Thứ Sáu, 17/05/2024 10:02 SA
Chiến dịch Tây Nguyên làm cho địch bất ngờ cả về chiến lược và chiến thuật
Thứ Bảy, 04/04/2015 09:55 SA

Giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên - Ảnh: T.LIỆU

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đòn giáng Buôn Ma Thuột đã làm cho Mỹ - ngụy hết sức bàng hoàng dẫn đến thảm họa mất đứt cả vùng chiến lược rộng lớn và vô cùng quan trọng. Địch cố bưng bít thông tin để khỏi làm dao động tinh thần quân ngụy trên chiến trường. Nhưng sự thật vẫn phơi bày nhanh chóng.

 

Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ Tây Nguyên, sở chỉ huy đóng tại Buôn Ma Thuột, sau khi bị các chiến sĩ Sư đoàn 316 bắt, đã sợ hãi nói:

 

“Đã từ lâu, tình hình trong tỉnh rất yên tĩnh, một số cuộc đụng độ nhỏ diễn ra vừa không quan trọng vừa ở những nơi rất xa thị xã. Ngoài trận thọc sâu năm 1968 với lực lượng nhỏ trong khoảng một thời gian ngắn, rồi sau đó bị đẩy ra ngay, không có một dấu hiệu nào nói lên khả năng đánh lớn của cộng sản ở đây. Việc bố trí quân của Quân khu 2 cũng chứng minh đã coi nhẹ Buôn Ma Thuột. Ở Kon Tum có từ 3 đến 5 đơn vị cấp trung đoàn, Pleiku có 4 trung đoàn của Sư đoàn 23 và Lữ đoàn 23 thiết giáp. Quảng Đức cũng có ít nhất 1 trung đoàn. Nhưng ở Buôn Ma Thuột nhiều lúc chẳng có một lực lượng lớn nào. Nếu có thì thường là những đơn vị được điều về ngắn hạn để nghỉ ngơi hoặc làm nơi dừng chân trước khi chuyển đi hoạt động trên hướng khác. Do tình hình nhiều năm ít có đánh lớn tại khu vực, việc bố trí như vậy có phần hợp lý, nhưng sai lầm chính ở đây là chỗ cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không thấy được đối phương rất biến hóa, luôn thay đổi cách đánh… Trận đánh thị xã của quân đội cộng sản là một trận hiệp đồng binh chủng mẫu mực. Ngoài việc chúng tôi bị nghi binh, thiếu chuẩn bị đối phó, sự phối hợp ăn ý giữa các binh chủng xe tăng, pháo binh, bộ binh của quân Giải phóng đã làm cho chúng tôi bị bất ngờ, không kịp trở tay, mặc dù chúng tôi còn vài chục xe thiết giáp, đạn chống tăng và các loại vũ khí khác đủ dùng… Cách đánh mới này của quân giải phóng đã làm tuyến phòng thủ Buôn Ma Thuột tan vỡ mau lẹ. Chúng tôi không có cách nào chống đỡ, cứu vãn nổi”.

 

Những dòng tự thuật của Frank Snepp, một nhân viên CIA cỡ bự, cho thấy cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đều hoàn toàn bất ngờ về chiến lược và chiến thuật; rất mù tịt về thời điểm, lực lượng và mục tiêu tiến công của các sư đoàn chủ lực ta ở Tây Nguyên:

 

“Quân đội Bắc Việt Nam mở đầu cuộc tiến công Buôn Ma Thuột trên Tây Nguyên ngày 1/3, bằng việc đánh chiếm làng nhỏ Đức Lập, một đồn duy nhất của Nam Việt Nam đóng ở xa, giữa biên giới Campuchia và thị xã. Nhiều đội quân Bắc Việt Nam đánh các vị trí tiền tiêu dọc Đường 19 giữa Pleiku và bờ biển, cắt hẳn con đường này. Ngày 4/3, việc duy nhất còn lại để hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tiến công của ông Văn Tiến Dũng, đó là đánh cắt Đường 14 giữa Pleiku và Buôn Ma Thuột. Trong khi đó ở Sài Gòn, tôi làm xong một bản nhận định về chiến lược của quân đội Bắc Việt Nam. Tôi dự kiến ít nhất sẽ có 4 sư đoàn Bắc Việt Nam định cô lập Huế và Đà Nẵng trong những tuần tới, còn những đơn vị khác sẽ đánh lấn ở vùng bờ biển phía nam Quân khu 1. Có thể đồng thời họ sẽ tiến công Quân khu 3, vào hệ thống đường sá phía nam, phía đông các TX Kon Tum, Pleiku và chung quanh Buôn Ma Thuột. Và tôi đã hoàn toàn lầm lẫn. Tôi đã không dự kiến được cộng sản sẽ đánh vào nơi nào đầu tiên. Ở Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết tướng Văn Tiến Dũng ở miền Nam Việt Nam, lại càng không biết ông đặt sở chỉ huy ở phía tây nam Buôn Ma Thuột đang chuẩn bị tiến công thị xã. Quân tiếp viện của cộng sản kéo vào vùng này cũng không hề có ai biết. Nếu đúng là Cộng sản chuẩn bị mở một chiến dịch mùa khô mới thì không một ai trong chúng tôi biết mục tiêu chính họ.

 

Trưa 10/3, cộng sản tiến công TX Buôn Ma Thuột từ phía bắc và phía tây… trận đánh đã kết thúc sau 30 giờ chiến đấu mà chính phủ Sài Gòn vẫn chưa có một ý niệm rõ ràng về những sự kiện đang xảy ra. Mãi tới ngày 14/3, họ mới biết được tin TX Buôn Ma Thuột đã mất. Nguồn tin tức duy nhất họ biết là những bức ảnh do không quân Mỹ và do người Việt Nam chụp. Những bức ảnh ấy hầu như không nói với chúng tôi điều gì cả… Nhưng điều ngược lại mới là sự thật: thị xã đã nằm trong tay quân Bắc Việt Nam.

Cuộc tiến công Buôn Ma Thuột cũng bất ngờ đối với Tổng lãnh sự Mỹ ở Nha Trang là Mouc rieff Spear. Ngày 13/3, sau khi nghe Howard Archer, trùm CIA ở Quân khu 2 báo cáo Pleiku đã nhanh chóng biến thành một thị xã ma. Spear đã cho di tản ngay các nhân viên không cần thiết”.

 

Quân ngụy ở Buôn Ma Thuột ra hàng ngày 10/3/1975

 

ĐÒN HIỂM BUÔN MA THUỘT

 

Sau trận Buôn Ma Thuột, tình huống chuyển biến rất nhanh. Địch từ chỗ chủ quan bị động hoàn toàn bất ngờ, đi đến hốt hoảng nên có những chủ trương sai lầm. Nếu tăng quân để phản kích thì chúng càng khó khăn, sa lầy và sẽ bị diệt nhiều hơn nữa, mà rút chạy thì “cửa tử” sẽ trở thành đại lộ, khó tránh khỏi thảm bại.

 

Trong lúc đang tập trung theo dõi tình hình thì đêm 16/3, Sở chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên được tin địch đang rút chạy khỏi Plei­ku theo Đường 7. Bản đồ mạng giao thông lập tức được trải ra để tìm các “nút chặn” quân địch. Cả một quân đoàn chủ lực ngụy rút chạy hộc tốc, bỏ cả Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược rất quan trọng. “Trong chiến tranh ai chiếm được Tây Nguyên, người đó thắng”. Trong “binh thư yếu lược” đã nói như vậy. Giờ đây địch đang cuống cuồng tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Đúng là chúng đã choáng váng và rối loạn về chiến lược! Lệnh rút cả Quân đoàn 2, do ngụy quyền trung ương tại Sài Gòn phát ra, vậy là vấn đề đã vượt quá phạm vi chiến dịch và lên tới tầm chiến lược.

 

Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trong phạm vi chiến dịch, một quân đoàn địch được trang bị hiện đại phải bỏ địa bàn chiến lược rút chạy. Trung ương nhận định: Tình hình này sẽ dẫn đến nhiều sự kiện quan trọng khác, có thể dẫn đến việc ta kết thúc thắng lợi nhanh chóng cuộc chiến tranh.

 

Thời cơ bắt đầu từ đây. Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy… không để chúng thoát xuống đồng bằng; phải diệt nhanh, gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, suốt đêm 16/3, Sư đoàn 320 có xe tăng và pháo yểm trợ, hành quân bằng cơ giới khẩn trương truy kích địch, trong khi đó Sư đoàn 968 và Sư đoàn 470 công binh được lệnh tiến vào tiếp quản Kon Tum và Pleiku. Đến ngày 18/3, lực lượng lớn của ta đuổi kịp địch và tiến vào giải phóng TX Phú Bổn, tiêu diệt gần hết số quân địch ùn tắc tại đây.

 

Có thể nói, trong chiến tranh Việt Nam, chưa có cuộc hành quân nào hỗn loạn, bệ rạc như cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên của quân ngụy. Khi biết rõ các chóp bu ở Sài Gòn không có ý định tử thủ, bỏ Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng, đưa về chốt ở đồng bằng ven biển miền Trung, sĩ quan và binh lính ngụy khiếp sợ, đã cùng gia đình thực hiện cuộc đào thoát lịch sử để cao chạy xa bay khỏi vùng sơn cước đang bị quân ta ào ạt thu hồi toàn bộ. Địch ùn ùn tuôn theo Đường 7 để về Phú Bổn với tất cả phương tiện có được. Dòng thác xe, người như đan vào nhau khiến con đường bỏ hoang trong chiến tranh trở nên tắc nghẽn. Quan, lính mạnh ai nấy chạy, tất cả tranh nhau “bỏ của chạy lấy người” gây ra bao cảnh hỗn loạn trên đường rút lui, lại bị quân ta truy đuổi và chặn đánh nên càng vô cùng khốn đốn. Đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy liên đoàn biệt động Quân khu 2 (bị ta bắt) mô tả: “Khi các lực lượng này về tới Phú Bổn thì họ quá mệt mỏi, chán chường, cho nên dừng lại không dời nữa…

 

Người và xe cộ ngổn ngang, giao thông trong thị xã tắc nghẽn vì lính và xe cộ mỗi lúc dồn về càng đông… Binh lính bắt đầu phá phách, cướp bóc trong phố, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn…

 

Sáng 18/3, quân giải phóng tiến vào chiếm Phú Bổn, Phạm Văn Phú (tư lệnh Quân đoàn 2) ra lệnh cho chúng tôi bỏ hết vũ khí nặng và quân dụng, chạy khỏi Phú Bổn… Từ quãng đèo Tu Na đến quận Sơn Hòa, các tàn quân phải lẩn trốn chui rúc trong rừng. Sĩ quan, binh lính lại mang theo gia đình, hàng trăm, hàng ngàn người kéo theo ồn ào làm lộ mục tiêu. Quân cộng sản truy kích sát làm cho chúng tôi tan tác, thiệt hại rất nhiều…”. Việc quân giải phóng vận động nhanh qua phía đông TX Phú Bổn, chốt chặn đường lên đèo Tu Na, đã quyết định sự thất bại cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên của quân đội ngụy Sài Gòn.

 

Từ đây, một thế trận mới mở ra, thực hiện nhiều chiến dịch và những trận đánh quan trọng làm cho địch liên tiếp sụp đổ ở các tỉnh miền Trung và đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn chế độ “Việt Nam cộng hòa”.

 

HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek