Để kịp thời ứng phó với tình hình chiến sự ngày một lan rộng, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra lời kêu gọi toàn dân tham gia làm vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang đủ sức ngăn cản bước tiến của quân thù.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, hầu như toàn bộ các tổ chức thợ thuyền ở TX Tuy Hòa tập trung về Sông Cầu để chuẩn bị lập công binh xưởng. Từ những thợ kim hoàn, thợ da, thợ hớt tóc, công nhân Nhà máy đường Đồng Bò… đến những thợ thủ công có tay nghề giỏi như ông Hồ Kiến Mão, ông Xán và cả những người có trình độ kỹ thuật cao đã từng tốt nghiệp ở Trường Kỹ nghệ thực hành của Pháp - tất cả đều tình nguyện tham gia lực lượng những người sản xuất vũ khí. Họ hiến dâng vô tư cho Tổ quốc, cho cách mạng tài sản, máy móc, nguyên vật liệu và cả chính cuộc đời mình. Những chiếc xe than của ông Đỗ Trực, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Thanh ngày đêm chuyên chở những khối máy móc thiết bị từ garage Công Tín Xương, garage Hoàng Văn Cái, xưởng của ông Hồ Kiến Mão, ông Xán…, từ những lò rèn của ông Sáu Méo, ông Hoàng Mây, ông Mười Do… hối hả đổ về Sông Cầu khẩn trương xây dựng xưởng.
Sau khi cơ bản hoàn thành công việc tập kết trang thiết bị, ngày 10/10/1945, công binh xưởng Cao Thắng, đứa con đầu lòng của ngành Quân giới Phú Yên chính thức ra đời. Đồng chí Đỗ Trực - một trong những người đã tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành, có tay nghề cao, có ý chí trong chuyên môn được anh em tín nhiệm cử ra tuyên bố thành lập xưởng. Cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Dũ, đồng chí Đỗ Trực đã trực tiếp chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn hoạt động của công binh xưởng.
Khi tiếng súng kháng chiến đã lan ra trên toàn quốc cũng là lúc yêu cầu về vũ khí, súng đạn trở nên cấp thiết hơn, một số công binh xưởng khác tiếp tục ra đời. Hơn 1 năm, sau ngày thành lập công binh xưởng đầu tiên, cuối năm 1946, Công binh xưởng 83 thuộc Trung đoàn 83, Đại đoàn 27 ra đời. Khi mới thành lập Công binh xưởng 83 đóng tại thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Mỹ do đồng chí Nguyễn Hữu Chiêu (còn gọi là Hội đồng Chiêu) phụ trách. Lực lượng khá mỏng, với gần 20 công nhân, xuất thân từ tổ cơ khí chi đội 4 cũ, đảm nhiệm các nhiệm vụ: đốc công, kế toán, quản lý, đúc, nguội, liên lạc và sưu tầm nguyên vật liệu.
Cùng thời gian này, trước yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang địa phương - các đơn vị dân quân ở các huyện cần phải được trang bị vũ khí phù hợp với chiến trường chiến tranh du kích. Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập Công binh xưởng dân quân Phú Yên, tên thường gọi là “cơ xưởng dân quân”. Tỉnh đội Phú Yên chịu trách nhiệm tổ chức công binh xưởng này, đồng chí Nguyễn Tất Dung phụ trách, biên chế ban đầu khoảng 25 người mà nòng cốt là những cán bộ dân quân được đào tạo tại Công binh xưởng Cao Thắng. Cơ xưởng dân quân khi mới thành lập đóng tại xóm Vườn, thôn Phú Vang, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân.
Như vậy, đến cuối năm 1946, ở Phú Yên đã có 3 công binh xưởng được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Đó là Công binh xưởng Cao Thắng, Công binh xưởng 83 và Cơ xưởng Dân quân. Nhìn chung, bên cạnh những thuận lợi không nhỏ là lòng yêu nước, tinh thần nhiệt tình cách mạng và ý chí quyết tâm cao của đội ngũ những người thợ quân giới, những khó khăn cơ bản mà ngành Quân giới Phú Yên từ buổi ban đầu đã phải trực tiếp đương đầu, đó là con người có kỹ thuật, trang thiết bị và nguyên vật liệu.
Trong số những công binh xưởng đã thành lập, Cao Thắng là công binh xưởng mang tính quy mô hơn cả, và ngay từ đầu nó đã xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành Quân giới Phú Yên, là nơi hội tụ đông nhất, mạnh nhất về trí và lực của tầng lớp công nhân cách mạng Phú Yên trong thời kỳ lịch sử đầy biến động này. Nhiều người đã hy sinh trong quá trình sản xuất vũ khí. Tiêu biểu nhất là chiến sĩ Đoàn Ngọc Lân xung phong thử lựu đạn, hy sinh. Để ghi công anh, Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh quyết định đổi tên xưởng sản xuất vũ khí Cao Thắng thành xưởng sản xuất vũ khí Đoàn Ngọc Lân.
THÀNH NAM