Thứ Tư, 27/11/2024 13:47 CH
Phú Yên khắc phục hậu quả chiến tranh
Thứ Sáu, 03/04/2015 08:06 SA

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (thứ ba từ trái sang) về thăm Phú Yên sau ngày thống nhất đất nước - Ảnh: Tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phú Yên là địa bàn địch thiết lập nhiều đồn bót và căn cứ quân sự. Tại các nơi này, địch gài hàng vạn quả mìn và dùng hàng nghìn tấn dây thép gai bao quanh căn cứ. Ngoài ra còn có hàng vạn quả bom mìn, đạn chưa nổ nằm rải rác khắp các vùng, nhất là vùng căn cứ, vùng giải phóng.

 

THÁO GỠ BOM MÌN, GIỮ VỮNG AN NINH TRẬT TỰ

 

Nhằm khắc phục những hậu quả do bom mìn gây ra, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, phục hóa khai hoang, ổn định sản xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND Cách mạng lâm thời tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang, lấy binh chủng công binh, trinh sát đặc công làm nòng cốt đẩy mạnh việc tháo gỡ bom mìn và các chất nổ khác. Tỉnh đội chỉ đạo lực lượng du kích các địa phương tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật để cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

 

Cuối tháng 6/1975, chiến dịch phá gỡ bom mìn được triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh; ưu tiên tập trung lực lượng tháo gỡ trên địa bàn các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2. Đặc biệt là ở các xã Hòa Phong, Sơn Thành, Hòa Hiệp, Hòa Xuân, dọc Đường 5 (Tuy Hòa 1); Hòa Quang, Hòa Định, vùng Thanh - Minh - Ngọc, Cẩm Tú (Tuy Hòa 2). Với huyện Tuy An, trọng điểm là các xã An Định, An Chấn, An Hải, An Hòa, An Lĩnh, An Ninh. Huyện Đồng Xuân, địa bàn trọng điểm là các xã Xuân Phước, Xuân Quang, Xuân Sơn, dọc trục Đường 6 từ Lãnh Vân ra Mục Thịnh, Ba Cụm (Phú Mỡ). Huyện Sơn Hòa, địa bàn trọng điểm là Ngân Điền, Thạnh Hội, trục Đường 7 từ dốc Đá Đề lên đến Củng Sơn. Huyện Sông Cầu, địa bàn trọng điểm là Đường 6 từ Triều Sơn, Háo Danh đến đèo Cây Cưa (Xuân Thọ 1)…

 

Sau giải phóng, toàn tỉnh có 8.177 người không có công ăn việc làm. Vì vậy, chính quyền cách mạng đưa một số lao động trở về nông thôn tiếp tục sản xuất, đồng thời thực hiện chính sách giãn dân, vận động đưa 1.000 dân từ TX Tuy Hòa đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Sơn Thành, Lỗ Rong; đưa người dân Sông Cầu, Đồng Xuân và một số nơi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đa Lộc và Suối Cối. Các cấp chính quyền phát động thanh niên, học sinh và nhân dân các xã tham gia chiến dịch vỡ hóa, khai hoang. Ở vùng dân mới trở về, 3.691ha ruộng được khai hoang.

Với chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền và của Tỉnh đội, chưa đầy 2 tháng, toàn tỉnh đã gỡ xong 28 cụm mìn, gồm 6.378 quả các loại, giải phóng 19ha đất trồng và 16ha đất ở. Hoạt động này giúp đời sống nhân dân nhiều địa phương sớm đi vào ổn định.

 

Cùng với nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn, nhiệm vụ giữ vững trật tự, an ninh cũng được chính quyền các cấp đặt lên hàng đầu.

 

Sau ngày giải phóng, toàn tỉnh có trên 50.000 ngụy quân, ngụy quyền (tính cả tàn quân ngụy từ Tây Nguyên xuống và các tỉnh lân cận đến), hầu hết ra trình diện. Chính quyền cách mạng thanh lọc đưa đi học tập cải tạo nhiều đối tượng từ 10 ngày trở lên. Qua đó, nhiều người nhận rõ sai lầm, thực tâm cải tạo tư tưởng, cải tạo lao động. Từ đó, nhiều người nhận được chính sách khoan hồng, trở về đoàn tụ gia đình, tham gia lao động sản xuất, chịu sự quản lý của chính quyền cách mạng địa phương.

 

Chính quyền cách mạng các cấp tổ chức phát động quần chúng tham gia gìn giữ trật tự, an ninh thôn xóm, xây dựng lực lượng du kích, trấn áp kịp thời các thành phần phản cách mạng, đối tượng lưu manh côn đồ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

 

Tuy vậy, ở một số địa bàn vẫn còn bọn ác ôn đầu sỏ, cầm đầu các đảng phái phản động, gián điệp tình báo lén lút hoạt động chống phá cách mạng. Tổ chức “Thánh vương tôn luân” có mật khu ở núi Chúa (Phú Yên) hoạt động ở khu vực am chùa Đá Đen, đèo Cả. Tổ chức “Đảng phục quốc” (Z.21) hoạt động ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An. Ở đèo Cù Mông và Gành Đỏ (Sông Cầu), có một số tên phản động chặn cướp ô tô dọc quốc lộ 1. Ở các xã Hòa Bình, Hòa An, chúng cho nổ lựu đạn trong lúc nhân dân xem hát gây chết và bị thương nhiều người. Ngoài ra, còn có những phần tử phản động tàng trữ, cất giấu vũ khí, treo cờ 3 que, xóa khẩu hiệu của ta nơi công cộng, rải truyền đơn, tháo gỡ bù lon đường sắt, đánh phá khi ta tổ chức đổi tiền, tuyên truyền xuyên tạc chính sách ruộng đất, thuế nông nghiệp, chính sách cải tạo công thương nghiệp… gây hoang mang trong nhân dân.

 

Ở vùng núi giáp ranh các tỉnh Khánh Hòa và Tây Nguyên, Fulro tiến hành hoạt động quấy phá ở buôn Kít, buôn Bầu, xã Ea Trol (huyện Tây Nam) và các xã Suối Trai, Phước Tân (huyện Miền Tây).

 

Đối với các tôn giáo, hầu hết tín đồ nhiệt tình tham gia các phong trào quần chúng và sinh hoạt nội bộ. Tuy vậy, một ít giáo dân chưa tham gia tích cực các phong trào và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Các trường học tư thục của Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin lành mở trước đây, nay đại diện các tôn giáo tự nguyện hiến cho cách mạng để kịp thời tổ chức năm học mới.

 

Đối với Hoa kiều, chính quyền cách mạng tổ chức tuyên truyền, vận động, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Nhiều người Hoa nhận thấy vai trò làm chủ, trách nhiệm công dân, không tự tách mình ra khỏi đời sống cộng đồng đã có sự đoàn kết, nhất trí cùng nhau xây dựng đất nước.

 

NỖ LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

 

Trước giải phóng, toàn tỉnh Phú Yên có 40 khu dồn, sau giải phóng có trên 73.000 dân trở về làng cũ. Trong đó, dân từ thị xã về nông thôn trên 25.000 người. Dân mới về hầu hết là ở vùng giáp ranh Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Sông Cầu và các huyện miền núi Tây Nam, Sơn Hòa, Miền Tây và Đồng Xuân - đặc biệt có 6 xã Ea Trol, Ea Bia (huyện Tây Nam), Sơn Phước, Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), Krông Pa (huyện Miền Tây), An Thọ (huyện Tuy An) trước đây là vùng trắng. Đa số nhân dân từ các khu dồn trở về chỉ có hai bàn tay trắng và chiếc gùi, cái rựa. Vì vậy, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh chỉ đạo các huyện miền núi nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, chính quyền cách mạng các cấp mua và cung cấp công cụ sản xuất, sức kéo, giống, cây trồng và tích cực vận động đồng bào vùng ít khó khăn giúp đỡ đồng bào vùng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền cách mạng tập trung vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện định canh định cư, đồng thời tích cực giải quyết tình trạng đói, đau, lạt, rách; ổn định việc ăn ở cho đồng bào căn cứ miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để đi vào sản xuất.

 

Nhân dân huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 tích cực tu bổ, sửa chữa kênh mương thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam để trồng lúa và hoa màu ngắn hạn chống đói. Ngoài ra, tỉnh phát động phong trào tương trợ lao động sản xuất, vận động nhân dân vùng mới giải phóng và lực lượng thanh niên học sinh tham gia xây dựng vùng giải phóng cũ bị chiến tranh tàn phá. Các tuyến đường quốc lộ, đường sắt, đường liên huyện, liên xã và liên thôn được khôi phục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, lương thực. Các cấp chính quyền thực hiện chủ trương tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo quan hệ sản xuất nông nghiệp, thành lập các tập đoàn và tổ chức sản xuất, chia ruộng đất cho nông dân. Phú Yên trước ngày nhập tỉnh đã xét duyệt 233 hộ địa chủ, với 2.520 mẫu ruộng đất, vận động địa chủ hiến 2.364 mẫu ruộng đất, cộng với ruộng đất công điền đã tiến hành chia ruộng đất cho nông dân không ruộng và thiếu ruộng ở 23 xã.

 

Tuy nhiên, do hậu quả của cuộc chiến tranh, thêm vào đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra nên đời sống đồng bào vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng dân mới về vẫn còn tạm bợ; sản xuất khôi phục chậm, dân bị đói. Ở huyện Tuy An, có khoảng 5.000 người đói; nặng nhất là xã An Xuân có 391/1.070 người đói, chiếm 37% số dân. Ở huyện Đồng Xuân, nạn đói xảy ra ở các thôn dân mới về thuộc các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang; riêng xã Xuân Phước, nạn đói diễn ra nặng, có 1.739/3.426 người đói…

 

Để cứu tế, cứu đói, chính quyền tỉnh đã xuất 285 tấn lúa gạo, 22 tấn lúa giống, 57,5 tấn muối, 456.650 đồng, hàng nghìn bộ quần áo. Ngoài ra, chính quyền các huyện cấp trên 100 tấn gạo và tiền mặt giúp nhân dân mua trâu bò làm sức kéo, ổn định sản xuất.

 

Song song với nạn đói là tình trạng dịch bệnh, ốm đau hoành hành. Xã Xuân Phước có 134 người bị bệnh sốt rét, 69 người bị dịch hạch. Nặng nhất là xã An Thọ có 1.145/1480 người bị bệnh, chiếm 75% dân số.

 

Ngoài ra, chính quyền tỉnh chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giải quyết việc làm và kinh nghiệm sản xuất xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tổ sản xuất các nghề tiểu thủ công nghiệp. Sau thời gian vận động, Xí nghiệp Ép dầu dừa Sông Cầu, các HTX sản xuất giấy Phú Hòa, sản xuất săm lốp xe đạp Nam Trung, Dệt Phú Yên, sản xuất gạch ngói Đông Ngọc, dệt thảm xơ dừa Sông Cầu, nhà máy sản xuất phân lân hữu cơ… ra đời. Nhà máy sản xuất nước đá Tân Xuân được khôi phục và hoạt động trở lại. Tuy vậy, phần lớn các cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu. Các xã, phường cũng thành lập các HTX mua bán phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ sản xuất. Chính quyền cách mạng TX Tuy Hòa vận động nhân dân góp vốn xây dựng sân vận động thị xã với sức chứa 20.000 người.

 

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính quyền cách mạng tỉnh sớm đề ra một số dự án như khai hoang phục hóa, phân bổ lại lao động, quy hoạch vùng trồng lúa, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, tu chỉnh và xây dựng mới hệ thống thủy nông; tổ chức và đưa các ngành diêm nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn; xây dựng các công trình trường học, bệnh xá, cấp nước sạch cho nhân dân TX Tuy Hòa, làm thủy điện nhỏ, mở rộng TX Tuy Hòa ra phía bắc… Khi các dự án này đang chuẩn bị thực hiện thì cấp trên có chủ trương sáp nhập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh (3/11/1975).

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek