Chủ Nhật, 22/09/2024 18:40 CH
Văn hóa dân gian Phú Yên dưới cái nhìn du lịch
Thứ Hai, 30/01/2006 07:34 SA

Trưởng ban Văn hóa tư tưởng Trung ương Nguyễn Khoa Điềm từng có ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh Phú Yên mời nhà văn Y Điêng và nghệ sĩ Ka Sô Liễng về tỉnh làm việc, bởi đây là vốn quý không chỉ của Phú Yên. Còn hai văn nghệ sĩ của chúng ta thì trở về núi rừng xưa, chắt chiu lượm lặt các hạt ngọc văn hóa dân gian đang trôi nổi giữa đại ngàn miền tây hùng vĩ.

 

Tháng 8-2005, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quốc Lộc cùng anh em làm báo đi ngược sông Ba đến tận ngọn nguồn để tìm hiểu  thêm về dòng sông văn hóa của quê nhà và một trong những mục đích của chuyến đi là gặp gỡ nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng ở trang trại của ông thuộc xã Ea Chà Rang ven Quốc lộ 25.

 

Các di tích lịch sử làm thu hút du khách - Ảnh: Lê Minh

 

Hai nhà văn hóa ưu tú của đất Phú Yên trao đổi cả ngày về các bộ sử thi và tâm đắc với ý nguyện xây dựng một trung tâm bảo tồn cồng chiêng để lại cho đời sau. Trang trại của nhà văn hóa Ka Sô Liễng đủ điều kiện tối ưu để đặt một trung tâm bảo tồn như thế nếu có sự tiếp sức của cộng đồng.

 

Cồng chiêng Tây Nguyên đã là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sánh ngang vai với nhã nhạc cung đình Huế. Ý nguyện của hai nhà văn hóa càng có thêm cơ sở hiện thực bởi văn hóa cồng chiêng của các dân tộc miền Tây Phú Yên là một bộ phận rất quan trọng hợp thành văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mang tầm vóc nhân loại.

 

Phú Yên trong mắt nhìn du khách chắc chắn có thêm một dấu ấn văn hóa dân gian đặc sắc xứng đáng được để mắt tới.

 

Còn gì thú vị hơn khi được tắm mình trong một không gian xanh có suối đổ róc rách xung quanh, ung dung thưởng thức rượu cần, nghe các nghệ sĩ dân gian hát khan sử thi trong tiếng cồng chiêng trầm hùng huyền bí bên ánh lửa bập bùng.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc hào hứng đặt hàng anh chị em làm văn hóa văn nghệ địa phương về việc tổ chức một lễ hội “Cá ngừ đại dương” đậm sắc thái văn hóa dân gian địa phương để tôn vinh một sản phẩm vào loại độc chiêu của tỉnh Phú Yên.

 

Một lễ hội có hát cầu ngư, có múa bả trạo, gắn với một sản phẩm vang bóng trong và ngoài nước thông qua nghệ thuật diễn xướng và văn hóa ẩm thực sẽ tạo một dấu ấn khó phai về một vùng đất.

 

Hội Văn nghệ dân gian và Hội Khoa học lịch sử Phú Yên bắt gặp ý kiến tri âm của Chủ tịch tỉnh đã đưa lễ hội này vào chương trình hành động. Trong tương lai gần, một lễ hội dân gian như vậy sẽ tỏa sáng, có sự hấp dẫn đặc biệt với du khách và chắc chắn mang tính lan tỏa rất xa.

 

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên đều có nét độc đáo riêng trên hành trình di sản văn hóa miền Trung.

 

Phú Yên – trong chiều dài lịch sử dựng nước và mở nước gắn với rất nhiều truyền thuyết như sự tích mả Cao Biền, núi Mẹ Bồng Con; huyền sử Lê Thánh Tôn và núi Đá Bia, Lương Văn Chánh khai khẩn Bà Đài – Đà Diễn thu phục thành Hồ – núi Nhạn; các địa danh ghi dấu ấn trận chiến ác liệt giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX….

 

Những truyền thuyết, sự tích, huyền sử và cả chính sử lưu truyền trong dân gian là vốn quý vô giá thu hút sự quan tâm của nhiều người về khí thiêng sông núi một vùng đất của Tổ quốc.

 

Ngoài tín ngưỡng bản địa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, Phú Yên có 56 ngôi chùa, 22 nhà thờ Thiên Chúa giáo, 3 nhà thờ Tin lành, hai thánh thất Cao Đài.

 

Các vị chân tu đức độ như thánh An Rê Phú Yên, Hòa thượng Liễu Quán, đại đức Thích Quảng Hương, đại đức Thích Giác Lượng… là niềm tự hào và ngưỡng mộ của bà con các tôn giáo. Các ngọn núi thiêng như Đá Bia, Hòn Vọng Phu (Mẹ Bồng Con), Chóp Chài, La Hiên… cùng với các đền thờ Lê Thánh Tôn, Lương Văn Chánh, Cao Các, Lê Thành Phương, miếu công thần trên đảo Hòn Nần… Có ý nghĩa vô giá về mặt tinh thần. Đó là nền tảng để hình thành du lịch tâm linh, thu hút du khách hành hương để tìm sự thanh thản tâm hồn.

 

Du lịch Phú Yên – hướng mở của ngành kinh tế chiến lược – đã và đang triển khai 7 chương trình trọng tâm về phát triển du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng các giá trị nhân văn, lịch sử, văn hóa để đáp ứng các nhu cầu của du khách. Khai thác văn hóa dân gian phục vụ du lịch là hướng đi bền vững, tạo sắc thái riêng cho hoạt động du lịch của tỉnh.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thành phố mới của vùng Nam Trung Bộ
Thứ Hai, 30/01/2006 07:30 SA
Chúc mừng Phú Yên
Chủ Nhật, 29/01/2006 09:58 SA
Phú Yên với hai bản đồ lịch sử
Chủ Nhật, 29/01/2006 09:53 SA
Dọc đường 25
Thứ Năm, 26/01/2006 14:57 CH
Từ dinh trấn biên đến Thành An Thổ
Thứ Ba, 20/09/2005 10:10 SA
Phú Yên xưa – Một thời Tây Sơn trung đạo
Chủ Nhật, 11/09/2005 10:41 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek