Tháng 11/1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Tỉnh ủy Phú Yên nhận định: “Vì liên tiếp thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải thay ngựa giữa đường. Bọn tay sai đang cắn xé nhau, đây là thời cơ rất thuận lợi cho ta…”. Ngay trong đêm nghe được tin Diệm bị giết chết, với tinh thần chủ động tiến công địch, không chờ chỉ thị cấp trên, Huyện ủy Tuy Hòa đã vận động nhân dân nổi dậy phá 26 ấp chiến lược ở 9 xã và tháo ách kìm kẹp ở 13 ấp khác. Trong huyện đã hình thành vùng giải phóng từng mảng lớn.
Tại miền Đông, công binh và du kích xã Hòa Xuân liên tiếp đánh giao thông trên đường số 1 làm chủ nhiều ngày trên đèo Cả - Hảo Sơn, vùng căn cứ cách mạng miền Đông cũng mở rộng. Ta làm chủ rất nhiều thôn, xã. Các cơ quan lãnh đạo của 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Phân khu Nam đều chọn nơi làm việc tại suối Phẩn (huyện Tuy Hòa cũ). Vì vậy, huyện Tuy Hòa được sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên chỉ đạo điểm.
Đầu năm 1964, địch bắt đầu phản kích lại, chúng lấn chiếm ra vùng giải phóng. Ngày đầu, chúng chỉ dùng bộ binh, ngày thứ 2 chúng dùng xe bọc thép M.113 ồ ạt tấn công. Lúc đó lực lượng vũ trang ta ở trong núi chưa có vũ khí chống tăng, chiến sĩ rất lo lắng khi trụ lại đánh địch ở đồng bằng. Đảng thực hiện 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận. Rút kinh nghiệm Ấp Bắc, Đảng chủ trương rời núi xuống đồng bằng thực hiện khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch”. Được Đảng lãnh đạo, từ năm 1964, dân liên tiếp nổi dậy phá ấp chiến lược diệt ác, phá kèm và đấu tranh yêu sách địch. Cuộc đấu tranh chính trị tháng 6/1964 do 200 đồng bào ở 2 xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ có đông đảo nhà sư và tín đồ Phật giáo kéo đến quận đường rồi tỉnh đường chống vụ lính ngụy đi càn cắt đầu 3 nông dân và 1 nhà sư, đòi chúng phải trả lại đầu và chấm dứt ngay những hành động tàn ác dã man. Cuộc đấu tranh thắng lợi, từ đó mở ra phong trào hàng ngàn chị em đoàn kết đấu tranh chính trị.
Về quân sự, thực hiện chủ trương “Rời núi” chiến sĩ nói đùa là “đạp mui rùa”, lực lượng vũ trang của huyện Tuy Hòa được nhân dân các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Hiệp… che giấu. Các đội vũ trang này, cứ sáng xuống hầm bí mật do dân đào, 4 giờ chiều lên, đi đánh địch. Cơ quan Huyện ủy lúc này cũng chia làm 2 bộ phận lãnh đạo: bộ phận phía trước và bộ phận phía sau. Bộ phận lãnh đạo phía trước đóng ở thôn Mỹ Trung (xã Hòa Thịnh).
Ta vừa triển khai thì địch phản ứng ngay. Chúng dùng bộ binh và xe M.113 đánh thọc vô các xã Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Thịnh như để thăm dò lực lượng của ta.
Sáng 27/7/1964, chúng cho 1 đoàn 6 chiếc xe M.113 từ thị trấn Phú Lâm băng đồng chạy lên đánh ta ở Hòa Mỹ. Ruộng lúa bị băm nát, nhân dân vô cùng tức giận. Cán bộ ta liền phát động quần chúng đấu tranh trực diện với địch.
Ngày 28/7/1964, địch lại cho 6 xe M.113 băng qua đồng lúa xã Hòa Đồng. Khi đến cánh đồng Ấp Rượu, lập tức đội quân tóc dài ở xã Hòa Đồng kéo ra đấu tranh. Bà Ngô Thị Kính lúc đó 75 tuổi, liều mình nằm lăn ra trước chiếc M.113 đi đầu. Lập tức đoàn xe phía sau phải ngừng lại. Nhân dân trong ấp ùa ra rất đông, nhất tề phản đối xe phá lúa, buộc địch phải quay lại.
Thế là cuộc đấu tranh thắng lợi, chiến công nằm cản xe giặc của bà Kính đã thành bài học cho nhân dân trong huyện Tuy Hòa, mở ra thời kỳ tay không vẫn chặn được thiết xa vận của địch. Sau cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hòa Đồng, Hòa Thịnh, quần chúng nhân dân nhất là các mẹ, các chị ở xã Hòa Mỹ càng thêm phấn khởi, tự tin ở sức mạnh của mình.
Sáng 24/8/1964, từ căn cứ Hòa Đồng, địch kéo 6 chiếc M.113 chạy lên thôn Quảng Phú để thọc vào vùng giải phóng của ta. Chúng băng đồng chạy đến thôn Phú Nhiêu (xã Hòa Mỹ), nhiều chị em đội quân tóc dài túa ra bao vây. Chị Bùi Thị Liễu, 37 tuổi, đã nằm lăn ra cản trước xe đi đầu, quyết không cho chúng đi, các bà, các chị nhất tề hô lớn: “Không được giết người! Không được phá lúa…”. Trước sức mạnh không gì cản nổi, bọn địch đành phải bỏ cuộc càn quét, quay xe về.
7 giờ ngày 27/8/1964, địch tiếp tục điều 3 chiếc M.113 từ Hòa Tân chạy lên Hòa Thịnh theo ngõ Bến Sách để giải vây cho đồng bọn đang bị ta bao vây và giao tranh ác liệt ở thôn Cảnh Tịnh (xã Hòa Thịnh). Khi chạy đến Bàu Cỏ, thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thịnh), chúng lập tức bị lực lượng đấu tranh chính trị của chị em Hòa Thịnh nắm tay nhau dàn ra chặn lại.
Đoán trước việc địch sẽ xuống nước năn nỉ nên lần này có sự sắp xếp chu đáo để chị em đấu lý với chúng.
- Chúng tôi hy sinh xương máu mà chưa tiếc, huống chi chỉ hư một ít lúa mà mấy bà ra ngăn cản dữ dằn vậy?
Một bà cụ nói ngay:
- Các ông ra trận chết vì các ông ăn lương của Mỹ. Còn đồng lúa đây là chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Nên chúng tôi phải tiếc nó chứ! Mấy chị khác giỏi ăn nói cũng “đấu khẩu” hợp tình hợp lý với chúng.
Đuối lý, chúng giở trò bắn chỉ thiên mấy loạt để mở đường, nhưng các bà, các chị nằm ngay xuống đám ruộng lúa nước cản đường, kiên quyết không cho chúng đi. Lúc đó, em Nguyễn Văn Lý, 12 tuổi, ở thôn Mỹ Điền (xã Hòa Thịnh) cũng xông vào trước xe đi đầu cùng với các bà, các mẹ. Khi xe vừa dừng lại, em nhảy lên xe kêu khóc không được cán chết bà nội, bà ngoại của em. Chúng bắt em bỏ vào thùng xe định chở đi. Cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt, đồng bào kéo đến đông nghịt, lớp trong lớp ngoài. Thấy không thể đàn áp nổi lực lượng này, chúng xuống nước năn nỉ cho xe lên đường để đi, không lội dưới ruộng lúa nữa. Đến lúc đó, ở thôn Cảnh Tịnh, lực lượng vũ trang ta đã giải quyết xong trận đánh mà địch không được sự tiếp viện giải vây nào.
Nhiều lần đấu tranh thắng lợi đã mở thông tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ ta, tuy chưa có vũ khí chống tăng, nhưng ta lại có vũ khí của 3 thứ quân hợp lại thành 3 mũi giáp công vẫn giành thắng lợi.
NGÔ SAO KIM