Trong số những liệt sĩ ở Phú Yên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì Đào Thị Thu là một trường hợp khá đặc biệt. Đặc biệt ở đây là chị - một công dân sớm được giác ngộ, nhận nhiệm vụ của cách mạng và hy sinh một cách vẻ vang vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; và hơn thế nữa chị hy sinh lúc tròn 18 tuổi, khi mà tương lai xán lạn đang đón chờ phía trước.
Đào Thị Thu, sinh năm 1947 tại thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa 2, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình và dòng họ giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Cha chị là ông Đào Xuân Lang, một người yêu nước bị địch bắt giam, tra tấn tại nhà lao Khu chiến Tuy Hòa trong nhiều năm vì không chịu tham gia “tố cộng”. Trong dòng họ Đào ở thôn Mỹ Hòa có nhiều người thoát ly tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ như Đào Tấn Tôm, Đào Đôn Luân, Đào Lý Trí và bị bắt tù đày như Đào Đông Khoa.
Truyền thống yêu nước, cách mạng của gia đình và dòng họ đã tác động rất lớn đến Đào Thị Thu. Do đó, ngay từ lúc nhỏ, chị đã có ý thức về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trước cảnh quê hương bị kẻ thù xâm chiếm, giết hại đồng bào vô tội. Chị được cán bộ cách mạng giao nhiệm vụ dò la tình hình địch đi càn quét hoặc các cuộc hành quân của chúng rồi báo cho cán bộ cách mạng biết để có cách đối phó hoặc rút lui an toàn trong những lần về hoạt động ở cơ sở. Công việc được cách mạng giao chị làm rất tốt và có nhiều sáng tạo trong việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo. Ngoài nhiệm vụ cách mạng giao, Đào Thị Thu thường tham gia sinh hoạt ở Đội Thiếu niên thôn Mỹ Hòa do Đoàn Thanh niên xã Hòa Thắng lãnh đạo, tổ chức. Lúc bấy giờ những bài ca cách mạng như Đội cứu quốc quân, Cùng nhau đi hồng binh thường được đưa vào các buổi sinh hoạt của Đội Thiếu niên thôn Mỹ Hòa, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng căm thù giặc trước thực tế làng xóm bị bắn pháo, mùa màng bị các cuộc càn quét phá hoại. Trong những năm 1964-1965, các xã Hòa Định, Hòa Thắng, Hòa Quang lực lượng vũ trang cách mạng phát triển mạnh, tổ chức những trận đánh lớn tiêu diệt quân ngụy ở cầu Xéo (thôn Phong Niên), xóm Cát (thôn Mỹ Hòa); nhân dân các xã nổi dậy giành quyền làm chủ, chính quyền ngụy chỉ kiểm soát từ thôn Đông Phước (xã Hòa An) và nội thị Tuy Hòa. Thỉnh thoảng địch mới đưa lực lượng dân vệ tổ chức càn quét, cướp bóc và nhanh chóng rút về TX Tuy Hòa trước khi trời tối.
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Đào Thị Thu - Ảnh: T.Liệu |
Cuối tháng 12/1965, Mỹ -ngụy đang triển khai giai đoạn cuối chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, ra sức củng cố hệ thống ấp chiến lược để tiếp tục thực hiện âm mưu tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Để cứu vãn chiến lược chiến tranh đặc biệt đang trên bờ sụp đổ và phá hoại những vùng do cách mạng kiểm soát, chính quyền ngụy ở Phú Yên thường ra lệnh cho các cụm pháo ở Nhạn Tháp, núi Sầm bắn vào xóm làng các xã Hòa Thắng, Hòa Quang, Hòa Định thuộc huyện Tuy Hòa 2 (1) gây thương vong cho dân thường. Ngoài ra, địch còn tăng cường bắt lính, cho xe tăng càn quét phá hoại mùa màng, ruộng vườn của đồng bào nông thôn. Thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng- một địa phương có truyền thống yêu nước ở huyện Tuy Hòa 2, nơi phong trào cách mạng lên cao, nhiều thanh niên thoát ly lên căn cứ và hàng loạt cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng được tổ chức ở xóm Cát, xóm Mỹ Bình, chùa Tây Long... Khi giành được quyền làm chủ, nhân dân ở đây ra sức bảo vệ chính quyền và kiên quyết chống lại các cuộc tiến quân càn quét, phá hoại của địch.
Nhằm hạn chế những trận pháo kích của Mỹ - ngụy bắn vào xóm làng, lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 2 chủ trương huy động lực lượng nữ ở các xã Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa Quang tổ chức đấu tranh chính trị và binh vận, sử dụng “đội quân tóc dài” tiến hành biểu tình, đưa đơn đòi chính quyền ngụy quận Tuy Hòa chấm dứt việc càn quét, cướp bóc, bắt lính, bắn pháo lên xóm làng và đòi chồng con bỏ ngũ về với gia đình. Cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài ở huyện Tuy Hòa 2 đã lôi cuốn hơn 1.000 phụ nữ tham gia. Trước đó, kế hoạch tổ chức cuộc đấu tranh được quán triệt tại cơ sở cách mạng các xã để vận động chị em chuẩn bị cơm nắm, dự kiến sẽ đấu tranh trực diện với quận trưởng Tuy Hòa để đưa các yêu sách cho đến khi đạt mục đích mới rút về. Trước khi xuất phát, đoàn biểu tình được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 2 như Đào Tấn Liêm, Đặng Long, Chế Bá Thập hướng dẫn và phân công người dẫn đầu. Đào Thị Thu mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng tinh thần rất hăng hái đứng ra đảm nhận việc đưa ra các yêu sách của đồng bào đến quận trưởng Tuy Hòa.
Lúc 21 giờ ngày 19/12/1965, đội quân tóc dài không mang theo vũ khí, xuất phát tại vườn chùa Tây Long (thôn Mỹ Hòa), men theo đường số 7 (nay là quốc lộ 25) đến đầu thôn Đông Lộc thì rẽ theo đường liên xã tiến xuống TX Tuy Hòa. Ban tổ chức dự kiến đoàn biểu tình sẽ đến TX Tuy Hòa khoảng gần sáng để đưa yêu sách và tránh được sự ngăn cản của lực lượng địch trên đường đi. Đi đầu đội quân tóc dài là biểu ngữ với các khẩu hiệu “không bắn pháo vào làng”, “không càn quét phá hoại mùa màng”, “không bắt người vô tội tra khảo”. Khi đến đầu thôn Đông Phước khoảng 1 giờ sáng 20/12/1965, thì đoàn người gặp toán lính bảo an đang phục kích tại đây. Chúng yêu cầu đoàn biểu tình giải tán, nhưng chị em không lùi bước, nhất quyết xông lên. Sau một hồi giằng co, một số tên lính nổ súng bắn vào những người đi đầu, trong đó có Đào Thị Thu đang cầm biểu ngữ. Mặc dù bị thương nặng, nhưng chị vẫn hô to “tất cả chị em tiến lên” rồi mới ngã xuống hy sinh. Đoàn biểu tình bị chặn lại.
Sau khi Đào Thị Thu bị kẻ địch giết hại, lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 2 cử nhà sư Đào Ngọc Liên, trụ trì chùa Tây Long - một cơ sở nuôi giấu cách mạng, xuống đấu tranh với lực lượng bảo an và đòi đưa xác xuống quận Tuy Hòa tố cáo tội ác của bọn lính. Trước đó, quận trưởng Tuy Hòa là thiếu tá Kỷ ra lệnh giữ lại thi thể Đào Thị Thu đưa đi chôn ở gò đất thôn Đông Phước mà không được đem về Hòa Thắng. Bọn lính gọi điện báo cho quận trưởng Tuy Hòa xin chỉ thị và được lệnh cho thân nhân đem về nhà mai táng.
Đám tang của Đào Thị Thu được Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa 2 tổ chức rất long trọng tại gò Đình, xã Hòa Thắng. Các đoàn thể, bà con đến tham dự lễ truy điệu rất đông. Trong không khí tiết thương và cảm phục, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng Đào Tấn Liêm đọc điếu văn ca ngợi tinh thần yêu nước, sự hy sinh của thiếu nữ 18 tuổi, đã kế tục truyền thống yêu nước của các thế hệ tiền bối cách mạng như Võ Thị Sáu (2).
Tinh thần đấu tranh của “đội quân tóc dài” huyện Tuy Hòa 2 trong thời kỳ chống Mỹ đã tô thắm lịch sử đấu tranh kiên cường của phụ nữ miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) của Mỹ. Tấm gương hy sinh của Đào Thị Thu có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ nhân dân Tuy Hòa 2 nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung, nhất là thế hệ trẻ về sự xả thân, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 14/10/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký bằng Tổ quốc ghi công số 1230 T.Tg, công nhận liệt sĩ Đào Thị Thu là công dân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong những năm gần đây đã chỉ đạo xây dựng nhiều bia tưởng niệm chiến công tại các di tích - nơi diễn ra các trận đánh, các sự kiện lịch sử nổi bật gắn với lịch sử Phú Yên giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thiết tưởng với chủ trương ấy, cũng cần đặt một bia tưởng niệm tại vị trí Đào Thị Thu ngã xuống để ghi nhớ tinh thần đấu tranh bất khuất của “đội quân tóc dài” huyện Tuy Hòa 2 thực hiện phương châm đánh địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận và vũ trang) của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
---------------
(1) Huyện Tuy Hòa 2 trong kháng chiến chống Mỹ gồm các xã thuộc huyện Phú Hòa.
(2) Chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp xử bắn tại Côn Đảo khi mới 16 tuổi.
TS ĐÀO NHẬT KIM (xaydung.phuyen.info.vn)