Sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm, bọn địch hoang mang rệu rã. Bộ Tư lệnh Phân khu Nam đứng chân ở suối Phẩn cử một đại đội chủ lực bám trụ tại thôn Phú Thọ. Huyện đội Tuy Hòa cử về Hòa Mỹ một trung đội vũ trang tuyên truyền. Đồng chí Dương Dụ là người địa phương được phân công làm Trung đội trưởng.
Huyện cử đồng chí Nguyễn Thơ về làm Bí thư xã Hòa Mỹ thay cho đồng chí Châu Sum vừa hy sinh. Chi bộ xã Hòa Mỹ lãnh đạo quân dân toàn xã chống địch càn quét, đánh phá, tổ chức xây dựng làng chiến đấu ở các thôn Mỹ Tường, Quảng Tường, Quảng Phú, Mỹ Thạnh.
Cuối năm 1963, vùng giải phóng Hòa Mỹ hình thành (trừ một vài thôn do địch còn dựa vào cứ điểm Núi Lá để tranh chấp với ta).
Vùng Bến Đá - Suối Phẩn trở thành cửa khẩu nhộn nhịp của huyện Tuy Hòa 1 và cả tỉnh Phú Yên, nơi trao đổi mua bán hàng hóa giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm kiểm soát. Các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa nô nức đi về bến Đá buôn bán. Chợ Phú Nhiêu - chợ đồng bằng sầm uất nhất vùng giải phóng, đông đảo người mua kẻ bán, tạo nên sức sống kỳ diệu của vùng giải phóng phía tây đồng bằng Tuy Hòa.
Chi ủy xã Hòa Mỹ lãnh đạo nhân dân toàn xã tổ chức các làng chiến đấu, xây dựng căn cứ bí mật, giao thông hào, các ổ chiến đấu. Bà con trong xã giác ngộ, chấp hành mọi chủ trương của Đảng và Mặt trận giải phóng. Chính quyền tự quản các thôn và các tổ chức quần chúng được xây dựng vững mạnh rộng khắp. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Liên tỉnh 3, Phân khu Nam như đồng chí: Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ) - Bí thư Liên tỉnh 3, Trần Suyền, Nguyễn Lệ (Năm Phương) - Phó chính ủy Phân khu cùng nhiều phái viên thường xuyên đứng chân trụ bám ở Hòa Mỹ nhưng địch không hề phát hiện.
Bộ Chỉ huy tiền phương Phân khu Nam tổ chức lực lượng trụ bám trong dân, làm bàn đạp tấn công ra đường 5, mở rộng vùng giải phóng. Cuối năm 1963, mũi tấn công Hòa Mỹ dẫn đường phối hợp cùng Đại đội 83 Phân khu Nam tập kích tiêu diệt một đại đội Nghĩa dũng đoàn bảo vệ cơ quan đầu não của đảng Đại Việt tại nhà Trương Bội Hoàng ở thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong. Đại đội Nghĩa dũng đoàn bị xóa sổ, ta thu được 28 súng. Những tên sống sót chạy thục mạng về Hòa Bình ngay trong đêm, về tới nơi cũng còn tim đập chân run. Lực lượng ta rút về đồng Lớn an toàn.
Đầu năm 1964, địch tập trung lực lượng phản kích lấn chiếm vùng giải phóng. Địch tăng cường thiết lập xa vận, cho xe tăng M.113 kết hợp với pháo binh, máy bay ném bom, cùng bộ binh càn quét khốc liệt, gây cho ta một số tổn thất. Với sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội Phân khu Nam và Huyện đội Tuy Hòa, quân dân Hòa Mỹ bám đất, bám làng, tiến hành ba mũi giáp công ngăn chặn địch. Huyện ủy Tuy Hòa ra nghị quyết “ly sơn” (rời núi), phân công cán bộ và lực lượng vũ trang bám trụ ở đồng bằng, tổ chức chống càn ban ngày, có kế hoạch chống xe tăng M.113 của địch và tiếp tục mở phong trào, củng cố và mở rộng vùng giải phóng.
Tháng 3/1964, đội công tác xã Hòa Mỹ phối hợp với đại đội 83 Phân khu Nam đột nhập vào trụ sở xã đánh trung đội dân vệ địch. Lực lượng ta treo cờ Mặt trận tại đồng Đất Cày, thôn Phú Nhiêu để phát huy thanh thế cách mạng.
Từ tháng 3 đến tháng 7/1964, dân quân du kích xã Hòa Mỹ phối hợp với Đại đội 83 Phân khu Nam, Đại đội 377 huyện Tuy Hòa và K.65 tổ chức đánh 10 trận lớn, nhỏ, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu 2 đại liên, 1 trung liên, 1 cối 60 ly và 60 súng các loại cùng nhiều quân trang quân dụng. Quân dân Hòa Mỹ kiên cường đánh trả máy bay địch. Nữ du kích Đào Thị Thanh bắn trúng một máy bay C.130 bắn phá vùng giải phóng. Máy bay bốc cháy rơi xuống gò Mít, thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân (gần đèo Hóc Gạo, núi Chai).
Cũng trong thời gian này, địch tổ chức 10 cuộc càn quét lớn nhỏ vào vùng giải phóng Hòa Mỹ, trong đó có 4 cuộc càn với quy mô lực lượng trung đoàn, có pháo, xe M.113 và máy bay yểm trợ hòng xóa bỏ vùng giải phóng, thiết lập lại vùng kiểm soát, dựng lại chính quyền tề ngụy. Âm mưu của địch bị phá vỡ hoàn toàn, vùng giải phóng Hòa Mỹ vẫn đứng vững trong mưa bom, bão đạn, là bàn đạp vững chắc để cách mạng đứng chân và mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng Tuy Hòa.
Song song với việc bám dân, bám đất đấu tranh vũ trang với địch giữ vững vùng giải phóng, Chi bộ xã Hòa Mỹ còn thực hiện chủ trương của Huyện ủy về kết hợp đấu tranh chính trị hợp pháp với địch, trong đó, nòng cốt là đội quân tóc dài. Tháng 6/1964, đồng bào Hòa Mỹ phối hợp cùng Hòa Thịnh tổ chức 200 người, có cả nhà sư tham gia kéo đến quận lỵ Phú Lâm (quận Hiếu Xương) đấu tranh tố cáo vụ lính địch cắt đầu 3 nông dân và 1 nhà sư trong cuộc càn quét vùng giải phóng. Bà con vạch trần tội ác man rợ của giặc, sát hại cả dân thường và nhà tu hành. Trước sự phẫn nộ của đồng bào ta, bọn địch buộc phải xuống thang, chấp nhận toàn bộ yêu sách, trả lại đầu các nạn nhân mà chúng đang “triển lãm” như một chiến tích để hù dọa quần chúng và chấp nhận cho bà con đưa về chắp với thi thể, mai táng chu đáo. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tư Quý - Trưởng ban đấu tranh chính trị huyện, địch vừa đến Phú Nhiêu, chị Bùi Thị Liễu (37 tuổi) vừa dùng lý lẽ đấu tranh vừa cản trước đầu xe địch không cho chúng tiến lên để tiếp viện cho đồng bọn ở Quảng Phú. Hàng trăm chị em Phú Nhiêu ập đến tiếp sức cho chị Bùi Thị Liễu. Tên chỉ huy quát tháo bọn lính xuống xe lôi kéo chị em ra khỏi vị trí đầu xe. Chị em kiên quyết vừa khôn khéo đấu tranh mềm mỏng và đầy lý lẽ xác đáng buộc địch phải nhượng bộ quay trở đầu xe.
Ngày 5/10/1964, hàng ngàn đồng bào Hòa Mỹ tham gia cuộc biểu tình nhập nhị. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tư Quý - Trưởng ban Đấu tranh chính trị huyện, gần 8.000 đồng bào các xã Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Phong, Sơn Thành… nô nức tập trung ra đường 5 kéo về thị trấn Phú Lâm hội quân với cánh quân tóc dài ở các xã phía nam huyện kéo ra.
Chi bộ xã Hòa Mỹ tập hợp chị em phụ nữ bằng hình thức đi “chợ nhồi” nhằm hình thành đội quân tóc dài để đấu tranh chính trị hợp pháp trực diện với địch. Ngày 25/6/1964, 520 chị em Hòa Mỹ tổ chức đi “chợ nhồi” ở chợ Phú Nhiêu tập dượt về tổ chức và chuẩn bị tinh thần cho các cuộc đấu tranh chính trị sắp tới, nhất là đấu tranh với các trận càn thiết xa vận (xe M.113) của địch.
Ngày 24/8/1964, 6 xe tăng M.113 của địch từ Hòa Đồng lên càn ở Quảng Phú. Bà con đấu tranh quyết liệt mà tên chỉ huy ác ôn ngoan cố vẫn thúc xe đi bừa. Khi chúng ta buộc địch phải nhượng bộ, địch cử tên quận trưởng Hiếu Xương đến tận nơi nghe bà con trình bày nguyện vọng, tiếp nhận kiến nghị và hứa giải quyết những yêu sách của nhân dân.
Vùng giải phóng ngày càng được củng cố vững chắc. UBND tự quản xã Hòa Mỹ được thành lập, đồng chí Nguyễn Bằng được bầu làm Chủ tịch. UBND tự quản các thôn được hình thành. Sau khi xây dựng và củng cố chính quyền tự quản xã Hòa Mỹ và các thôn, Chi bộ xã Hòa Mỹ chỉ đạo tổ chức đại hội Ủy ban Mặt trận giải phóng xã Hòa Mỹ. Đại hội bầu ông Phạm Nghiệp làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận giải phóng xã Hòa Mỹ. Các tổ chức Nông hội giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên giải phóng lần lượt tổ chức đại hội, kiện toàn ban chấp hành từ xã đến thôn. Chấp hành chủ trương của chi bộ, Ban Mặt trận xã Hòa Mỹ lãnh đạo nhân nhân trong xã sẵn sàng chống trả các cuộc càn quét của giặc vào vùng giải phóng xã Hòa Mỹ, xây dựng vững chắc các làng chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất tạm cấp ruộng đất vắng chủ cho nông dân thiếu ruộng cày, làm thủy lợi nhỏ, mở rộng quan hệ buôn bán với vùng địch kiểm soát để mua sắm các nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đội quân chính trị hùng hậu của ta đã huy động hàng ngàn lượt người tham gia các cuộc đấu tranh chống càn, biểu tình nhập thị và tích cực làm công tác binh vận, kêu gọi hàng trăm binh lính địch đào ngũ, rã ngũ mang súng trở về vùng giải phóng, trong đó có một biệt động quân đóng ở Vạn Lộc, mang súng tiểu liên ra vùng giải phóng.
Chính quyền tự quản xã Hòa Mỹ đã tổ chức 7 cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng vạn lượt người mừng xã nhà hoàn toàn giải phóng, lễ mừng tạm cấp ruộng đất cho nông dân nghèo thiếu ruộng, cấp 100ha ruộng cho 300 bần cố nông không có ruộng hoặc thiếu ruộng cày. Lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, xã Hòa Mỹ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 19 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 đến 2/9/1964), cùng với huyện tổ chức lễ cấp hàng ngàn súng các loại cho dân quân du kích 12 xã thuộc huyện Tuy Hòa 1; xây dựng và khánh thành đài liệt sĩ gần chợ Phú Nhiêu - vị trí bia tưởng niệm liệt sĩ hiện nay - với sự tham dự của 2.000 người... Trên đà phát triển thắng lợi, bừng lên sức sống mới của vùng giải phóng ngày 10/12/1964, Chi bộ xã Hòa Mỹ tổ chức đại hội chi bộ lần thứ 3 tại xóm Huỳnh, thôn Vạn Lộc. Đại hội được chuẩn bị chu đáo cả về nội dung, hậu cần, ban đêm treo đèn măng sông rực sáng. Đại hội Chi bộ xã Hòa Mỹ vinh dự được đón tiếp 2 đồng chí Ủy viên Ban Tổ chức và Ủy viên Ban Kiểm tra khu V đang công tác ở vùng giải phóng Tuy Hòa. Tận mắt chứng kiến khí thế cách mạng trong vùng giải phóng ở đồng bằng, các đồng chí đại biểu của khu đánh giá cao công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng của Chi bộ xã Hòa Mỹ. Đảng vẫn tồn tại vững chắc trong lòng nhân dân, trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Từ sau Nghị quyết 15, chi bộ đã có bước trưởng thành nhảy vọt, đấu tranh chính trị, đi đôi với đấu tranh vũ trang, diệt ác phá kìm, phá tan ấp chiến lược, làm chủ từng phần tiến lên giải phóng toàn xã, tạo bàn đạp vững chắc để cách mạng đứng chân và tiến sâu về đồng bằng, đô thị. Chính quyền tự quản xã, thôn nhanh chóng hình thành và ngày càng vững mạnh, quản lý tốt mọi mặt ở vùng giải phóng.
THÀNH NAM