Cựu binh Mai Tấn Trung (quê Phú Yên) đã từng công tác nhiều năm ở Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng). Ông vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Bác đã để lại trong ông nhiều tình cảm thiêng liêng và sâu đậm.
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn - Ảnh: TƯ LIỆU |
BÁC BẮT NHỊP BÀI CA KẾT ĐOÀN
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chúng ngang nhiên đưa máy bay đánh phá miền Bắc ở một số nơi như sông Gianh (Quảng Bình); Bến Thủy (Nghệ An); cửa sông Lạch Trường (Thanh Hóa); bến phà Bính (Hải Phòng) và TX Hòn Gai (Quảng Ninh). Lực lượng vũ trang của ta đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Để động viên tinh thần và khí thế của bộ đội, Đảng và Nhà nước tổ chức mít tinh trọng thể tại Hội trường Câu lạc bộ Quân đội ở Hà Nội. Nhiều người đã tập trung tại hội trường từ rất sớm. Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh lần lượt bước vào hội trường. Đi đầu là đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an; tiếp theo là các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Bác đi gần cuối đoàn. Bác và các đồng chí trong đoàn chủ tịch không lên ngay lễ đài mà đứng dưới sân khấu.
Bác hỏi đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội sao chưa tiến hành. Đồng chí Trần Duy Hưng nói: Dạ thưa Bác, chưa đến giờ ạ! Bác nhìn quanh một vòng và hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì sao hôm nay không có đại biểu phụ nữ. Đại tướng đứng nghiêm báo cáo: Dạ thưa Bác, không có. Bác nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Những cuộc mít tinh quan trọng thế này phải có đại biểu phụ nữ và Bác đưa bàn tay phải lên đếm từng lóng tay nói: Trong cơ quan Bộ Quốc phòng thiếu gì phụ nữ, nào là bác sĩ, y tá, văn công, cấp dưỡng. Nhiều phụ nữ như vậy sao không cử chị em đi dự? Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại đứng nghiêm báo cáo: Dạ thưa Bác, xin rút kinh nghiệm để lần sau. Bác lại nói: Lần sau nhớ không được quên, quên là mất quyền lợi của chị em. Bác nói chưa đến giờ, ta hát một bài cho vui. Bác bước lên một chiếc ghế gỗ đưa hai bàn tay bắt nhịp bài Kết đoàn. Bác hát và mọi người cùng hát. Khi điệp khúc lần 2, Bác chủ động vỗ tay, tất cả mọi người cùng vỗ tay và hát theo Bác. Không khí hôm đó thật vui nhộn.
Khi cuộc mít tinh bắt đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng và Nhà nước đọc lời tuyên dương công trạng của lực lượng vũ trang, lần đầu tiên đã bắn rơi 8 máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Tại đây, Bác căn dặn, động viên các lực lượng vũ trang phải đánh mạnh, đánh trúng và bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ hơn nữa để phá vỡ âm mưu của địch dùng máy bay phá hoại miền Bắc. Bác nói: Mỹ giàu, Mỹ mạnh nhưng Việt Nam ta không sợ Mỹ, quyết đánh Mỹ và nhất định thắng Mỹ. Cả hội trường đồng tình đứng dậy vỗ tay giòn giã.
“CÓ TĂNG GIA SẢN XUẤT, MỚI CẢI THIỆN BỮA ĂN”
Tháng 7/1967, Bộ Chính trị họp tại nhà Rồng (nơi đầu não Bộ Quốc phòng làm việc). Khoảng hơn 9 giờ thì nghỉ giải lao, các đồng chí khác đều ra phía trước nhà Rồng. Riêng Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra phía sau nhà Rồng gần phòng mã dịch Cục Cơ yếu. Sáng hôm đó, cơ quan đang nhổ rau cải chất đầy một xe ba gác chuẩn bị cân cho nhà bếp Bộ Tổng tham mưu. Bác và Đại tướng đến thẳng chỗ để xe rau. Bác hỏi rau này ai trồng. Một đồng chí nhân viên mã dịch nói: Dạ, thưa Bác, Cục Cơ yếu trồng ạ. Bác lại hỏi tiếp: Hôm nay các cháu nhổ đi bán phải không? Đồng chí nhân viên mã dịch lại thưa: Dạ, chúng cháu không phải đưa ra ngoài bán mà chở cân cho nhà bếp Bộ Tổng tham mưu ăn ạ. Bác nói: Tốt lắm, Bác biểu dương các cháu, có tăng gia sản xuất mới cải thiện bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ. Vì hiện nay ta còn nhiều khó khăn lắm, hồi ở Việt Bắc, Bác cũng tăng gia nhiều rau lắm, không phải một mình Bác ăn mà cả cơ quan ăn không hết. Nói xong, Bác và Đại tướng đi thẳng vào phòng họp. Cả 6 anh chị em của Cục Cơ yếu có mặt hôm đó đều đứng ngây ra vì cảm động, lòng dạt dào niềm sung sướng, phấn khởi trước sự quan tâm, động viên ân cần của Bác. Bác cao cả, vĩ đại mà giản dị, gần gũi biết bao!
“Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh về những lần được gặp Bác cứ hiển hiện trong tôi. Phong cách giản dị, tình yêu thương vô bờ bến và những lời dạy bảo ân cần của Bác sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời”, ông Trung nói.
HÀ THU
(Ghi theo lời kể của ông Mai Tấn Trung)