Thứ Năm, 25/04/2024 17:07 CH
Hòa Đồng - từ mùa khô 1967 đến Tết Mậu Thân 1968
Thứ Sáu, 24/07/2015 08:02 SA

Bộ đội ta hành quân chuẩn bị cho tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tư liệu

Bước vào mùa khô năm 1967, từ ngày 15/3 đến 8/4/1967, địch tập trung quân và phương tiện chiến tranh mở hai cuộc càn quét lớn ở Phú Yên lấy tên là “A đam 1” và A đam 2” tiếp tục “tìm diệt” và “bình định”.

 

Trên chiến trường huyện Tuy Hòa 1, địch tập trung đánh phá vùng giải phóng, vùng căn cứ, tấn công ác liệt các cơ quan, kho tàng, hành lang, cửa khẩu; xây dựng vùng trắng hòng “tát nước bắt cá”, tách nhân dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng. Chúng tổ chức cuộc càn lớn, đánh phá ác liệt xã Hòa Tân và vùng phía nam xã Hòa Đồng.

 

Tại Hòa Đồng, chúng tàn phá, triệt hạ về kinh tế, rải chất độc hủy hoại mùa màng và sự sống, đưa dân vào các trại tập trung. Cả xã xơ xác vì chất độc hóa học, xóm làng trở thành một cánh đồng hoang, các nền nhà đầy cỏ dại. Bọn lính Nam Triều Tiên lại gây thêm tội ác mới, giết thả xuống giếng 13 người dân ở Hòa Đồng, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai.

 

So với mùa khô trước, cuộc phản công chiến lược mùa khô 1967 của địch ít gây tổn thất đối với Hòa Đồng. Bởi cán bộ và nhân dân trong xã đã có kinh nghiệm đối phó với địch. Và một lẽ đơn giản khác, mùa khô trước chúng giết hại nhiều quá, số dân còn lại phần lớn đều bị dồn vào các trại tập trung, khu dồn dân, nên mùa khô này chúng còn rất ít đối tượng để sát hại. Hơn nữa, du kích còn bám trụ ở xã lúc này đều là những chiến sĩ qua thử thách, gan dạ, mưu trí khiến quân địch luôn trong tư thế đối phó với các trận tập kích bất ngờ của ta nên chúng khó bề sát hại quân và dân Hòa Đồng.

 

Đêm 16/9/1967, đội công tác xã Hòa Đồng phối hợp với đội vũ trang của các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ và Đại đội 377 của huyện, Tiểu đoàn 14 (thuộc Trung đoàn Ngô Quyền) đánh địch ở Phước Mỹ, Cầu Máng, Phước Bình, thọc sâu xuống Phước Lộc diệt bọn bảo an, dân vệ, đánh sập trụ sở hội đồng hương chính xã Hòa Thành, rồi rút về Hòa Tân. Bọn địch đánh hơi biết được lực lượng của ta đứng chân ở Hòa Tân nên mở đợt càn quét lớn, có máy bay yểm trợ; đánh vào vùng phía nam xã Hòa Đồng và xã Hòa Tân. Ta chiến đấu suốt 15 ngày, nhiều đồng chí bị thương vong, nhưng ta vẫn giữ trận địa.

 

Trận đánh nói trên đã tạo thế cho nhân dân đấu tranh đòi trở về làng cũ sinh sống, làm ăn. Bà con tẩy chay “ấp tân sinh” của địch - thực chất là trại quản thúc trá hình, không khác gì “ấp chiến lược” thời Diệm. Nhiều bà con bị dồn ở Hòa Thành, đường 5 đấu tranh về trở lại Vinh Ba - Hòa Đồng.

 

Lúc này, lực lượng du kích, đội công tác và du kích mật của xã Hòa Đồng không chỉ hoạt động trên địa bàn xã, mà còn bám theo các cơ sở của Hòa Đồng đang sống trong các khu tập trung, phối hợp với các lực lượng của huyện và các xã bạn, liên tục tổ chức diệt ác phá kèm ngay trong lòng địch. Nổi bật nhất là những trận phối hợp cùng một bộ phận của Đại đội 377 luồn sâu đánh vào khu chiêu hồi, sân bay Đông Tác, quận lỵ Phú Lâm…, trừng trị nhiều tên phản bội, đầu hàng và bọn ác ôn, tạo thế cho bà con đấu tranh hợp pháp trở về làng cũ. Các cơ sở hợp pháp ở Vinh Ba tổ chức có hiệu quả việc mua hàng hóa, thuốc men, lương thực… tiếp tế cho vùng căn cứ.

 

Tháng 7/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài cần phát huy chiến thắng to lớn trong mùa khô vừa qua, ra sức đẩy mạnh những cố gắng chủ quan của ta đến mức cao nhất nhằm giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn…”.

 

Tháng 12/1967, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng về phương hướng chiến lược mới và kiểm điểm, đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Phú Yên. Quyết tâm của Tỉnh ủy là: “Tập trung lực lượng hướng vào trọng tâm thị xã, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện phương châm tổng công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã”. Đối với các huyện, phối hợp đánh sâu vào quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần của địch, đập tan bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

 

Để tiếp tục đưa cách mạng miền Nam giành những thắng lợi quyết định, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIV (khóa III) đã đi đến một quyết định lịch sử: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Nghị quyết hội nghị chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

 

Trong tình hình sôi động và khẩn trương, các nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 7/1967), nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIV (khóa III) và nghị quyết của Tỉnh ủy (tháng 12/1967) được quán triệt đến các huyện, xã.

 

Đồng chí Lê Đức Hồng, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, sau khi tiếp thu tinh thần các nghị quyết nói trên ở huyện, về xã tổ chức quán triệt cho tất cả các đảng viên, đội công tác, các chiến sĩ du kích và một số cơ sở nòng cốt của xã. Trong quá trình học tập nghị quyết, các đồng chí đã liên hệ thực tế tình hình địa phương, có những đánh giá sát với phong trào và đề ra những giải pháp thực hiện tích cực, có hiệu quả.

 

Đối chiếu với tình hình chung, thực tế tại xã Hòa Đồng vẫn còn nhiều khó khăn. So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch lớn, nên việc giải quyết tư tưởng cho cán bộ, du kích về nhiệm vụ tiến công và nổi dậy sắp tới, rất căng thẳng. Nhưng qua trao đổi, thảo luận, mọi người đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin rằng những khó khăn trước mắt sẽ được khắc phục. Vì vậy, ai nấy đều phấn khởi bắt tay vào công tác chuẩn bị, quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968. Chi bộ đã vận động rút hàng chục thanh niên bổ sung vào trung đội du kích xã, củng cố đội công tác, vận động quần chúng nổi dậy phá các khu dồn trở về làng cũ, phân loại ác ôn và giao nhiệm vụ cho du kích mật diệt ác; đồng thời huy động lương thực, thuốc men và chuẩn bị các mặt công tác hậu cần phục vụ cho việc đánh địch.

 

Trong lúc quân và dân xã Hòa Đồng sôi nổi chuẩn bị cho đợt tổng tấn công và nổi dậy, đồng chí Lê Đức Hồng nằm hầm bí mật, bám cơ sở chỉ đạo phong trào, bị địch phát hiện. Địch kêu gọi đầu hàng, nhưng đồng chí không thèm trả lời. Đợi chúng tập trung đông hơn, đồng chí bất ngờ đội nắp hầm, nhanh chóng tung 1 quả lựu đạn giết chết tại chỗ 3 tên. Đồng chí Lê Đức Hồng, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, liên tục bám địa bàn Hòa Đồng suốt từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã anh dũng hy sinh.

 

Tháng 1/1968, sau khi đồng chí Lê Đức Hồng hy sinh, đồng chí Lưu Thời, làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Đồng. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện ủy, Chi bộ xã Hòa Đồng quyết định chia lực lượng của xã thành hai bộ phận. Một bộ phận phối hợp với bộ đội chủ lực đang đứng chân trên địa bàn huyện, tấn công địch; bộ phận còn lại bám cơ sở, củng cố thực lực, diệt ác phá kèm, hỗ trợ cho quần chúng trong xã nổi dậy.

 

Đồng chí Lưu Thời trực tiếp phụ trách bộ phận ở lại xã, chỉ đạo hàng loạt công tác: rút thanh niên bổ sung du kích, củng cố đội công tác; tổ chức cơ sở đón bộ đội chủ lực về xã, huy động lương thực trong dân, chuẩn bị hậu cần cho các lực lượng chiến đấu; khẩn trương tổ chức lực lượng đấu tranh binh vận, chính trị. Thực hiện chỉ thị của huyện ủy, chi bộ xã chọn một số thành viên trong đội du kích xã thành lập tổ “quyết tử”. Mỗi đội viên đều mang khăn quàng đỏ thêu dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” - do chị em hội phụ nữ xã thêu tặng.

 

Cuối tháng 1/1968, quân và dân Hòa Đồng đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 - được mang mật danh T.25. Chi bộ xã đã tổ chức cho các lực lượng của xã, các đội công tác của huyện và các xã bạn đang đứng chân trên địa bàn Hòa Đồng ăn tết trước 2 ngày tại xóm Rừng, thôn Vinh Ba. Tại Hòa Đồng, chi bộ xã còn khẩn trương tổ chức lực lượng thanh lọc địa bàn; tập dượt, kiểm tra công tác chuẩn bị đấu tranh của lực lượng quần chúng; tổ chức cho các cơ sở cốt cán trong xã đào nhiều hầm bí mật trong vườn nhà. Ông Ngô Đạm ở xóm Rừng - Vinh Ba là một trong những cơ sở cốt cán trung kiên, là chỗ dựa quan trọng của phong trào cách mạng ở địa phương trong Tết Mậu Thân 1968.

 

Sau khi ăn tết trước tại xóm Rừng - Vinh Ba, bộ phận tuyến trước của xã phối hợp với đơn vị bộ đội 377 của huyện và du kích các xã bạn tấn công cắt đường số 5, bao vây vô hiệu hóa các cứ điểm địch ở cầu Cháy, núi Lá, hòn Sặt.

 

Đúng giờ G (24 giờ) đêm 30 rạng mùng một Tết Mậu Thân 1968, trong khi các đơn vị tỉnh, huyện đồng loạt nổ súng tiến công vào thị xã, quận lỵ, thì đội công tác và du kích xã Hòa Đồng phối hợp với một số lực lượng khác của huyện tiến công đại đội bảo an địch đang đồn trú ở cầu Phú Thứ. Bị đánh bất ngờ, bọn địch ở đây hoảng loạn, tháo chạy xuống Phước Lộc. Sáng mùng một Tết, địch phản kích, lực lượng ta trụ lại Phú Thứ, Phước Thịnh đánh địch ban ngày. Dựa vào nhân dân, quân ta quần nhau với địch suốt từ sáng đến chiều tối rút về Vinh Ba - Hòa Đồng.

 

THÀNH NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòn Kén, từ lịch sử tới hiện tại
Thứ Bảy, 02/05/2015 08:00 SA
Nhiệt huyết tuổi 40
Thứ Năm, 30/04/2015 08:00 SA
Thời khắc khó quên
Thứ Năm, 30/04/2015 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek