vận chuyển vũ khí ở trạm Ông Toa (Gia Lai). Đường đi cũng khá gian nan, qua khỏi trạm Dốc Thơm (Phú Yên) là đến trạm Ông Chiến, rồi đến trạm Ông Toa nhận đạn AK (thùng 10kg), đạn pháo (thùng 15kg). Hết chuyển đạn là đi các cửa khẩu vận chuyển lương thực, thuốc men, muối, vận chuyển bom lép cho công binh xưởng của Tỉnh đội để sản xuất lựu đạn, bộc phá...
Sau Tết Mậu Thân, lực lượng TNXP có nhiều tổn thất, được biên chế thành hai đội trực thuộc Ban Hành lang tỉnh (sau này đổi tên là Ban Giao vận). Lúc này, do lực lượng mỏng nên Quân khu V bàn giao lực lượng TNXP trên địa bàn cho tỉnh Phú Yên trực tiếp quản lý.
Năm 1973, lực lượng TNXP tập trung làm đường, chuyển vũ khí, có xe thồ, thuyền và ô tô tải. Lực lượng TNXP đã làm đường Phước Tân lên Krông Pa, từ Krông Pa qua Khánh Dương nối thông với đường 14 (Đắk Lắk) để nhận vũ khí ở căn cứ B3 (giáp với biên giới Việt Nam - Campuchia). TNXP Phú Yên mở đường từ Hòn Lép lên Đắk Lắk giáp với đường Hồ Chí Minh, làm đường vận chuyển gỗ mun xây lăng Bác Hồ giao cho Khu V ở B3 (Tây Nguyên). Trong tỉnh, TNXP làm đường từ Vân Hòa xuống Lỗ Vàng, Lỗ Rong, từ Vân Hòa xuống An Thọ, Hòa Đa, làm đường từ Sơn Định ra Xuân Phước, từ Cà Lúi đi Buôn Ken và nhiều con đường nối thông với tỉnh lộ 7 để chuyển quân và chuyển vũ khí.
Đơn vị TNXP ở Sơn Thành, Lạc Đạo, sông Chống Gậy chủ yếu sống bằng môn vóc, rau sam, cây đát, củ chuối... đói cơm, lạt muối là lẽ thường tình.
Nhiều đồng chí, đồng đội đã qua trải tuổi xanh với núi rừng, dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ nhưng chưa tìm được hài cốt như đồng chí Lan, đồng chí Cơ hy sinh ở cầu Lạc Mỹ. Cuộc chiến đã lùi xa 40 năm, một thời TNXP hào hùng trong lửa đạn chiến tranh vẫn còn vang vọng mãi cùng non sông đất nước, để lại cho hậu thế một gia tài tinh thần vô giá về một thời xả thân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để có cuộc sống hôm nay.
TRƯƠNG THỊ MAI
Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Sơn Hòa